Hội Thánh Tin Lành Silver Spring MD




Cuộc Đời Chúa Cứu Thế


The Passion Of The Christ


Thánh Ca Tuyển Chọn

Thông Báo

Kính thưa quý thân hữu, tín hữu! Hội Thánh chúng tôi sẽ tổ chức Lễ Thương Khó vào lúc 8 giờ Tối Thứ Sáu 7 Tháng Tư và Mừng Chúa Phục Sinh vào lúc 11 sáng Chúa Nhật 9 Tháng 4, Năm 2023. Kính mời tất cả quý vị ở lại dự tiệc thông công với Hội Thánh.

Địa điểm: Hội Thánh Tin Lành Silver Spring,

14500 New Hampshire Ave

Silver Spring, MD 20904

Giờ Học Kinh Thánh Trường Chúa Nhật: 10:00 AM - 10:45 AM

Giờ Thờ Phượng: 11:00 AM - 12:00 NOON

Vì Ai Chúa Đành Mang Thập Hình
Kinh Thánh: Ê-sai 53:4-6.
Câu Gốc: “Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương.  
Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh”  
                                                                  (Ê-sai 53:5)
Cầu nguyện:
Giới Thiệu:
     Người ta có thể hy sinh thân mình để cứu những người thân yêu của mình, nhưng hiếm khi vì bạn hữu mà hy sinh. Cho dù người đó có muốn hy sinh thì cha mẹ người đó cũng sẽ không đồng ý.
     Đức Chúa Trời cũng không hài lòng với sự chết của kẻ ác thì làm sao Ngài vui mừng khi thấy Chúa Jêsus đành mang thập hình. Nhưng vì yêu thương nhân loại mà Đức Chúa Cha đành phải để Con yêu dấu của Ngài hy sinh.

Trước hết, Chúa Jêsus đành mang thập hình vì
      I. Đau ốm và buồn bực của chúng ta.
“Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ." (Câu 4). Chúa vì chúng ta đành mang lấy các thứ bịnh tật và buồn bực nhưng chúng ta lại tưởng rằng Chúa bị vậy là đáng. Có khi chúng ta bị bịnh mà không biết mình bị bịnh. Khi Chúa thi hành chức vụ, Ngài chữa bịnh cho rất nhiều người. Nhưng điều Chúa quan tâm nhất là bịnh tâm linh.

      Sứ đồ Giăng cho biết Chúa chữa lành một người bị bịnh bại đã được ba mươi tám năm ở cái ao Bê-tết-đa. Tuy Chúa lánh đi vì chưa tới giờ Chúa phải chịu thương khó. "Sau lại, Đức Chúa Jêsus gặp người đó trong đền thờ, bèn phán rằng: Kìa, ngươi đã lành rồi, đừng phạm tội nữa, e có sự gì càng xấu xa xảy đến cho ngươi chăng." (Giăng 5:14).

     Người đàn bà phạm tội tà dâm không bị bịnh về thể các, nhưng bịnh tâm linh. Khi Chúa hỏi còn ai bắt tội ngươi không thì "Người thưa rằng: Lạy Chúa, không ai hết. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta cũng không định tội người; hãy đi, đừng phạm tội nữa." (Giăng 8:11). Theo lời Chúa Jêsus phán với hai người cho chúng ta thấy Chúa quân tâm đến bịnh tâm linh của chúng ta hơn là bịnh thể xác.

     Các bác sĩ có thể chữa lành bịnh nhức đầu, chóng mặt, bịnh cao đường, cao mỡ, cao huyết áp và ngay cả một số bịnh ung thư, nhưng không thể nào chữa được bịnh tâm linh. Có nhiều con cái Chúa chết vì bịnh ngặt nghèo, nhưng linh hồn không bao giờ chết khi con cái Chúa đó hết lòng tin cậy và làm theo lời Chúa phán dạy.

     Chúa đành mang thập hình vì yêu thương chúng ta. Chúa biết chúng ta sẽ đau ốm và buồn bực về cả thể xác cũng như tâm linh, cho nên, Chúa đành mang sự đau ốm và buồn bực của chúng ta trên thập tự giá để chúng ta được lành bịnh. Tiên tri Ê-sai đã nói bởi lằn roi Chúa chịu chúng ta được lành bịnh, có nghĩa là sự tha tội, chứ không chỉ là sự lành bịnh của thân thể.

      Không một ai ở trần gian này có thể chữa lành được căn bịnh tội lỗi, chỉ duy có Chúa Jêsus Christ mới có thể chữa lành được căn bịnh này mà thôi.

 

Kế tiếp, Chúa Jêsus đành mang thập hình vì
      II. Tội lỗi của chúng ta
Tiên tri Ê-sai cho biết Đấng Christ không có tội, nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết.  Bắt đầu trong đoạn 53 tiên tri Ê-sai nói đến cánh tay của Chúa có nghĩa nói về quyền năng mạnh mẽ, như vua đã nói "Khi tôi nhìn xem các từng trời là công việc của ngón tay Chúa, Mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt," (Thi-thiên 8:3).

      Nhưng vì tội lỗi của nhân loại, tội của tôi và quý vị mà Chúa trở thành cái rễ ra từ đất khô là một hình ảnh về sự nhục nhã và yếu đuối, nhưng đây chính là trọng tâm của Phúc Âm. Đấng vô tội chịu chết làm của lễ chuộc tội. Theo luật pháp Môi-se, thầy tế lễ được phép dùng con chiên không tì vết để chết thay cho tội lỗi của tội nhân. Đó cũng là lý do, Chúa Jêsus là Chiên Con của Đức Chúa Trời đành mang thập hình để chuộc tội lỗi cho chúng ta.

     Khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va phạm tội bất tuân cùng Chúa thì tội lỗi bắt đầu vào trong thế gian. Họ đã bị Đức Chúa Trời đuổi ra khỏi vườn địa đàng và không còn có cơ hội để tương giao mật thiệt với Chúa nữa. Tội giết người cũng đã xảy ra khi Ca-in giết em mình là A-bên.

     Tội kiêu ngạo của loài người cũng xảy ra khi họ "Lại nói rằng: Nào! chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời; ta hãy lo làm cho rạng danh, e khi phải tản lạc khắp trên mặt đất." (Sáng-thế-ký 11:4). Đức Chúa Trời đã thấy sự kiêu ngạo của loài người nên đã làm lộn xộn tiếng nói của họ, vì vậy công trình xây cất của họ bị ngừng lại vì không ai hiểu được ai. Tuy họ đã bị Chúa làm cho lộn xộn tiếng nói, nhưng ngày nay sự kiêu ngạo của loài người vẫn gia tăng và lại xem thường Đức Chúa Trời hơn xưa.

      Ai sống ở trên trần gian này cũng biết rằng: Mình là người có tội, nhưng không tin rằng: Chúa Jêsus đành mang thập hình vì tội lỗi của họ. Có một số người tự cứu lấy mình bằng cách ăn hiền ở lành, tu thân tích đức, nhưng lời Chúa cho biết chúng ta được cứu "ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình;" (Ê-phê-sô 2:8-9).

Cuối cùng, Chúa Jêsus đành mang thập hình vì
     III. Gian ác của chúng ta
"Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.” (Câu 6). Chúng ta làm ác vì thích làm theo điều mình muốn, chứ không làm điều Chúa muốn.
Chúng ta như chiên đi lạc, nên đã đi theo con đường riêng của mình. Chúa đành mang thập hình không phải bởi bất cứ điều gì Chúa đã làm nhưng bởi điều gian ác chúng ta đã làm.

      Chúng ta không trực tiếp đóng đinh Chúa vào thập giá như quân lính La-mã đã đóng đinh Chúa, nhưng đôi khi chúng ta đang đóng đinh Ngài vào thập tự giá bởi tội gian ác chúng ta làm. Không phải cướp của giết người mới gọi là làm ác. Đối với Chúa không tin và không sống theo lời Chúa phán dạy là ác.

     Chúa không quan tâm chúng ta gọi Chúa là Chúa. Chúa không quan tâm chúng ta nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa trừ quỉ và nhân danh Chúa làm nhiều phép lạ. Điều Chúa quan tâm là nghe và làm theo lời Chúa phán dạy.

    Các việc làm kể trên không phải là việc ác, nhưng thái độ của họ khi làm các điều này là gian ác vì làm theo ý muốn của mình mà không làm theo ý muốn của Chúa. Vì vậy, Chúa Jêsus đã phán với các người này như sau: “Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” (Ma-thi-ơ 7:23). Cho nên, chúng ta phải cẩn thận thái độ của mình khi phục vụ Chúa và sống cho Ngài.

     Trên thập tự giá, Chúa Jêsus Christ đã gánh hết thảy tội lỗi và gian ác của chúng ta mà Đức Chúa Trời đã chất trên người. Tội lỗi thật sự là một gánh nặng trở nên nặng nề hơn khi chúng ta tiếp tục chống nghịch với Đức Chúa Trời. Cho nên, Đức Chúa Trời gọi  là sự gian ác, vì bản chất tội lỗi của mình. 

      Sứ đồ Phao-lô nói rằng: "Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung tức là thần hiện đang hành động trong các con bạn nghịch." (Ê-phê-sô 2:1-2). Chúng ta vừa mới sinh ra là đã thuộc về con cái của bạn nghịch rồi. Luật pháp Môi-se cho phép chiên chết thay cho tội lỗi của người chăn, nhưng trong ân điển của Đức Chúa Trời cho phép Chiên Con của Đức Chúa Trời chết thay cho sự gian ác của chúng ta.

Kết Luận:
Vì sao Chúa Jêsus đành mang thập hình. Trước hết là vì Chúa muốn mang lấy sự đau ốm và buồn bực của chúng ta. Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời Ngôi Hai Toàn Năng, nhưng hạ mình xuống như một người chẳng có hình dung đẹp đẽ và không có gì tốt đẹp cho chúng ta ưa thích.

Các Người Pha-ri-si nói cùng môn đồ Ngài rằng: “Làm sao thầy các ngươi ngồi ăn chung với người thâu thuế và kẻ xấu nết vậy?” (Ma-thi-ơ 9:11). Họ muốn lên án Chúa và gây sự chia rẽ giữa Chúa và các môn đồ, nhưng  “Đức Chúa Jêsus nghe đều đó, bèn phán rằng: Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bịnh.” (Ma-thi-ơ 9:12). Các người Pha-ri-si nghĩ rằng họ là những người thánh khiết và khoẻ mạnh, cho nên, họ không cần Chúa mang lấy sự đau ốm của họ. Cuối cùng họ bị hư mất. 

       
Chúa Jêsus sẽ đến với những người có bịnh, nếu tôi và quý vị cho rằng mình không có bịnh và cũng không có buồn bực thì việc Chúa đành mang thập hình vì sự đau ốm và sự buồn bực của chúng ta không còn có ý nghĩa nữa. Vì vậy, chúng ta đừng lấy làm ngạc nhiên khi thấy một số con dân Chúa không quan tâm đến sự thương khó của Đấng Christ.


Bài cầu nguyện Chúa Jêsus dạy là xin Cha tha tội cho chúng con như chúng con tha tội cho kẻ khác. Chúng ta phạm tội cùng Chúa mỗi ngày, mỗi phút và mỗi giây, vì vậy, Chúa Jêsus đành mang thập hình vì tội của chúng ta bởi tình yêu cao cả của Ngài như Phao-lô nói  “bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta.” (Rô-ma 8:39).


Điều Chúa gọi là gian ác khi chúng ta nghe mà không làm theo lời Chúa phán dạy. Chúa Jêsus đành mang thập hình vì sự gian ác của chúng ta, cho nên, chúng ta phải sống xứng đáng là con cái yêu dấu của Chúa. Phao-lô khuyên tôi con dân Chúa nên sống xứng đánh cho Chúa như sau:  “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” (1 Cô-rinh-tô 10:31).


Nguyện xin lời Chúa giúp cho chúng ta sống xứng đáng để đáp đền tình yêu của Chúa. Vì yêu mà Chúa Jêsus đành mang thập hình vì tôi và quý vị. Amen!

Mục sư Võ Lộc


Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.