Sáng Thế Ký

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ (9)
*******************************
ĐỀN TẠM.
Xuất 35: - 40:

Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn Chúa cho qua Chương trình Phát Thanh Tin Lành, chúng ta được cùng học Kinh thánh. Hôm nay, chúng ta học tiếp sách Xuất Ê-díp-tô ký phần thứ 9, với chủ đề ĐỀN TẠM, một trong những đặc điểm của sách.
Đặc điểm của loài người chúng ta, dù đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô. 3:23), nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn con người lúc nào cũng khao khát một sự thờ phượng đối với Đấng Tạo Hóa. Chúa biết điều đó và Chúa cũng đẹp lòng về điều đó, nên Ngài đã dạy Môi-se làm một Đền Tạm cho Ngài, hầu những ngày dân Chúa đi trong đồng vắng, họ có nơi tập trung thờ phượng, đáp ứng sự khao khát của họ đối với Chúa.
TẠI SAO GỌI LÀ ĐỀN TẠM? Sở dĩ gọi là Đền Tạm, có hai lý do:

  • Nhu Cần Hiện Tại.

Sau khi ra khỏi Ai Cập, người Y-sơ-ra-ên cũng như các dân tộc khác đều có nhu cần thờ phượng, nhu cần thờ phượng được biểu lộ qua việc bắt chước nhau tìm môt vị thần hoặc một nơi thờ tự. Qua sự việc thờ con bò con bằng vàng, dân Y-sơ-ra-ên đã bộc lộ nhu cần bắt chước người Ai Cập.
Do đó, Đức Chúa Trời đã dạy Môi-se dựng một Đền Thờ Tạm suốt những ngày dân Y-sơ-ra-ên đi trong đồng vắng chưa có thể xây một đền thờ cố định.
Và đền thờ nầy được thiết kế theo cách tháo ráp được. Trên đường đi về Đất Hứa, thì dân Y-sơ-ra-ên có thể tháo ra và khiêng đi; khi dừng lại một nơi nào, thì họ lại ráp vào thành một đền thờ.

  • Tương Lai Xa.

Nói Đền Thờ Tạm thì đã hàm ý Chúa sẽ cho có Đền thờ kiên cố. Dân Y-sơ-ra-ên chờ đợi mãi cho đến thời vua Sa-lô-môn trị vì, tức là từ khi ra khỏi Ai Cập khoảng năm 1450 TC. đến năm 960 TC.
HÌNH DÁNG ĐỀN TẠM. 25:8-9
Nói chung Đền tạm là một kiến trúc di động, tháo ráp, được ghi từng phần từ đoạn 25 đến đoạn 38. Chúng ta nhận được những điểm đặc biệt như sau;

  • Chính Đức Chúa Trời ra lịnh cho Môi-se dựng một Đền Thánh cho Chúa, dù là những vật liệu tạm, nhưng Đức Chúa Trời vẫn kể là thánh.
  • Mục đích của Đền Thánh là để chứng nhận Đức Chúa Trời ở giữa dân Chúa. Toàn bộ kiểu mẫu là do Đức Chúa Trời thiết kế.
  • Mạng lịnh dựng Đền tạm được ban cho Môi-se trong lúc Môi-se lên núi 40 ngày 40 đêm lần thứ hai – 25:12-18.
  • Cách bố trí Đền tạm có thể nói theo từ hiện đại là 2 trong 1 về tổng thể với Đền thánh và Hành lang, được bao bọc bởi những vách bao bằng gỗ. Phần đền thánh cũng theo cách 2 trong 1 với Nơi thành và nơi Chí Thánh.
  • Đặc điểm nữa là được xây dựng từ nơi Chí thánh trước có Hòm Bảng Chứng hoặc Hòm Giao Ước kèm theo Nấp Thi Ân. Rồi đến Nơi thánh với Bàn Bánh Trần Thiết, Đèn Bảy Ngọn và Bàn Thờ Xông Hương. Tất cả khí mạnh dùng trong Đền thánh đều được làm bằng vàng, bọc vàng. Sau cùng là phần ngoài hành lang tính từ cửa vào với Bàn Thờ Bằng đồng để dâng của lễ thiêu và chậu rửa bằng đồng đặt giữa cửa Đền thánh và bàn thờ dâng của lễ thiêu.

Điều lý thú là kiến trúc Đền tạm được so sánh với cấu tạo thân thể con người. Có hai ý kiến về cấu tạo con người được Kinh thánh nói đến:

  • Theo Truyền đạo 12:7, “và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó” – người theo ý kiến nầy cho rằng con người gồm hai phần: Thân và Linh hồn.
  • Còn I Tê. 5:24, “nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn”. Người theo ý kiến nầy cho rằng con người gồm ba phần: Tâm thần, linh hồn và thân thể.

Tuy nhiên căn cứ vào cách kiến trúc Đền tạm, cũng có ý kiến thứ ba. Vì trong phần Đền thánh có hai trong một, giống như từ ngữ Linh Hồn trong tiếng Việt Nam chúng ta gồm Linh Hồn, vì vậy con người được cấu tạo gồm hai phần chính Thân và Linh Hồn, trong phần Linh Hồn gồm hai yếu tố: Linh là phần tiếp xúc với Đức Chúa Trời và phần Hồn là phần biểu lộ sự sống và cảm giác.
Theo Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời dạy, sau khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va phạm tội nghe lời ma quỉ không vâng lời Đức Chúa Trời và cũng không chịu ăn năn, thì loài người bị chết phần Linh, không còn được tiếp xúc với Đức Chúa Trời, cho nên sự Chết Tâm Linh là sự phân rẽ giữa Đức Chúa Trời với con người. Bằng cớ là người Việt Nam chúng ta chỉ gọi Đấng Tạo hóa là Ông Trời, chỉ khi nào đã ăn năn tội, tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình, thì Kinh thánh xác quyết: ‘Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12), thì người tin Chúa Jêsus phục hoàn địa vị làm con Đức Chúa Trời, người đó có thể gọi Đức Chúa Trời là Cha, và Đức Chúa Trời nhận người đó là con của Ngài (Rô. 8:14-16). Chính hành động từ chối học Kinh thánh, hoặc đề kháng nghe lời Đức Chúa Trời dạy, nói lên con người trở nên xa lạ với Đức Chúa Trời Tạo hóa, do con người bị chết phần tâm linh, không còn biết Đức Chúa Trời Tạo hóa đã dựng nên mình, dù miệng vẫn biết Trời sanh người trong đó có chính mình. Nói cách khác, một người không tin Chúa Jêsus làm cứu Chúa của mình thì cái điểm tiếp xúc với Đức Chúa Trời không có.
Cái chết thứ hai mà Kinh thánh nói đến là: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét”, đó là cái chết thể xác, vua Đa-vít gọi là con đường chung của thế gian” (II Vua 2:2). Đấy là Sự Chết Thuộc Thể, một Sự Phân Rẽ giữa Xác và Hồn con người.
Và cái chết kinh khiếp nhất mà ngoài Kinh thánh không có một sách nào nói đến, đó là Sự Chết Đời đời. Lời Chúa là Kinh thánh phán; “Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài” (II Tê. 1:9). Nói cách khác một người không chịu tin Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của mình, thì Chúa phán: “Ai tin Chúa Jêsus Christ thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Chúa Jêsus Christ thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Giăng 3:36).
Đó là lý do một người muốn đến trước Đức Chúa Trời trong Đền tạm thì người đó phải dâng một sinh tế là chiên, dê hay bò, ngay cả thầy tế lễ cũng phải dâng nơi Bàn Thờ Bằng Đồng, và còn phải tắm rửa nơi Chậu Rửa thì mới được vào Nơi Thánh. Cảm ơn Chúa, Kinh thánh cho biết khi Chúa Jêsus chịu chết trên thập tự giá, thì bức màn trong Đền tạm mà sau nầy là Đền thờ ngăn cách Nơi Thánh và Nơi Chí Thánh bị xé ra từ trên chí dưới, cho người tin Chúa Jêsus Christ được tư do đến gần Đức Chúa Trời là Cha của họ.
Nhơn đây, chúng ta phải nói đến môt vấn đền quan trọng là Nguồn Gốc Linh Hồn. Có tà thuyết cho rằng khi một người được sanh ra thì Đức Chúa Trời dựng nên một linh hồn mới cho người đó, người ta gọi đây là thuyết Trực tạo thuyết. Nếu nói như vậy, Đức Chúa Trời Tạo hóa công nhận những đứa trẻ được sanh từ những tội tà dâm sao? Đức Chúa Trời Chí Thánh đã ghi trong 10 Điều răn: Ngươi chớ phạm tội tà dâm không cho phép điêu đó xảy ra.
Cũng có ý kiến cho rằng Đức Chúa Trời có sẵn một kho kinh hồn, khi có một đứa bé được sanh ra thì Đức Chúa Trời sẽ cho xuất kho linh hồn đó, người ta gọi đó là Dự Bị Thuyết. Chúng ta thấy ý kiến nầy cũng cho rằng Đức Chúa Trời Tạo hóa đồng ý với tội tà dâm, một tư tưởng phạm thượng với Đức Chúa Trời Chí Thánh.
Lời Chúa phán: Vả, hơi sống của Đức Chúa Trời dầu có dư dật, chỉ làm nên một người mà thôi  (Ma-la-chi 2:15). Bằng cớ là khi Đức Chúa Trời dựng nên người đầu tiên trên đất là A-đam thì sau khi dùng đất nắn nên hình người, Đức Chúa Trời còn hà sanh khí – thổi sự sống vào tượng người đó, thì tượng đất đó trở nên loài sanh linh. Nhưng khi Đức Chúa Trời dựng nên người thứ hai trên đất là Ê-va, thì Đức Chúa Trời không hề hà sanh khí nữa, Đức Chúa Trời chỉ lấy một xương sườn nơi A-đam làm nên người nữ. Từ ngữ xương sườn vùng Mê-sô-bô-ta-mi, nơi con người được dựng nên cũng gọi là ‘Ti’ nghĩa là Tế bào. Đây là cuộc cấy ghép theo Di Truyền học, và cứ thế nhân loại được sanh ra di truyền thân thể, di truyền phần linh hồn cho dòng dõi loài người.
Đây là lý do Kinh thánh so sánh Thân Thể của con người chúng ta là Đến Thờ mà Đức Chúa Trời ngự trong đó, dù là Đền tạm hoặc Đền thờ chính thức. Lời Chúa phán, “Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao? Ví có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ” (I Cô. 3:16-7). Lời nầy được nhắc lại như một lời tái xác quyết, “Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng thuộc về mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời” (I Cô. 6:19-20).
Lời Đức Chúa Trời phán trong Xuất Ê-díp-tô ký 25:8-9 đáng trân trọng lắng nghe biết bao cho đời sống thuộc linh lẫn thuộc thể. Chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm:

  • Họ sẽ làm cho ta một đền thánh – Chúa không nói một đền thờ tạm hoặc đền thờ đẹp, nhưng Chúa gọi là đền thánh, chữ thánh gồm nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, sạch vì được lau dọn, sạch vì nơi đó chỉ để thờ phượng Chúa, tôn vinh Chúa mà thôi. Chúa cho anh em có một nơi gọi là đền thờ, nhà thờ, nhà nguyện, nhà gì cũng được miễn anh em gọi là nơi thờ phượng Chúa, có Chúa hiện diện, thì nhờ ơn Chúa hãy lo lau dọn sạch sẽ, và chỉ sử dụng làm vinh hiển danh Chúa. Vì lời Chúa cũng gọi thân thể anh em là Đền thờ Thánh Linh ngự, thế thì hãy quý trọng thân thể mình, giữ sạch sẽ, đừng làm hư hỏng thân thể vì ăn uống quá độ, say sưa, buông tuồng. Hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời.
  • Ta sẽ ở giữa họ - lời nầy quan trọng biết bao! Lời Chúa phán: “nhìn xem Đưc Chúa Jêsus”. Làm sao người chung quanh chúng ta nhìn thấy Chúa Jêsus? Họ thấy Chúa Jêsus qua chính đời sống người tin Chúa Jêsus, như họ nhìn thấy Đức Chúa Trời qua chúng ta và qua Hội Thánh của Chúa Jêsus Christ.
  • Hãy làm đền đó y như kiểu đền tạm cùng kiểu các đồ dùng mà ta sẽ chỉ cho ngươi – nhờ ơn Chúa hãy học cho rõ kiểu sống y như kiểu mà Đức Chúa Trời đã chỉ dạy chúng ta trong Kinh thánh, đừng biến chế, đừng thêm bớt (Khải. 22:18-19).

Lời sau cùng của bài học hôm nay là Môi-se đã đặt Đền tạm ngay trung tâm cộng đồng dân Chúa, Tôi tin rằng Đức Chúa Trời cũng muốn lúc nào Chúa cũng là trung tâm đời sống của chúng ta, để dân tộc Việt Nam đều nhìn thấy Đức Chúa Trời qua cộng đồng dân Chúa. A-men!