Sáng Thế Ký

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ (3)
*******************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn Chúa cho qua Chương trình Phát Thanh Tin Lành, chúng ta đã học qua về một nhân vật nổi tiếng cũng là nhân vật chính của sách Xuất Ê-díp-tô ký, đó là Môi-se. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau nói tiếp về Môi-se, một khía cạnh rất đặc biệt của Môi-se, ấy là dù Môi-se là người học giỏi, tài năng, có công rất lớn với dân Y-sơ-ra-ên, nhưng Kinh thánh làm chứng về tánh tình của Môi-se là: “Vả, Môi-se là người rất khiêm hòa hơn mọi người trên thế giới” (Dân. 12:3).
Cảm ơn Chúa cho rất đúng cơ hội là tuần qua, tôi được biết một người có học vị là Tiến sĩ nhưng lại đầy kiêu ngạo kiểu mục hạ vô nhân. Thật ra trên đất Mỹ thì học vị Tiến sĩ là bình thường, có người mới hơn 40 tuổi nhưng có đến 3 học vị Tiến sĩ, cũng có một vị cao niên trên 60 lấy được học vị Tiến sĩ, điều đáng trân quí là khi văn bằng Tiến sĩ (Dr. = Doctor), vị cao niên nầy đã nói: hôm nay tôi là người nhận bằng chỉ đường (Dr. = Drive), vị cao niên nầy không dám ghi hai chữ Dr. trước tên của mình. Hôm nay, chúng ta lại có dịp học Lời Chúa về Môi-se một người khiêm hòa hơn hết trên thế gian.
I/. GIA ĐÌNH CỦA MỘI-SE. Xuất. 2
Kinh thánh cho biết Môi-se được sanh ra trong gia đình thuộc dòng dõi chi phái Lê-vi, tức thuộc dòng tế lễ, trong thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên đã và đang làm nô lệ tại Ai Cập, không có tài sản, không có tự do, không có giá trị của con người.
Điều đáng quý là Môi-se đã có một người cha và người mẹ yêu thương Môi-se từ lúc lọt lòng mẹ. Vì lúc bấy giờ vua Ai Cập mưu toan diệt chủng đã ra lịnh tất cả con trai người Y-sơ-ra-ên được sanh ra phải quăng xuống sông, phải giết cho chết. Có lẽ lịnh diệt chủng nầy mới ban hành, vì anh của Môi-se là A-rôn được sống, trong khi Môi-se được sanh ra phải đem giấu.
Mới 3 tháng tuổi, cha mẹ không còn giấu được nên đã thả Môi-se trôi sông cầu may. Đức Chúa Trời đã cho Môi-se gặp công chúa Ai Cập vớt lên nuôi dưỡng. Chúng ta lại thấy Môi-se có một người chị thật yêu thương Môi-se, đã theo dõi việc trôi sông của Môi-se, đã thấy công chúa Ai Cập vớt em mình, và người chị Mi-ri-am thật nhanh trí, mà cũng can đảm nữa, đã xuất hiện đúng lúc để đề nghị kêu vú nuôi Môi-se giúp công chúa, Người gái trẻ đó đi kêu mẹ của đứa trẻ. Vừa yêu thương em, vừa nhanh trí, vừa khôn ngoan, Môi-se không còn bị đe dọa sự sống nữa dưới danh hiệu con trai của công chúa Pha-ra-ôn.
Lòng yêu thương đồng bào dân tộc của Môi-se có được không thể nào thiếu công khó của người mẹ, đúng như câu nói:

  • Vì Đức Chúa Trời không thể ở khắp mọi nơi nên đã dựng nên người mẹ - tôi xin sửa lại cho đúng Kinh thánh câu nói nầy: Vì Đức Chúa Trời muốn chứng minh Ngài ở khắp mọi nơi, nên đã dựng nên người mẹ, vì Đức Chúa Trời là Đấng ở khắp mọi nơi (Thi. 139:5-10).
  • Người chưa tin Chúa cũng nói: ‘Trên bước đường thành công của một người, luôn có bóng dáng của hai phụ nữ: người mẹ và người vợ.

Và mẹ của Môi-se là người mẹ đó!
Rồi trong 40 năm chức vụ lãnh đạo dân Chúa, Đức Chúa Trời đã cho chị Mi-ri-am và người anh A-rôn cùng giúp đỡ Môi-se, người chị làm nữ tiên tri đã tổ chức ban hát ngợi khen Chúa lần đầu tiên cho dân Y-sơ-ra-ên sau hơn 400 năm nô lệ; người anh A-rôn là thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên. Dù có những lúc người chị, người anh nầy cũng đã gây khó khăn cho chức vụ của Môi-se, như chị Mi-ri-am đã ganh ghét người vợ sau của Môi-se (Dân. 12); còn A-rôn thì làm dân Y-sơ-ra-ên vấp phạm vì áp lực của dân sự, A-rôn đã làm một con bò con bằng vàng cho dân sự thờ lạy (Xuất. 32).
Dù vậy, chúng ta phải nhận rằng, Môi-se được cha mẹ, chị và anh rất yêu thương. Đọc những lời Kinh thánh nầy về gia đình của Môi-se, so với thời hiện tại, thời nền tảng yêu thương gia đình không còn, nên tội ác thêm nhiều. Xin Chúa cảm động lòng người tin Chúa Jêsus quay lại với Thi thiên 128.
II/. MÔI-SE VỚI BÊN VỢ. Xuất. 2:16-25; 4:18
Theo tượng điêu khắc gia tạc Môi-se đặt tại Giáo đường tại La Mã, đó là một người vai to thịt bắp, rắn rỏi, tỏ ra tánh tình của một người cứng rắn, nghiêm khắc, mặt nhìn về bên phải là bên lý trí hơn là bên trái là tinh cảm.
Nhưng đọc những câu Kinh thánh mà sách Xuất Ê-díp-tô ký đã ghi lại về bên vợ của Môi-se thì phải nhận rằng hoàn toàn vừa khiêm hòa, vừa hiếu thảo:

  • 40 năm sống trong gia đình bên vợ giúp việc chăn chiên cho ông gia mình, trong nhà có 7 chị em gái, nhưng Môi-se là người chồng chuẩn mực, người anh rể nghiêm túc, đứng đắn.
  • Khi lên đường theo lời Chúa gọi, chúng ta phải ngạc nhiên kính phục Môi-se – một Tiến sĩ cao cấp, lại là một người hiếu lễ, biết xin phép cha vợ, lời đối đáp hai bên là lời của cha yêu thương con với người con hiếu thuận.
  • Trong 4:24-26, nhiều người cứ thắc mắc: Tại sao vợ Môi-se làm vậy? Huyết lang là gì? Tôi chưa thấy ai nhìn ra Sê-phô-ra là một người vợ là người giúp đỡ chồng như câu người Việt Nam thường nói: Vợ ngoan làm quan cho chồng, giúp chồng thành công.

Bây giờ đến đoạn 19, một cảnh đoàn tụ gia đình vui vẻ, ông gia của Môi-se đã nuôi dưỡng vợ con của Môi-se trong lúc Môi-se làm nhiệm vụ dẫn dắt dân sự với bao khó khăn, nguy hiểm (18:1-4). Một buổi chào đón long trọng được Môi-se tổ chức với sự tôn kính của Môi-se dành cho ông gia mình. Quý vị có nhìn thấy sự quý mên nhau giữa cha vợ với con rể không?
Nhơn đây phải nói một chút về Giê-trô, cha vợ của Môi-se. Giê-trô còn có tên là Rê-u-ên (2:18) không phải là người Y-sơ-ra-ên, làm chức tế lễ. Tên Rê-u-ên nghĩa là Bạn của Đức Chúa Trời; còn Giê-trô có lẽ là chức tước của ông có nghĩa là Cao Quý. Kinh thánh ghi lại những người làm chức tế lễ nhưng không phải là người Y-sơ-ra-ên:

  • Sáng. 14:18-20. Thầy tế lễ Mên-chi-xê-đéc tại Giê-ru-sa-lem, không phải là người Y-sơ-ra-ên thuộc chi phái Lê-vi, được thư Hê-bơ-rơ nói rõ lai lịch, “người không cha, không mẹ, không gia phổ, không có ngày đầu mới sanh, cũng không có ngày rốt qua đời…” (Hê. 7:3).
  • Người thứ hai nầy là Giê-trô (Xuất 2:16). Qua cách đối xử của Môi-se đối với Giê-trô, chắc chắn Giê-trô đã gây ấn tượng rất tốt, đến nỗi khi được Giê-trô chỉ dạy về thuật lãnh đạo là phải phân công (18), Môi-se sẵn lòng vâng lời và áp dụng ngay, dù Môi-se học vấn cao hơn. Thật là một người khiêm hòa!

Ngày nay chúng ta chỉ nhìn thấy Môi-se với cây gậy hóa rắn, với cây gậy rẽ Biển Đỏ, với cây gậy đập hòn đá phun nước ra, nhưng ít người biết một Môi-se đầy lòng yêu thương gia đình, dù là gia đình bên vợ, với vợ với con, họ quên mất lời Giô-suê nói trong giờ hưu trí: “Ta và nhà ta phục sự Đức Giê-hô-va” (Giô-uê 24:15). Người hầu việc Chúa ngày nay quên bài học mà Đa-vít đã bị học trong I Sam. 30:1-5.
Tân Ước cũng ghi lại gia đình một người hầu việc Chúa là sứ đồ Phi-e-rơ. Phi-e-rơ là một người tánh tình bộc trực, nghĩ sao nói vậy, đã có một người vợ biết yêu thương chức vụ của Phi-e-rơ đến nỗi đi đâu Phi-e-rơ cũng đều có vợ đi theo (I Cô. 9:5), sự nồng ấm của vơ chồng Phi-e-rơ đã khiến sứ đồ Phao-lô nhìn thấy cũng ao ước, trái tim Phao-lô cũng rung động. Phi-e-rơ đã biết dung hòa chức vụ với qua sự cảm thông những nhu cần của phụ nữ trong đó là việc trang điểm (I Phi. 3:1-9), Phi-e-rơ biết yêu thương mẹ vợ già bịnh đem về nuôi dưỡng, xin Chúa Jêsus chữa lành cho bà; Phi-e-rơ cũng biết nấu ăn ngon (I Phi. 1:3-5), biết chăn nuôi (II Phi. 2:12, 21-22).
Đó là lý do sứ đồ Phao-lô viết ra những điều kiện làm Giám mục và Chấp sự trong I Tim. 3 đòi hỏi cả hai chức vụ đứng đầu Hội Thánh đều phải quan tâm đến người nhà mình: “là chồng chỉ một vợ…, phải khéo cai trị nhà riêng mình, giữ con cái mình cho vâng phục và ngay thật trọn vẹn; vì nếu có ai không biết cai trị nhà riêng mình, thì làm sao cai trị được Hội Thánh của Đức Chúa Trời… Vợ các chấp sự cũng phải nghiêm trọng, chớ nói xấu, phải có tiết độ và trung tín trong mọi việc. Các chấp sự chỉ nên làm chồng của một vợ mà thôi, phải khéo cai trị con cái và nhà riêng minh”.
III/. MÔI-SE VỚI NGƯỜI CHUNG QUANH.
Môi-se đối với người chung quanh là đối với dân Chúa. Hãy tưởng tượng cá nhân chúng ta trước một đoàn dân 600.000 người đờn ông đi bộ, nếu mỗi ông có một vợ và hai con, tổng cộng là 2 triệu 400 ngàn, chưa kể lại có vô số người ngoại bang đi lên chung, luôn với chiên, bò, súc vật rất nhiều (Xuất. 12:37-38), không nhà, không cửa, không có bảo đảm lương thực, nước uống và nước sinh hoạt.v.v…, không có bất cứ một phương tiện nào để dẫn đoàn người.
Trong hoàn cảnh như vậy, người lãnh đạo như Môi-se đã có lúc được hoan hô như sau khi từ núi Si-nai xuống (Xuất 20:18-21), nhưng nhiều lần Môi-se đã nóng lên (Xuất. 32:19-24), nóng giận đến nỗi phạm tội bị Chúa phạt không cho vào Đất Hứa (Dân. 20:9-12). Dù vậy, sau đó Môi-se đã cầu thay cho dân Chúa (Xuất. 32:30). Nói như người Việt Nam, giận con 5, 6, chứ 9, 10 thương, giận con chém bằng sóng không chém bằng lưỡi. Như Phao-lô trong cơn giận Hội Thánh tại Cô-rinh-tô phạm tội phe đảng, Phao-lô đã nói: “Anh em muốn điều gì hơn: muốn tôi cầm roi mà đến cùng anh em, hay là lấy tình yêu thương và ý nhu mì?, giận lắm nhưng cũng chỉ cầm được cây roi là biểu tượng tình yêu thương của người cha sửa phạt con mình, không cầm dao chém cho chết.
Nói những người chung quanh Môi-se cũng phải nói đến cảnh Môi-se lên đầu nổng cầu thay trong lúc Giô-suê cùng dân Chúa chiến đấu với quân A-ma-léc. Kinh thánh ghi lại Môi-se cần anh em phụ tiếp trong khi cầu nguyện: “Tay Môi-se mỏi, A-rôn và Hu-rơ bén lấy đá kê cho người ngồi, rồi ở hai bên đỡ tay người lên; tay người chẳng lay động cho đến khi mặt trời lặn. Giô-suê lấy lưỡi gươm đán bại A-ma-léc và dân sự người” (Xuất. 17:10-13). Dù tài giỏi đến đâu, uy quyền đến đâu, học thức cao bao nhiêu, có ơn Chúa rất nhiều, Môi-se cũng cần anh em phụ giúp cùng chiến đầu cho Đức Chúa Trời.
Nổi bật thêm nữa là dù bận rộn trăm bề, Môi-se cũng đã chuẩn bị những người kế thừa chức vụ bằng công tác huấn luyện, dù đến 120 tuổi mắt của Môi-se không làng, sức người không giảm (Phục. 34:7), Môi-se biết tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi” (Thi. 90:10). Một người kế thừa tuyệt vời là Giô-suê được Môi-se huấn luyện về chiến trận (Xuất. 17:10-13), được huần luyện về sự cầu nguyện với Chúa và kinh nghiệm biết lắng nghe (Xuất. 32:15-18).
Đây là bài học mà người lãnh đạo Cơ-Đốc ngày nay phải học nơi Môi-se, dù cá nhân có tài giỏi thế nào, chức vụ cá nhân có thành công đến đâu, công việc của Chúa không phải đến đời mình là kết thúc, hoặc hưu hạ ngồi đó khoe khoang quá khứ, nhưng lãnh đạo mà Môi-se học là phải biết phân công (Xuất. 18), lãnh đạo là phải biết đào tạo kế thừa. Phao-lô viết thư cho Ti-mô-thê là người mà Phao-lô đã đào tạo và căn dặn: “Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác” (II Tim. 2:2).
Đến đay, tôi tin chắc ai trong chúng ta cũng đồng ý Môi-se là người khiêm hòa hơn hết trong thế gian, và sứ đồ Phao-lô cũng là người học thức cao, nổi tiếng cả nước, có uy quyền giết ai tùy ý, đến nỗi không chỗ trách được, nhưng khi phục vụ Chúa, Phao-lô đã nói: Tôi hầu việc Chúa cách khiêm nhường, phải nhiều nước mắt…” (Công. 20:18). Mong Chúa tìm được người kế tiếp các đầy tớ của Chúa những người khiêm hòa như Môi-se, khiêm nhường như Phao-lô. Muốn thật hết lòng!