`SÁNG THẾ KÝ (7)
*****************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn Chúa cho qua Chương trình Phát Thanh Tin Lành chúng ta đã cùng nhau học những điều cần biết về sách Sáng thế ký. Tuy nhiên, muc đích học Kinh thánh không phải để thỏa chí tò mò, hoặc học cho biết, mà học Kinh thánh để xem Chúa dạy chúng ta làm gì, học để áp dụng Lời Chúa dạy cho chính mình. Vì vậy, chúng ta cần tìm những sự dạy dỗ mà Kinh thánh muốn chúng ta áp dụng vào đời sống của chúng ta. Bài học áp dụng đầu tiên là chúng ta học về Tội Lỗi.
TỘI LỖI: Sáng. 3: - 7:
I/. ĐỊNH NGHĨA TỘI LỖI:
Dù tin Chúa và tin Kinh thánh hay không, không ai phủ nhận sự hiện hữu của tội lỗi trên toàn thế giới, ngay cả Đức Khổng tử đến cuối đời cũng phải thốt lên: ‘Ước gì thêm cho ta vài năm nghiên cứu Kinh Dịch để bớt đi lỗi nhỏ [Không tử không dám được bớt lỗi lớn], hoặc một vị vua nổi tiếng như Đa-vít nhìn nhận: “Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi… tội lỗi hằng ở trước mặt tôi” (Thi. 51:5, 3)
Tuy nhiên để co một định nghĩa tội lỗi thì có nhiều ý kiến sai lầm.
- Có người cho rằng tội lỗi là sự ham muốn của xác thịt. Do nghĩ như vậy nên nhiều người lo khăc kỷ tu thân, coi thân xác là ngục tù tội lỗi, họ hành hạ thân xác. Nếu nói thế ma quỉ là linh, không có thân xác thì chúng không có tội sao? Kinh thánh dạy tội lỗi không phải là chỉ là hành động của thân xác, mà từ ý muốn trong lòng (Math. 5:27-28; Gia cơ 1:14-15).
- Có người cho rằng tội lỗi là sự yếu đuối không tránh được, không đáng trách mà có khi đáng thương. Nếu nói thế thì những người khuyết tật, dốt nát, là phạm tội, còn những người khôn ngoan, khỏe mạnh, trí não đầy đủ, đều vô tội sao? Thực tế cho thấy tội lỗi không phân biệt một ai.
- Có người lại cho rằng tội lỗi là sự vô ý, giống như tai nạn giao thông. Nếu nói thế thì chỉ một số nào đó phạm tội, còn đa số đều vô tội, trong khi Kinh thánh khẳng định: Chẳng có phân biệt chi hết, vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô. 3:23).
Cảm ơn Chúa, chỉ Kinh thánh có định nghĩa tội lỗi ngắn gọn và đầy đủ nhất: “Tội lỗi là sự trái luật pháp” (I Giăng 3:4), trái luật pháp đời nầy và trái luật của Đức Chúa Trời. Thư Rô-ma 1:29-32 đã liệt kê những hành vi trái luật đời nầy, nhưng trong 1:19-23 xác định tội lỗi là biết Đức Chúa Trời mà không thờ phượng Đức Chúa Trời, đó là tội lỗi.
II/. BẮT ĐẦU NGUYÊN TỘI CỦA LOÀI NGƯỜI – Sáng. 3:
Hiện nay thế giới đang bị tội lỗi tràn ngập dưới nhiều hình thức càng lúc càng gia tăng, như Chúa Jêsus đã phán: Tội ác sẽ thêm nhiều (Ma-thi-ơ 24:12). Các nhà đạo đức học cố gắng kêu gọi cách nầy hay cách khác ngăn chận tội lỗi. Họ cố tìm cách giải thích tội lỗi phát xuất từ đâu, hầu có thể ngăn chận.
- Có người cho rằng tội lỗi phát xuất từ tình trạng thiếu giáo dục, nhưng thực tế cho thấy những quốc gia, hoặc những cá nhân có trình độ giáo dục cao, vẫn phạm tội.
- Có người cho rằng tội lỗi phát sinh từ nghèo đói, bần cùng sinh đạo tặc. Nhưng hãy nhìn vào các nước giàu xem có tội lỗi không? Có, và có nhiều.
- Và có nhiều nữa, nhưng tất cả đều không phải là câu trả lời thỏa đáng.
Kinh thánh, phải, chỉ Kinh thánh mới có câu trả lời thỏa đáng về nguồn gốc của tội lỗi trong con người. Sáng. 3: ghi lại bắt đầu của tội lỗi xâm nhập vào con người qua việc ma quỉ cám dỗ tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen,
3:1, nguyên nhân cám dỗ là quỉ Sa-tan, tên của nó là ‘kẻ chống nghịch Đức Chúa Trời’, nó đến với con người và gợi ý cho con người nghi ngờ tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với con người bằng cách làm méo mó lời Chúa phán. Hãy nhớ bước đầu cám dỗ bao giờ cũng bắt đầu từ việc nghi ngờ về Chúa.
3:6, cách cám dỗ từ xưa đến nay của quỉ Sa-tan đều theo ba bước: (1) mê tham xác thịt, (2) mê tham của mắt, và (3) và sự kiêu ngạo của đời (I Giăng 2:16). Chúng ta hãy xem ma quỉ đã gợi cho Ê-va nhìn vào Trái của cây biết điều thiện và điều ác: “Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn”. Rồi khi quỉ Sa-tan cám dỗ Chúa Jêsus trong đồng vắng sau khi Chúa Jêsus đã kiêng ăn 40 ngày 40 đêm và Chúa Jêsus bị đói. Math. 4:1-11 ghi lại Quỉ Sa-tan làm gi?
- Quỉ Sa-tan thách thức Chúa Jêsus hóa đá thành bánh để ăn – mê tham của xác thịt.
- Quỉ Sa-tan lại đem Chúa Jêsus lên nóc Đền thờ và thách thức Chúa Jêsus nhảy xuống sẽ không chết vì có thiên sứ của Chúa hứa bảo vệ Ngài – sự kiêu ngạo của đời.
- Quỉ Sa-tan chỉ cho Chúa Jêsus thấy vinh hiển của thế gian và hứa cho Ngài mà không cần chịu chết trên thập tự giá, chỉ cần sấp mình thờ lạy nó – mê tham của mắt.
Rồi bây giờ sách Khải huyền đoạn 12 và đoạn 13, quỉ Sa-tan phối hợp với Kẻ Địach lại Đấng Christ là Con Thú từ biển lên và Tiên tri giả là Con Thú từ đất lên, tạo thành một thế lực ba ngôi Sa-tan cai trị thế giới lúc bấy giờ, chúng sẽ làm những phép lạ đến nỗi khiến lửa từ trời rơi xuống, khiến những kẻ thờ lạy nó được giàu có, và cho ai chịu dấu Con Thú từ biển lên mới có việc làm để sinh sống, tất cả chỉ với mục đích mê hoặc con người thờ lạy nó.
Rõ ràng sự cám dỗ đến với chính con người của mình trước, từ những nhu cần của bản thân, rồi mới đến môi trường chung quanh thu hút, và sau đó sẽ đến tham vọng đưa mình lên ngang hàng Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phi-e-rơ dạy: “Hãy tiết độ và tỉnh thức, kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phi. 5:8). Nếu chúng ta phục Đức Chúa Trời và chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa chúng ta. Đừng lên mình nữa, đừng chứng tỏ mình là con Đức Chúa Trời không sợ đói, không sợ què tay, vỡ đầu, sứt trán, để cứ nhảy xuống, và cũng đừng đi con đường tắt khi ma quỉ ban cho chút thành công trên chức vụ, trong thế giới nầy.
Điều quan trọng trong câu chuyện tổ phụ loài người phạm tội để rồi di truyền cho dòng dõi loài
người về sau chính là TẠI CON NGƯỜI KHÔNG CHỊU NHÌN NHẬN ‘TÔI ĐÃ PHẠM TỘI VỚI CHÚA’? Chúng ta luôn bị ma quỉ đánh lừa để cứ tranh cãi với những lý do như: Tại sao Đức Chúa Trời lại để cây biết điều thiện và điều ác trong vườn? Tại sao Đức Chúa Trời không ngăn chận khi con người đưa tay hái trái cấm?
Ý tưởng lừa gạt nầy trải qua bao ngàn năm, khiến cho con người thay vì ăn năn, nhận tội, thì lại tìm cách tránh trút cho ma quỉ như Ê-va đã nói: TẠI CON RẮN DỖ DÀNH TÔI và tôi đã ăn rồi (Sáng. 3:13); thậm chí đổ thừa cho Đức Chúa Trời như A-đam: Tại người nữ MÀ CHÚA ĐÃ ĐỂ GẦN BÊN TÔI cho tôi trái cây đó. Trong khi Đức Chúa Trời Tạo hóa yêu thương đang chờ đợi A-đam và Ê-va nhận rằng cá nhân mình không vâng lời Chúa dạy, đã ăn trái của cây mà Chúa đã dặn không nên ăn, và chỉ một lời xin Chúa tha thứ. Ôi tuyệt vời biết bao! Chúa hứa: Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Đức Chúa Trời là thành tín công bình sẽ tha tội chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác (I Giăng 1:7-9). Tiếc thay, tất cả không làm như vậy, cho đến ngày nay, nhiều người cũng không làm như vậy, chỉ tìm mọi lý lẽ để biện hộ mình không có tội hoặc có ít ít tội thôi, hoặc thấy mình còn tốt hơn người kia.
Và từ đó, từ A-đam và Ê-va, tội lỗi di truyền các thế hệ loài người về sau, chưa sanh ra, chúng ta đã phạm tội rồi, đó là nguyên tội, tội lỗi di truyền từ tổ phụ A-đam và Ê-va.
II/. BẮT ĐẦU KỶ TỘI: Sáng. 4: - 7:
Kỷ tội là tội của chính mình làm. Câu chuyện được ghi trong Sáng thế ký đoạn 4 nầy đã minh họa cho chúng ta biết kỷ tội đã bắt đầu như thế nào.
4:5, Kỷ tội đã bắt đầu từ sự ganh ghét. Ca-in đã ganh ghét với em mình là A-bên, vì Chúa đã nhậm lễ vật của A-bên mà không nhậm lễ vật của Ca-in. Chúa nhậm lễ vật của A-bên không phải vì nhiều hay lễ vật quí báu, nhưng vì A-bên BỞI ĐỨC TIN mà dâng (Hê.11:4), thay vì Ca-in dâng không bởi đức tin mà chỉ bởi công sức riêng. Chính Chúa Jêsus đã phán: Ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán, (Math. 5:21-22) So với luật pháp dạy (c.21) thì giận anh em mình bằng tội giết người.
4:8, dù đã được Đức Chúa Trời cảnh cáo, Ca-in đã giận em mình và đã giết em mình (I Giăng 12). Kỷ tội đã lộ hình và tội lỗi bao giờ cũng đưa đến sự chết. Và nếu chúng ta đọc hết đoạn 4, tội lỗi đã phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau:
- 4:19, Lê-méc cưới hai vợ, họ đã vi phạm luật một vợ một chồng của Đức Chúa Trời (Math. 19:7-8), gia đình của con người không phối hợp bằng tình yêu nữa, mà đã trở thành tình dục.
- 4:22, loài người rèn đủ thứ khi giới sắc bén bằng đồng và bằng sắt, một sự chuẩn bị chiến tranh, để tranh giành quyền lợi.
Rõ ràng tánh chất của tội lỗi là lan tràn, tội lỗi sinh ra thêm tội lỗi (Gia-cơ 1:14-15), tội lỗi có khả năng sinh sản thêm.
Trong Rôma 3:23, Phao-lô khẳng định: Chẳng có phân biệt chi hết, vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất – hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Điều chúng ta học được về sự bắt đầu tội lỗi là gì? Ấy là bài học từ nơi Đa-vít khi ông biết rằng ông có tội: II Sam. 12:13, khi nghe tiên tri Na-than quở trách tội lỗi mà vua đã phạm, Đa-vít đã lập tức nhận tội: Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va, mà không hề có một lời bào chữa. Thi thiên 32:5, Đa-vít chẳng những nhận tội mà còn xưng tội: Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian ác tôi; tôi nói, tôi sẽ xưng các sự vi phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va; còn Chúa tha các tội ác của tôi.
Bên cạnh trước đó, Kinh thánh đã ghi lại câu chuyện của vua Sau-lơ khi bị Tiên tri Sa-mu-ên quở trách tội lỗi, vua Sau-lơ đã nói: “Tôi có phạm tội. Tôi có can phạm mạng lịnh của Đức Giê-hô-va, và lời của ông. Tôi sợ dân sự, nên nghe theo tiếng của họ… Tôi có tội; song hãy tôn trọng tôi trước mặt các trưởng lão của dân sự tôi, và trước mặt Y-sơ-ra-ên” (I Sam. 15:24, 30).
Kinh thánh cũng ghi lại thái độ của hai nhân vật khác sau khi phạm tội với là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt và Phi-e-rơ. Có nhiều tranh cãi xem Giu-đa và Phi-e-rơ, ai đã phạm tội nặng hơn: một người bán Chúa Jêsus với 30 miếng bạc; một người với ba lần chối Chúa Jêsus và còn rủa sả Ngài nữa. Thay vì tranh cãi đẻ làm một nhà Thần học, hãy làm một Phi-e-rơ ăn năn và khóc lóc cách đắng cay để được Chúa tái sử dụng làm vinh hiển Danh Chúa (Giăng 21:15-17)
Sách Châm ngôn 28:13, cũng phán: Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn; nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót. Khi vua Đa-vít nhận tội mình thì có thiệt ại không? Không. Khi Phi-e-rơ ăn năn nhận tội thì có thiệt hại không? Cau trả lời vẫn là KHÔNG. Trái lại được Đức Chúa Trời bởi Chúa Jêsus Christ vẫn yêu thương như thuở nào và dùng nhiều việc ích lợi cho Chúa hơn.
Xin Chúa ban ơn cảm động lòng mỗi chúng ta nhận biết tội lỗi nào trong đời sống mà Thánh Linh Đức Chúa Trời đang cáo trách, đừng vịn bất cứ lý do nào để biện hộ, hãy xưng nó ra và lìa bỏ, hầu cho chính mình và dòng dõi con cháu mình không bị ảnh hưởng bởi những tội lỗi đó, rồi chính mình may mắn, được thương xót.
|