XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ (8)
*******************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn Chúa cho qua Chương trình Phát Thanh Tin Lành, hôm nay chúng ta có dịp cùng học Kinh thánh là lời Đức Chúa Trời qua sách Xuất Ê-díp-tô ký phần 8, với chủ đề là CON BÒ VÀNG hoặc THỜ HÌNH TƯỢNG, từ đoạn 32 đến 34, qua đó Kinh thánh mặc khải cho chúng ta về bản tánh của Đức Chúa Trời.
32:1-6 – NGUYÊN NHÂN CÓ CON BÒ VÀNG.
Ba đoạn 32, 33, 34 nầy thật cần yếu cho dân Y-sơ-ra-ên và cũng cần cho chúng ta biết rõ về Đức Chúa Trời. Dân Y-sơ-ra-ên dù đã ra khỏi đất Ai Cập, nhưng với 430 năm ảnh hưởng của Ai Cập, hay nói cách khác, với bản chất của con người tội lỗi, A-rôn và dân Y-sơ-ra-ên vẫn còn vướng vít hình ảnh một Đức Chúa Trời theo quan niệm của người Ai Cập bằng một hình tượng, ví dụ như hình tượng con bò con. Và họ dựng lên một con bò con bằng vàng và tôn nó là Đức Chúa Trời (Xuất 32:1-6). Vì dân Ai Cập theo nông nghiệp, bởi họ có đồng bằng sông Nile rộng lớn do sông Nile từ Trung Phi chảy ra Địa Trung Hải bồi đấp nên, giống như đồng bằng sông Cửu Long của miền Nam Việt Nam.
Với kinh tế nông nghiệp, tất nhiên phương tiện cày bừa buộc phải có bò, cho nên bò được người Ai Cập xem như một vị thần đem cơm no áo ấm cho họ. Với 430 năm nô lệ, người Y-sơ-ra-ên chắc chắn ảnh hưởng văn hóa con bò nông nghiệp của Ai Cập. Vì cớ đó, khi Môi-se lên núi theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời, thời gian Môi-se vắng mặt đến 40 ngày 40 đêm chậm xuống, không có tin tức của Môi-se, nên dân Y-sơ-ra-ên nghĩ: “vì về phần Môi-se nầy, là người đã dẫn chúng tôi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, chúng tôi chẳng biết có điều chi xảy đến cho người rồi’ (32:1, 25), dân Y-sơ-ra-ên muốn có một vị thần thấy được đi trước dẫn dắt họ.
Tâm lý loài người luôn muốn thấy rồi mới tin, cho nên các tôn giáo thế gian luôn bày ra hình tượng các vị thần thấy được như Phao-lô nói: ‘Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại; họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng” (Rô. 1:22-23). Nói như một học giả Việt Nam; ‘khi con người không còn gì để thờ, họ sẽ đem chính mình lên bệ thờ. Nhưng lên cao quá liệu có đủ không khi để thở không’. Với thời kỳ công nghệ cao, con người cũng đã đem máy móc lên bệ thờ. Hãy bước vào những nơi thờ tự của các tôn giáo sẽ thấy vô số hình tượng từ hình tượng con người đến các loài chim, loài cá, loài thú, đến các loài côn trùng. Họ có thể tin các loài thọ tạo đó ban phước cho họ nhưng họ không tin một Đức Chúa Trời Tạo Hóa có phước để ban cho họ, trong khi miệng họ nói thiên sinh vạn vật, duy nhân tối ư linh.
Đó là lý do Tin Lành của Chúa Jêsus Christ được Chúa dạy: “Đức Chúa Trời là Thần (Linh), nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng 4:24).
Qua việc nầy, dân Y-sơ-ra-ên và chính Môi-se nữa, được Chúa dạy một bài học: Chúa là Đấng không thấy được, vô hình vô tượng, cá nhân Môi-se cũng muốn được nhìn thấy Đức Chúa Trời (33:18-20), Và Đức Chúa Trời trả lời cho Môi-se rằng ai thấy Chúa là chết, người như Môi-se cũng chỉ thấy được Chúa cho thấy vinh quang của Chúa mà thôi.
Có người cũng đòi tôi chỉ cho thấy Đức Chúa Trời thì người đó tin. Tôi nói Kinh thánh cho biết ai thấy Đức Chúa Trời thì sẽ chết, khi chết rồi thì ông làm sao tin. Cho nên Chúa thương ông muốn ông tin Chúa rồi ông sẽ thấy Ngài. Có một người tên Đổ Đức Trí làm chứng về Chúa cho người bạn cùng làm việc trong Sở làm, người bạn đòi ông chỉ cho thấy Đức Chúa Trời, ông Trí bảo người bạn nhìn ông Trí sẽ thấy Đức Chúa Trời. Người bạn nhìn rồi hỏi: Đức Chúa Trời đâu? Ông Trí đáp: Ông thấy tôi là ông thấy Đức Chúa Trời rồi, vì tôi là con Chúa, con giống cha mà. Thật sự Đức Chúa Trời hiện diện chung quanh chúng ta, trong chúng ta, tại chúng ta cố giả bộ không thấy Chúa. Thử xô người đó một cái, người đó sẽ nhận ra Đức Chúa Trời liền.
II/. 32:7-14 – ĐỨC CHÚA TRỜI GHÉT HÌNH TƯỢNG.
Đức Chúa Trời ghét kẻ làm hình tượng và phạt kẻ nào làm hình tượng, trong Điều răn thứ hai đã ghi rõ: “ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quỳ lạy trước các hình tượng đó, và cũng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời người, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đền ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ cá điều răn ta” (Xuất 20:4-6).
Cảm ơn Chúa, từ sáng thế đến nay, Đức Chúa Trời đã không cho ai tạc hoặc vẽ hình ảnh của Ngài; ngay cả Chúa Jêsus Christ khi Ngài đến thế gian mang hình hài của con người cũng không để lại hình ảnh gì về Ngài, vì Chúa muốn “ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng 4:24).
Hãy xem thái độ của Đức Chúa Trời đối với việc thờ hình tượng, mặc dù hình tượng đó được dựng lên làm biểu tượng cho Chúa. Kinh thánh ghi lại thái độ của Đức Chúa Trời: “Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy xuống đi, vì dân mà ngươi đưa ra khỏi xứ Ê-díp-tô đã bại hoại rồi, vội bỏ đạo truyền dạy, đúc một con bò tơ, mọp trước tượng bò đó và dâng của lễ cho nó mà nói rằng: Hỡi Y-sơ-ra-ên! Đây là thần đã dẫn ngươi lên khỏi xứ Ê-díp-tô! Đức Giê-hô-va cũng phán cùng Môi-se rằng; Ta đã xem thấy dân nầy là một dân cứng cổ. Vả, bây giờ hãy để mặc ta làm, hầu cho cơn thạnh nộ ta nổi lên cùng chúng nó, diệt chúng nó đi…”
Kinh thánh cũng cho thấy chính vì tội thờ hình tượng của người Y-sơ-ra-ên mà Chúa phạt họ bị lưu đày qua Ba-by-lôn 70 năm.
- Tiên tri Giê-rê-mi mô tả tội thờ hình tượng của dân Y-sơ-ra-ên: “Hỡi Giu-đa, ngươi có bao nhiêu thành, có bấy nhiêu thần; Giê-ru-sa-lem có bao nhiêu đường phố, các ngươi cũng lập bấy nhiêu bàn thờ cho vật xấu hổ, tức những bàn thờ đốt hương cho Ba-anh” (Giê. 11:13).
- Tiên tri Ê-xê-chi-ên được Chúa cho thấy tội thờ hình tượng của dân Y-sơ-ra-ên trước khi Chúa quyết định lưu đày họ: “Vậy ta vào, xem thấy; và nầy, có mọi thứ hình tượng côn trùng và thú vật đáng gớm ghiếc, mọi thần tượng của nhà Y-sơ-ra-ên đã vẽ trên chung quanh tường (Êx. 8;10-11).
Hậu quả là Chúa từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên và cho phép họ bị đày qua Ba-by-lôn 70 năm, từ đó dân Y-sơ-ra-ên không dám thờ hình tượng nữa. Kinh thánh nói về hình tượng: “Những người ấy không biết và không suy xét; vì mắt họ nhắm lại để đừng thấy, lòng họ lấp đi để đừng hiểu. Trong bọn họ chẳng ai suy đi nghĩ lại, chẳng ai có sự thông biết khôn sáng mà nói rằng: ta đã lấy phân nửa mà chụm; đã hấp bánh trên lửa than; đã quay thịt và ăn rồi; còn thừa lại, ta dùng làm một vật gớm ghiếc sao? Ta lại đi cúi mình lạy một gốc cây sao? (Ê-sai 44:18-19).
Kinh thánh củng cho chúng ta biết, khi sứ đồ Phi-e-rơ là người được người đời tôn sùng, khi Phi-e-rơ vào nhà của sĩ quan La Mã tên Cọt-nây, vị sĩ quan nầy sấp mình thờ lạy Phi-e-rơ, Phi-e-rơ lập tức đỡ Cọt-nây dậy, nói rằng: Ngươi hãy đứng dậy, chính ta cũng chỉ là người mà thôi (Công. 10:25-26). Kinh thánh cũng ghi lại về sứ đồ Phao-lô cũng vậy, khi dân thành Lít-trơ thấy Phao-lô nhơn danh Chúa Jêsus Christ chữa lành cho người què từ lúc mới sanh, thì họ tôn Phao-lô làm thần và thờ lạy. Phao-lô đã xé áo mình, kêu lên: Chúng ta chỉ là loài người giống như các ngươi (Công. 14:14-15). Ngay cả thiên sứ trên trời khi được sứ đồ Giăng sấp mình thờ lạy cũng phải từ chối mà nói rằng: Đừng làm như vậy; ta là bạn tôi tớ với ngươi… (Khải. 19:10). Lời cuối cùng của Kinh thánh tuyên án kẻ thờ hình tượng, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa (Khải. 21:8).
Học qua thái độ của Đức Chúa Trời đối với hình tượng để hiểu câu Đức Chúa Trời kỵ tà,hễ ai ghét ta, ta sẽ phạt con cháu đến ba bốn đời (Xuất. 20:4-6).
32:15 – 34:9 – MÔI-SE DIỆT HÌNH TƯỢNG.
Kinh thánh ghi rõ thái độ Môi-se đối với hình tượng
- 32:15-20, khi thấy tượng bò con và dân sự nhảy múa, Môi-se nổi giận, liệng hai bảng chứng khỏi tay mình, bể ra nơi chon núi; đoạn lấy bò con bằng vàng của chúng đã đúc đem đốt trong lửa, rồi nghiền cho đến thqnh ra bụi, rải trên mặt nước, và cho dân Y-sơ-ra-ên uống (32:19-20). Môi-se cũng xử những người đã góp phần khiến dân Chúa phạm tội, trong đó A-rôn và có độ 3.000 người bị giết chết.
Đây là bài học cho người tin Chúa đối với hình tượng, phải tận diệt đừng để nó theo đuổi. Lỗi lầm của người tin Chúa Jêsus là không loại bỏ hoàn toàn hình tượng trong đời sống mình nên nó trở nên cái ngạnh lưỡi câu, nhất là có người giữ lấy như một đồ kỷ niệm khiến ma quỉ lợi dụng lôi kéo phạm tội. Chúng ta không sợ ma quỉ vì chúng ta có Chúa, nhưng chúng ta cũng không khinh dể ma quỉ vì chúng có quyền hơn những người không nhờ cậy Chúa (Gia-cơ 4:7; Giu-đe 9).
- Cảm ơn Chúa, như Lời Chúa dạy: “Hãy trách phạt những kẻ nầy, là kẻ trù trừ, hãy cứu vớt những kẻ kia, rút họ ra khỏi lửa; còn đối với kẻ khác, hãy có lòng thương lẫn với sợ, ghét cả đến cái áo bị xác thịt làm ô uế” (Giu-đe 22).
Kinh thánh đã ghi lại cơn giận của Môi-se khi thấy dân Chúa quỳ lạy hình tượng con bò con, nhưng Kinh thánh cũng ghi lại lòng yêu thương của người lãnh đạo kính sợ Chúa đối với dân Chúa, Môi-se đã lên nùi cầu thay cho dân Chúa, Đức Chúa Trời xem Môi-se như một người bạn thân (33:11). Cảm ơn Chúa vì Ngài đã nhậm lời cầu xin của Môi-se.mà tha thứ cho dân sự. Ôi, người lãnh đạo biết lãnh đạo quan trọng dường nào trước mặt Đức Chúa Trời!
Đức Chúa Trời đã tha thứ dân Y-sơ-ra-ên vì họ biết ăn năn, chẳng những Chúa tha thứ mà Chúa còn cho Môi-se thấy vinh quang của Chúa. Vinh quang của Đức Chúa Trời đã ảnh hưởng trên Môi-se được Kinh thánh ghi lại như sau: “Khi Môi-se tay cầm hai bảng chứng đi xuống núi Si-nai, chẳng biết rằng da mặt mình sáng rực bởi vì mình hầu chuyện Đức Giê-hô-va… Dân Y-sơ-ra-ên nhìn mặt Môi-se thấy da mặt người sáng rực, thì Môi-se lấy lúp che mặt mình cho đến khi nào vào hầu chuyện Đức Giê-hô-va” (34:29).
Những lời nầy khiến tôi nhớ đến Chấp sự Ê-tiên, khi ông bị Tòa Công Luận xử án, những kẻ xử án Ê-tiên đều nhìn chăm Ê-tiên, thấy mặt người như mặt thiên sứ vậy (Công. 6:15). Xin Chúa cho Hội Thánh có những người lãnh đạo khiêm nhường, đối địch với tội lỗi bằng tình yêu thương, để mọi người không nhìn thấy gương mặt nghiêm khắc của một nhà tu nhưng thấy một con người mang vinh quang của Đức Chúa Trời.
|