Phục Truyền

PHỤC TRUYỀN 9
Lời căn dặn của Môi-se
Đề mục: NHỚ
Kinh thánh: Phục. 24:18

*******************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta được cùng nhau học Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời qua sách Phục truyền luật lệ ký, trong phần thứ 8, chúng ta đã học lời căn dặn của Môi-se dành cho dân Chúa là dân Y-sơ-ra-ên những điều không được QUÊN; hôm nay trong phần thứ 9 với lời dạy của Môi-se trong đoạn 24:18, một lần nữa chúng ta lại học lời căn dặn của Môi-se cũng chính là lời Chúa căn dặn người tin Chúa Jêsus ngày nay những điều phải NHỚ! Lời Chúa phán, “Khá nhớ rằng mình đã làm tôi mọi nơi xứ Ê-díp-tô, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã chuộc ngươi khỏi đó. Cho nên ta dặn biểu ngươi phải làm như vậy”. Có ba điều phải NHỚ:
I/. PHẢI NHỚ ĐỊA VỊ QUÁ KHỨ. “Khá nhớ rằng mình đã làm tôi mọi nơi xứ Ê-díp-tô”
Chúng ta biết dân Y-sơ-ra-ên là hình bóng về Hội Thánh của Chúa Jêsus thời Tân Ước, và câu chuyện dân Y-sơ-ra-ên bị làm tôi mọi 430 năm tại Ai Cập, mà Kinh thánh thường gọi là xứ Ê-díp-tô làm hình bóng về đời sống của loài người chúng ta trước khi tin Chúa Jêsus đã bị làm tôi mọi cho tội lỗi, tôi mọi cho ma quỉ. Kinh thánh phán: “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi tội ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung, tức là thần hiện đương hành động trong các con bạn nghịch” (Ê-phê-sô 2:1-2)
Từ ngữ “Tôi Mọi” hoặc “Nô Lệ” là gì? Là người phục vụ không được trả công, không có tự do, không quyền sống chết, chủ bảo sao phải làm vậy. Hãy nhớ lại đời sống của chúng ta trước khi tin Chúa Jêsus, Phao-lô đã mô tả trong:

  • Rô-ma 1:19-21, “Họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không thờ phượng Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm”.
  • Rô-ma 1:22-23, Lời Chúa phán mạnh hơn: “Họ tự xưng mình là khôn ngoan mà trở nên điên dại; họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy ảnh tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng… Nhìn vào sự thờ lạy của người Việt Nam chúng ta thì thấy, nhất là những ngày Lễ Tết cho đến những ngày thường, không hề thấy Đức Chúa Trời Tạo Hóa.

Và lời Chúa phán: họ phạm biết bao nhiêu tội, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm các điều ấy nữa (Rô. 1:32). Thật sự, con người chúng ta như Thánh Phao-lô đã nói: từ trong thâm tâm biết mình phải làm lành, nhưng làm không trọn, vì tội lỗi đang ở trong chúng ta bắt chúng ta phải làm dữ, Phao-lô nói bằng kinh nghiệm của chính ông: “Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi. Vì theo người bề trong tôi vẫn lấy luật pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng; nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy”, và Phao-lô đã la lên trong tuyệt vọng: “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?” (Rô. 7:14-23).
Nhớ quá khứ tội lỗi của mình để làm gì? Để không dám kiêu ngạo. Lý do chúng ta làm công việc Chúa mà không có phước là vì sau khi tin Chúa, được Chúa dùng làm vài việc gì đó: như làm chứng có người tin Chúa, hoặc được Hội thánh cử vào chức vụ nào đó trong Hội thánh, hoặc được Hội thánh khen vì dâng hiến rời rộng…, thì bị ma quỉ cám dỗ cho rằng có mình thì Hội thánh mới được như vậy. Người đó không nhớ mình đã từng làm tôi mọi xứ Ê-díp-tô.
I Ti-mô-thê. 1:13, sau khi tin Chúa và được Chúa dùng, Phao-lô vẫn nhớ quá khứ tội ác của mình, Phao-lô nói: “Ta ngày trước vốn là người phạm thượng hay bắt bớ, hung bạo.... Chắc chắn không ai phủ nhận Phao-lô là người có học thức cao, địa vị cao, có quyền thế cao, sau khi tin Chúa lại là người đầy ơn Chúa, thế mà cái gì giữ ông trong chức vụ cao quý của Chúa ban? Khiêm nhường. Cái gì giữ ông trong sự khiêm nhường như ông đã nói: “Tôi hầu việc Chúa cách khiêm nhường, phải nhiều nước mắt…”?(Công vụ 20:19) Vì Phao-lô luôn nhớ mình vốn là kẻ phạm thượng, bắt bớ Hội thánh, Phao-lô luôn nhớ: “trong những kẻ có tội đó ta là đầu, Phao-lô biết mìnhđứng đầu danh sách tội nhân (I Tim. 1:15).
Chính Phao-lô xác nhận trong II Cô. 12:7-10, Chúa để ông bị bịnh dù ông từng cầu nguyện xin Chúa chữa lành nhiều người, nhất là khi Phao-lô bị tù tại La Mã, người chăm sóc ông là Ép-ba-phô-đích bị bịnh nặng sắp chết, Phao-lô vẫn không thể cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho. Cá nhân Phao-lô đi truyền giáo nhờ có Bác sĩ Lu-ca đi theo để chăm sóc sức khỏe (II Tim. 4:11). Chúa để Phao-lô yếu đuối hầu Phao-lô không dám kiêu ngạo.”Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì [Chúa] đã cho tôi một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo”.
Xin Chúa Thánh Linh trong lòng chúng ta hằng nhắc chúng ta về quá khứ chúng ta vốn ở trong tội lỗi như mọi người, đáng chết như mọi người, chúng ta được cứu ấy là nhờ ân điển bởi đức tin mà được cứu, không phải đến từ chúng ta, để giữ chúng ta trong sự khiêm nhường hầu được Chúa dùng lâu dài. Có người nói: ‘có đức tin thì nhận lãnh nhiều nhất, có yêu thương thì làm được nhiều nhất, có khiêm nhường giữ được nhiều nhất’.
II/. PHẢI NHỚ ƠN CHÚA. “Khá nhớ rằng… Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã chuộc ngươi khỏi đó – tức khỏi nhà nô lệ”
Kinh thánh cho biết Đức Chúa Trời đã dùng chính tay của Chúa cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi kiếp tôi mọi tại Ai Cập. Đó không phải là công việc dễ dàng, Chúa phải dùng 10 tai vạ hành hại xứ Ai Cập, tai vạ cuối cùng là dùng huyết chiên con, nhà nào không có huyết chiên con bôi trên hai cột cửa và mày cửa thì con đầu lòng bị giết chết, từ vua cho đến dân và súc vật. Chỉ chừng ấy mà mấy ngàn năm qua người Y-sơ-ra-ên không bao giờ quên công ơn cứu chuộc của Chúa, mỗi năm họ tổ chức Lễ Vượt Qua để nhắc nhau, nhắc con cháu nhớ ơn Chúa đã cứu mình.
Còn chúng ta mỗi năm tổ chức Tết để làm gì? Để nhắc ĂN như câu nói ‘ăn Tết’, ăn một ngày chưa đủ; ăn ba ngày không đủ, còn rao lên: Tháng giêng hay tháng 1, là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè.
Tôi xin Chúa cho anh em khi Ăn Tết, hoặc Lễ Hội gì, thì bắt chước người Y-sơ-ra-ên Nhớ rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã chuộc chúng ta khỏi tội lỗi, khỏi quyền lực ma quỉ.
Đức Chúa Trời chuộc chúng ta khỏi tối tăm, khỏi tội lỗi, khỏi quyền lực ma quỉ bằng cách nào? Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc chúng ta: “Vì biết rằng chẳng phải vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít, đã định sẵn trước buổi sáng thế, và hiện ra trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em (I Phi. 1:18-20)
Nhớ ơn Chúa cứu mình để làm gì? Để hết lòng phục vụ Chúa bằng cách tỏ lòng biết ơn Chúa – Thi. 116:12, Lời Chúa dạy: Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn lành Ngài đã làm cho tôi?”, ơn Chúa không báo đáp được, chúng ta chỉ là tỏ lòng biết ơn Chúa.
Điều gì thúc đầy người tin Chúa Jêsus dâng hiến? Vì lòng Chúa yêu thương chúng ta. Điều gì thúc đẩy chúng ta hết lòng phục vụ Chúa qua Hội thánh, qua anh em? “Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi, và chúng tôi tưởng rằng nếu có một người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết… Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy” (II Cô. 5:14; I Giăng 3:16).
III/. PHẢI NHỚ LỜI CHÚA DẠY. “Cho nên ta dặn biểu ngươi phải làm như vậy”.
Không có lúc nào bằng lúc nầy, người tin Chúa Jêsus cần học biết Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời, bởi như lời Chúa dạy:

  • Math. 24:23-25, Chúa Jêsus phán: “Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì cũng đến dỗ dành chính những người được chọn. Nầy, ta đã bảo trước cho các ngươi” nói đến christ giả và tiên tri giả là nói đến những người trong Hội thánh dạy sai lạc lời Chúa.
  • Công vụ 20:28-31, sứ đồ Phao-lô cảnh báo các Chấp sự trong Hội thánh tại Ê-phê-sô: “Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình. Còn tôi biết rằng sau khi tôi đi, sẽ có muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu; lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung ác dấy lên, ráng sức dỗ môn đồ theo họ. Vậy, hãy tỉnh thức…”.

Không có Lời Chúa để làm theo thì làm sao người tin Chúa Jêsus có thể đứng vững được? Sáng. 3:1-6, dù Ê-va và A-đam có lời Chúa dạy về cây biết điều thiện và điều ác (2:16-17), nhưng quỉ Sa-tan đã làm cho Ê-va hiểu sai lạc lời Chúa, bắt đầu bằng cách gieo sự NGHI NGỜ Chúa không yêu thương.
3:1, quỉ Sa-tan gieo rắc nghi ngờ bằng cách làm Ê-va hiểu sai lạc Lời Chúa, Chúa phán: ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn (c.16); còn Sa-tan lại nói lệch một chút: Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn các trái cây trong vườn sao?
Câu nói của Sa-tan làm Ê-va nghi ngờ lời Chúa, và Ê-va thêm một chút, bớt một chút: Hai ngươi chẳng nên ăn đến VÀ CŨNG KHÔNG NÊN ĐÁ ĐỘNG ĐẾN, E KHI HAI NGƯƠI PHẢI CHẾT CHĂNG. – Ê-va nghi ngờ chưa chắc chết. Giống như bây giờ cho rằng thời kỳ ân điển không bị phạt đâu, nên con rắn tấn công: Hai ngươi chẳng chết đâu!
Sứ đồ Phi-e-rơ đã viết những lời về tà giáo hiểu sai Lời Chúa ngay trong thế kỷ đầu tiên khi Hội thánh mới được thành lập:

  • II Phi. 3:3-4, “trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm chê,  dùng lời giễu cợt, ở theo tình dục riêng của mình, đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu”.
  • Người tin Chúa Jêsus trong thời kỳ cuối cùng nầy không thể nào được quên Lời Chúa trong sách Khải huyền 13:11-13, “Tôi lại thấy từ dưới đất lên một con thú khác, có hai sừng như sừng chiên con, và nói như con rồng… nó làm những phép lạ lớn, đến nỗi khiến lửa từ trời rơi xuống đất trước mặt người ta. Nó lừa dối dân cư trên đất bằng những phép lạ nó đã được phép làm ra trước mặt con thú’.

Con thú nầy được Kinh thánh gọi là Tiên tri giả, nó làm được những phép lạ đến nỗi khiến lửa từ trời rơi xuống được, làm cho người ta – chắc chắn trong đó cũng có những người tin Chúa Jêsus bị lừa gạt bởi phép lạ cũng theo nó; con thú có sừng chiên con nhưng cũng có cái miệng giả dối của con rồng là Sa-tan làm cho những người tin Chúa Jêsus quên mất thước đo theo thư I Cô-rinh-tô 13:1-3. Chúng ta chỉ cần căn cứ vào lời dạy của một tà giáo với câu hỏi nầy: ‘Lời dạy đó có làm cho chúng ta yêu mến tin cậy Chúa hơn hoặc nghi ngờ gì về Chúa không? Ăn thử, uống thử, thử không vâng lời Chúa xem có chết không?
Không phải tài năng, không phải những phép lạ, dấu lạ, nhưng thư Phi-líp 4:8 là thước đo những sự dạy dỗ có theo Kinh thánh là Lời Chúa dạy không, dấu hiệu của người nhớ và làm theo Kinh thánh dạy là: “Rốt lại, hỡi anh em, điều chi chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi nhơn đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến”. Xin Chúa ban trí nhớ Lời Chúa là Kinh thánh cho chúng ta!