PHỤC TRUYỀN 7
Lời Căn Dặn của Môi-se
Đề mục: QUÊN
Kinh Thánh: Phục truyền 8:1-20
Câu gốc: Phục truyền 8:11
********************************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Hôm nay Chúa cho chúng ta được cùng nhau học tiếp sách Phục truyền luật lệ ký. Với phần thứ 8 nầy, chúng ta cùng học những lời của Môi-se như vừa từ giã vừa căn dặn dân Chúa được ghi trong đoạn 8:1-20, và câu 11 đã tóm tắt lời Môi-se dạy như sau: “Ngươi khá cẩn thận, e quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, không giữ gìn những điều răn, mạnh lịnh, và luật lệ của Ngài, mà ngày nay ta truyền cho ngươi chăng”, Môi-se nhắc dân Chúa không được QUÊN Ơn Chúa!
I/. Phục truyền 8:1-10 – QUÊN ĐIỀU GÌ?
Có bao giờ Quý vị đặt câu hỏi: Tại sao những người Mỹ tị nạn Tôn giáo đầu tiên đến Mỹ châu ngày 11 tháng 12 năm 1620, một năm sau đó, tức năm 1621, họ đã làm lễ Tạ Ơn Chúa và cảm ơn người da đỏ. Thế mà phải đợi đến năm 1863 với quyết định của Tổng Thống Abraham Lincoln sau 40 năm vận động của bà Sarah Josepha Hale, lấy ngày Thứ Năm cuối tháng 11 làm ngày Lễ Tạ Ơn. Kế tiếp là năm 1941 với Tổng Thống Franklin Roosevelt, người Mỹ mới có một Lễ Tạ Ơn chính thức cấp Quốc gia vào ngày thứ năm tuần thứ tư của tháng 11 không? Tại sao phải kéo dài hơn 200 năm sau mới quyết định Một Ngày Tạ Ơn Chúa?
Câu trả lời là người Mỹ cũng như mọi dân tộc khác trên thế giới đều là con người, mà con người thì có một đặc tánh là nhớ rất nhiều thứ, nhưng lại ‘hay Quên Ơn - phải nói cho rõ là con người nhớ rất lâu những ơn mà mình làm cho người khác, ngược lại thì rất dễ quên ơn của người khác làm cho mình, nhất là Quên Ơn của Đức Chúa Trời Tạo hóa đã làm cho mình!
Từ 1.500 năm trước khi Chúa Jêsus giáng sanh, sau 40 năm vâng lịnh Đức Chúa Trời dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, đưa họ về đến bến bờ Đất Hứa là xứ Ca-na-an hay xứ Palestine ngày nay, Môi-se biết bản tánh con người là hay quên và Môi-se lo rằng dân Chúa sẽ quên ơn Chúa, do đó, Môi-se đã giảng một bài trong sách Phục truyền đoạn 8, với lời nhắc nhở: “Ngươi khá cẩn thận, e QUÊN Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi…”
Môi-se lo ngại dân Chúa quên điều gì? Câu 2, “Hãy nhớ - nghĩa là không được quên - trọn con đường nơi đồng vắng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn người đi trong bốn mươi năm nầy”.
Trong bốn mươi năm đó, Đức Chúa Trời đã dẫn dắt dân Chúa như thế nào?
Từ câu 3-10, Môi-se đã nhắc lại một trong những người điều kỳ diệu Chúa đã làm ơn cho dân Chúa:
- Câu 3, trong 40 năm Chúa đã nuôi dân Chúa bằng ma-na.
Quý vị hãy đọc lại sách Xuất Ê-díp-tô ký 16:13-15, 31, để thấy ơn kỳ diệu mà Chúa đã làm cho dân Chúa trong việc ban lương thực ma-na cho họ. Dân Y-sơ-ra-ên chỉ việc ngủ một giấc thức dậy, chờ sương tan, thì Chúa đã dọn bàn sẵn bằng bánh ma-na cho họ, không phải một năm mà Đức Chúa Trời ban ma-na suốt cả 40 năm cho đến ngày dân Chúa vào Đất Hứa và ăn thổ sản trong Đất Hứa (Giô-suê 5:11-12).
Quý vị có thấy thật là kỳ diệu không? Dân Y-sơ-ra-ên không làm gì cả, chỉ mỗi sáng thức dậy lượm lấy thức ăn cho mình và cho gia đình mình.
Người Việt Nam chúng ta ngày xưa dạy con cháu phải biết quý trọng sự ban cho của Ông Trời Tạo hóa với những lời dạy: Lạy Trời nưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm; cũng dạy con cháu hạt gạo là hạt ngọc Trời cho; cũng dạy: Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng – rất tiếc là nhớ kẻ trồng cây mà không nhớ Đấng Tạo Hóa dựng nên hạt giống, dựng nên đất để nuôi cây, ban mưa nắng để cây trồng lớn lên đơm hoa kết quả cho con người ăn; cũng chỉ nhớ kẻ đào giếng mà không nhớ Đấng Tạo Hóa dựng nên nước cho con người sử dụng. Có lẽ do ngày nay con người nghĩ cứ ra chợ bỏ tiền là có trái cây để ăn, có nước thủy cục sẵn trong ống dẫn nước, nên loài người quên Đức Chúa Trời Tạo Hóa.
- Câu 4, trong bốn mươi năm nầy áo xống ngươi không hư mòn, chân ngươi chẳng phù lên.
Bốn mươi năm áo không rách, giày không mòn. Đức Chúa Trời đã lo cho dân Chúa từ cái ăn, cái mặc, ấy là chưa kể trụ mây ban ngày làm bóng mát cho họ, trụ lửa ban đêm để làm đèn sáng và sưởi ấm cho họ trong 40 năm đi trong hoang mạc.
Kỳ diệu! Thật là kỳ diệu!
- Câu 6 đến câu 10, sau khi nhìn lại quá khứ, Môi-se nhắc dân Chúa nhìn vào hiện tại và tương lai: Câu 7-10, “vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ khiến ngươi vào xứ tốt tươi… Vậy ngươi sẽ ăn no nê.
Lịch sử cho chúng ta biết rằng dân Y-sơ-ra-ên đã bị làm nô-lệ 400 năm tại Ai Cập, rồi kế đó lại trải qua 40 năm trong đồng vắng khô khan, Chúa đã dẫn dân Chúa vào Đất Hứa, xứ được gọi là 'đượm sữa và mật', mà Môi-se đã mô tả cho họ nghe: “xứ tốt tươi, có nhiều khe, suối, nước sâu phun lên trong trũng và trên núi, xứ có lúa mì, lúc mạch…”
Nghe Môi-se kể những điều tốt đẹp trong Đất Hứa, tôi chợt nghĩ đến người Việt Nam chúng ta. chúng ta phải thành thật nhận rằng Đức Chúa Trời thật có ban cho những người Việt Nam một Đất Nước mà một bài Thánh ca đã viết ca từ rất hay:
Ta cùng hân hoan khen Đấng Tạo Hóa, xây dựng đất nước Việt ta.
Từ Bắc vô Nam non hùng bể sâu, một cõi đông nam miền Đại Á châu
Hoa cỏ muôn màu non sông thêu gấm, cơ nghiệp trải bao ngàn năm (TC. 412)
Việt Nam giàu tài nguyên, cây cỏ bông hoa thật đẹp và phong phú, đồi núi hùng vĩ, các loài từ chim, cá, gia súc đến các loài thú đều dư dật. Và Đức Chúa Trời đã ban cho người Việt Nam sống trên vùng đất trù phú này.
Tôi tin rằng Lời Chúa phán dạy dân Y-sơ-ra-ên trong sách Phục truyền 8:11, cũng là Lời Chúa phán với người Việt Nam chúng ta là một dân tộc biết Trời với những từ ngữ: Trời mưa, Trời nắng, Trời gió, Trời cho… Lời Chúa phán: “Ngươi khá cẩn thận, E QUÊN Giê-hô-va Đức Chúa Trời người”.
II/. Phục truyền 8:11-18 – NGUYÊN NHÂN KHIẾN QUÊN:
Theo một tài liệu gần đây nói đến những lý do mà người ta QUÊN.
- Họ gọi 'Quên' là một rối loạn về trí nhớ, nếu trầm trọng thì gọi là bịnh Alzeimer.
- Quên có thể là do tuổi già hoạt động của não giảm hay chậm.
- Quên có thể là do có quá nhiều việc cần giải quyết
- Quên cũng có thể là một dạng tâm thần nhẹ.
Nhưng trong phân đoạn Kinh Thánh Phục truyền luật lệ ký 8:11-18, Lời Chúa nói đến một nguyên nhân khiến con người Quên Ơn Chúa, không phải vì tuổi già, không phải vì bận rộn công việc, cũng không phải vì người đó bị bịnh thuộc tâm trí, nhưng là vì như câu 11, vì con người nhớ nhiều thứ nhưng lại thường quên Lời Chúa dạy.
Cảm nghĩ của rất nhiều người đã tin Chúa đối với Kinh Thánh là Lời Chúa không cần thiết, chỉ là một sự trang trí thêm cho đời sống có vẻ đạo đức, hoặc Kinh thánh là Lời Chúa chỉ cần khi đến nhà thờ, thay vì là lý do khiến đời sống được may mắn và được phước, như Lời Chúa phán trong Giô-suê 1:8, “Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước”.
Câu 12-14, nguyên nhân khiến người ta quên ơn Chúa là “khi được giàu có, no nê, thì bấy giờ lòng ngươi tự cao, quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”.
Tự cao như thế nào?
Câu 15-18, tự cao bằng việc tự cho: “Ấy là nhờ quyền năng ta và sức lực của tay ta mà đoạt được những sản nghiệp nầy”. Họ “Quên' rằng ấy là Đức Chúa Trời ban cho ngươi sức lực đoạt được những sản nghiệp” (câu 18).
Điều quan trọng là phải nói như Phao-lô nói trong thư Phi-líp 4:13, “Tôi làm được mọi sự, nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”. Phao-lô tuyên bố: TÔI LÀM ĐƯỢC MỌI SỰ, nhưng quan trọng là mệnh đề thứ hai, Phao-lô đã không QUÊN ấy là nhờ Chúa ban thêm sức cho ông.
Phục truyền 8:18, Lời Chúa dạy: Hãy nhớ lại - nghĩa là không được QUÊN – “… ấy là Đức Chúa Trời ban cho ngươi sức lực đoạt được những sản nghiệp”.
III/. Phục truyền 8:19-20 – HẬU QUẢ QUÊN:
Y học nói về hậu quả bệnh QUÊN như sau: ‘Giảm trí nhớ là biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh’ Trong giai đoạn đầu, chủ yếu là giảm trí nhớ gần - người bệnh không có khả năng học những thông tin mới. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân quên cả những thông tin đã nhận được truớc đó, kể cả quên tên người thân. Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện: mất ngôn ngữ, không tìm được đúng từ để diễn tả một vật (như chìa khóa thì gọi là cái mở cửa; tách trà thì gọi là cái đựng nước uống,…; nói nửa chừng, nói sai ngữ pháp. Giai đoạn muộn, bệnh nhân không hiểu được ngay cả những câu đơn giản, thường nói lẩm bẩm hoặc hoàn toàn im lặng. Bệnh nhân trong tình trạng mất sử dụng động tác - không có khả năng thực hiện những công việc thường ngày, thậm chí cả những việc đơn giản như ăn, mặc, vệ sinh cá nhân. Cuối cùng là gây tàn phế không còn khả năng nhận biết những đồ vật thường dùng…’
Trong đời sống thuộc linh cũng vậy, rõ ràng những người QUÊN ơn Chúa, không biết nói lời cảm ơn Chúa, lần lần bệnh càng nặng hơn, họ trở thành im lặng không còn nói lời nào về ơn Chúa, họ QUÊN hoàn toàn ơn Chúa đối với họ, không muốn nói với ai về ơn Chúa và cuối cùng là hoàn toàn sống như người chưa hề biết Chúa.
Đó là hậu quả theo đời thường, còn Phục truyền 8:19-20, Lời Chúa nói rõ hậu quả những người QUÊN ơn Chúa như sau:
Câu 19, nếu ngươi QUÊN Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà theo các thần khác, hầu việc và quì lạy trước các thần ấy, THÌ NGÀY NAY TA CÁO QUYẾT RẰNG: CÁC NGƯƠI HẲN SẼ BỊ DIỆT MẤT.
Lịch sử của tuyển dân Y-sơ-ra-ên đã chứng minh Lời Chúa nhiều lần ứng nghiệm, như đời Quan xét (2:10b), II Vua 17:22-23, dân Y-sơ-ra-ên đã QUÊN Lời Chúa dạy, QUÊN ơn Chúa ban, đi thờ hình tượng. Hậu quả là Y-sơ-ra-ên bị cất khỏi xứ mình, lưu đày qua A-si-ri. II Sử ký 36:15-21, dân Giu-đa phía nam dù thấy anh em mình phía bắc bị Chúa phạt lưu đày vì quên ơn Chúa và quên Chúa, nhưng họ cũng không ăn năn, cứ tiếp tục QUÊN CHÚA, QUÊN ƠN CHÚA, đi theo các tà thần. Hậu quả là Đức Chúa Trời cho phép dân Ba-by-lôn đánh phá Giê-ru-sa-lem và đày cả xứ Giu-đa qua Ba-by-lôn 70 năm.
Nếu phải viết một lời cho Việt Nam thì chúng ta phải nói gì? Người Việt Nam chúng ta thật đã QUÊN và QUÊN ƠN Chúa NHIỀU LẮM! Người Việt Nam tin Chúa Jêsus cũng vậy, bây giờ chúng ta không còn muốn nhắc đến ơn Chúa bằng cách cầm cái chén cứu rỗi mà rao truyền sự chết của Chúa nữa. Tôi xin Chúa cho mỗi chúng ta hạ mình đọc lại hai câu 19 và 20 nầy mà tỉnh thức! Mong Lắm Thay!
|