Sáng Thế Ký

SÁNG THẾ KÝ (4)


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn cho qua Chương trình Phát Thanh Tin Lành  chúng ta được cùng nhau nghiên cứu về NIÊN HIỆU CỦA SÁCH SÁNG THẾ KÝ, với hai phần: Niên hiệu của sách và Niên hiệu viết sách
I/. NIÊN HIỆU CỦA SÁCH SÁNG THẾ KÝ:
Nói Niên hiệu của sách Sáng thế ký là thuật kể từ lúc vũ trụ được sáng tạo đến khi dòng dõi của tuyển dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu từ gia đình của Gia-cốp vào cư ngụ tại Ai Cập, kết thúc bằng cái chết của Giô-sép, tức là từ Ban đầu của công cuộc sáng tạo vũ trụ của Đức Chúa Trời đến khoảng năm 1.800 TC.
THỜI KỲ TIỀN A-ĐAM. 1:1
Hầu hết những người học sách Sáng thế ký đều nhìn nhận đã có một Thời kỳ Trước khi A-đam được dựng nên và sách Sáng thế ký bắt đầu với Thời kỳ Tiền-A-đam. Lý do, vì 1:1 xác định: Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời [và] đất, rõ ràng cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời đã hoàn thành, nhưng tại sao đến 1:2 thì lại bắt đầu với những từ ngữ: Vả, đất là vô hình – không định hình – và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực? Phải có một biến động lớn lao gì đó làm Trái Đất trở thành hỗn độn.
Lời Chúa khẳng định: “Vì Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các từng trời, tức là Đức Chúa Trời đã tạo thành đất, và làm ra nó, đã lập nó cho bền vững. chẳng phải dựng nên là trống không, bèn đã làm nên để dân ở…” (Ê-sai 45:18). Rồi Lời Chúa phán: “Tôi xem đất: nầy, là vô hình và trông không; xem các từng trời; thì không có sự sáng… (Giê. 4:23-26).
Biến động lớn nầy được Kinh thánh giải thích do Thiên sứ trưởng Sao Mai (Lucifer) phạm tội kiêu ngạo muốn nhắc ngai của mình lên ngang với Đức Chúa Trời nên bị Đức Chúa Trời phạt đuổi khỏi Thiên đàng, trở thành quỉ Sa-tan (Ê-sai 14 và Ê-x. 28; Khải 12:1-4). Biến động nầy ảnh hưởng đến Trái đất, khiến Trái đất và mọi vật trên đất bị tiêu diệt. Biến động nầy được chứng minh sự tồn tại của uế linh, tà linh (Mác 1:23), cũng giải thích các di chỉ khảo cổ hàng trăm ngàn, hàng triệu năm, và sự đột ngột mất tích của thời đại khủng long.
Cũng có ý kiến cho rằng Thời đại Tiền A-đam và A-đam được ghi trong 2:4 và câu 5. Nói chung, Thời đại Tiền A-đam là có thật!
7 NGÀY SÁNG TẠO.
Sách Sáng thế ký ghi lại rõ ràng thứ tự 7 ngày sáng tạo trời đất của Đức Chúa Trời như sau:

  • Ngày thứ 1, Đức Chúa Trời dựng nên sự sáng.
  • Ngày thứ 2, Đức Chúa Trời dựng nên khoảng không – bầu khí quyển
  • Ngày thứ 3, Đức Chúa Trời dựng nên đất từ biển, các loài thực vật mọc lên
  • Ngày thứ 4, Đức Chúa Trời dựng nên mặt trời và mặt trăng cùng các hành tinh để định mùa tiết, ngày đêm.
  • Ngày thứ 5, Đức Chúa Trời dựng nên các loài thủy sinh vật, các loài chim.
  • Ngày thứ 6, Đức Chúa Trời dựng nên các loài động vật trên đất và đặc biệt là Đức Chúa Trời dựng nên con người.
  • Ngày thứ 7, Đức Chúa Trời dựng nên Ngày Nghỉ.

VINH QUANG CỦA SỰ SÁNG TẠO
Tuyệt điểm của sự sáng tạo là Đức Chúa Trời đã dựng nên con người với bao phước lành Chúa ban: được chính Đức Chúa Trời vận dụng công năng nắn nên hình người, được Đức Chúa Trời truyền sự sống cho, được ban cho nơi ở là Vườn Ê-đen, một nơi có bốn con sông dù ngày nay chỉ còn 2 con sông nhưng đủ xác định vị trí phía nam Iraq. Con người lại được Đức Chúa Trời ban nhiệm vụ trồng và giữ vườn Ê-đen, sự tự do và Đức Chúa Trời đã thiết lập gia đình chồng vợ cho con người. Đó là những điều Đức Chúa Trời ban riêng cho con người mà muôn vật không hề có.
Qua Kinh thánh với sách Sáng thế ký, chúng ta thấy A-đam và Ê-va được Đức Chúa Trời dựng nên không ở thời kỳ ăn ở lỗ, không ở thời hái lượm, mà đã có nơi ở đẹp, biết trồng và giữ gìn, nghĩa là biết bảo vệ, chăm sóc nơi ở, có ý thức tự do và có tình yêu cao quý từ Đức Chúa Trời ban cho.
Chúng ta hãy nghe Lời Chúa dạy về Tình yêu và hôn nhân gia đình ngay trong những trang đầu của sách Sáng thế ký.

  • Sáng. 2:7, khi dựng nên muôn vật thì Đức Chúa Trời chỉ cân phán thì có, nhưng khi dựng nên con người, ngoài việc Đức Chúa Trời nắn nên hình người, tượng người, Đức Chúa Trời còn truyền sự sống của chính Ngài vào cho tượng người. Vì vậy, Đức Chúa Trời cũng đã truyền cho con người Tình Yêu từ chính Ngài. Người thế gian không có một định nghĩa nào về Tình yêu, chỉ có những lời vô nghĩa; Biết làm sao định nghịa được tình yêu, hoặc: Yêu là chết trong lòng một ít; hoặc: Yêu là khổ, không yêu là lổ,,, Trong khi đó, Kinh thánh định nghĩa về Đức Chúa Trời: “Đức Chúa Trời là Tình Yêu” (I Giăng 4:8, 16). Lời Chúa dạy Tình yêu là báu vật duy nhất của Đức Chúa Trời ban cho con người, tôi thường nói với các bạn trẻ rằng: ‘Hãy làm con người thưởng thức tình yêu do Đức Chúa Trời ban cho với trách nhiệm; đừng hạ mình xuống đùa giỡn tinh yêu làm một con gà’.
  • 2:18, Kinh thánh không cho biết từ khi con người được Đức Chúa Trời dựng nên đến khi Chúa thấy trong con người có những rộn rực, bức rức như trong câu Kinh thánh nầy. Đức Chúa Trời đã chờ đợi A-đam trưởng thành đủ về cơ thể, rồi Chúa lại trắc nghiệm kiến thức của A-đam đã đủ chưa bằng cách cho A-đam đặt tên các loài thú, nhất là Đức Chúa Trời chờ đợi A-đam tự ý thức chính A-đam không tìm được một ai giúp đỡ giống như mình, một ý thức nhu cần chồng vợ. Khi ấy Đức Chúa Trời mới dựng nên người nữ ban cho A-đam.
  • Kinh thánh ghi rõ, lần dựng nên người nữ, Đức Chúa Trời không hà sanh khí, Chúa chỉ lầy một xương sườn của A-đam, hay nói theo thuật ngữ của vùng Mê-sô-bô-ta-mi, Đức Chúa Trời đã dùng một tế bào của A-đam, sự sống có sẵn nơi A-đam để cấy ghép nên người nữ. Lời Chúa khẳng định: “Vả, hơi sống của Đức Chúa Trời dầu có dư dật, chỉ làm nên một người mà thôi… Giê-hô-va Đức Chúa Trời … phán rằng ta ghét người nào bỏ vợ” (Mal. 2:15-16).

THỜI KỲ SAU Ê-ĐEN.
Đoạn 3 xuất hiện sự xen vào của ma quỉ với bản tánh quỉ quyệt, vì ma quỉ là linh không hiện hình (Luca 24:39), nên nó mượn hình con rắn cám dỗ con người. Sự quỉ quyệt đó bộc lộ qua việc gieo rắc nghi ngờ Lời Chúa, khiến Ê-va nghi ngờ Lời từ Chúa phán ăn chắc chắn chết (2:17), thì Ê-va sửa đổi một chút chẳng nên đá động đến, bớt một chút: e khi hai người phải chết chăng – không biết có chết không (?).
Ngày nay quỉ Sa-tan cũng quỉ quyệt đến với Hội Thánh cũng bằng Kinh thánh như nó cũng dùng Kinh thánh khi nó cám dỗ Chúa Jêsus (Math. 4:6). Ma quỉ nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy gieo mình xuống đi; vì có lời chép rằng: Chúa sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ ngươi, thì các đấng ấy sẽ nâng ngươi trong tay, kẻo chon ngươi vấp nhằm đá chăng. Ma quỉ làm cho người tin Chúa Jêsus nghĩ rằng Kinh thánh có nói như vậy, rồi thêm một chút, bớt một chút. Phao-lô đã quở trách Hội Thánh tại Galati: “Tôi chỉ hỏi anh em một câu nầy: Ấy là cậy các việc luật pháp hay là bởi nghe và tin mà anh em đã nhận được Đức Thánh Linh? Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn? (Gal. 3:2-3). Hội Thánh học Kinh thánh là điều cần yếu, nhưng cũng phải đọc và học đúng điều Kinh thánh dạy, đừng biện luận, đừng pha chế Kinh thánh.
Từ đó, tội lỗi đã lan tràn từ ma quỉ đến con người, lan qua dòng dõi con người đến nỗi thế giới đã trở thành bại hoại, hung ác (Sáng. 6:11) và bị Đức Chúa Trời phạt bằng Nước Lụt đời Nô-ê, chỉ còn lại 8 người trong gia đình Nô-ê.
Nô-ê còn sống đến 950 tuổi, như vậy tính từ Sáng. 5 đến 9:29, từ A-đam đến Nô-ê tức là thời loài người chia ra khắp đất, chia tiếng nói (Sáng. 10:25) vị chi là 2.006 năm.
THỜI KỲ SAU BA-BÊN.
Từ sau Ba-bên bắt đầu từ Áp-ra-ham đến cuối sách Sáng thế ký qua cái chết của Giô-sép là khoảng 363 năm (Áp-ra-ham được 100 tuổi sanh Y-sác (21:5); Y-sác được 40 sanh Gia-cốp (25:19-26; Gia-cốp được 113 tuổi sanh Giô-sép – lúc Gia-cốp qua đời là 130 tuổi, lúc Giô-sép ra khỏi nhà là 17 tuổi – 37:2 và qua đời là 110 tuổi – 50:22).
Chúng ta có thể thấy mỗi chu kỳ sự kiện khoảng 400 năm.
II/. NIÊN HIỆU VIẾT SÁCH SÁNG THẾ KÝ:
Điều chúng ta có thể khẳng định là Môi-se viết sách Sáng thế ký trong lúc dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên đi trong đồng vắng 40 năm. Tại sao có thể khẳng định như vậy? Có những lý do như sau:

  • Sau khi ra Trường Hoàng gia Ai Cập, với vốn học thức, với đia vị cao, với sức mạnh có được, và sau thất bại lấy sức riêng làm anh hùng cá nhân, Môi-se đã chạy trốn vào đồng vắng với tâm trạng chán nản (Xuất. 2:15). Sau 40 năm chăn chiên cho ông gia mình nơi đồng vắng Ma-đi-an, lấy vợ, có con, ở trong nhà cha vợ, tâm chí của Môi-se không còn anh hùng cá nhân nữa. Khi Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se giải cứu dân Chúa, Môi-se hoàn toàn buông bỏ, từ chối (Xuất. 3:11; 4:13). Tâm trạng như vậy, Môi-se không thể nào viết lách gì, có thể Môi-se vẫn còn nhớ những tài liệu đã học, đã đọc về cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời, ngay cả những tài liệu có thể Môi-se có được trong đồng vắng Ma-đi-an nơi phát tích nguồn gốc sáng tạo, nhưng chỉ là vốn liếng học thức mà thôi.
  • Để hoàn thành Bộ Ngũ Kinh, là Bảng tường thuật từ buổi sáng thế đến khi đặt chân nơi biên giới Đất Hứa, chắc chắn Môi-se phải viết Bộ Ngũ Kinh nầy trong suốt 40 năm, chúng ta có thể chia thời gian việc Bộ Ngũ Kinh làm ba giai đoạn:
  • Giai đạn đầu cuộc du hành trong đồng vắng, Môi-se viết phần sách Sáng thế ký để cho dân Y-sơ-ra-ên biết tại sao họ phải chịu nô lệ 400 năm tại Ai Cập.
  • Đến thời gian đi trong đồng vắng, Môi-se đã viết lại hành trình 40 năm từ Bán đảo Si-nai với sách Xuất Ê-díp-tô ký – với chiến thắng hào hùng khi vượt Biển Đỏ, Môi-se không thể không ghi lại cho dân Y-sơ-ra-ên học và nhớ.
  • Sách Lê-vi ký, Dân số ký, và đang khi viết Bảng tường trình theo sách Phục truyền Luật Lệ ký lúc cuối đời, trừ những phần sau khi Môi-se qua đời mà những người học Kinh thánh đều tin là do Giô-suê viết tiếp những trang cuối của sách Phục truyền Luật Lệ ký.

Vì khoảng thời gian nầy, Môi-se đã gặp Chúa, đầy lòng yêu mến Chúa, được Chúa nói chuyện mặt đối mặt (Phục. 34:10-12). Ngoài những tài liệu ông có được qua học vấn tại Ai Cập (Công vụ 7:22), những tài liệu chuyển tiếp thế hệ từ gia đình Gia-cốp còn lại, chắc chắn ông đã được Thánh Linh Đức Chúa Trời ban sự mặc khải trực tiếp để viết những điều xảy ra từ ban đầu của vũ trụ.
Niên hiệu viết Bộ Ngũ Kinh trong đó có sách Sáng thế ký được tính khoảng từ 1450 - 1410 TC (hoặc 1391 - 1331 TC.).
Một Bộ sách phải mất 40 năm để hoàn thành, với sự tích trữ từ học vấn cao cấp, những sưu tập thực tế, do một người vĩ đại như Môi-se viết ra, nếu chúng ta không đọc và tìm hiểu thì thật đáng trách. Đã đọc và đã học, đã nghiên cứu, mà không tin là chân thật, là những lời chỉ có Trời làm Trời cho, nói rõ hon nếu không tin là Lời Đức Chúa Trời thì còn lời bào chữa nào khi đứng trước Tòa Án Đức Chúa Trời xét đoán. Xin Chúa cho không ai dám nghi ngờ Lời Đức Chúa Trời.