Sáng Thế Ký

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ (4)
*********************************


MƯỜI TAI VẠ
Xuất Ê-díp-tô ký 5 - 12
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn Chúa cho qua Chương trình Phát Thanh Tin Lành, chúng ta được cùng học Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Hôm nay chúng ta cùng học sách Xuất Ê-díp-tô ký phần thứ 4, với chủ đề là “10 Tai Vạ” mà Đức Chúa Trời cho Môi-se thực hiện để phạt xứ Ai Cập vì sự cứng lòng của vua và cả xứ không chịu để cho dân Y-sơ-ra-ên của Chúa tự do ra đi.
Tại sao Đức Chúa Trời phải thi hành 10 tai vạ trên đất Ai Cập? Có hai lý do:
I/. VÌ DÂN CHÚA.
Kinh thánh xác nhận đối với Đức Chúa Trời không có gì là ngẫu nhiên, Chúa là Đức Chúa Trời có trật tự và làm việc có kế hoạch (I Cô. 14:33, 40). Vì vậy, trong ý chỉ đời đời của Chúa, khi Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham, Chúa đã báo trước rằng: “dòng dõi ngươi sẽ ngụ trong một xứ chẳng thuộc về chúng nó, làm tôi mọi cho dân xứ đó và bị họ hà hiếp bốn trăm năm. Nhưng, ta sẽ đoán phạt dân mà dòng dõi ngươi sẽ làm tôi mọi đó; rồi khi ra khỏi xứ, thì sẽ được của cải rất nhiều” (Sáng. 15:13-14).
Lời tiên báo nầy ứng nghiệm ngay khi bắt đầu sách Xuất Ê-díp-tô ký, và cũng là lúc kết thúc thời gian 400 nô lệ của dân Y-sơ-ra-ên tại Ai Cập.
Một câu hỏi nữa có thể được đặt ra, tại sao Đức Chúa Trời lại để cho dân Chúa bị hà hiếp 400 năm? Chúng ta không biết hết ý muốn của Đức Chúa Trời, chỉ biết ý của Chúa bao giờ cũng tốt lành cho dân Chúa. Thánh Gia-cơ nói: “Phước cho người bị cám dỗ [hoặc thử thách], vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài” (Gia-cơ 1:12).
Kinh thánh cũng đã dạy về sự dẫn dắt của Chúa đối với người theo Chúa, Chúa thường cho phép người theo Chúa phải đi qua trũng bóng chết, trũng khóc lóc (Thi. 23:4; 84:6) để tập luyện người đó. Chúa Jêsus phán: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi… Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác” (Giăng 16:33; 17:15). Thư Hê-bơ-rơ còn nói rõ một nhu cần khác khiến người tin Chúa Jêsus hay bị hoạn nạn, khó khăn: “Vi Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt. Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt?” (Hê. 12:6-7).
Khi nhín thấy đồng bào mình bị người Ai Cập hà hiếp 400 năm, có lẽ Môi-se đã nghĩ Đức Chúa Trời ở cao quá không biết, nên ông đã tự đứng ra dùng sức riêng định giải cứu dân tộc, kết quả là Môi-se thất bại, ông lại càng ngã lòng. Đến khi Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se và Chúa đã phán những lời thắm đẫm tình yêu thương: “Ta đã thấy rõ ràng sự cực khổ của dân ta tại xứ Ê-díp-tô, và có nghe thấu tiếng kêu rêu vì cớ người đốc công của nó; phải, ta biết được nỗi đau đớn của nó.  Ta ngự xuống đặng cứu dân nầy khỏi tay người Ê-díp-tô, dẫn từ xứ ấy lên đến một xứ kia đẹp đẽ và rộng rãi, đượm sữa và mật” (Xuất. 3:7-8). Tôi tin chắc người có lòng mà đọc những lời nầy của Đức Chúa Trời phán với Môi-se không thể nào không cảm động, vì một Đức Chúa Trời Tạo hóa không phải chỉ ngự trên tít mù trời cao, cũng không phải là cái tượng vô tri vô giác trên bàn thờ, mà là một Vị Cha yêu thương con ruột thịt. Môi-se khám phá ra Đức Chúa Trời không phải như ông đã nghĩ, Chúa còn thương dân Ngài hơn Môi-se thương đồng bào mình. Tiên tri Ê-sai nói: “Hễ khi dân Ngài bị khốn khổ, chính Ngài cũng khốn khổ, và thiên sứ trước mặt Ngài đã cứu họ rồi. Chính Ngài đã lấy lòng yêu đương thương xót mà chuộc họ. Ngài đã ẵm bồng, và mang họ trong các ngày thuở xưa” (Ê-sai 63:9).
Người ta nói Đức Chúa Trời như chim Đại bàng tập con mình bay. Chim mẹ chở chim con trên cánh bay lên cao, rồi chim mẹ hất chim con ra. Từ khoảng không cao vút, chim con rơi xuống, với bản năng sinh tồn chim con sẽ tung đôi cánh yếu ớt của mình. Và cứ thế cho đến ngày chim con tự mình bay. Xin Chúa cho chúng ta là con của Chúa, là dân sự thuộc Chúa vững lòng trong hoạn nạn (Xuất. 4:31).
II/. VÌ VUA AI CẬP CỨNG LÒNG. 5:1-2
Đọc hai câu nầy với lời đáp của vua Ai Cập: “Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người, để cho dân Y-sơ-ra-ên đi? Trẫm chẳng biết Giê-hô-va nào hết; cũng chẳng cho dân Y-sơ-ra-ên đi nữa” (Xuất. 5:2), Quý vị nghĩ vua Ai Cập có đáng bị Đức Chúa Trời phạt không? Đáng bị Đức Chúa Trời phạt lắm. Tại sao vua Ai Cập dám trả lời như vậy? Có 3 lý do.

  • Các vua Ai Cập cũng giống như các vua ở Đông phương, luôn cho họ là Trời – Thiên Tử, có quyền tuyệt đối, nhất là vua Ai Cập tự xưng là RÂ – Thần Mặt trời. Trời thì họ chẳng sợ ai.

Đó là lý do Đức Chúa Trời đã sai Môi-se thực hiện những tai vạ trên các thần của Ai Cập:

  • Tai vạ thứ nhất: nước biến thành máu (Xuất. 7:19-21), thần Sông Nile đã bị đổ huyết. Vua Ai Cập không quan tâm tai vạ nầy.
  • Tai vạ thứ hai: Ếch nhái bò khắp xứ, thay vì đem phước, ếch nhái đã là tai họa cho Ai Cập. Vua Ai Cập bắt đầu sợ và hứa, nên Môi-se xin Chúa tha thứ khiến ếch nhái – vị thần của Ai Cập chết hết, người ta dồn ếch nhái lại từ đống, và cả xứ hôi thối lắm (8:13-14)
  • Thoát tai vạ, vua Ai Cập nuốt lời, nên Chúa sai tai vạ thứ ba – muỗi khắp xứ, bu người và súc vật.

Nói đến đây làm tôi nhớ lại kỷ niệm làm chứng về Chúa cho một người một người tên Trần Minh Khai. Ông Khai nói với tôi: ‘tôi không tin Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật. Nếu Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật thì Chúa dựng nên con muỗi để làm gì? Tôi không thấy ích lợi gì.. Tôi trả lời ông Khai: Tôi biết chắc Đức Chúa Trời dựng nên con muỗi có mục đích, như khi vua Ai Cập không tin có Đức Chúa Trời, Chúa đã sai muỗi đến chích vua, kết quả là vua đã sợ quá bằng lòng nhìn nhận có Đức Chúa Trời.

  • Tai vạ thứ tư là ruồi mòng, không phải ruồi bình thường, kích cỡ ruồi to, hút máu gia súc, kể cả người, dân quê Việt Nam đều biết ruồi mòng cắn trâu bò cũng sợ. Đây cũng là một loại thần của người Ai Cập. Đặc biệt là Chúa báo trước vùng Gô-sen của dân Y-sơ-ra-ên sẽ không bị ruồi tấn công (8:22).

Thật như Phao-lô đã nói về những kẻ không chịu nhìn biết Đức Chúa Trời Tạo hóa, “họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng” (Rô. 1:23).
Qua bốn tai vạ chứng tỏ các thần là hư không, đến tai vạ thứ 5 Đức Chúa Trời đụng đến nền kinh tế kiêu ngạo của vua Ai Cập. tôi nói nền kinh tế kiêu ngạo vì khi giàu người ta thường bị cám dỗ; “E khi no đủ, tôi từ chối Chúa, mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai? Đó là lời của vua Ai Cập đã nói với Môi-se, và Chúa đã giáng:

  • Tai vạ thứ 5 – nầy, tay của Đức Giê-hô-va sẽ tra vào các súc vật của ngươi ngoài đồng, vào ngựa, lừa, lạc đà, bò, và chiên: sẽ có dịch lệ rất lớn… nhưng của dân Y-sơ-ra-ên chẳng chết một con nào” (Xuất. 9:3-7).
  • Tai vạ thứ 6 – Ghẻ chốc. Đây là loại ghẻ chốc cương mủ trên mình người và súc vật khắp cả xứ… các thuật sĩ đứng trước mặt Môi-se không được, vì có ghẻ chốc đã sanh trên mình họ (Xuất. 9:9-11).
  • Tai vạ thứ 7 – mưa đá. Tai vạ mưa đá nầy lớn và kinh khiếp đến nỗi từ khi khai sáng Ai Cập đến lúc đó chưa hề có, vả, có mưa đá sa xuống và lửa cháy rất mạnh pha lộn với” (Xuất. 9:23-24).
  • Tai vạ thứ 8 – cào cào tràn lên khắp cả xứ… nhiều vô số. Trước kia chẳng bao giờ có bằng số đó, sau nầy cũng chẳng hề sẽ có bằng như vậy. Cào cào bao phủ khắp mặt đất của cả xứ, và xứ thành ra tối tăm, cắn xả các rau cỏ ngoài đồng cùng trái cây mà mưa đá còn chừa lại; trong khắp xứ Ê-díp-tô chẳng còn chút xanh tươi chi cho cây cối…” (Xuất. 10:14-15). Lần nầy thi Vua Ai Cập rúng động biết sợ (10:16-17).
  • Tai vạ thứ 9 – cả xứ tối tăm ba ngày không ai thấy nhau được, không ai nhóm khỏi chỗ mình được. Nhưng trong chốn dân Y-sơ-ra-ên thì có ánh sáng (Xuất. 10:22-23).

Dù vua Ai Cập bắt đầu biết sợ nhưng lòng vẫn còn cứng cỏi đối với Đức Chúa Trời, và Chúa đã giáng tai vạ thứ 10 đụng đến gia đình từ vua cho đến dân: Tất cả con trai đầu lòng đều bị chết. Đối với người Ai Cập cũng giống như người Việt Nam chúng ta, coi trọng con trai trưởng, và đến tai vạ thứ 10 nầy, vua Ai Cập đã đầu phục Đức Chúa Trời để dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi kiếp nô lệ. Dĩ nhiên, câu chuyện Đức Chúa Trời cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập không dừng ở 10 tai vạ, vì sau đó vua Ai Cập lại cho quân đuổi theo vả tất cả bị diệt dưới Biển Đỏ.
Tuy nhiên, bài học 10 tai vạ nầy có thể được nhìn theo một góc khác. Đọc lại từ tai vạ đầu, chúng ta thấy các thuật sĩ của Ai Cập cũng làm được một số phép lạ mà Môi-se và A-rôn đã làm nhưng có những giới hạn cho họ, như:
Khi A-rôn liệng cây gậy hóa rắn, thì các thuật sĩ cũng làm được, nhưng có hai điều phải chú ý: (1) thay vì các thuật sĩ ngăn chận con rắn của A-rôn, họ chỉ gây thêm họa là hóa thêm rắn; (2) điều chú ý gậy của A-rôn nuốt các gậy của họ (Xuất.10-12).
Từ tai vạ thứ nhất đến tai vạ thứ hai các thuật sĩ Ai Cập cũng làm được, nhưng hãy chú ý là các thuật sĩ không ngăn chận được tai vạ mà còn vô tình hỗ trợ thêm tai vạ (7:23, 7). Tuy nhiên, đến tai vạ thứ ba (muỗi) thì các thuật sĩ bó tay. Việc các thuật sĩ làm được vài phép lạ như Môi-se làm nhắc người tin Chúa Jêsus nhớ rằng ma quỉ cũng có thể làm được những phép lạ. Chúa Jêsus phán: “Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn”. Lời Chúa cũng phán trong Khải huyền 13:13-17 về tiện tri giả, “nó làm những phép lạ lớn, đến nỗi khiến lửa từ trời rơi xuống đất trước mặt người ta…” Lời Chúa nhiều lần nhắc người tin Chúa Jêsus là ma quỉ có thật, ma quỉ cũng được Đức Chúa Trời cho phép làm một số phép lạ; đôi khi chúng được Chúa cho phép thắng hơn các thánh đồ, cám dỗ những người tin Chúa Jêsus. Ngày nay, con người đã bước vào thế kỷ 21 với những tiến bộ khoa học, sự giàu có thịnh vượng, nhiều tiện nghi trong đời sống, nhưng phải thật sự xin Chúa tha thứ là nhiều người tin Chúa Jêsus vẫn còn dễ bị cám dỗ chạy theo những phép lạ mà không cần biết những dấu kỳ phép lạ đó đến từ đâu, và quên lời Chúa đã dạy chúng ta tin Chúa chứ không tin vào những phép lạ, chỉ phép lạ duy nhất phải tin đó là phép lạ Chúa Jêsus chịu chết và chôn, sống lại theo lời Kinh thánh, và bởi đó đời sống người tin Chúa Jêsus nhận được phép lạ lớn nhất là người tin Chúa Jêsus thì đời sống được biến cải từ tối tăm qua sáng láng, từ quyền lực quỉ Sa-tan đến với Đức Chúa Trời là Cha, được hưởng gia tài của các thánh đồ, được tha tội và được sự sống đời đời.
Điều sau cùng, bài học 10 tai vạ dạy người chưa tin Chúa thôi đừng chống cự Đức Chúa Trời nữa, còn người đã tin Chúa Jêsus đừng chạy theo dấu lạ, phép lạ nữa, kẻo e trật phân ân điển của Chúa (Hê. 12:15-17). Muốn thật hết lòng!