Đề mục: LỊCH TRÌNH RA ĐI
Kinh thánh: Sách Xuất Ê-díp-tô ký 14: - 40:
Câu gốc: Xuất 12:41
****************************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn Chúa cho qua Chương trình Phát Thanh Tin Lành, chúng ta được cùng nhau học Kinh thánh sách Xuất Ê-díp-tô ký phần 5, để biết được hành trình của dân Y-sơ-ra-ên từ khi ra khỏi Ai Cập đến khi đến tại núi Si-nai.
I/. VƯỢT BIỂN ĐỎ: Xuất. 14: - 15:21
Lịch trình tuyển dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập có sự thay đổi. Lý do của sự thay đổi là vì Chúa biết vua Ai Cập và đạo quân của Ai Cập sau biến động con đầu lòng bị giết, họ hồi tỉnh và quyết định đuổi theo để bắt dân Y-sơ-ra-ên trở lại làm nô lệ. Trong 14:1-4, Chúa truyền lịnh cho Môi-se đưa dân Y-sơ-ra-ên lui lại đóng trại đối diện với Biển Đỏ.
Xét về địa hình, vị trí của dân Y-sơ-ra-ên quá nguy hiểm, vì trước mặt là Biển Đỏ, hai bên là vách núi, phía sau là đạo quân Pha-ra-ôn đuổi theo. Trong lịch sử các cuộc chiến của Trung quốc, có người dàn quân cách dựa bờ sông như thế nầy, khiến quân sĩ buộc lòng phải liều mạng tử chiến mà thắng trận; cũng có người bắt chước dàn quân dựa bờ sông như vậy lại thua trận.
Riêng về dân Y-sơ-ra-ên chưa từng một lần chiến đấu, lại là một đoàn người với 600 ngàn đàn ông, bên cạnh có vợ con, cha mẹ, của cải, gia súc của họ, nếu có tử chiến, họ cũng không thể thắng được, nhất là họ đang hoảng sợ và muốn nổi loạn chống lại Môi-se (Xuất. 14:10-12)
Cảm ơn Chúa, Đức Chúa Trời đã can thiệp, chính Ngài chiến cự, còn dân Y-sơ-ra-ên thì yên lặng (14:14). Chúng ta hãy nghe tác giả sách Xuất Ê-díp-tô ký ghi lại cuộc chiến của Đức Giê-hô-va với đạo quân của Ai Cập:
14:19-20, thiên sứ của Chúa bảo vệ tuyển dân trở lại đi sau qua việc trụ mây lộn lại phía sau làm một bức màn che chắn cho tuyển dân, khiến phía người Ai Cập thì tối tăm, còn phía dân Y-sơ-ra-ên thì sáng. Mục đích của trụ mây là để hai bên không sáp lại gần nhau được, mà dân Y-sơ-ra-ên cũng không nhìn thấy quân Ai Cập mà bị mất tinh thần.
15:21-22, Chúa bảo Môi-se đưa tay trên biển và Ngài làm cho nước Biển Đỏ rẽ ra, khiến đáy biển thành một con đường khô cho dân Y-sơ-ra-ên đi ngang qua, hai bên nước thành một bức vách.
Ai đã từng xem bộ phim Mười Điều Răn thấy Đạo diễn dùng kỹ thuật điện ảnh trong cảnh nầy cũng phải tấm tắc khen. Tôi tin rằng cảnh thật đời Môi-se chắc chắn còn hùng vĩ hơn.
Có người vịn cớ khoa học đã tính ra vào thời điểm Môi-se dắt đoàn dân đến Biển Đỏ có một trận động đất trên thượng lưu Biển Đỏ tách lòng biển làm hai, tạo thành một hố sâu rút nước xuống, khiến hạ lưu có một khoảng đất trống để dân Y-sơ-ra-ên đi ngang qua, rồi khi đạo quân Ai Cập bước xuống, hố sâu đó theo chấn động của mặt đất khép lại đẩy số nước vừa rút xuống trào lên khiến đạo quân Ai Cập không kịp chuẩn bị nên chết hết. Họ cho rằng đó là sự ngẫu nhiên để chối bỏ phép lạ.
Người tin Chúa không cần phải lo lắng, mà phải cảm ơn Chúa vì khoa học đã giúp chúng ta chứng minh câu chuyện vượt Biển Đỏ của Kinh thánh không phải là truyện thần thoại. Đặc biệt trận động đất lại xảy ra vào đúng lúc dân Chúa cần, há không phải là phép lạ sao? Còn đạo quân Ai Cập bước xuống thì đúng lúc nước khép lại, há chẳng phải là phép lạ sao?
Chiến thắng tại Biển Đỏ nầy làm cho dân Y-sơ-ra-ên không thể nào nín lặng phải hát một bài ca và nhảy múa ngợi khen Chúa. Hơn 400 năm, lần đầu tiên dân Y-sơ-ra-ên hát được một bài ca ngợi khen Chúa. Thật là kỳ diệu!
Sự kiện dân Y-sơ-ra-ên vượt Biển Đỏ đem lại cho người tin Chúa Jêsus nhiều bài học quí báu:
- Bài học đối với sự cứu rỗi: rõ ràng sự kiện nầy một phép báp-têm, chết đời sống cũ, sống đời sống mới, như Phao-lô đã áp dụng trong thư I Côrintô 10:1-2. Từ đây người tin Chúa Jêsus dứt khoát đời sống cũ.
- Bài học đối với sự bảo vệ của Đức Chúa Trời: có những lần cá nhân tôi dường như bế tắc trong cuộc sống, trước mặt là Biển Đỏ, sau lưng là đạo quân Ai Cập, hai bên là vách đá khó qua, bên cạnh là sự túng quẫn của gia đình. Cảm ơn Chúa, Chúa đã rẽ Biển Đỏ vào đúng lúc tôi hoàn toàn tuyệt vọng để tôi lại được tiếp tục con đường phục vụ Chúa.
Có ai trong anh chị em ở vào những bài học đó không? Người cũ đã dứt khoát chưa? Có cùng đường tuyệt lối chưa? Hãy học bài học dân Y-sơ-ra-ên Vượt Biển Đỏ hầu cho thêm đức tin nơi Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta. Tôi tin rằng khi đó, anh chị em cũng sẽ giống dân Y-sơ-ra-ên để hát một bài ca ngợi khen Chúa không dứt.
II/. TIẾN ĐẾN SI-NAI: 15:22 - 18:
Trong phần sách Xuất Ê-díp-tô ký nầy thuật kể cho chúng ta diễn biến trên hành trình từ Biển Đỏ đến Núi Si-nai, đặc biệt cho chúng ta thấy ba khó khăn lớn mà Môi-se phải đối phó trước đoàn dân hơn 2 triệu người nầy khi dắt họ về Đất Hứa.
- Sự cứng lòng của dân Y-sơ-ra-ên: Xuất. 15:22 - 17:7
Trong đoạn 15:1-21 là một bài ca vui mừng cảm tạ ơn Chúa bảo vệ, giữ gìn được dân Y-sơ-ra-ên hát lên. Nhưng ngay sau đó đến 15:2, dân Y-sơ-ra-ên quên hết các ơn lành của Chúa, để lằm bằm, than trách, muốn nổi loạn chống lại Môi-se, chống lại Chúa.
Lý do nổi loạn là vì thiếu ăn thiếu uống nên oán trách Chúa, oán trách Môi-se, và họ lại nhớ về một Ai Cập có bánh ăn dù phải làm nô lệ. Họ sẵn sàng đổi lấy một chút thỏa mãn đòi hỏi của xác thịt bằng kiếp nô lệ. Và Chúa đã cho Môi-se làm phép lạ có nước cho họ uống. Chúa thật đầy lòng thương xót, đã ban cho họ ma-na làm lương thực suốt 40 năm trong đồng vắng. Họ không làm mà vẫn có ăn (Phục. 8:2-5). Chỉ tiếc một điều là dân Y-sơ-ra-ên cứ cứng lòng không tin, và sự cứng lòng nầy tiếp diễn trong suốt 40 năm, đến nỗi trở thành đặc tánh của dân Y-sơ-ra-ên như tác giả thư Hê-bơ-rơ đã goị dân Y-sơ-ra-ên là dân cứng cổ (Hêb. 3:7-9).
- Sự tấn công của các thù nghịch: Xuất. 17:8-16
Phân đoạn Kinh thánh nầy cho chúng ta những nhận định tiêu biểu về hành trình của tuyển dân Y-sơ-ra-ên đi về Đất Hứa:
- Dân Chúa bị dân ngoại thù nghịch tấn công và những cuộc tấn công nầy sẽ còn tiếp tục ngay cả khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất hứa.
- Bí quyết thắng trận của dân Y-sơ-ra-ên trong trận chiến nầy là: Họ phải anh dũng chiến đấu như Giô-suê, cộng với quyền năng của Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện của người lãnh đạo như Môi-se.
Những cuộc tấn công của thù nghịch làm hình bóng về sự tấn công của ma quỉ vào đời sống người tin Chúa Jêsus ngày nay, như Phao-lô đã nói đến trong thư Êphêsô 6:10-13. Tôi tin rằng đây cũng là kinh nghiệm của những người tin và theo Chúa đến nay. Biết bao nhiêu lần ngoài sự cám dỗ của xác thịt trong những cái ăn, cái uống, còn cả một đạo quân của ma quỉ lúc nào cũng chực chờ tấn công chúng ta (I Phi. 5:8). Chỉ xin Chúa cho mỗi chúng ta áp dụng bài học về cách dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng quân A-ma-léc, ấy là:
- Anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa và nhờ sức toàn năng của Ngài (Êph. 6:10)
- Anh em hãy phục Đức Chúa Trời và chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em (Gia-cơ 4:7)
- Cách Quản lý dân sự: Xuất. 18:
Cá nhân tôi thật ngạc nhiên khi đọc đến bài học về Nghệ thuật lãnh đạo mà ông Giê-trô đã dạy cho con rể của mình là Môi-se trong đoạn nầy. Tôi ngạc nhiên vì Kinh thánh làm chứng rằng Môi-se đã học hết sự khôn ngoan của người Ai Cập (Công. 7:22), nhưng lại không được học hay là Môi-se đã quên bài học lãnh đạo dân sự (?).
Bài học lãnh đạo nầy phát xuất từ sự bức xúc của Giê-trô, nhạc phụ của Môi-se, vượt đường xa đến thăm con mà phải chờ suốt ngày cũng chưa được gặp. Cách quản lý của Giê-trô là:
- chọn người đủ tư cách lãnh đạo với những tiêu chuẩn: tài năng, có đời sống thuộc linh tốt (kính sợ Chúa), và ngay lành trung tín.
- chia dân sự thành những nhóm 1.000 người, 100 người, 50 người, 10 người, để giải quyết từ dưới lên trên. Bí quyết của Giê-trô về Nghệ thuật lãnh đạo là phân công chia việc.
Điều tôi cảm ơn Chúa là Môi-se dù học giỏi, nhưng không hề kiêu ngạo, Môi-se sẵn sàng vâng lời ông gia mình, làm y như mọi điều người đã dạy (Xuất 19:24).
Cách quản lý dân sự là nan đề của Môi-se, nhưng Môi-se đã thành công vì biết lắng nghe. Đây há không phải là bài học cho mỗi chúng ta về nghệ thuật lãnh đạo và sự khiêm nhường lắng nghe để thành công sao?
III/. TẠI SI-NAI: Xuất. 19: - 40:
Địa điểm Núi Si-nai là ngay đỉnh của bán đảo Si-nai, Đức Chúa Trời đã cho dân Y-sơ-ra-ên dừng chân ở đây một năm (Xuất. 19:1 so với 40:1-2). Tại sao Đức Chúa Trời để dân Y-sơ-ra-ên ở tại nơi nầy lâu như vậy? Khi nghĩ đến điều nầy, chúng ta phải thật cảm tạ Chúa yêu thương và quan tâm đến tuyển dân của Ngài.
Vì trải qua 430 năm ở Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên chỉ là một đám nô lệ, không hề biết luật lệ pháp độ như thế nào. Họ chỉ cần biết một luật duy nhất dành cho người nô lệ là VÂNG PHỤC và VÂNG PHỤC.
Bây giờ dân Y-sơ-ra-ên đã được tự do, sắp bước vào một đất nước đượm sữa và mật, lập thành một dân tộc độc lập. Do đó, dân Y-sơ-ra-ên cần có tổ chức, có luật lệ. Chúa đã dùng 3 bước cho chương trình huấn luyện dân Chúa:
- ban 10 Điều Răn làm căn bản như một Hiến pháp của một quốc gia gồm bổn phận đối với Chúa và bổn phận đối với người.
- Từ đoạn 21 đến 23 là bảng giải thích 6 điều luật bổn phận con người với nhau.
Và phần còn lại của sách từ 24 đến 40 là lời Chúa dạy Môi-se cách xây dựng đền tạm làm trung tâm sinh hoạt cộng đồng dân Chúa suốt 40 năm trong đồng vắng.
Nhìn lại công cuộc cứu chuộc của Đức Chúa Trời thực hiện trên dân Chúa qua gương của dân Y-sơ-ra-ên, áp dụng vào sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời thực hiện qua Chúa Jêsus Christ được Kinh Tân Ước dạy hoàn toàn khác với những gì người tin Chúa Jêsus ngày nay hiểu sự cứu rỗi. Người tin Chúa Jêsus ngày nay chỉ biết một điều là tin Chúa Jêsus để được cứu, hoặc để được tha tội, mà không biết những gì Đức Chúa Trời làm cho họ sau khi tin Chúa Jêsus để được tha tội.
Thi thiên 40:2-3, giải thích sự cứu chuộc của Chúa Jêsus Christ gồm các bước:
- Chúa đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê - hầm tội lỗi.
- Chúa làm cho tôi khỏi những bùn lấm – nghĩa là còn thánh hóa tôi, tẩy sạch những vết bùn lấm bám trên tôi (Hê. 12:1).
- Chúa đặt chân tôi trên hòn đá – sống có niềm tin vững chắc nơi lời Chúa
- Chúa làm cho bước tôi vũng bền – ban cho người da được cứu đời sống bình an.
- Chúa ban cho người được cứu đời sống vui mừng biết ngợi khen Chúa.
Phao-lô gọi đời sống người tin Chúa Jêsus được tha tội còn được hưởng gia tài với các thánh đồ (Công. 26:18). Xin Chúa cho những tin Chúa Jêsus thưởng thức được sự sống đời đời sau khi tin Chúa Jêsus ngay trên đất. Cũng xin Chúa cho Quý vị nếm biết Chúa là ngọt ngào ngay sau khi tin Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình.
|