XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ (2)
******************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn Chúa cho qua Chương trình Phát Thanh Tin Lành, chúng ta được cùng học sách Xuất Ê-díp-tô ký trong Kinh thánh. Trong phần thứ 1, chúng ta đã học về tên sách và chủ đề XUẤT HÀNH. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng học về nhân vật chính của sách, đó là Môi-se.
Có một lần tôi nghe các Bạn Trẻ trong Hội Thánh đố: ‘Ai là người xấu trai nhất trong Kinh thánh? Tôi cũng không nghĩ ra. Bất ngờ câu trả lời là Môi-se. Tại sao biết Môi-se xấu trai? Lời giải đáp là vì Môi-se có cái ‘môi’ bị se lại. Dĩ nhiên dó chỉ là đố vui của các bạn trẻ, trong khi Kinh thánh xác nhận: “Vả, có một người trong họ Lê-vi đi cưới con gái Lê-vi làm vợ. Nàng thọ thai, và sanh một con trai; thấy con ngộ, nên đem đi giấu trong ba tháng”. Còn thư Hê-bơ-rơ 11:23 thì nói: “Bởi đức tin, khi Môi-se mới sanh ra, cha mẹ người đem giấu đi ba tháng, vì thấy là một đứa con xinh tốt”. Tên Môi-se do tiếng Hi-bá-lai (từ động từ Masha), có nghĩa là ‘kéo’. Có lẽ do Công chúa Ai Cập lấy tiếng Hi-bá-lai thời đó đặt cho đứa bé trai con người Hê-bơ-rơ, hoặc do Công chúa Ai Cập so sánh truyện Môi-se được kéo ra khỏi nước với một nhân vật lừng danh của Ai Cập (tên Sargon Agade) thuộc thiên niên kỷ thứ III, từng được bỏ vào thúng thả trôi sông. Có thể từ truyện tích nầy đã khiến Công chúa Ai Cập sẵn lòng cứu và nuôi Môi-se.
Đời sống của Môi-se được chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn 40 năm.
- 40 năm học hỏi tại Ai Cập với tư cách là con trai của Công chúa Pharaôn (Xuất. 2:1-10; Công vụ 7:22-23)
Cả thế giới đều nhìn nhận nền văn minh của Ai Cập thời Cổ. Chúng ta thử xem văn minh Ai Cập qua Kim Tự Tháp CHEOPS (Một trong ba Kim tự tháp đẹp nhất): cao 148m (nay còn 137m); Đáy tháp vuông, mỗi cạnh 227m; nặng 6 triệu tấn; gồm 2.300.000 khối đá, mỗi khối đá từ 2 đến 16 tấn. Nếu rỗng ruột, có thể chứa trọn Đại Giáo Đường St. Pierre tại La Mã. Những khối đá được gọt đẽo khéo léo, lắp ráp chính xác đến độ không thể nào chèn lưỡi dao bỏ túi vào, cũng không thấy dấu xi-măng.
Tất cả kiến trúc sư thời nay đều khen ngợi cho rằng người Ai Cập đã xây Kim tự tháp với chiếc kính lúp của thợ sửa đồng hồ. Nếu kéo dài hai đường chéo đáy kim tự tháp Cheops, thì khép kín vùng châu thổ sông Nile. Kinh tuyến Cheops chia vùng châu thổ sông Nile làm hai phần đều nhau. Phần lớn chạy trên vùng đất liền có người ở đông đảo. Đây là điều mà cả kinh tuyến Paris và kinh tuyến Greenwich đều không thỏa mãn được. Điều nầy chứng tỏ người Ai Cập biết tường tận toàn thế giới thời đó, trong khi các nhà nhân chủng học lại cho rằng các nền văn minh nhất cũng chưa biết được một phần thế giới).
Hành lang duy nhất dẫn đến ngõ vào bên trong Kim tự tháp trổ ra phía Bắc, ăn sâu vào với độ dốc là 2600 18' 10''. Nếu kéo dài lên sẽ đụng ngay sao Bắc Đẩu.
Khi xây Kim tự tháp, người Ai Cập cổ dùng một cây thước ‘thiêng’ còn gọi là cây thước Kim tự tháp. Thước dài 0,635,660m. Đó là một triệu của đường bán kính trái đất tại cực: 6.356km.
Nếu tăng chiều cao Kim tự tháp lên một tỉ lần, ta được khoảng cách trái đất đến mặt trời: 148.208.000km, con số ngày nay được thừa nhận là 149.400.000km hay 149.500.000km, theo đơn vị thiên văn).
Muốn tìm chu vi hay diện tích vòng tròn, phải lấy (Pi) x đường kính. Thế kỷ thứ 3 TC., Archimede cho trị số Pi là 3,1428, nhưng không ngờ trước Archimede 2.500 năm, người Ai Cập đã tìm ra trị số Pi chính xác hơn Archimede.
Người ta đã san bằng 54.000m2 đất đá để làm nền cho Kim tự tháp. Hiện nay độ chênh lệch giữa hai cạnh mặt đáy là 10cm (không biết đó là độ lệch lúc xây dựng hay là sau gần 5.000 năm)
Năm 820 SC. vua Al Mamoun của Hồi giáo cho người vào Kim tự tháp, họ gặp một chiếc rương bằng đá hoa cương đỏ đánh bóng dài 1,97m; ngang 0,68m; sâu 0,85m. Không thể khiêng chiếc rương nầy theo ngõ hành lang vào tháp, người ta không biết chiếc rương đó được đưa vào Kim tự tháp cách nào.
Nhân loại ngày nay tự hỏi các Nhà Thiên văn, Toán học, của Ai Cập đã dùng phương pháp gì để đạt được những kết quả phi thường ấy. Chưa ai trả lời thỏa đáng. Chúng ta chỉ biết người Ai Cập cổ thật sự đã có một nền văn minh khoa học rất cao. Và Môi-se đã lớn lên, đã hấp thụ nền văn minh đó, Kinh thánh xác nhận: “Môi-se được học cả sự khôn ngoan của người Ê-díp-tô; lời nói và việc làm đều có tài năng” (Công. 7:22), đặc biệt Môi-se học tất cả sự khôn ngoan của Ai Cập với tư cách là con trai của Công chúa Ai Cập, nên chắc chắn nền giáo dục mà Môi-se hấp thu phải là nền giáo dục cao cấp nhất. Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho người của Ngài một nền tảng lãnh đạo rất cao cho công việc mà Chúa cần. Người phục vụ Chúa phải là người cần được huấn luyện để trang bị mọi nhu cần. Đây là điều Hội Thánh ngày nay phải học, dùng người mà không dãy, khiến người đó dễ sanh kiêu ngạo khi làm được, ngược lại nếu thất bại sẽ nản lòng. Cũng có người Hội Thánh dạy mà không dùng, và tốt nhất à Hội Thánh dạy và dùng.
- 40 năm Môi-se sống trong đồng vắng Ma-đi-an, ngày nay là sa-mạc Arabi.
Chấp sự Ê-tiên đã tóm thuật việc xảy ra sau khi Môi-se được 40 tuổi, tốt nghiệp Trường Hoàng gia Ai Cập: “Nhưng lúc người được đầy bốn mươi tuổi rồi, trong lòng nhớ đến, muốn đi thăm anh em mình là con cái Y-sơ-ra-ên – rõ ràng cuộc sống vàng son trong cung điện Ai Cập đã không làm cho Môi-se quên đồng bào dân tộc Y-sơ-ra-ên của mình. Môi-se thấy có người hà hiếp một người trong đám họ, nên binh vực kẻ bị hà hiếp và đánh người Ê-díp-tô báo thù cho. Người ngờ anh em mình chắc hiểu rằng Đức Chúa Trời dùng tay mình giải cứu họ; nhưng họ chẳng hiểu – đến đây chúng ta thấy hình ảnh của Môi-se như một tay anh hùng hảo hớn với cái đầu học thức, cơ bắp mạnh mẽ, lòng đầy nhiệt huyết. Đến ngày sau, chúng đang đánh lộn với nhau, thì người đến gần mà giải hòa, rằng: Hỡi các ngươi, đã là anh em, sao lại làm hại nhau vậy? Kẻ đang ức hiếp người lân cận mình xô Môi-se ra, mà rằng: Ai đã lập ngươi lên làm quan cai trị và quan xử đoán chúng ta? Há ngươi muốn giết ta như hôm qua đã giết người Ê-díp-tô sao? Môi-se vừa nghe lời đó thì trốn đi ở trong xứ Ma-đi-an” (Công. 723-29). Tại sao Môi-se phải trốn đi? Vì Pha-ra-ôn hay tin đó, thì tìm giết Môi-se. (Xuất. 2:15).
Cuộc sống 40 năm lưu lạc trong đồng vắng Ma-đi-an của Môi-se bắt đầu với câu chuyện tình yêu bên giếng nước. Lần thứ ba, Môi-se với bản tánh anh hùng cá nhân đã binh vực giải cứu con gái thầy tế lễ Giê-trô là Sê-phô-ra và sau đó được Giê-trô gả con gái cho Môi-se làm vợ, ngày ngày chăn chiên cho ông gia mình, quanh quẩn đồng vắng – nơi mà 40 năm sau, Môi-se sẽ dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên. Đời sống an nhàn chẳng ai phiền lụy chẳng ai rầytưởng đã làm tấm lòng của Môi-se nguội lạnh, hưởng nhàn. Cảm ơn Chúa, ngọn lửa yêu dân tộc vẫn cháy âm ỉ trong Môi-se khi ông đặt tên con trai đầu lòng của ông là Ghẹt-sôn, vì nói rằng Tôi kiều ngụ nơi ngoại bang! (Xuất. 2:22).
40 năm Môi-se sống yên lặng trong đồng vắng Ma-đi-an nầy, sự yên lặng đó thể hiện đời sống bình lặng của Môi-se. Tuy nhiên, với vốn học thức và thì giờ an nhàn, chắc chắn Môi-se đã có nhiều cơ hội ôn lại những kiến thức đã học, cũng có cơ hội tìm kiếm những bi văn, những tài liệu chỉ thảo ghi chép lịch sử sáng tạo thế giới có đầy trong khu vực bắt đầu muôn vật mà mãi cho đến thế kỷ 21 vẫn còn hấp dẫn đối với các nhà khảo cổ học.
- 40 năm sau cùng của đời sống, Môi-se đã lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập về đến biên giới phía Đông Đất Hứa, rồi chết trên đỉnh núi Tha-bô.
Sách Xuất Ê-díp-tô ký đoạn 3 đã được chính Môi-se tường thuật lại việc ông nhận được sự kêu gọi trực tiếp của Đức Chúa Trời ra đi giải cứu dân Chúa ra khỏi Ai Cập, trong lúc tâm trạng của Môi-se nguội lạnh. Đức Chúa Trời đã hiển thị cho Môi-se những khám phá mới mẻ về chính Chúa khác với Đức Chúa Trời mà ông đã học, đã biết:
- Đức Chúa Trời đã hiện diện giữa bụi gai cháy mà không tàn, hoàn toàn khác với kiến thức vật lý của Môi-se, vật chất bị lửa tác động vẫn không lụi tàn. Từ trong lửa đó, Đức Chúa Trời đã mặc khải cho Môi-se biết Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, trái với các Pha-ra-ôn tự xưng thần nhưng rồi cũng chết và lụi tàn (Xuất. 3:1-6).
- Đức Chúa Trời mặc khải cho Môi-se về Ngài là Đấng đã thấy rõ ràng sự cực khổ của dân ta tại xứ Ê-díp-tô, và có nghe thấu tiếng kêu rêu vì cớ người đốc công của nó; phải, ta biết được nỗi đau đớn của nó. và Chúa đã ngự xuông đặng cứu dân nầy…, dẫn từ ấy lên đến một xứ kia đẹp đẽ và rộng rãi, đượm sữa và mật…” (Xuất. 3:7-8). Môi-se khám phá một Đức Chúa Trời không phải một cái tượng trên bàn thờ, không phải một vị thần tưởng tượng trên không trung, nhưng là một Đức Chúa Trời thân thương cảm thông hêt mọi sự và luôn dự bị điều tốt nhất cho dân Chúa. Môi-se khám phá không phải chỉ một mình ông yêu đồng bào dân tộc ông, mà Đức Chúa Trời còn yêu đồng bào dân tộc của ông hơn ông.
Sự từ chối tiếng gọi của Chúa nói lên bầu nhiệt huyết ngày nào đã hạ nhiệt, nhưng Hê-bơ-rơ 11:24-27 cũng cho thấy có một sự giằng xé trong lòng Môi-se giữa công ơn nuôi dưỡng 40 năm của Công chúa Ai Cập nay phải buông bỏ để đành cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà hiếp, chịu sỉ nhục, không sợ vua giận, lời Chúa phán: “Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, bỏ danh hiệu mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, đành cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là tạm hưởng sự vui sướng của tội lỗi; người coi sự sỉ nhục về Đấng Christ là quí hơn của châu báu xứ Ê-díp-tô, vì người ngữa trông sự ban thưởng. Bởi đức tin, người lìa xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận”.”
Toi muốn mượn lời một nhà thơ Việt Nam diển tả âm trạng Môi-se:
Ai ra đi mà không từng bịn rịn, rời yêu thương hồ dễ mấy ai quên.
Tôi mạnh bước mà nghe lòng như nhỏ lệ.
Hoặc: Đưa người, không đưa sang sông, sao nghe có tiếng sóng vỗ trong lòng…
Môi-se nhận lời kêu gọi của Đức Chúa Trời dẫn dân Chúa ra khỏi Ai Cập, lang thang trong đồng vắng sống với một dân mà ông phải kêu la với Chúa: “Sao Ngài làm cho tôi tớ Ngài buồn? Sao tôi chẳng được ơn trước mặt Ngài, và sao Ngài lại chất gánh nặng của hết thảy dân sự nầy trên mình tôi? Tôi há có thọ thai dân nầy sao? Há có sanh đẻ nó sao? Mà Ngài lại phán biểu tôi rằng: Hãy ẵm dân nầy trong lòng ngươi…” (Dân. 11:11-12).
Sau 40 năm nữa, lúc 120 tuổi, Môi-se đã đưa dân Y-sơ-ra-ên đến bờ Đất Hứa, Chúa đã gọi Môi-se lên núi Nê-bô, được nhìn thấy Đất Hứa nhưng không được vào. Suốt 120 năm đời người không được ở trong ngôi nhà tổ ấm, vì 40 năm đầu mà 3 tháng đầu đời là con của một dân nô lệ thì Môi-se làm gì biết ngôi nhà, rồi 39 năm hơn còn lại sống trong cung điện của Pha-ra-ôn, cung điện không phải ngôi nhà, mà lại là cung điện của vua Ai Cập không phải của Môi-se. Rồi 40 kế tiếp, Môi-se sông trong nhà cha vợ, Môi-se phải đặt tên con mình là Ghẹt-sôn nghĩa là tôi là khách ngoại bang, cũng không có ngôi nhà của mình. Kế đó là 40 năm trong đồng vắng ở trong lều trại, không phải là nhà. Bây gờ đến cuối đời, sắp qua đời, Môi-se chợt nhận ra: “Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi ở của chúng tôi” (Thi. 90:1), Môi-se đã khám phá ra Đức Chúa Trời chính là NƠI Ở CỦA ÔNG, Chúa là Ngôi Nhà Tổ Ấm Thân thương của ông! Kinh thánh ghi lại những lời cuối về Môi-se: Đức Chúa Trời bèn chôn người, chính mình thiên sứ trưởng Mi-chen chống với ma quỉ giành xác Môi-se.
Xin Chúa cho Quý vị cũng như tôi có những khám phá kỳ diệu như Môi-se đã có.
|