SÁNG THẾ KÝ (5)
***********************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn cho qua Chương trình Phát Thanh Tin Lành chúng ta đã cùng nghiên cứu được 4 phần của sách Sáng thế ký. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nghiên cứu sách Sáng thế ký phần thứ 5 về SỰ QUAN HỆ CỦA SÁCH SÁNG THẾ KÝ với nhiều phương diện, để thấy sách Sáng thế ký là cần yếu dường nào. Xin Chúa cho chúng ta có lời cầu nguyện như vua Đa-vít: “Xin Chúa mở mắt tôi, đặng tôi thấy sự lạ lùng trong Luật pháp của Chúa”.
A/. QUAN HỆ VỚI KINH THÁNH
Câu hỏi được đặt ra là thứ tự các sách trong Kinh thánh là ngẫu nhiên hoặc là bởi sự hướng dẫn, sắp xếp của Thánh Linh Đức Chúa Trời? Để trả lời câu hỏi nầy, tôi mời Quý vị hãy xem xét thứ tự 5 sách đầu của Kinh thánh hay được gọi là Bộ Ngũ Kinh của Môi-se có liên quan gì với nhau:
- Về phương diện Đức Chúa Trời:
Với sách Sáng thế ký về phương diện Đức Chúa Trời, chúng ta học được về Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, bằng cớ qua sự sáng tạo trời đất muôn vật cùng loài người chúng ta, thật như chính Đức Chúa Trời đã phán: “Ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác”, không có một thần nào đã làm những công việc quyền năng như vậy, từ dựng nên vũ trụ, dựng nên muôn loài trên trời dưới đất. Nhìn vào con người của chúng ta đã thấy thật có một Đức Chúa Trời đáng sợ lạ lùng.
Với sách Xuất Ê-díp-tô ký, chúng ta cũng học biết được một Đức Chúa Trời yêu thương qua hành động giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, đặc biệt là hoàn toàn bởi Ân điển, dân Y-sơ-ra-ên chỉ ngồi yên trong khi Chúa làm hết mọi sự, nhất là dân Y-sơ-ra-ên được cứu bởi huyết chiên con trong đêm Lễ Vượt Qua.
Với sách Lê-vi ký, chúng ta lại nhìn thấy một Đức Chúa Trời thánh khiết không dung chịu tội lỗi, buộc tội lỗi phải được đền trả qua các của lễ, Đức Chúa Trời muốn người thuộc về Ngài cũng là một người thánh, một dân thánh.
Bài học kỳ diệu nữa là qua sách Dân số ký, Đức Chúa Trời đã bày tỏ Ngài là Đức Chúa Trời Công Bình, chẳng kể kẻ có tội là vô tội - dù kẻ đó là tuyển dân của Ngài, Chúa đã sẵn sàng phạt những người vô tín, chống nghịch Chúa.
Tuy nhiên, Chúa cũng là Đức Chúa Trời Thành Tín, điều chi Chúa đã hứa thì Ngài sẽ làm thành, và Chúa đã làm thành lời hứa của Ngài với Tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên bằng cách đưa họ vào Đất Hứa.
- Về phương diện dân Y-sơ-ra-ên:
Với Bố cục Bộ Ngũ Kinh về phương diện tuyển dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta học được bài học về tuyển dân Y-sơ-ra-ên để áp dụng cho tuyển dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh là người tin Chúa Jêsus.
Dân Y-sơ-ra-ên cũng phát nguồn từ dòng dõi tội lỗi chung của loài người do tổ phụ A-đam và Ê-va. Dân Y-sơ-ra-ên được sinh ra trong tội lỗi, như Áp-ra-ham vốn được sinh ra tại thành phố tội lỗi U-rơ; rồi dòng dõi của Áp-ra-ham lại làm nô lệ 400 năm tại Ai Cập. Dù vậy, bởi Ân điển yêu thương của Đức Chúa Trời đã cứu chuộc dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập bởi chính tay của Đức Chúa Trời Tạo hóa.
Sau khi ra khỏi kiếp nô lệ tại Ai Cập, Đức Chúa Trời biệt riêng dân Y-sơ-ra-ên làm một dân thánh, được dâng tế lễ, được những ngày Lễ vui mừng thánh.
Đến sách Dân-số ký, dân Y-sơ-ra-ên được thử nghiệm niềm tin nơi Chúa, dù có lúc đắc thắng cũng có những thất bại.
Cuối cùng, dân Y-sơ-ra-ên cũng đã được Chúa đưa vào Đất Hứa như Chúa đã hứa cùng Tổ phụ của họ và đã hứa với chính họ.
- Về phương diện Sự Cứu Rỗi:
Bộ Ngũ Kinh là một bố cục đầy đủ về đời sống của người tin Chúa Jêsus được sự cứu rỗi:
Bắt đầu từ khi nhìn biết tội lỗi, thấy được hậu quả của tội lỗi là sự chết; sau đó được Chúa ban sự cứu chuộc khỏi tội lỗi như dân Y-sơ-ra-ên được cứu ra khỏi Ai Cập bởi Huyết của Chiên Con Đức Chúa Trời (I Phi. 1:18-19).
Sau khi được cứu chuộc, chúng ta lại được Chúa cho bước vào mối tương giao với Chúa, sứ đồ Phao-lô giải thích địa vị kỳ diệu nầy: “Vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả hai được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh” (Êph. 2:18).
Chẳng những vậy, suốt cuộc đời theo Chúa trên đất, người tin Chúa Jêsus được Chúa dẫn dắt từng bước trong cuộc sống hằng ngày (Math. 28:20b; Giăng 14:18), trên con đường theo Chúa với một đời sống Nên Thánh Tực Nghiệm, có lúc mạnh mẽ, có lúc yếu đuối,.
Sau cùng qua những chặng đường nên thánh thực nghiệm, người tin Chúa Jêsus chúng ta được Chúa đưa đến đích là Đất Hứa thiêng liêng trên Trời.
Câu hỏi đặt ra: Như vậy, thứ tự của 5 sách đầu Kinh Thánh có phải là ngẫu nhiên không? Câu trả lời không thể khác hơn là: KHÔNG! Đó là bằng cớ để chúng ta tin rằng: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ thách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Tim. 3:16-17).
Khi đọc suốt Kinh thánh, người đọc sẽ nhận ra sách Sáng thế ký thật quan trọng dường nào đối với các sách sau đó. Chúng ta đã thấy sách Sáng thế ký là cần yếu đối với Bộ Ngũ Kinh, về phương diện của Đức Chúa Trời, về phương diện tuyển dân Y-sơ-ra-ên, và về phương diện một người tin Chúa Jêsus trong thời Tân Ước. Có thể nói:
- Sách Sáng thế ký là bảng tóm lược toàn bộ sự mặc khải của Đức Chúa Trời cho loài người về chương trình cứu rỗi của Chúa ban cho con người. Nếu không có sách Sáng thế ký thì chúng ta không biết gì về Đấng dựng nên muôn vật và nhất là những đặc ân Đức Chúa Trời dành cho con người từ cách con người được dựng nên, thời điểm con người được dựng nên, nơi ở đầu tiên của con người thay vì ăn lông ở lỗ, hoặc hái lượm, thi lại là Vườn Phước Hạnh, con người lại được ban tự do, mà nói như Giáo sư Ngô Bảo Châu nếu con người không có tự do thì chỉ là một bầy đàn. Hơn thế nữa, con người lại được Đức Chúa Trời thiết lập gia đình để giúp đỡ nhau, trong khi muôn loài chỉ là để truyền giống.
- Sách Sáng thế ký là Nguồn, các sách khác là nhánh của dòng sông càng chảy càng sâu, càng rộng. Sách Sáng thế ký là mầm, các sách khác là chồi từ đó thân cây mọc lên.
Đó là lý do người đọc Kinh thánh sẽ thấy Tân Ước có 27 sách thì đã có 17 sách trong Tân Ước trích dẫn sách Sáng thế ký, nhất là chính Chúa Jêsus Christ thường trích dẫn Sáng thế ký (Math. 19:4-6; 24:37-39; Luca 17:28-29, 32; Giăng 1:51; 7:21; 8:49-58).
Và như chúng ta đã biết trọng tâm của Kinh thánh là giới thiệu Chúa Jêsus Christ – Đấng Cứu Thế sẽ giáng sanh làm người để cứu con người ra khỏi tội (I Tim. 1:15), cho nên trong sách Sáng thế ký có rất nhiều những hình bóng về Chúa Jêsus Christ:
- Sáng. 3:15, ngay khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va phạm tội nghe lời ma quỉ mà không vâng lời Đức Chúa Trời Tạo Hóa, Đức Chúa Trời đã báo trước: Dòng dõi người nữ sẽ ra đời một Đấng có quyền năng giày đạp đầu ma quỉ đang mượn hình con rắn, nói thẳng là Chúa Jêsus Christ là Đấng Cứu Thế sẽ đến hủy diệt quyền lực quỉ Sa-tan và những kẻ theo nó (Math. 1:17, 23).
- Sáng. 3:21, sau khi nhận án phạt của Đức Chúa Trời đối với tội không vâng lời, và trước khi bị Đức Chúa Trời đuổi khỏi Vườn Ê-đen, tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va đã được Đức Chúa Trời giết một con thú lấy da kết thành áo dài cho mặc thay cho chiếc áo bằng lá vả đóng khố che thân (3:7). Phải đợi đến Khải huyền 13:8, Kinh thánh mới cho biết con thú đó là con chiên con. Chiên con đó đã được thực hiện trong Lễ Vượt Qua và được Giăng Báp-tít xác nhận trong Giăng 1:29. Chúa Jêsus Christ là Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi. Nhân loại không cần mặc chiếc áo bằng lá cây tạm che giấu tội lỗi xấu xa của con người nữa, hãy thay bằng chiếc áo dài bằng da chiên con của Đức Chúa Trời.
- Sáng. 7:1, 7, chiếc tàu Nô-ê. (Công vụ 4:12) là một công trình kiến trúc đồ sộ đầu tiên chính Đức Chúa Trời ra bản thiết kế và chỉ dạy Nô-ê đóng chiếc tàu nầy, đặc biệt tàu chỉ có một cửa ra vào và chính Đức Chúa Trời đã đóng cửa tàu khi đã đúng giờ. Mục đích chiếc tàu là để bảo tồn sự sống cho gia đình 8 người của Nô-ê là gia đình của người được Chúa kể là công bình trong thời đại gian ác, và bảo tồn sự sống cho muôn vật có hơi thở trên đất. Có nhiều hình bóng áp dụng cho sự cứu rỗi mà Chúa Jêsus Christ sẽ thực hiện trong Tân Ước:
Cánh cửa duy nhất của chiếc tàu là chính Chúa Jêsus Christ như Ngài đã phán: “Ta là cái cửa: nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi; họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ” (Giăng 10:9)
Kinh thánh gọi Nô-ê là thầy giảng đạo (II Phi. 2:5), vì Nô-ê đã rao giảng về sự đoán phạt hầu đến mong nhiều người được cứu, nhưng người ta chỉ lo ăn uống, cưới gả, trồng trỉa như thường cho đến ngày nước lụt đến đùa đem đi hết thảy (Math. 24:37; Luca 17:26-27). Câu hỏi nên đặt ra ở đây là con người ngày nay có giống đời Nô-ê không? Chắc chắn phải trả lời là rất giống, vì có bao nhiêu người nghe Lời Chúa cảnh báo nầy mà ăn năn tỉnh thức quay về với Chúa?
- Sáng. 22: Áp-ra-ham dâng Y-sác (Gal. 4:28-31). Câu chuyện rất cảm động nầy đã bắt đầu như sau: “Khi mọi việc kia đã xong, thì Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham; Ngài phán rằng: Hỡi Áp-ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây. Đức Chúa Trời phán rằng: Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, và đi đến xứ Mô-ri-a, nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên một hòn núi kia mà ta sẽ chỉ cho”. Sự đau lòng càng tăng thêm khi Y-sác hỏi: “Cha ơi, củi đây, lửa đây, nhưng chiên con đâu có đặng làm của lễ thiêu?” (Sáng. 22:1, 7). Câu chuyện nầy mô tả lòng Đức Chúa Trời yêu con người chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống” (I Giăng 4:9). Chính Chúa Jêsus Christ đã xác nhận:”Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Đức Chúa Trời muốn cứu con người chúng ta ra khỏi tội, khỏi kiếp nô lệ cho ma quỉ, chỉ vì yêu thương, nhưng mãi từ đời Nô-ê đến ngày nay, loài người chúng ta cứ nghi ngờ, cứ khước từ tình yêu thương của Vị Cha Thiên thượng là Đức Chúa Trời Tạo hóa.
- Sáng. 37 - 41: Những đoạn sau cùng của sách Sáng thế ký ghi lại đời sống của một nhân vật rất đặc biệt là Giô-ép làm cái bóng cho hình thật về Đấng Cứu Thế trong Tân Ước là Chúa Jêsus Christ. Giô-sép có những đặc điểm làm hình mẫu về Chúa Jêsus Christ như sau:
Giô-sép được cha yêu thương nhất làm hình bóng về Chúa Jêsus Christ là Đấng duy nhất được Đức Chúa Trời trực tiếp công bố: Nầy là con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng (Math. 3:17). Giô-sép bị các anh ghen ghét và giết đi, như chính Chúa Jêsus đã bị chính dân mình chối bỏ Ngài, đóng đinh Ngài. Giô-sép trở nên phước cho dân ngoại, là Hội Thánh của người ngoại bang. Về sau được anh em tôn trọng (Phục. 30:1-10, Công. 15:14; Rôma 11:1, 15, 25-26). Không có ai có đời sống làm hình bóng về Chúa Jêsus Christ giống như Giô-sép, Phao-lô nói: sau khi Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá, cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, Khi Chúa Jêsus Christ tái lâm thì mọi đầu gối trên trời, dưới đất – trong đó có kẻ đã đâm Ngài, cùng kẻ bên dưới đất là quỉ Sa-tan và những kẻ theo nó, thảy đều phải quỳ xuống, mọi lưỡi sẽ tôn xưng Chúa Jêsus là Chúa (Phi-líp 2:6-11).
|