Sáng Thế Ký

SÁNG THẾ KÝ (3b)


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn cho qua Chương trình Phát Thanh Tin , chúng ta đã được cùng nhau nghiên cứu sách Sáng thế ký được 3 phần. Thật không có quyển sách nào kỳ diệu như Kinh thánh vì đó là Lời của Đức Chúa Trời Tạo Hóa. Hôm nay, chúng ta tiếp tục nghiên cứu về BỐ CỤC sách Sáng thế ký, nghĩa là chúng ta sẽ lược qua nội dung sách nói gì.
Như chúng ta đã nói, sách Sáng thế ký có chủ đề là BAN ĐẦU hoặc BẮT ĐẦU, theo chủ đề đó, nội dung trình bày những sự việc như sau:
TỪ ĐOẠN 1 ĐẾN ĐOẠN 2,
Sách Sáng thế ký ghi chép về việc bắt đầu muôn vật, trong 1:1 xác định Đức Chúa Trời đã dựng nên từ vũ trụ bao la đến trái đất chúng ta đang sống. Câu 2, lời Chúa kéo chúng ta quay về trọng tâm mặc khải của Đức Chúa Trời ban cho con người: trọng tâm đó là chuyện xảy ra trên trái đất. Câu chuyện về trái đất được dựng nên với trình tự không thể nào hợp lý hơn với sự hiểu biết của con người thuộc thế kỷ 21 nầy, không phải là câu chuyện thần thoại, huyễn hoặc như thế giới đã có.
Thứ tự sáng tạo khởi sự từ sự sáng, vì sự sáng là sự sống của loài người, kế đó có nước, có không khí, đất, cây cỏ thực vật, rồi có điều kiện tuần hoàn ngày đêm, thời tiết. Sau những sáng tạo có tánh cách chuẩn bị, Đức Chúa Trời dựng nên các loài động vật gồm thủy sinh vật, các loài chim, và đến động vật trên mặt đất.
Quý Vị có nhận ra Kinh thánh ghi thuật cách Đức Chúa Trời sáng tạo vũ trụ và trài đất chúng ta đang sống quá hợp lý không? Mỗi lần xong một cuộc sáng tạo, chính Đức Chúa Trời nhìn nhận là tốt lành, và Chúa ban phước cho.
Sau khi hoàn tất muôn vật trên trời và dưới đất, Kinh thánh cho chúng ta biết là Đức Chúa Trời bắt đầu dựng nên con người, và Đức Chúa Trời đã ban cho con người đặc quyền thay Chúa để quản trị muôn loài vạn vật trên đất. Nói cách khác, tất cả muôn vật được Đức Chúa Trời dựng nên chỉ để phục vụ con người. Tuy nhiên, Kinh thánh ghi rõ Đức Chúa Trời dựng nên con người khác với muôn vật những điểm sau:

  1. Khi dựng nên muôn vật, Đức Chúa Trời chỉ cần phán thì có – Kinh thánh làm chứng: Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế giới được dựng nên bởi lời Đức Chúa Trời” (Hê. 11:3). Nhưng khi dựng nên con người, Đức Chúa Trời thay vì chỉ phán thì có, Chúa đã lấy bụi đất nắn nên hình người rồi Chúa còn hà sanh khi vào cái tượng người để tượng đó trở thành sanh linh, một sinh vật có sự sống từ Đấng Tạo hóa (2:7). Kinh thánh phán: “Chúa làm con người kém Đức Chúa Trời một chút” (Thi. 8:5).
  2. Con người được mang ảnh tượng công bình và thánh khiết của Đức Chúa Trời (Sáng. 1:26-27; Êph. 4:24).
  3. Đức Chúa Trời dựng nên con người không phải để làm một robot, hoặc một vật tiêu khiển của Chúa, nhưng Chúa đặt con người trong Vườn Ê-đen phước hạnh của Chúa để trồng và giữ vườn (2:8).
  4. Con người lại được hưởng một đặc ân cao hơn muôn vật của Đức Chúa Trời ban, ấy là con người được Đức Chúa Trời thiết lập gia đình cho con người (2:18-25).

Có lẽ từ xa xưa nào đó, người VN chúng ta đã được biết những đặc ân nầy của Đức Chúa Trời ban cho, nên người xưa dạy: Thiên sinh vạn vật, duy nhơn tối ư linh, ngay trong hôn nhân gia đình, người VN cũng thốt lên nhân duyên do Trời định.
TỪ ĐOẠN 3 ĐẾN 4
Sách Sáng thế ký được Đức Chúa Trời mặc khải một việc nữa mà chúng ta không thể tìm được ngoài sách Sáng thế ký đoạn 3 và 4 trong Kinh thánh, ấy là Nguồn Gốc Tội lỗi. Người thế gian nói: tội lỗi là do nghèo đói; hãy nhìn vào người giàu có no đủ có phạm tội không? Có người nói: do dốt nát nên phạm tội? Hãy nhìn các quốc gia tiên tiến có phạm tội không? Có người nói: Tội lỗi là giết người, trộm cướp…, tôi không phạm những điều đó nên không quan tâm tội lỗi.
Có rất nhiều định nghĩa về tội lỗi, nhưng Kinh thánh định nghĩa tội lỗi là trái luật pháp – Luật pháp của Đức Chúa Trời (xem Xuất. 20:1-17).
Cảm ơn Chúa cho sách Sáng thế ký đoạn 3 và 4 ghi rõ tội lỗi đã vào thế gian qua hành động của tổ phụ loài người chúng ta là A-đam và Ê-va, không nghe lời Chúa dạy mà lại nghe lời quỉ Satan muốn lên mình khôn ngoan bằng Đức Chúa Trời, và đáng buồn là tổ phụ loài người chúng ta lại bắt chước ma quỉ không chịu ăn năn nhận tội với Chúa để Chúa tha thứ, cứ tìm cách che giấu, bào chữa. Kinh thánh phán: bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người thành ra kẻ có tội… và không có phân biệt chi hết, vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô. 5:19; 3:23). Cho nên, mọi người trước mặt Đức Chúa Trời đều là tội nhân, dù có thể không giết người, không trộm cắp, nhưng không tin Đức Chúa Trời và Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa và Chúa của mình thì tội lỗi vẫn ở trong người đó.
Nếu không có sách Sáng thế ký thì chúng ta không biết tội lỗi là gì và từ đâu mà có, do đó, chúng ta bị ma quỉ che mất chân lý, tưởng rằng mình trong sạch, thánh thiện, bởi vậy cứ ở dưới hình phạt đời đời của Đức Chúa Trời.
Đến đoạn 4, Kinh thánh ghi lại đặc tánh của tội lỗi là lan truyền, lây nhiễm, càng độc hại hơn, phạm tội nặng hơn, như Ca-in đã giết em mình là A-bên. Tội lỗi từ A-đam – Ê-va cứ lan tràn trong dòng dõi loài người, như vua Đa-vít nhìn nhận: Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi… Tội lỗi hằng ở trước mặt tôi (Thi. 51:5, 3), với Kinh thánh dạy, tôi và Quý vị đều được sanh ra trong tội lỗi, lớn lên trong trong tội lỗi, vì vậy Chúa Jêsus Christ phải đến thế gian để cứu kẻ có tội là mỗi chúng ta.
TỪ ĐOẠN 5 ĐẾN ĐOẠN 11:9
Tiếp theo, sách Sáng thế ký cho chúng ta biết nguồn gốc các dân tộc, các thứ tiếng trên thế giới. loài người vừa tràn ra vừa thêm lòng kiêu ngạo muốn vươn lên tận trời. Kết quả là tội lỗi làm con người giữa các chủng tộc chia rẽ nhau, phát sinh nhiều thứ tiếng nói.
TỪ ĐOẠN 11:10 ĐẾN ĐOẠN 50
Phần sau của sách Sáng thế ký dành toàn bộ cho tuyển dân thuộc dòng dõi của Áp-ra-ham. Áp-ra-ham vốn là người gốc ở thành U-xơ thuộc nước I-rắc ngày nay, ông được Đức Chúa Trời kêu gọi ra khỏi quê hương thờ hình tượng, đi theo Chúa. Kinh thánh ghi rằng: Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp; người đi mà không biết mình đi đâu (Hê. 11:8). Áp-ra-ham có đời sống đầy đức tin nơi Chúa,

  1. Đoạn 13, ông không chú trọng vào vật chất đến từ đời nầy, sẵn lòng nhường cho cháu mình là Lót.
  2. Đoạn 17, dù Áp-ra-ham đã 100 tuổi, còn Sa-ra là vợ của ông đã 90 tuổi, nhưng cả hai tin lời hứa của Đức Chúa Trời ban cho đứa con trai là Y-sác, sẽ trở thành dòng dõi đông như sao trên trời, như cát bờ biển.
  3. Đoạn 18, Áp-ra-ham bởi đức tin cầu thay cho hai thành tội ác đã lên thấu trước mặt Chúa, trả giá từng người để mong cứu họ, vì trong đó có gia đình của cháu mình.
  4. Đoạn 22, Áp-ra-ham lại có đức tin vâng lời Chúa bằng lòng dâng con trai yêu dấu của ông cho Chúa.

Bởi đức tin đó, Đức Chúa Trời đã chọn Áp-ra-ham và Chúa hứa với ông: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (12:2-3). Qua lời hứa đó, Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Trời đã đẹp lòng chọn dân tộc thuộc dòng dõi Áp-ra-ham để Ngài giáng sanh làm người, cứu nhân loại (I Tim. 1:15), kể từ khi Chúa Jêsus chịu chết đền tội cho nhân loại, những người ăn năn tội, tiếp nhận và tiếp nhận công lao cứu chuộc của Chúa Jêsus cho chính họ, người đó được Đức Chúa Trời nhận làm con cái Đức Chúa Trời thuộc dòng dõi đưa tin Áp-ra-ham.
Kế thừa Áp-ra-ham là Y-sác. Trước khi sanh Y-sác, vợ chồng Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời hứa ban cho một con trai, nhưng cả hai đều nghĩ thực tế họ đều già quá không thể sanh con, họ bị cám dỗ muốn giúp đỡ Đức Chúa Trời bằng cách đưa nàng hầu là A-ga cho Áp-ra-ham, thế là con trai của Áp-ra-ham nhưng thuộc nàng A-ga ra đời không bởi đức tin, đã gây cuộc chiến tranh A Rạp với Y-sơ-ra-ên là dòng dõi đức tin theo Y-sác cho đến ngày nay.
Từ Y-sác, hai con trai của Y-sác ra đời là Ê-sau và Gia-cốp. Đáng lẽ Ê-sau là con trai cả sẽ được quyền thừa kế, nhưng Ê-sau vì miếng ăn là tô canh mà bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp. Một con người đầy mưu kế như Gia-cốp, tranh quyền từ khi lọt lòng mẹ, bị Đức Chúa Trời sửa dạy, đánh hạ, đã ăn năn lòng kiêu ngạo, đầu phục Chúa được đổi tên thành Y-sơ-ra-ên, sanh 12 con trai, 12 con trai đó thành 12 chi phái dân Y-sơ-ra-ên.
Sách Sáng thế ký đã ghi lại sự ganh ghét của 11 người anh đối với Giô-sép là con trai mà Gia-cốp yêu thương nhất. Sự ganh ghét nầy đưa đến âm mưu giết Giô-sép nhưng sau đổi thành hành động bán Giô-sép đi làm nô lệ tại xứ Ai Cập.
Cảm ơn Chúa, trong hoạn nạn với vị trí là một nô lệ, Đức Chúa Trời cho Giô-sép lên đỉnh vinh quang, Giô-sép trở thành Thủ Tướng của Ai Cập. Bởi ơn Chúa cho, Giô-sép lập kế hoạch trong 7 năm được mùa để cứu dân Ai Cập và các dân chung quanh khỏi nạn đói qua 7 năm mất mùa. Chính nhờ nạn đói 7 năm nầy, Chúa cho Giô-sép đoàn tụ với các anh và cha, một cuộc đoàn tụ đầy yêu thương. Sau khi đoàn tụ, Giô-sép đã đưa gia đình của cha gồm các anh em xuống trú ngụ tại Ai Cập.
Sách Sáng thế ký kết thúc với hai cái chết, mỗi cái chết kèm theo lời trăn trối. Cái chết thứ nhất là của Gia-cốp với lời trăn trối là lời chúc phước tiên tri cho 12 con trai cũng là 12 chi phái dân Y-sơ-ra-ên. Cái chết thứ hai là của Giô-sép với lời trăn trối tiên tri của Giô-sép: “Em sẽ chết, nhưng Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em thật; đem các anh em về xứ mà Ngài đã thề hứa cùng Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp. Giô-sép biểu các con trai của Y-sơ-ra-ên thề mà rằng: Quả thật, Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em; xin anh em hãy dời hài cốt tôi khỏi xứ nầy. Đoạn, Giô-sép qua đời hưởng thọ được một trăm mười tuổi. Người ta xông thuốc thơm cho xác Giô-sép, và liệm trong một cái quan tài tại xứ Ê-díp-tô”.
Đọc sách Sáng thế ký từ đầu với bảng tường thuật Đức Chúa Trời sáng tạo thế giới, chúng ta thấy ánh sáng bùng lên, với bao vẻ đẹp của cảnh quang muôn vật, với vườn Ê-đen, với gia đình A-đam – Ê-va đầy hạnh phúc. Tất cả là Đức Chúa Trời dành sẵn cho con người mà Đức Chúa Trời đã dựng nên để Ngài yêu thương. Nhưng khi con người không vâng lời Chúa, lại nghe lời ma quỉ là đứa quỷ quyệt hơn hết cám dỗ để muốn bằng Đức Chúa Trời thay vì làm con của Chúa, đáng sợ nhất là không chịu hạ mình ăn năn. Nói theo người VN bên Mỹ là loài người đã phải mang họ Đổ tên Thừa, từ đó tất cả con người phải mang ‘tuổi Thân’, ‘tuổi Sửu’. Tội lỗi là một bóng tối phủ xuống nhân loại, cuối cùng sách Sáng thế ký cũng là cuối cùng của đời người phải liệm vào một chiếc quan tài, chịu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời cho đến đời đời.
i xin Chúa mở lòng Quý Vị thính giả đọc sách Sáng thế ký đầy những truyện con người phải biết, đồng thời tìm thấy con người chính mình trước khi liệm vào chiếc quan tài. Mong lắm thay!