Phục Truyền

PHỤC TRUYỀN 6
CÂU CHUYỆN SÁCH PHỤC TRUYỀN


Phục truyền 6:23

Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho hôm nay chúng ta được cùng học Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời bằng cách lược qua toàn bộ sách Phục truyền luật lệ ký. Sách Phục truyền luật lệ ký gồm 34 đoạn, nhưng có thể tóm lại đại ý qua đoạn 6:23, “Ngài đã đem chúng ta ra khỏi xứ ấy, để dẫn vào xứ Ngài đã thề cùng tổ phụ chúng ta; để ban cho chúng ta”, có thể được chia thành 3 câu chuyện với 3 chặng đường.
I/. CÂU CHUYỆN THỨ I: NGÀI ĐÃ ĐEM CHÚNG TA RA KHỎI XỨ ẤY.
Sách Phục truyền không phải là sách truyền một mạng lịnh mới cho dân Y-sơ-ra-ên, nhưng qua tên của sách đã nói lên mục đích của Sách Phục truyền luật lệ ký là Sự Giải Thích Lại Luật lệ của Chúa cho một thế hệ mới trước khi họ bước vào Đất Hứa Ca-na-an.
Và bây giờ qua đoạn 6 câu 23, là câu Kinh thánh hầu như đã tóm tắt toàn bộ nội dung của Sách Phục truyền luật lệ ký nói chung, và của cả Năm Sách đầu Kinh thánh nói riêng.
Sự kiện thứ nhất mà câu gốc đề cập là nhắc lại câu chuyện quá khứ về sự giải cứu của Đức Chúa Trời, đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi XỨ ẤY.
Xứ ấy là xứ nào? Xứ ấy là xứ Ai Cập, là câu chuyện đã được ghi trong sách Xuất Ê-díp-tô ký,

  • Làm thế nào mà Đức Chúa Trời đã nghe tiếng kêu van của dân Y-sơ-ra-ên sau 430 năm bị làm nô lệ, bị hà hiếp, bị âm mưu diệt chủng của Hoàng đế Ai Cập.
  • Làm thế nào mà Đức Chúa Trời đã dấy lên một người tên là Môi-se, ủy thác cho Môi -se thay mặt Chúa tranh chiến với Hoàng đế Ai Cập, cậy quyền năng của Chúa thi hành 10 tai vạ để hành hại xứ Ai Cập, giải cứu dân Chúa ra khỏi cảnh nô lệ đó.

Tại sao Môi-se phải nhắc lại câu chuyện kỳ diệu nầy?
Sở dĩ Môi-se phải nhắc lại vì trước mặt Môi-se là một tập thể hơn 2 triệu người chưa từng kinh nghiệm sự giải cứu ra khỏi Ai Cập như tổ phụ họ 40 năm trước. Cha mẹ họ là những người từng được giải cứu ra khỏi Ai Cập đó đều đã ngã chết suốt hành trình lang thang trong đồng vắng 40 năm. Bây giờ, họ là những người sanh ra và lớn lên trong đồng vắng - một thế hệ mới, sắp đặt chân vào Đất Hứa, cần phải biết cái quá khứ kỳ diệu đó. Không có quá khứ thì không thể có hiện tại và tương lai.
Biến cố được cứu ra khỏi Ai Cập trọng đại nầy thường được nhắc đến suốt Kinh thánh, từ Cựu Ước đến Tân Ước, đến nỗi kỷ niệm đó đã trở thành một Lễ Vượt Qua, mỗi năm một lần bất cứ người Y-sơ-ra-ên nào cũng tham dự.
Cảm ơn Chúa vì trong sự an bày của Chúa, sắp đặt cho chúng ta có thể học được bài học nầy nếu đúng vào Mùa Lễ Tạ Ơn. Lý do tôi nói như vậy, là vì:
1/. Về phương diện lịch sử Lễ Tạ Ơn:
Nếu đọc lại lịch sử của Nước Mỹ, so với lịch sử các nước trên thế giới, thì chỉ có Nước Mỹ là có Lễ Tạ Ơn. Nguyên nhân có Lễ Tạ Ơn là vì những người tiên phong đến Nước Mỹ lập nghiệp là những người đã từng bị bắt bớ vì cớ đức tin nơi Chúa Jêsus Christ tại các nước Âu châu, qua những cuộc Tôn giáo chiến. Tổ phụ của những người Mỹ thật có thể nói như nói về Áp-ra-ham: “Họ đi mà không biết mình đi đâu”. Và Đức Chúa Trời yêu thương đã dẫn họ ra khỏi cơn bách hại tàn khốc tại quê hương xứ sở của họ.
Anh chị em có thể đọc lại lịch sử Hội Thánh tại Âu Châu trong những thế kỷ trước khi khai sáng Nước Mỹ, để thấy những xác người bị thiêu sống như Wycliff, Jean Hus, cuộc thảm sát Đêm St. Barthelemy ngày 23-8-1572 tại Pháp. Biết bao nhiêu người tin Chúa Jêsus chân chính đã ngã chết chỉ vì không chịu cúi mình trước con người, trước các hình tượng, trước các mê-tín dị đoan. Cuối cùng Đức Chúa Trời đã đem những người tin Chúa Jêsus chân chính đó ra khỏi Âu Châu, ra khỏi nước Anh dưới sự bắt bớ tàn bạo của Nữ Hoàng Mary.
Với sự yêu thương của Chúa, Chúa đã dẫn họ ra khỏi cảnh bắt bớ đó, làm sao mà họ không Tạ Ơn Chúa? Chẳng những cá nhân họ, thời đại họ Tạ Ơn, mà họ cũng muốn dòng dõi đời sau cũng biết để Tạ Ơn Chúa. Cảm ơn Chúa, và đó là lý do có Lễ Tạ Ơn.
2/. Về kinh nghiệm thuộc linh cá nhân:
Phao-lô đã áp dụng sự kiện Chúa đem chúng ta ra khỏi XỨ ẤY trong thư Rôma 8:1-2, “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ; vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Đức Chúa Jêsus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết”. Xứ Ấy mà Đức Chúa Trời đã đem chúng ta ra khỏi là Luật pháp của Sự Tội và Sự Chết.
Phao-lô cũng nói điều đó trong thư Êphê-sô 2:1-5, chúng ta vốn đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, vốn là nô lệ của tội lỗi và ma quỉ, và của xác thịt hay chết nầy. Số phận chỉ dành cho sự định tội, sự đoán phạt, sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời chí thánh. Nhưng Đức Chúa Trời giàu lòng yêu thương đã bởi Chúa Jêsus Christ đem chúng ta ra khỏi án phạt kinh khiếp đó.
Tôi tin rằng ai đã từng ở trong tội lỗi, khốn khổ vì tội lỗi, biết được Chúa đã đem chính mình ra khỏi tội lỗi làm sao, được tha thứ như thế nào, chắc chắn cũng sẽ đầy lòng Tạ Ơn Chúa, không thể im lặng.
II/. CÂU CHUYỆN THỨ II: NGÀI DẪN (CHÚNG TA) VÀO XỨ…:
Ngài ”dẫn (chúng ta) vào xứ Ngài đã thề…”. Sách Phục truyền cũng đã nhắc lại quá trình dẫn dắt của Đức Chúa Trời trên dân Y-sơ-ra-ên.
Thật kỳ diệu, Chúa đã đem Y-sơ-ra-ên ra khỏi nhà nô lệ, rồi không phải như dân Y-sơ-ra-ên trong những phút yếu đuối đã nói với Môi-se và A-rôn: “… hai người dẫn dắt chúng tôi vào nơi đồng vắng nầy đặng làm cho cả đoàn dân đông nầy đều bị chết đói” (Xuất. 16:3b). Không, Chúa không bao giờ làm như vậy. Anh chị em hãy nghe Chúa mô tả xứ mà Ngài sẽ dẫn dân Chúa vào: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ khiến ngươi vào xứ tốt tươi, có nhiều khe, suối, nước sâu… vì cớ xứ tốt tươi mà Ngài đã ban cho (Phục. 8:7-10)
Mặc dù đến Sách Phục truyền, dân Y-sơ-ra-ên chưa đặt chân vào Đất Hứa, nhưng họ đã ở ngay ranh giới Đất Hứa. Dù chưa thực sự hưởng nhận, nhưng đã một lần họ đã thấy, đã nghe, đã thưởng thức những chùm nho to lớn từ xứ Ca-na-an đượm sữa và mật nầy (Dân. 13:23-24).
Nói đến đây, chúng ta phải nhìn nhận rằng Chúa thật có dẫn tổ tiên của người Mỹ vào Đất Mỹ nầy, là một xứ đượm sữa và mật. Bằng chứng là hình ảnh Lễ Tạ Ơn của những ngày đầu tiên là những hoa quả ngon ngọt, những chú gà tây to béo, đất đai trù phú, ngay cả đến ngày nay. Vì vậy, không có lý do gì những người tin Chúa Jêsus tại Nước Mỹ lại không tiếp nối truyền thống tốt đẹp Tạ Ơn Chúa.
Tôi cũng xin được nhân đây để nói lời nầy. Dù muốn dù không chúng ta phải nhìn nhận rằng Chúa đã ban cho người Việt Nam đang sống trên Nước Mỹ được ở trên Đất Hứa dành cho những người tin Chúa Jêsus trung tín. So với những người Việt Nam đang sống tại quê hương Việt Nam, chúng ta sống đầy đủ hơn mọi phương diện thuộc thể lẫn thuộc linh: Ăn uống đầy đủ hơn, an toàn hơn, những tiện nghi cuộc sống đầy đủ hơn, đời sống thuộc linh thờ phượng Chúa dễ dàng hơn. Những ơn phước đó không đủ để chúng ta Tạ Ơn Chúa sao? Trong khi còn ở Việt Nam có quá nhiều người sống cực khổ, nhất là còn quá nhiều người chưa hề được nghe đến Tin Lành cứu rỗi của Chúa Jêsus, chưa hề biết đến một Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, yêu thương họ, như bài hát điệu dân ca Tình tình tang được những người tin Chúa Jêsus Việt Nam viết ca từ rất cảm động:
Chúa Trời hằng yêu mến – mến thế gian,
Ban Con – là Con độc nhất đi vào miền trần gian
Tình tính tang, là tang tính tình
Dân Việt mình, là dân Việt ơi,
Rằng có biết Chúa yêu thương
Rằng có biết Chúa yêu mình…
Trong khi đó tại nơi Nước Mỹ nầy, lúc nào chúng ta cũng có thể thờ phượng Chúa, lúc nào cũng sẵn có đủ mọi phương tiện học Lời Chúa. Về thuộc linh, Đức Chúa Trời lại ban cho người tin Chúa Jêsus một Ca-na-an thuộc linh, không phải chỉ là ở trên trời, mà ngay trong hiện tại, trên đất, ngay bây giờ với cuộc sống thánh khiết, thiêng liêng (Êphê-sô 1:3-6).
Hoàn cảnh thuận lợi như thế nầy, anh chị em há lại không Tạ Ơn Chúa sao? Nếu người Mỹ biết Tạ Ơn Chúa, thì người Việt Nam chúng ta sống trên Đất Mỹ nầy càng phải Tạ Ơn Chúa nhiều hơn.
III/. CÂU CHUYỆN THỨ III: NGÀI ĐÃ THỀ CÙNG TỔ PHỤ CHÚNG TA:
Xứ Ngài đã thề cùng tổ phụ chúng ta; để ban cho chúng ta. Có một điều đặc biệt mà cả thế giới không có, chỉ có dân Y-sơ-ra-ên có được, ấy là dân Y-sơ-ra-ên có một Đất Hứa - Đất mà Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa yêu thương đã hứa ban cho họ, lời hứa được Chúa ban cho từ tổ phụ họ.
Tổ phụ của họ là ai?
Tổ phụ của dân Y-sơ-ra-ên - là Áp-ra-ham. Lời hứa đó đã được ghi lại trong sách Sáng thế ký vào 2.000 năm trước khi Chúa Jêsus giáng sanh với Áp-ra-ham, tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên:  

  • Sáng. 12:1, Đức Chúa Trời kêu gọi theo Ngài đi đến xứ mà Chúa sẽ chỉ cho.
  • 12:7, khi Áp-ra-ham đặt chân trên đất Ca-na-an, vùng đất Palestine ngày nay, Chúa xác định lời hứa: Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất nầy.
  • 13:14-17, Chúa vạch ra phạm vi Đất Hứa cho Áp-ra-ham.

Tuy nhiên, qua Sách Phục truyền, Môi-se nhắc lại hành trình từ Ai Cập về Đất Hứa của dòng dõi Áp-ra-ham là dân Y-sơ-ra-ên, với bao nhiêu lần họ nổi loạn chống nghịch Chúa, tìm đủ mọi cách để oán trách, từ chối tiến vào Đất Hứa, bao nhiêu lần bị Chúa phạt để tỉnh thức, nhưng cũng cứ bội nghịch cùng Chúa, đến nỗi Kinh thánh nói về dân Y-sơ-ra-ên: “Song về dân Y-sơ-ra-ên, thì rằng: Ta đã giơ tay ra cả ngày hướng về dân bội nghịch và hay nói trái” (Rô-ma 10:21).
Dù vậy, bởi giao ước mà Chúa đã lập cùng Áp-ra-ham, và Chúa là Đấng Thành Tín, như Phao-lô đã khẳng định trong thư II Timôthê 2:13, “Nếu chúng ta không thành tín, song Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được”, và thư I Têsalônica 5:24, “Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó”.
Đọc qua Sách Phục truyền luật lệ ký, chúng ta thấy rõ ràng sự thành tín của Chúa đối với tuyển dân của Ngài, dù trong tiến trình thực hiện lời hứa của Chúa, ma quỉ, xác thịt và sức mạnh của thế gian luôn tìm cách ngăn cản Chúa làm trọn lời hứa.
Cảm ơn Chúa, chẳng những Chúa thành tín với một dân tộc, mà Chúa cũng thành tín với cá nhân - điển hình là Môi-se. Những đoạn cuối Sách Phục truyền, là những lời ôn kết của chính Môi-se suốt 120 năm theo Chúa, phục vụ Chúa, ông ca ngợi sự thành tín của Đức Chúa Trời đối với chính ông.
Ngày nay mỗi lần chúng ta hiệp lại để làm Lễ Tạ Ơn Chúa, là mỗi lần chúng ta nhắc đến sự thành tín của Chúa đối với tổ phụ của Người Mỹ, Chúa cũng đã thành tín với những người tin Chúa Jêsus chúng ta là người VN.
Đối với cá nhân tôi, tôi xin được nhắc lại Lời Chúa trong Thi thiên 23:5, lời hứa mà Chúa đã cho ghi lại trước tôi hơn 3.000 năm, ngày nay Chúa đã làm thành. Bằng cớ là Chúa đã làm trong bao năm qua trong công tác truyền giảng Tin Lành, đem tình yêu thương của Chúa cho đồng bào Việt-nam tại quê hương:
Thật Chúa đã dọn bàn cho tôi trước mặt kẻ thù nghịch tôi
Thật Chúa đã xức dầu cho đầu tôi, đã khiến cho chén tôi được đầy tràn.