TỔNG LUẬN SÁCH XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ
*****************************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn Chúa cho qua Chương trình Phát Thanh Tin Lành, chúng ta đã cùng đi suốt chặng đường khá dài của việc học sách Xuất Ê-díp-tô ký trong Kinh thánh với 10 phần. Chặng đường khá dài, nên chúng ta cần có cái nhìn tổng thể trước khi đi đến sách kế tiếp.
Đặc biệt khi tôi viết những dòng chữ nầy, thì những địa danh Ai Cập, bán đảo Sinai, quốc gia Y-sơ-ra-ên, đang là tiêu điểm của thế giới, bên cạnh đó còn có các quốc gia Libi, Syri, Iran, A Rạp Palestine, trở nên mục tiêu chú ý của những người quan tâm lò lửa Trung Đông. Vì vậy, rất đáng cho chúng ta học sách Xuất Ê-díp-tô ký kỷ hơn.
Nếu với sách Sáng-thế ký, chúng ta đã học được nguồn gốc loài người là do Đức Chúa Trời Tạo Hóa dựng nên cách riêng biệt, học nguyên nhân loài người bị xa cách Đức Chúa Trời Tạo Hóa, chính các Tôn giáo của con người nói lên lúc nào con người từ nơi sâu thẳm tâm hồn vẫn luôn cố tìm cách vươn lên với Đấng Tạo Hóa. Chúng ta cũng đã học hậu quả của tội lỗi đã khiến loài người đi vào đời sống cực khổ trên đất cho đến ngày trở về bụi đất. Tại sao? Vì loài người chúng ta nghe lời ma quỉ cám dỗ nghi ngờ tình yêu thương của Đức Chúa Trời, loài người đã đi theo ý riêng do ma quỉ dẫn dắt, và nói theo ngôn ngữ của những người Việt Nam ở Hải Ngoại là ai cũng Họ Đổ Tên Thừa, mà không chịu nhận tội của chính mình với Đức Chúa Trời. Sách Sáng thế ký cho biết cuối cùng của tội lỗi là sự chết.
Và bây giờ, sách Xuất Ê-díp-tô ký nói về hai phương diện:
- Phương diện Lịch sử, sách Xuất Ê-díp-tô ký ghi lại việc dân Y-sơ-ra-ên sau 430 năm bị làm nô lệ cho người Ai Cập, được Đức Chúa Trời sai Môi-se giải cứu họ. Sách cho biết sau khi được cứu ra khỏi Ai Cập, Đức Chúa Trời đã ban cho đoàn dân được cứu một Bộ Luật vẫn còn giá trị đến ngày nay. Rồi Đức Chúa Trời lại dạy Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên dựng một Đền thờ tạm trong những ngày lưu lạc trong đồng vắng để họ có thể đến gần Đức Chúa Trời mà tỏ lòng yêu thương Chúa.
- Về phương diện thuộc linh, sách Xuất Ê-díp-tô ký được Đức Chúa Trời dùng để mặc khải cho loài người về Chương trình Cứu Rỗi của Chúa mà chúng ta cần học rõ để không bị ma quỉ lừa gạt.
ĐOẠN 1 – NHU CẦN ĐƯỢC CỨU.
Đoạn 1 ghi ra 2 tai họa mà dân Y-sơ-ra-ên phải đồi diện:
Đúng như lời Chúa phán với Áp-ra-ham lúc Chúa kêu gọi ông, Chúa phán: dòng dõi ngươi sẽ ngụ trong một xứ chẳng thuộc về chúng nó, làm tôi mọi cho dân xứ đó và bị họ hà hiếp bốn trăm năm (Sáng. 15:13-14). Ngay khi bắt đầu sách Xuất Ê-díp-tô ký, Kinh thánh cho chúng ta biết lý do dân Y-sơ-ra-ên bị người Ai Cập tìm cách hà hiếp, khởi đầu 400 năm nô lệ.
Kinh thánh mô tả những khốn khổ làm tôi mọi tại Ai Cập của dân Y-sơ-ra-ên:
- “Vậy, người Ê-díp-tô bèn đặt các kẻ đầu xâu để bắt dân Y-sơ-ra-ên làm xâu khó nhọc..
- “Người Ê-díp-tô bèn đem lòng ghen ghét dân Y-sơ-ra-ên, bắt phải làm công việc nhọc nhằn, gây cho đời dân ấy nên cay đắng, vì nỗi khổ sở nhồi đất, làm gạch và mọi việc khác ở ngoài đồng. Các công việc nầy người Ê-dip-tô bắt dân Y-sơ-ra-ên làm nhọc nhắn lắm. (1:11-14).
Tại chúng ta sống trong thế kỷ 21, hầu như không còn cảnh nô lệ, nhưng hãy đọc những quyển sách như: Khóc Lên Đi Ôi Quê Hương Yêu Dấu, Tội Lỗi,… để hiểu được kiếp sống của một nô lệ, những người không có một quyền hạn gì, họ làm việc suốt ngày mà không hề được hưởng quyền lợi dù tối thiểu, họ có bổn phận phục vụ mà không có quyền lợi.
Từ 1:15-22, thật sự đám dân Y-sơ-ra-ên nầy không có tương lai, vì vua Ai Cập có kế hoạch diệt chủng qua hai cách: “Vua xứ Ê-díp-tô cũng phán cùng các bà mụ của dân Hê-bơ-rơ… mà rằng: Khi các ngươi đi rước thai cho người đờn bà Hê-bơ-rơ, hễ thấy sanh con trai, thì hãy làm cho chết đi; còn con gái, thì hãy để cho sống… Pha-ra-ôn bèn truyền lịnh cho cả dân mình rằng: Phàm con trai của dân Hê-bơ-rơ mới sanh, hãy liệng xuống sông; còn con gái, thì để cho sống (1:15-16, 22). Dân Y-sơ-ra-ên thật không có tương lai!
Hiện tại không còn gì và tương lai chỉ là ngõ cụt. Tất cả đều làm hình bóng về loài người nói chung. Sau khi tổ phụ loài người nghe lời ma quỉ không vâng lời Đức Chúa Trời, lại cũng không ăn năn, thì Đức Chúa Trời đã tuyên án rủa sả loài người: “Ngài phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con; sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng và chồng sẽ cai trị ngươi. Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng. 3:16-19).
Loài người chúng ta sống những ngày nhọc nhằn trên đất, đến nỗi một nhạc sĩ đã viết: Kiếp sau không thèm làm người; rồi một thi sĩ lại viết: Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo. Kinh thánh phán: “Mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô. 3:23). Còn tương lai thì sao? Chúa Jêsus phán: “…bị hư mất đời đời… chẳng thấy sự sống đâu nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó (Giăng 3:16, 36).
Với thực trạng như vậy, loài người cần được cứu rỗi, không chỉ như dân Y-sơ-ra-ên được cứu ra khỏi kiếp nô lệ tại Ai Cập, mà loài người còn phải được cứu khỏi tội lỗi và quyền lực ma quỉ.
PHƯƠNG PHÁP CỨU RỖI.
Từ đoạn 2 đến đoạn 13 là tiến trình Đức Chúa Trời giải cứu dân Y-sơ-ra-ên với trình tự: Đức Chúa Trời đã dùng Môi-se thi hành 9 tai vạ đụng đến mọi phương diện liên quan người Ai Cập, từ các thần của Ai Cập, đến nền kinh tế phồn thịnh của họ. Sau cùng, đến tai vạ thứ 10 con đầu lòng bị giết nếu không bôi huyết chiên con trên mày cửa và hai cột cửa. Tai vạ thứ 10 nầy được gọi là Lễ Vượt Qua.
Chín tai vạ được hiểu như những sự cô gắng vươn lên Đức Chúa Trời Tạo hóa, từ viêc tạo ra những vị thần tưởng tượng, đến việc dựa vào sự phồn thịnh như một thần tài của con người. Chín tai vạ nầy cũng có thể hiểu như Kinh thánh phán: “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài… (Hê. 1:1-2). Các tai vạ cũng phải được hiểu là Đức Chúa Trời đã giáng những hình phạt cảnh cáo loài người, nếu con người không ăn năn sẽ bị hư mất (Luca 13:3, 5).
Và lời Chúa phán: không đổ huyết thì không có sự tha thứ, Đức Chúa Trời dùng huyết của chiên con đực giáp năm, không tì vít để cứu dân Y-sơ-ra-ên thoát khỏi sự hủy diệt và được cứu khỏi xứ Ai Cập nô lệ.
Không có một ứng dụng nào chính xác từng chi tiết hơn trên công cuộc cứu chuộc của Chúa Jêsus thi hành trên đất. Găng Báp-tít phải công bố khi gặp Chúa Jêsus: Kìa Chiên con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian đi (Giăng 1:29). Thật không có ai như Chúa Jêsus, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng của mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài từ bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:6-8). Và huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta (I GIăng 1:7) Sứ đồ Phao-lô xác nhận: Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt qua của chúng ta, đã bị giết rồi (I Cô. 5:7)
PHƯỚC HẠNH TRONG SỰ CỨU RỖI.
Nhiều người Việt Nam bị ảnh hưởng của các tôn giáo nên thường nói sai giáo lý cứu rỗi của Chúa Jêsus Christ, họ bảo ăn năn tội tin nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của mình thì sẽ được ở Thiên đàng. Họ quên hay bỏ qua đời sống trên đất trong hiện tại. Một giải thích hoàn toàn sai lạ.
Cảm ơn Chúa cho chúng ta có sách Xuất Ê-díp-tô ký, để qua sách nầy Đức Chúa Trời mặc khải cho chúng ta biết ít nhất ba phước hạnh của người được Chúa ban sự cứu rỗi:
Dân Y-sơ-ra-ên vừa ra khỏi Ai Câp lập tức gặp bao nhiêu khó khăn: Quân Ai Cập đuổi theo với ý đồ tiếp tục tái nô lệ hóa người Y-sơ-ra-ên, trước mặt là Biển Đỏ, rồi đạo quân A-ma-léc tấn công. Cảm ơn Chúa, giữa nguy khốn đó Chúa đã giải cứu: nước Biển Đỏ được Chúa làm rẽ ra cho dân Chúa đi như trên đất khô, quân Ai Cập đuổi theo xuống Biển thì bị tiêu diệt dưới Biển Đỏ; dân Chúa học được bài học đầu tiên thắng quân A-ma-léc bởi cầu nguyện và chiến đấu. Hơn thế nữa, dân Chúa được Chúa cung cấp nước uống, thức ăn ma-na và chim cút hằng ngày với bài học ngày nào đủ cho ngày ấy. Đặc biệt, sau 430 năm nô lệ, lần đầu tiên, dân Chúa đã hát ngợi khen Chúa.
Tôi quả quyết phước của dân Y-sơ-ra-ên cũng là phước của người tin Chúa Jêsus ngày nay. Sau khi tin nhận Chúa Jêsus, tức thì người tin Chúa Jêsus bước ngay vào trận chiến do ma quỉ tấn công muốn tái nô lệ hóa chúng ta một lần nữa, nhưng chắc chắn tất cả người tin Chúa Jêsus đều kinh nghiệm đắc thắng và cũng hưởng được sự chu câp của Chúa ngày nào đủ cho ngày ấy, và tất cả người tin Chúa Jêsus được Chúa để nơi miệng một bài ca mới (Thi. 40:2-3).
- Đức Chúa Trời dẫn dân Chúa đến Bán đảo Sinai, nơi có núi Sinai, và Đức Chúa Trời đã ban cho dân Chúa một Bộ Luật qui định bổn phận với Chúa và bổn phận đối với người, không sống theo ý riêng của mình nữa.
Bộ Luật của người tin Chúa Jêsus ngày nay là quyển Kinh thánh với Lời Chúa Jêsus phán: Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan, cất nhà mình trên hòn đá. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập. vì đã cất trên đá (Math. 724-25).
Dân Chúa còn một phước nữa mà không một tôn giáo nào, thần nào, người nào có thể ban cho như dân Chúa có được, ấy là dân Chúa được đến gần Đức Chúa Trời là Cha dâng tế lễ hằng ngày.
Và phước nầy được Phao-lô mô tả, Vì ấy là nhờ Ngài [nhờ Chúa Jêsus Christ] mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh. Dường ấy, anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:18-19).
Cho nên một người ăn năn tội mình, tiếp nhận Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế của mình, không phải chỉ để mai đây lên Thiên đàng, nhưng Chúa phán: Hầu cho các ngươi sống những ngày trời trên đất. Người tin Chúa Jêsus cũng hưởng được ngay bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn (Mác 10:29-30). Sự cứu rỗi Chúa Jêsus Christ ban cho bao gồm tội lỗi trong quá khứ được tha, hiện tại được Chúa ban bình an vui thỏa; tương lai không bị hình phạt hư mất nơi hồ lửa đời đời nhưng đầy hi vọng vinh hiển cùng Đức Chúa Trời nơi Thiên đàng.
|