Sáng Thế Ký

SÁNG THẾ KÝ (6)
*******************************

Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn Chúa cho qua Chương trình Phát Thanh Tin Lành hôm nay chúng ta sẽ cùng nghiên cứu phần thứ 6 của sách Sáng thế ký, với sự dạy dỗ của sách Sáng thế ký liên quan về ma quỉ và các nghi đề thường được hỏi đến. Xin Chúa cho Quý vị tìm được chiếc bánh nhỏ, bình nước nhỏ như thiên sứ của Đức Chúa Trời ban cho Tiên tri Ê-li, để có sức theo Chúa và phục vụ Chúa.
I/. SÁCH SÁNG THẾ KÝ DẠY GÌ VỀ MA QUỈ.
Quỉ Satan tỏ ra thù nghịch đặc biệt với sách Sáng thế ký, nên nó nhắm vào sách Sáng thế ký để tấn công. Sách Sáng thế ký phơi trần quỉ Sa-tan là có thật qua việc nó mượn hình con rắn, trong khi nó muốn con người quên sự có mặt của nó.
Ngay những trang đầu của sách Sáng thế ký, Lời Chúa cho chúng ta biết:

  • 3:1, bản tánh của quỉ Sa-tan là quỉ quyệt hơn hết trong các loài thọ tạo.
  • 3:2, quỉ Satan đã lừa dối con người làm cho con người nghi ngờ Lời Chúa dạy và sau vài lời trao đổi, ma quỉ đã làm cho Ê-va hiểu lệch lạc Lời Chúa theo ý riêng không theo ý Chúa, Ê-va bị lôi kéo làm theo lời ma quỉ và trở thành nô lê cho nó. Điều mà người tin Chúa Jêsus thường quên rằng quỉ Sa-tan biết lời Đức Chúa Trời dạy con người. Kinh thánh phán: “Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỉ cũng tin như vậy và run sợ” (Gia-cơ 2:19). Ma quỉ còn hơn người tin Chúa Jêsus là nó biết sợ Chúa.
  • 3:9-13, phải đọc những câu Kinh thánh nầy để thấy lòng yêu thương của Đức Chúa Trời, sau khi A-đam và Ê-va ăn trái cây Chúa dặn không được ăn, rõ ràng Chúa không phạt cả hai tức thì, Đức Chúa Trời đã mở con đường để cả hai được tha thứ: Chúa vẫn yêu thương đến Vườn Ê-đen thăm con người, Chúa đã hỏi từng người để họ có cơ hội ăn năn tội với Chúa, tiếc thay cả hai người đã đổ tội cho nhau, khi ấy Đức Chúa Trời mới tuyên án phạt.
  • 3:15, câu Kinh thánh nầy đã báo trước cuộc chiến dai dẳng với âm mưu của quỉ Sa-tan rượt đuổi tìm cách ngăn chận Đấng Cứu Thế ra đời từ dòng dõi người nữ để hủy diệt nó, như câu nói của người Việt Nam: Đánh rắn phải đánh đầu rắn, đánh cho rắn chết. Còn ma quỉ cứ theo đuổi cắn gót chân dòng dõi người nữ để ngăn Đấng Cứu Thế ra đời, bằng cớ: sách Xuất Ê-díp-tô ký ghi vua Ai Cập mưu diệt chủng dân Y-sơ-ra-ên (Xuất. 1:15-16), rồi mưu diệt chủng người Y-sơ-ra-ên của Tể Tướng Ha-man (Ê-xơ-tê 3); đến khi Chúa Jêsus giáng sanh, quỉ Sa-tan đã dùng vua Hê-rốt để mưu giết Hài Nhi; và thế giới đã kinh hoàng với Hitler dùng hơi độc giết hơn 6 triệu người Y-sơ-ra-ên. Khải huyền đoạn 12 đã ghi chép tỏ tường việc cắn gót của quỉ Sa-tan, cũng cho biết số phận của quỉ Sa-tan và những kẻ theo nó là bị diệt bởi dòng dõi người nữ là Chúa Jêsus Christ, Kinh thánh ghi rõ: “còn ma quỉ là đứa dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên tri giả rồi. Chúng nó sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời” (Khải. 20:10).

II/. SÁNG THẾ KÝ VỚI KHOA HỌC:
Nói đến Kinh thánh với Khoa học, hầu hết người ngày nay đều nhớ đến chuyện giữa các nhà bác học Corpernic và Galilee năm 1543. Hai nhà bác học nầy đã khởi đầu cho thời khoa học hiện đại, đồng thời cũng là một thách thức cho giáo hội thời đó với chủ trương của họ về trái đất tròn và xoay quanh mặt trời. Cả hai đã bị giáo hội thời đó lên án, một giáo hội không có Kinh thánh, họ đã khoác cho Kinh thánh chiếc áo Thánh để đem Kinh thánh nhốt vào Tu viện, không cho đọc, không cho học, giáo dân chỉ học những điều các chức sắc giáo hội dạy. Giáo hội thời đó đã không có Kinh thánh nên coi thường khoa học, dù Galilee đã trưng dẫn Kinh thánh để hậu thuẫn cho Corpernic, cũng như chứng minh những khám phá của hai ông không làm suy giảm đức tin.
Những người bảo thủ không có Kinh thánh là Lời Chúa quên rằng vai trò của Khoa học là giải thích những chuyển động, cho biết những hiện tượng đó chuyển động như thế nào dựa trên những phương pháp khoa học. Khoa học không tạo ra những định luật mà là khám phá những định luật. Nói tóm một lời, khoa học có vai trò khám phá sự kiện và giải thích sự kiện với mức độ chính xác cao nhất bằng những phương pháp vật lý có thể. Còn Kinh thánh thì cho chúng ta biết nguyên nhân có sự kiện, có sự sống, tại sao có định luật.
Kinh thánh không có mục đích dạy về khoa học, mục đích chính của Kinh thánh bày tỏ một chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời dành cho con người qua Chúa Jêsus Christ. Dù vậy, Kinh thánh vẫn tiềm tàng là một sách khoa học, trong đó có sách Sáng thế ký được viết cách đây hơn 3.500 năm vẫn tỏ ra thích hợp với hiểu biết khoa học hiện tại của Thế kỷ 21. Phải nhớ Kinh thánh trình bày khoa học trong ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ quần chúng, ngôn ngữ mắt thấy tai nghe. Ví dụ: Thi thiên 19:6, nói về mặt trời ra từ phương trời nầy, chạy vòng giáp  đến phương trời kia, chẳng chi tránh khỏi hơi nóng mặt trời được, Kinh thánh đã dùng loại ngôn ngữ bình dân mắt thấy tai nghe để mô tả mặt trời, người nào cũng nói như vậy. Thi thiên 103:12, “phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu”, đúng như câu con người hay nói Đông Tây không bao giờ gặp nhau.
III/. NGHI ĐỀ CỦA SÁCH SÁNG THẾ KÝ:

  • Thuyết vật chất hằng hữu:

Trước năm 1975, người ta nhân danh khoa học để đả kích Sáng thế ký 1:1, vì lúc bấy giờ Khoa học dạy: Vật chất vốn có từ đời đời, không có khởi nguyên cũng không có tận chung, không có ai phá hủy hay tạo thêm vật chất. Con người thay đổi hình dạng vật chất, phá hủy những vật chất đã hoàn thành, nhưng vật chất nguyên thỉ vẫn hằng hữu. Nếu vật chất không thể bị tận diệt, thì Sáng thế ký 1:1 đáng nghi ngờ.
Nhưng Thuyết Năng Lượng của Einstein và kết quả của hai trái bom nguyên tử chứng minh vật chất có thể biến thành năng lượng và năng lượng có thể biến thành vật chất. Vật chất đã có khởi nguyên.

  • Tại sao Đức Chúa Trời lại để cho A-đam và Ê-va phạm tội? Tại sao Chúa lại đặt cây biết điều thiện điều ác giữa vườn?

Sáng. 2:16-17 xác nhận khi dựng nên muôn vật trong đó có con người, chỉ con người được Đức Chúa Trời ban cho sự tự do, đó là đặc điểm của con người, nghĩa là con người có quyền sử dụng ý chí, tình cảm theo ý của mình. Con người đang ở thời kỳ trung tính khi vừa được dựng nên: không thiện không ác. Câu 17, cây biết điều thiện và điều ác là phương tiện thử nghiệm con người sử dụng tự do THEO Ý CHÚA hay THEO Ý MÌNH.
Đức Chúa Trời là công nghĩa, Ngài không vượt qua sự tự do mà Ngài đã ban cho con người. Do đó, Chúa chỉ răn dạy cho con người biết hậu quả ghê sợ khi ăn trái cây biết điều thiện và điều ác, Chúa không trực tiếp can thiệp vào hành động ăn trái cây đó của con người, khi mà con người đã muốn ăn.
Tuy nhiên, việc ăn trái cấm sẽ không thành vấn đề nếu A-đam biết nhìn nhận tội lỗi khi Chúa hỏi (I Giăng 1:7). Rất tiếc là cả A-đam và Ê-va đều đổ tội cho người khác, không chịu nhận tội của mình (Sáng. 3:12-13). Tôi tin rằng Chúa chưa cho ăn, sau nầy sẽ được ăn. Người đời không tin Chúa còn biết nói nhân vô sự tiểu thần tiên, sống trong sự vô tư là thần tiên; đó là lý do con người gọi tuổi thơ vô tư là tuổi thần tiên. Một sự vội vàng muốn biết điều thiện điều ác sớm quá là tai họa của con người.
Cảm ơn Chúa là Đức Chúa Trời yêu thương, ngay khi con người phạm tội, Ngài đã dự bị một phương pháp cứu rỗi con người: Ta sẽ làm dòng dõi mầy (quỉ Sa-tan) cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau, người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chon người” (Sáng. 3:15).

  • Sáng 6:1-2, con trai của Đức Chúa Trời là ai?

Một số người cho rằng “con trai Đức Chúa Trời” là thiên sứ kết hôn với loài người, họ căn cứ vào II Phi. 2:4; Giu-đe 6. Nhưng hai câu Kinh thánh đó chỉ về các thiên sứ theo Satan phạm tội chống nghịch Đức Chúa Trời. Mathiơ 22:30, Chúa Jêsus xác nhận Thiên sứ không có đời sống vợ chồng.
Đa số đều đồng ý con trai của Đức Chúa Trời là dòng dõi Sết; vì từ Sết người ta bắt đầu cầu khẩn Chúa. Về con gái của loài người là dòng dõi của Ca-in, một dòng dõi bị rủa sả (4:11-12).
Ý kiến thứ ba cho rằng thiên sứ mượn hình con người đã phạm tội lấy con gái loài người.

  • Sáng 4:17, Vợ Ca-in là ai?

Đa số Thần học gia cho rằng vợ của Ca-in là em gái của Ca-in, vì lúc đó chưa có luật pháp, và phong tục chỉ chấp nhận cho cưới gả trong dòng họ (20:12; 24:4); giống như phong tục Trung quốc, Việt Nam, chỉ được kết hôn người trong làng, nếu khác làng sẽ bị phạt. Đến khi có Luật pháp do Đức Chúa Trời ban cho mới qui định nghiêm cấm kết hôn trong thân tộc (Lê-vi ký 18)
Chúng ta cũng có sự giải thích thứ hai: Vợ của Ca-in và dòng dõi “con gái loài người” trong 6:1-2 là dòng dõi của loài người đời TIỀN A-ĐAM còn sót lại sau cơn hủy diệt của Đức Chúa Trời do sự nổi loạn của Satan.
Cách giải thích “thời Tiền A-đam” nầy đã được giải thích trong các bài học về sách Sáng thế ký trước

  • Sáng. 6:16, trong tàu của Nô-ê chỉ có một cửa sổ, làm sao thở?

6:16, “cửa sổ” có nghĩa là chỗ cho ánh sáng chiếu vào hơn là cửa sổ nhỏ bé, có nghĩa là một chỗ hở từ đỉnh chạy dài chung quanh cả tàu.
Năm 1609-1621, một người Hòa lan (tên Peter Janson), đã thí nghiệm đóng một chiếc tàu có kích thước như tàu của Nô-ê, ông nhận thấy nó vừa chịu đựng được sóng gió, vừa có khả năng tồn trữ cao.

  • Truyền thuyết về Nước Lụt,

Năm 1872, George Smith, nhân viên Viện Bảo tàng Anh quốc, tìm thấy tại Ni-ni-ve những tấm bảng nói về Nước Lụt, kể chuyện một vị vua (tên Xisuthros), được một thần cảnh báo phải đóng tàu đem bạn hữu, bà con, loài vật và những thứ lương thực vào tàu. Vua đóng tàu tại xứ Arménia. Khi nước lụt rút rồi, vua thả nhiều chim ra, lần thứ ba chim không trở lại.
Các dân tộc cổ đều có truyện Nước Lụt như: Ai Cập, Hi Lạp, Ấn Độ, Nam Mỹ (Mexico, Peru, người Indian), ngay cả người Việt Nam cũng đã có truyện Sơn tinh và Thủy tinh. Cố Mục sư Phạm Xuân Tín là nhà Truyền giáo cho dân tộc Banhar cho biết dân tộc thiểu số nầy vẫn có câu chuyện hai anh em vì tránh nước lụt, đã trốn trong một cái trống bảo tồn sự sống, đó là câu chuyện Ông Trống Bà Trống liên quan đến Nước Lụt.
Dĩ nhiên, Kinh thánh còn nhiều điều khó hiểu do nhiều nguyên nhân, trong đó do sự hạn chế hiểu biết của con người, nhưng điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã sờ sờ cho loài người xem thấy, cho con người đọc hiểu (Rô. 1:19-20). Vấn đề còn lại là hiểu rồi thì sao? Kinh thánh dạy chúng ta phải đọc, phải học, phải làm theo thì được may mắn trong con đường mình và được phước. Mong lắm thay!