Phục Truyền

PHỤC TRUYỀN 3
ĐẶC ĐIỂM CỦA SÁCH PHỤC TRUYỀN
ĐỨC CHÚA TRỜI YÊU THƯƠNG
Kinh thánh: Phục truyền 4:37.

**********************************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho trong bài học thứ 2 của sách Phục truyền luật lệ ký, chúng ta đã học về một Đức Chúa Trời Thành Tín. Hôm nay, trong bài thứ 3 về sách Phục truyền luật lệ ký, chúng ta sẽ nói đến Đức Chúa Trời Yêu thương.
ĐẶC ĐIỂM: ĐỨC CHÚA TRỜI YÊU THƯƠNG – Phục truyền 4:37, lời Chúa phán: “Bởi vì Ngài yêu mến các tổ phụ ngươi”
Đối với chúng ta là những người tin Chúa Jêsus, thì quá quen thuộc với tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Ngay từ lần đầu tiếp xúc với Tin Lành, chúng ta đã được nghe về tình yêu thương của Đức Chúa Trời qua câu Kinh thánh trong Giăng 3:16, “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài”.
Nhưng đối với nhân loại nói chung, và đối với dân Y-sơ-ra-ên nói riêng, thì từ buổi sáng thế đến thời điểm Môi-se viết sách Phục truyền, Đức Chúa Trời chưa hề công bố về tình yêu thương của Ngài. Người VN chúng ta hầu như cũng chỉ biết một Đức Chúa Trời Tạo hóa, một Đức Chúa Trời phạt mỗi khi ghét ai, hiếm khi nhìn thấy Trời thương.
Nói cách khác, trải qua các sách Sáng thế ký, Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi ký, Dân số ký, chúng ta chưa hề nghe đến Đức Chúa Trời yêu thương, mặc dù chúng ta có thể thấy được, cảm nhận được tình yêu thương của Chúa:

  • qua công tác sáng tạo và lập một tuyển dân riêng thuộc về Đức Chúa Trời.
  • qua kế hoạch giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập,
  • qua sự Chúa ban bố luật pháp và các luật lệ cho dân Y-sơ-ra-ên cũng như cho toàn thể nhân loại,
  • qua sự Chúa cho phép con người đến gần Chúa bởi các của lễ
  • qua bao nhiêu lần Chúa nhịn nhục, tha thứ đoàn dân đông Y-sơ-ra-ên nhiều lần nhiều lúc nổi loạn chống nghịch Đức Chúa Trời trong đồng vắng, những kẻ mắt đã thấy, tai đã nghe, miệng đã nếm biết bao vật ngon lạ, để rồi được Đức Chúa Trời dắt đưa họ đến bờ Đất Hứa cách khải hoàn.

Bây giờ chúng ta nghe một lời kỳ diệu: “Vì Ngài yêu mến các tổ phụ ngươi, nên chọn lấy dòng dõi các người ấy”. Không phải một lần, mà nhiều lần sách Phục truyền đã công bố:

  • 7:7-8, Chúa phán: Đức Giê-hô-va tríu mến và chọn lấy các ngươi,… ấy vì Đức Giê-hô-va thương yêu các ngươi… nên Đức Giê-hô-va nhờ tay mạnh rút các ngươi ra, chuộc khỏi nhà nô lệ, và cứu khỏi tay Pha-ra-ôn…
  • 10:15, Chúa phán: chỉn Đức Giê-hô-va ưa đẹp các tổ phụ ngươi và yêu mến; rồi trong muôn dân, Ngài đã chọn dòng dõi họ, tức các ngươi…
  • 23:5, Chúa phán: “… Nhưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời… đổi sự rủa sả ra sự chúc phước cho ngươi, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi thương mến ngươi”.

Câu hỏi chúng ta phải đặt ra là: Tại sao cho đến giờ nầy, Môi-se mới công bố sự yêu thương của Chúa cho dân Y-sơ-ra-ên?Câu trả lời hợp lý nhất là: cho đến giờ nầy, Môi-se đã có đủ bằng cớ chứng minh cho dân Y-sơ-ra-ên biết rằng có Đức Chúa Trời yêu thương thế gian và yêu thương họ, qua công trình sáng tạo và qua sự tuyển chọn họ làm dân thuộc về Chúa, cứu họ và bây giờ đến sách Phục truyền luật lệ ký Chúa đã đưa họ về đến Đất Hứa.
Vấn đề là thái độ của dân Y-sơ-ra-ên đối với tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho họ như thế nào?
Trở lại từ Sáng thế ký, tổ phụ loài người đã được Đức Chúa Trời dựng nên, được ở trong Vườn Phước Hạnh Ê-đen, được Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân giúp đỡ nhau. Trước bao nhiêu hành động yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho con người, con người đã đáp lại bằng việc nghe lời ma quỉ nghi ngờ tình yêu thương của Chúa, đến nỗi họ không tin rằng sự nhận tội sẽ được tha thứ.
Cũng trong sách Sáng thế ký, Áp-ra-ham là một người được Đức Chúa Trời kêu gọi ra khỏi đời sống thờ lạy hình tượng, đi theo Chúa để được Chúa ban phước cho cả dòng dõi của Áp-ra-ham làm tuyển dân thuộc về Chúa. Chúa vẫn yêu thương!
Khi dân Y-sơ-ra-ên xuống Ai Cập từ 70 người sau 430 năm đạt đến số dân hơn 2 triệu người, nhưng bị làm nô lệ cho Đế quốc Ai Cập. Đức Chúa Trời yêu thương phán: “Ta đã thấy rõ ràng sự cực khổ của dân ta… có nghe thấu tiếng kêu rêu của nó…ta biết được nỗi đau đớn của nó. Ta ngự xuống đặng cứu dân nầy khỏi tay người Ê-díp-tô, dẫn từ xứ ấy lên đến xứ kia đẹp đẽ và rộng rãi, đượm sữa và mật…” (Xuất. 3:7-8). Chúa cho dân Chúa nhận ra Đức Chúa Trời không phải là Một Ông Trời tưởng tượng, một ông Bụt vô tri, vô giác, vô năng trên bệ thờ, mà là một Đức Chúa Trời yêu thương dân Chúa như Cha yêu thương con mình. Chính Chúa thi hành 10 phép lạ giải cứu họ, mắt người Y-sơ-ra-ên thấy rõ các tai vạ làm dân Ai Cập kinh khiếp còn họ thì không bị ảnh hưởng. Dân Y-sơ-ra-ên không làm gì cả, chỉ ở yên và chỉ Đức Chúa Trời làm việc. Vừa ra khỏi Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên không còn nhớ hoặc không muốn nhớ ơn yêu thương của Chúa, họ kêu la, chống đối Chúa khi nghe tiếng đạo quân Ai Cập đuổi theo, khi mắt thấy Biển Đỏ, mà không thấy Trụ Mây, Trụ Lửa của Chúa đang che chở bảo vệ họ.
Đức Chúa Trời không cứu dân Chúa thoát kiếp nô lệ, Chúa lại còn dạy đám dân nô lệ đó cách được đến gần Chúa thờ phượng Ngài, Chúa không muốn dân Chúa thờ một Ông Trời ở trên trời xa tít mù, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương dân Ngài đến nỗi họ có thể đến gần Ngài, trò chuyện với Ngài, Chúa dạy họ sống cách thực tế với những luật lệ đầy yêu thương, Chúa bảo vệ họ khỏi bịnh tật thân thể, lo cho dân Chúa từng cái ăn cái mặc, không phải một vài ngày, Chúa phán: “Hãy nhớ trọn con đường nơi đồng vắng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi đi trong bốn mươi năm nầy… cho ăn ma-na mà ngươi và tổ phụ ngươi chưa hề biết… Trong bốn mươi năm nầy áo xống ngươi không hư mòn, chơn ngươi chẳng phù lên” (Phục. 8:2, 3, 6).
Nói theo người VN chúng ta, Đức Chúa Trời yêu thương người VN, như những câu nói dân gian VN bày tỏ: “Con chim nó hót trên cành, Trời mà không có, có mình làm sao; con chim nó hót trên cao, Trời mà không có, làm sao có mình”. Bác nông dân cũng biết Đức Chúa Trời yêu thương để nói với Trời: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm”. Chỉ tiếc, người VN đáp lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời chỉ tới: Ăn trái nhớ kẻ trồng cây – mà chắc gì nhớ khi họ có tiền thì mua ăn cần gì mà nhớ, ngay cả hạt gạo mà con người ăn thì họ có ăn gạo đâu, họ chỉ ăn cơm, ăn bánh mì, mà cần gì nhớ ơn Trời, ăn gì uống gì thì cứ gọi điện thoại là có; uống nước nhớ người đào giếng - mà chắc gì nhớ sau khi trả tiền công đào giếng, tiền nước của thủy cục, mà con người ngày nay đã có nước khoáng nước chai, thì họ cần gì nhớ Đấng ban hạt giống, cây trồng, ban đất cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, rồi ban mưa nắng, mùa tiết để cây trồng lớn lên có trái cho loài người chúng ta ăn; không lẽ chúng ta chỉ nhớ người đào giếng, mà không nhớ Đấng dựng nên nước cho mình uống sao?
Rồi trên con đường theo sự dẫn dắt của Chúa về Đất Hứa, Chúa phán về thái độ của dân Y-sơ-ra-ên đối với tình yêu thương mà Chúa đã thể hiện qua bao nhiêu bằng cớ cụ thể thuộc linh, tinh thần, vật chất, Chúa phán:“Hỡi các từng trời, hãy nghe; hỡi đất, hãy lắng tai; vì Đức Giê-hô-va có phán rằng: Ta đã nuôi nấng con cái, trưởng dưỡng chúng nó, song chúng nó dấy loạn nghịch cùng ta. Bò biết chủ mình, lừa biết máng của chủ; song Y-sơ-ra-ên chẳng hiểu biết, dân ta chẳng suy nghĩ” (Ê-sai 1:2-3). Tôi tin rằng Quý vị Thính giả nào có con sẽ hiểu tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với con người chúng ta.
Sách tiên tri Ô-sê, Đức Chúa Trời đã mượn tình yêu thương của người cha người mẹ để nói với con người tình yêu thương của Chúa đối với con người rất hay: “Khi Y-sơ-ra-ên còn thơ ấu, ta yêu dấu nó [Đức Chúa Trời yêu thương con người không phải như yêu thương con mà là ‘con yêu dấu’, ta đã dạy Ép-ra-im bước đi, lấy cánh tay mà nâng đỡ nó. Song chúng nó chẳng hiểu biết rằng ta đã chữa lành cho [lớn lên, các con không còn nhớ khi chúng nó còn bé thơ bị bịnh bị ốm, cha mẹ nhọc nhằn chăm sóc nó]. Ta đã dùng dây nhơn tình, dùng xích yêu thương kéo chúng nó đến [cha mẹ răn dạy để con nên người thì người con cảm thấy như bị xiềng xích trói buộc, các con không biết rằng đó là dây nhơn tình, là xích yêu thương cha mẹ muốn lo cho con]. Ta đã như kẻ cởi ách khỏi hàm chúng nó, và để đồ ăn trước mặt chúng nó [cảnh người cha người mẹ đút cơm cho ăn… Lòng ta rung động trong ta; lòng thương xót của ta cả đều nóng nảy” (Ô-sê 11:1-8).
Khi Chúa Jêsus còn trên đất, Chúa Jêsus đã nhiều lần nói đến lòng yêu thương của Đức Chúa Trời đối với loài người bằng cách so sánh với tình cha con của con người.

  • Luca 11:11-13, Chúa Jêsus phán: “Trong các ngươi có ai làm cha, khi con mình xin bánh mà cho đá chăng? Hay là xin cá mà cho rắn thay vì cá chăng? Hay là xin trứng mà cho bò cạp chăng” Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài sao!
  • Một thí dụ tuyệt vời mà Chúa Jêsus đã kể được ghi trong Luca 15:11-24, về người cha có hai con trai, người con em bất hiều đến nỗi đòi cha chia gia tài ngay khi cha nó còn sống. Rồi người em tóm hết gia tài của mình đi xa ăn chơi đến nỗi tiêu sạch, xuống cấp đến nỗi đói quá muốn ăn thức ăn của heo ăn người ta cũng không cho – nó thua con heo! Khi ấy, nó mới tỉnh ngộ quyết trở về nhà cha chỉ mong được làm người đầy tớ trong nhà cha nó. Kỳ diệu thay, khi về gần đến nhà, cha nó thấy nó từ xa – dù nó trong bộ dạng thua con heo, cha đã chạy ra ôm lấy cổ mà hôn, tha thứ, phục hồi địa vị làm con của nó. Chúa Jêsus muốn nói Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta như vậy.

Do đó, Chúa Jêsus phán: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời”. Kinh thánh nói rõ “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống” (I Giăng 4:9).
Kinh thánh chứng quyết tình yêu thương của Đức Chúa Trời qua Chúa Jêsus Christ: “Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình – sự sống của chính Ngài, rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài…” (Khải. 1:7). Rõ ràng đây không phải tôn giáo, vấn đề không phải là có đạo hay không có đạo, mà là một Đấng Tạo hóa yêu thương muốn chúng ta là những người con lạc lối quay về với người Cha, như bài hát: Hãy kíp về, mau mau về. Lạc lối mãi làm chi. Đức Chúa Cha mong anh – mong cô, về nhà. Chúa giang tay tiếp rước anh – tiếp rước cô.
Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời yêu thương bạn, Chúa muốn chọn bạn làm con của Ngài.