PHỤC TRUYỀN LUẬT LỆ KÝ 5
Đức Chúa Trời với Môi-se.
***********************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta đã được cùng nhau học lời Chúa từ sách Sáng thế ký đến 4 phần về sách Phục truyền luật lệ ký. Nhân vật làm chúng ta luôn nhớ đến khi học các sách nầy là Môi-se. Nhơn đó, trong phần bài học thứ 5 của sách Phục truyền luật lệ ký, chúng ta cũng nên dành cơ hội tìm hiểu về Môi-se đối với Đức Chúa Trời.
40 NĂM ĐẦU.
Chấp sự Ê-tiên trong Hội thánh Đầu tiên là người chia đời sống của Môi-se ra từng giai đoạn, mỗi giai đoạn 40 năm. Giai đoạn đầu từ: Trong lúc đó – là lúc sau 400 năm dòng dõi Áp-ra-ham sống tại Ai Cập, có một vua khác dấy lên chẳng nhìn biết Giô-sép. Vua nầy dùng mưu hại dòng giống và hà hiếp tổ phụ chúng ta [người Y-sơ-ra-ên], ép phải bỏ con mới sanh, hầu cho sống chẳng được” (Công vụ 7:18-19), Môi se [được] sanh ra…
Qua sách Xuất Ê-díp-tô ký đoạn 2, thì Môi-se là một người Y-sơ-ra-ên, được sanh ra thuộc chi phái Lê-vi, là Y-sơ-ra-ên một dân tộc luôn ý thức Đức Chúa Trời thực hữu từ tổ tiên truyền lại. Tuy nhiên, dù gia đình cha mẹ của Môi-se có kính sợ Đức Chúa Trời thế nào thì Môi-se khó mà nhận biết, vì Môi-se chỉ ở trong gia đình có ba tháng tuổi đầu đời, giấu lâu hơn nữa không được, Mẹ Môi-se lấy một cái rương mây, trét chai và nhựa thông, rồi để đứa trẻ vào, đem thả trong đám sậy dựa mé sông, đó là sông Nile của Ai Cập, được công chúa Ai Cập vớt lên nhờ người nuôi dưỡng. Cảm ơn Chúa cho Môi-se có người chị thông minh đã ra mặt đề nghị tìm vú nuôi cho em mình, và người chị Mi-ri-am đã mau lẹ giới thiệu chính mẹ ruột của Môi-se nuôi Môi-se.
Kinh thánh ghi rằng: “Khi Môi-se lớn khôn rồi, người bèn dẫn nó vào cho công chúa, nàng nhận làm con, và đặt tên là Môi-se, vì nàng nói rằng: Ta đã vớt nó khỏi nước” (Xuất. 2:10). Khôn lớn là bao nhiêu tuổi? Theo tâm lý học thì tuổi khôn lớn hiểu biết là 7 tuổi, còn theo tuổi Luật pháp của người Y-sơ-ra-ên thì là 12 tuổi. Và Môi-se đã hấp thụ nền giáo dục cao cấp của Ai Cập thời cực thịnh, Kinh thánh ghi: “Môi-se được học cả sự khôn ngoan của người Ê-díp-tô; lời nói và việc làm đều có tài năng” (Công vụ 7:22).
Với 40 năm Môi-se lớn lên trong nền giáo dục của Hoàng gia Ai Cập thời cực thịnh, nền giáo dục đó dạy Pha-ra-ôn vua Ai Cập là Trời với danh xưng Thần Râ – Thần Mặt Trời, các Pha-ra-ôn muốn chứng tỏ họ bất tử bằng cách ướp xác, giấu xác trong các Kim Tự Tháp.
May mắn cho Môi-se là tuổi thơ của ông được nắn đúc từ người mẹ đã cũng là vú nuôi chăm sóc, dạy dỗ Môi-se đến khi khôn lớn (Xuất. 2:9-10). Môi-se trưởng thành trong ý thức mình là người Hê-bơ-rơ, có một Đức Chúa Trời của tổ phụ Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp (Xuất. 2:24). Đọc Xuất. 2:11-15, Môi-se chỉ ý thức tình đồng loại nghĩa đồng bào, biết mình là người Hê-bơ-rơ, nhưng dường như Đức Chúa Trời đã không hiện hữu trong lòng Môi-se (Xuất. 2:11-13).
Giống như người Việt Nam chúng ta mọi người đều mặc nhiên nhìn nhận một Đức Chúa Trời Tạo hóa, dù không ai trực tiếp dạy, nhưng qua ngôn ngữ và qua những hiện tượng thiên nhiên, người VN là một dân tộc ‘Kính Trời’, từ bác nông dân ngoài đồng ‘Lạy Trời nưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày; đến cành cây chim chóc: ‘Con chim nó hót trên cành, Trời mà không có, có mình làm sao; rồi qua các dùng từ ngữ: Trời mưa, trời nắng, trời gió,… Tuy nhiên, nhận thức Đức Chúa Trời hiện hữu chỉ nằm trong tiềm thức người VN, như trong tiềm thức của Môi-se: Có trời và trời như một kỹ sư sáng tạo,
Cho nên, lúc người được đầy bốn mươi tuổi rồi, trong lòng nhớ đến, muốn đi thăm anh em mình là con cái Y-sơ-ra-ên… người ngờ rằng anh em mình chắc hiểu rằng Đức Chúa Trời dùng tay mình giải cứu họ… (Công vụ 7:23). Môi-se ra trường với vốn văn hóa cao, với bầu nhiệt huyết đối với dân tộc mình, Môi-se thật muốn làm một dạng Trời trên đất, như Pha-ra-ôn của Ai Cập. Môi-se đã thất bại, Đức Chúa Trời không dùng Môi-se một con người tự mãn, sôi sục tự cao. Người đời còn dạy: ‘Tài đừng lộ, khí đừng hung hăng’, huống chi con người mà Đức Chúa Trời dùng.
TỪ 40 TUỔI ĐẾN 80 TUỔI.
Khoảng thời gian nầy được bắt đầu cho Môi-se với tâm trạng muốn giúp anh em mình, nhưng Môi-se nghe anh em mình nói: “Ai đặt ngươi làm vua, làm quan án cho chúng ta? (Xuất. 2:14), Môi-se mất hết hào hùng của một người trẻ mới ra trường, bầu nhiệt huyết đột ngột bị dập tắt, Môi se sợ,… người trốn đi khỏi mặt Pha-ra-ôn, dừng chân tại xứ Ma-đi-an, và ngồi gần bên một cái giếng (Xuất. 2:14b, 15).
Người VN có câu nói cho Môi-se sau thất bại, thất vọng: ‘Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than’. Môi-se trốn vào đồng vắng Ma-đi-an, vùng phía nam Biển Chết. Cảm ơn Chúa, Đức Chúa Trời thật yêu thương đã dự bị cho Môi-se nơi ăn chốn ở, một chỗ an ủi, Chúa muốn dạy con người mà Chúa muốn dùng lâu dài, Chúa muốn nhiệt huyết của Môi-se không phải là loại lửa rơm bạo phát bạo tàn, Chúa muốn lửa trong lòng Môi-se phải là khối nham thạch luôn nóng cháy, như đã cháy trong lòng tiên tri Giê-rê-mi: trong lòng tôi như lửa đốt cháy, bọc kín trong xương tôi, và tôi mệt mỏi vì nín lặng, không chịu được nữa; như ngọn lửa cháy trong Hội thánh đầu tiên (Công vụ 2:1-4).
Tại đồng vắng Ma-đi-an, Môi-se đã gặp người vợ, trú trong ngôi nhà của cha vợ, sanh con mà lòng vẫn biết mình chỉ là ‘khách ngoại bang’ khi gởi tâm sự đó vào tên của đứa con Ghẹt-sôn mà Môi-se đã đặt, ông nói: “Tôi kiều ngụ nơi ngoai bang” (Xuất 2:22) Tôi rất thích thú khi nghĩ một Môi-se nóng nảy, cao ngạo, mang một bụng kinh luân, lại bằng lòng ở trong đồng vắng dạng ẩn sĩ, lại ở trong nhà cha vợ. Điều ngạc nhiên là cha vợ của Môi-se rất yêu thương Môi-se, sẵn lòng dẫn vợ con Môi-se đi thăm Môi-se (Xuất. 18:1-5).
Điều quan trọng là sau thất bại năm 40 tuổi, bây giờ Môi-se yên phận với vợ con, với mái nhà cha vợ, với bầy chiên của cha vợ giao. Chúng ta không thấy Đức Chúa Trời trong suy nghĩ của Môi-se, không thấy dân tộc của Môi-se cần ông nữa. Ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ, của học thức, của tình dân tộc hầu như lụi tàn, thì đó là lúc Đức Chúa Trời dùng Môi-se. Đức Chúa Trời đã đốt cháy ngọn lửa nhiệt huyết của Môi-se tại núi Hô-rếp, bằng một hiện tượng phi-vật-lý, một điểm vật chất là bụi gai trong đồng vắng, bị lửa tác dụng mà không tàn. Môi-se đã đến gần để xem hiện tượng lạ lớn nầy, vì cớ sao bụi gai cháy mà chẳng tàn chút nào.
Và từ bụi gái cháy không tàn, Đức Chúa Trời đã dạy cho Môi-se bài học về Đức Chúa Trời Tạo Hóa, Ngài không phải là dạng Pha-ra-ôn – một Đức Chúa Trời tự xưng của con người, “Môi-se thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Nầy, tôi sẽ đi đến cùng dân Y-sơ-ra-ên, nói cùng họ rằng: Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi sai ta đến cùng các ngươi; nhưng nếu họ hỏi tôi: Tên Ngài là chi? Thì tôi nói với họ làm sao? Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU…”.
Nhơn nói đến Đức Chúa Trời Tự Hữu Hằng Hữu, tôi nhớ đến một câu hỏi của một vị thính giả nói với chúng tôi: Người Tin Lành cho rằng Đức Chúa Trời tự có. Tôi cũng có thể tuyên bố tôi tự có được vậy. Có gì khác nhau? Tôi đã trả lời: (1) thứ nhất, không phải người Tin Lành nói mà chính Đức Chúa Trời phán: Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; (2) thứ hai, một ngày nào đó, bạn thính giả ra đường tuyên bố bạn tự có, không ai sanh bạn ra, thì bạn hãy nhìn những người chung quanh, bạn nghĩ họ nghĩ gì về bạn? Ngay các danh nhân, giáo chủ còn không dám xưng họ tự có mà.
Với số tuổi 80, với học thức, với kinh nghiệm thất bại đường đời, Môi-se đã đầu phục Đức Chúa Trời Tự Hữu Hằng Hữu. Dĩ nhiên Môi-se không phải dễ thay đổi tư tưởng, như người đời nói: ‘thay đổi một tư tưởng còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử’. Chính Môi-se đã ghi lại nhiều lần Môi-se từ chối vâng lời Chúa, cuối cùng Môi-se đã đầu phục Đức Chúa Trời sau khi vịn lý do nầy lý do khác tránh né Đức Chúa Trời.
Đến đây, tác giả thư Hê-bơ-rơ đã lột tả tâm trạng của Môi-se rất tình người: “Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, bỏ danh hiệu mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, đành cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là tạm hưởng sự vui sướng của tội lỗi: người coi sự sỉ nhục về Đấng Christ là quí hơn của châu báu xứ Ê-díp-tô, vi người ngữa trông sự ban thưởng. Bởi đức tin, người lìa xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận; vì người đứng vững như thấy Đấng không thấy được” (Hê-bơ-rơ 11:24-27).
Thường người giảng hoặc người học Kinh thánh chỉ lướt qua tâm trạng của Môi-se trong những tranh chiến giữa địa vị con trai của công chúa, với địa vị một dân tộc bị nô lệ; tranh chiến giữa sự giàu có đầy châu báu xứ Ai Cập với sự sỉ nhục; Môi-se tranh chiến với 40 năm nuôi dưỡng của Ai Cập dành cho ông, sanh dưỡng đạo đồng, nỡ nào nói đi là đi, nói bỏ là bỏ. Tôi mượn lời của nhà thơ Nguyên Sa: Ai ra đi mà không từng bịn rịn, rời yêu thương hồ dễ mấy ai quên. Tôi mạnh bước mà nghe lòng như nhỏ lệ. Con người mà, ngoài lý tưởng còn có tình cảm nữa chứ, chắc chắn Môi-se không ngoại lệ.
TỪ 80 TUỔI ĐẾN CUỐI ĐỜI 120 TUỔI
Đức Chúa Trời đã huấn luyện Môi-se 80 năm, huấn luyện từ học thức đến tánh trầm tĩnh, từ việc hạ nhiệt huyết của Môi-se đến tạo điều kiện cho Môi-se biết chắc, biết rõ Đức Chúa Trời là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
Giai đoạn thứ ba nầy là giai đoạn Đức Chúa Trời dùng Môi-se dẫn dân Chúa về Đất Hứa. Điều quan trọng là sau 80 năm tìm kiếm để gặp được Đức Chúa Trời, có hai điều mà Môi-se bày tỏ lòng tin của Môi-se chắc chắn với Chúa:
- Môi-se tuyệt đồi vâng lời Đức Chúa Trời
Nhóm từ xác định lòng tin của Môi-se với Đức Chúa Trời là: Môi-se làm y như lời Đức Giê-hô-va phán dặn.
Môi-se là một người có học vấn cao, biện luận giỏi, chắc chắn có sức khỏe tốt. Những người như Môi-se thường biện luận, tranh cãi, như Môi-se tranh cãi với Chúa khi Đức Chúa Trời kêu gọi ông. Môi-se vịn nào là không tài năng, không nói giỏi, kể cả liều mạng không làm cắt bì cho con của mình. Cảm ơn Chúa. Nhưng khi đã biết rõ Chúa là Đấng yêu thương, là Đức Chúa Trời thành tín, là Đức Chúa Trời Ba Ngôi, không giống một thần nào mà Môi-se biết, thì Môi-se luôn làm y như lời Đức Chúa Trời phán dặn, từ cây đinh, lỗ trụ, màu sắc các bức màn, trong việc xây dựng Đền tạm đến đối phó với kẻ thù.
- Môi se truyền dạy dân Chúa phải dạy cho con cái, những dòng dõi kế tiếp biết Đức Chúa Trời.
Môi-se nói những lời trong Phục truyền luật lệ ký 6:4-9, là thời gian cuối đời của Môi-se, sau khi Môi-se đã học biết về Đức Chúa Trời, Môi-se để lại lời truyền dạy: “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai” Môi-se khẳng định Đức Chúa Trời có một không hai, vì cá nhân ông đã kinh nghiệm từ học vấn đến từng trãi. Và Môi-se kêu gọi thái độ đối với Đức Chúa Trời: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”. Và Môi-se dạy: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở trong lòng người; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ giữa hai con mắt ngươi như ấn chí; cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi”.
Đời sống Môi-se dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời có thật, có một không hai, và làm y như Chúa dạy, cũng đừng quên con cháu, thế hệ kế thừa cần biết Đức Chúa Trời như vậy. Mong Lắm Thay!
|