PHỤC TRUYỀN 11
Tân Ước với Môi-se
****************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta học được rất nhiều bài học từ đời sống của Môi-se qua Ngũ Kinh gồm 5 sách: Sáng thế ký, Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi ký, Dân số ký, và Phục truyền luật lệ ký. Tuy nhiên, trước khi rời Bộ Ngũ Kinh, tôi muốn dành một bài nói về tầm quan trọng của Bộ sách nầy và cá nhân Môi-se qua Tân Ước.
I/. CHÚA JÊSUS VỚI NGŨ KINH VÀ MÔI-SE.
Nói đến Chúa Jêsus với Môi-se, người tin Chúa Jêsus đều nhớ đến buổi nói chuyện của Chúa Jêsus với Giáo sư Ni-cô-đem. Đề tài của Chúa Jêsus nói với Ni-cô-đem là Sự Sanh Lại, hoàn toàn bất ngờ cho một nhà trí thức cũng là một trong những người cai trị dân Giu-đa đương thời như Ni-cô-đem. Kết luận bài nói chuyện, Chúa Jêsus đã nêu lên sự dạy dỗ từ Ngũ Kinh Môi-se là câu chuyện được ghi trong sách Dân sô ký đoạn 21, câu chuyện Đức Chúa Trời sai rắn lửa trong đồng vắng đến cắn dân Y-sơ-ra-ên vì tội lằm bằm vô tín, khiến nhiều người chết và khi dân Y-sơ-ra-ên kêu cứu, thì Đức Chúa Trời sai Môi-se làm một rắn bằng đồng treo lên cây sào hầu cho hễ người nào bị rắn cắn nhìn lên con rắn bằng đồng thì được cứu. Và Chúa Jêsus phán với Ni-cô-đem: “Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời” (Giăng 3:14-15).
Tôi tin chắc với Giáo sư kiêm nhà lãnh đạo như Ni-cô-đem thì câu chuyện Con Rằn Bằng Đồng do Môi-se vâng lời Đức Chúa Trời làm để cứu dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng không hề xa lạ với Ni-cô-đem, nhưng sự áp dụng của Chúa Jêsus từ câu chuyện đã thuyết phục Giáo sư Ni-cô-đem tin Chúa Jêsus (Giăng 7:50-51; 19:39). Người xưa nói: không phải đọc nhiều sách, mà còn phải hiểu tinh hoa của sách, Ni-cô-đem là mẫu người đọc nhiều và học nhiều Kinh thánh để giảng dạy ngày nay, nhưng không tìm thấy được Đấng Christ trong Kinh thánh.
Sách Ma-thi-ơ 19:1-12 ghi lại một đối thoại của người Pha-ra-si với Chúa Jêsus về chủ đề Li Dị. Có lẽ tại thế giới ngày nay, cái thế giới mà Chúa Jêsus Christ đã phán: “Tội ác thêm nhiều…” (Math. 24:12), con người không còn quý trọng cái tình gia đình chồng vợ, như báo US Today đã đăng một thống kê đầu năm 2005 có 42% gia đình vợ chồng li lị, nên phân đoạn Ma-thi-ơ đoạn 19 nầy hầu như không còn được giảng dạy.
Trong bối cảnh như vậy, người Pha-ri-si đã hỏi Chúa Jêsus: “Không cứ vì cớ gì người ta có phép để vợ mình chăng?” (Math. 19:3). Cảm ơn Chúa, Chúa Jêsus Christ đã buộc những chuyên gia Kinh thánh như người Pha-ri-si quay lại với những trang đầu của Kinh thánh trong Ngũ Kinh Môi-se. Chúa Jêsus Christ phán: “Các ngươi há chưa đọc lời chép về Đấng Tạo Hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ, và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt hay sao? Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp” (Math. 19:4-6). Chúa Jêsus Christ tuyên đọc lời Đức Chúa Trời ngay trong trong những trang đầu của Ngũ Kinh để kết luận Đức Chúa Trời không cho phép vợ chồng li dị, và Chúa Jêsus nhấn mạnh đó luật từ ban đầu.
Các chuyên gia Kinh thánh người Pha-ri-si đã nại ra một sự cho phép li dị của Môi-se: “Vậy chớ sao Môi-se đã dạy lập tờ để đặng để vợ?”. Câu trả lời của Chúa Jêsus rất mạnh: “Vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi, nên Môi-se cho phép để vợ; nhưng lúc ban đầu, không có như vậy đâu” (19:7-8). Câu trả lời của Chúa Jêsus Christ cho thấy 3 việc:
- Chúa Jêsus không phủ nhận thẩm quyền của Môi-se đối với Luật pháp, trong đó có luật li dị, nhưng sự cho phép của Môi-se là một tu chính án ngoại lệ, một sự cho phép không phải là luật qui định, giống như Phao-lô thuận cho phép vợ chồng tạm lìa nhau để cầu nguyện, chớ không phải sự tôi truyền biểu (I Cô-rinh-tô 7:5-6). Chúa Jêsus Christ khẳng định trong chương trình của Đức Chúa Trời từ lúc ban đầu không có li dị.
- Chúa Jêsus Christ phán: vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi. Rõ ràng Chúa Jêsus đang quở trách người muốn li dị, không phải Chúa Jêsus đồng ý li dị: Vì lòng người cứng cỏi không yêu thương nhau, không tha thứ nhau, không vâng giữ luật hôn nhân ban đầu của Đức Chúa Trời một người nam – một người nữ, hai người trở nên một thịt. Kẻ li dị không sợ Đức Chúa Trời đoán phạt khi họ hủy phá biểu tượng yêu thương của Đức Chúa Trời đối với dân Chúa, biểu tượng yêu thương của Chúa Jêsus Christ đối với Hội thánh, họ quên rằng Đức Chúa Trời phạt Môi-se không được vào Đất Hứa, khi ông phá vỡ biểu tượng hòn đá chỉ bị đập một lần.
- Đây là lời cảnh cáo cho người học Kinh thánh, làm theo lời Chúa dạy, hay theo sự con người cho phép?
Nhắc đến Chúa Jêsus với Môi-se, người học Kinh thánh không thể nào quên được sự vinh hiển mà Môi-se được vinh dự cùng trò chuyện với Chúa Jêsus trên Núi Hóa Hình, bên cạnh có Tiên tri Ê-li. Hình ảnh một Bộ Ba Kế Hoạch Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời như thư Hê-bơ-rơ đã giải thích:
- Môi-se đại diện Luật pháp: Luật pháp không dẫn con người vào sự cứu rỗi, vì con người tội lỗi không thể giữ trọn Luật pháp (Rô. 7:14-24; Gia-cơ 2:10).
- Ê-li đại diện Lời tiên tri: Lời tiên tri không dẫn con người vào sự cứu rỗi, dù kèm theo bao nhiêu phép lạ.
- Chúa Jêsus Christ là ân điển của Đức Chúa Trời ban cho con người nhờ đó con người được cứu rỗi.
Tuy nhiên, nhìn về phần xác thịt Môi-se không được vào Đất Hứa, nhưng Đức Giê-hô-va có sửa phạt tôi cách nghiêm trang nhưng không phó tôi vào sự chết; về thuộc linh, Môi-se được vào Nước Đời đời của Đức Chúa Trời cách vinh hiển.
II/. CÁC SỨ ĐỒ VỚI MÔI-SE.
Vị sứ đồ đứng đầu Hội thánh Đầu tiên là Phi-e-rơ đã trưng dẫn Ngũ Kinh Môi-se trong bài giảng của mình trước người Y-sơ-ra-ên đang tụ tập chứng kiến phép lạ chữa lành người què tại Cửa Đẹp của Đền thờ, như sách Công vụ 3:12-26 đã ghi. Phi-e-rơ đã nhắc đến:
- 3:13-18, Đức Chúa Trời của tổ phụ Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, Đức Chúa Trời của tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên đã làm vinh hiển Chúa Jêsus Christ, Đấng đã bị chính người Y-sơ-ra-ên đóng đinh và Chúa Jêsus đã sống lại. Lời nầy có nghĩa là Tổ Phụ của Y-sơ-ra-ên đã biết và đã chuẩn bị cho Chúa Jêsus Christ đến bày tỏ quyền phép của Đức Chúa Trời.
- 3:22-23, chính Môi-se đã báo trước sự đến của một Đấng tiên tri như ông… ai không nghe Đấng Tiên tri ấy sẽ bị truất khỏi dân sự”.
Phi-e-rơ đã chứng minh Môi-se với những lời trong Ngũ Kinh chỉ mục đích là chuẩn bị cho Chúa Jêsus Christ đến ban phước cho người tin Ngài (3:14-26). Chúa Jêsus Christ đã phán rõ ràng mục đích Ngũ Kinh và kinh Cựu Ước là chỉ giới thiệu về Ngài (Luca 24:27, 44; Giăng 5:39).
Người thứ hai thuật rõ về mục đích của Ngũ Kinh và Môi-se là bày tỏ về Chúa Jêsus Christ, đó là Chấp-sự Ê-tiên. Kinh thánh nói về Ê-tiên là người có danh tốt, đầy dẫy Đức Thánh Linh và trí khôn… đầy đức tin và Đức Thánh Linh… đầy ơn và quyền làm dấu kỳ phép lạ rất lớn trong dân. Còn những người thù nghịch thì chúng không chống lại nổi với trí khôn người cùng với Đức Thánh Linh… phàm những người ngồi tại tòa công luận đều ngó chăm Ê-tiên, thấy mặt người như mặt thiên sứ vậy (Công vụ 6:3, 5, 8, 10. 15).
Với trí khôn cùng với Đức Thánh Linh, Ê-tiên đã trình bày nội dung Ngũ Kinh bằng cách tóm lược dòng lịch sử dân tộc Y-sơ-ra-ên từ tổ phụ Áp-ra-ham đến khi dân Y-sơ-ra-ên vào Ai Cập và bị hà hiếp, và Ê-tiên đã dừng lại tập trung vào Môi-se với những điểm nổi bật mà người Y-sơ-ra-ên nào cũng biết và tôn trọng:
- Môi-se được sinh ra trong bối cảnh tuyệt chủng của dân tộc (c.19-20)
- Môi-se là người hấp thụ một nền giáo dục cao cấp của Ai Cập văn minh nhất thế giới.
- Môi-se là người đã được Đức Chúa Trời kêu gọi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên.
Ê-tiên đã bày tỏ Chúa Jêsus Christ qua Ngũ Kinh và Môi-se, chứng minh Cựu Ước bắt đầu từ mục đích Đức Chúa Trời chọn và lập tuyển dân chỉ để thực hiện chương trình Đấng Cứu Thế ra đời, từ tuyển dân, giống như Môi-se, mặc khải qua sự hiện diện của Đền thờ như đền thờ của Sa-lô-môn. Như vậy, Tin Lành của Chúa Jêsus Christ không phải là một tôn giáo mới mà chính là làm thành, hoặc làm trọn chương trình của Đức Chúa Trời dành cho loài người đang chìm trong tội lỗi, như tổ phụ Áp-ra-ham từ trong Ba-bên ra, từ đời sống dưới ách nô lệ hình tượng, người lãnh đạo giải cứu dân Chúa ra là Đấng cao trọng hơn Môi-se. Các chức sắc Do-thái giáo và dân Y-sơ-ra-ên đã không thấy được Chúa Jêsus Christ đến để làm trọn Ngũ Kinh và là hình thật của Môi se.
Với sứ đồ Phao-lô, Ngũ Kinh được nhấn mạnh không phải là câu chuyện lịch sử học cho biết nhưng: “Những sự ấy có nghĩa hình bóng, và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời” (I Cô-rinh-tô 10:11), nghĩa là Đức Chúa Trời cho ghi lại những câu chuyện trong Ngũ Kinh không chỉ để cho biết lịch sử dân Y-sơ-ra-ên, nhưng cũng để cảnh tỉnh người tin Chúa các đời: “Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã. Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu…” (I Cô-rinh-tô 10:12-13). Như vậy, Ngũ Kinh không phải chỉ là câu chuyện quá khứ, nhưng là sự dạy dỗ ứng nghiệm hiện tại nữa.
Sự dạy dỗ cảnh tỉnh là việc gì?
Dân Chúa là những người đã được đi ngang qua đám mây và đi ngang qua biển, ăn một thức ăn thiêng liêng, uống một thức uống thiêng liêng, mà Nguồn thức ăn thức uống thiêng liêng ấy là Đấng Christ. Nhưng đời sống của dân Chúa không đẹp lòng Đức Chúa Trời nên đã ngã chết cũng vì miếng ăn, thức uống của hình tượng, dự vào dâm dục khiến 23.000 người chết, lại còn bị rắn cắn chết nữa. Tất cả chỉ vì lằm bằm! Người tin Chúa Jêsus nào cũng biết những câu chuyện đó, cũng biết những hình phạt đó, cũng biết những cái chết đó. Thế thì biết để biết rằng lịch sử sẽ tái diễn, hình phạt sẽ tái diễn, nếu người tin Chúa Jêsus cứ tưởng mình đứng, hoặc ngã lòng trong cám dỗ.
III/. CÁI CHẾT CỦA MÔI-SE – Giu-đe 9.
Những lời cuối của sách Phục truyền luật lệ ký, có lẽ do Giô-suê ghi lại về cái chết của Môi-se, sau khi Môi-se qua đời. Chúng ta đã biết Đức Chúa Trời đã báo trước cho Môi-se biết ông sẽ được nhìn thấy Đất Hứa, nghĩa là tiến sát bờ Đất Hứa, trước khi chết. Chúng ta đã nói đến tâm tình của một người suốt 120 tuổi đời chưa hề có được một mái nhà, một tổ ấm, chắc chắn không đơn giản chết là hết.
Phục truyền luật lệ ký 34:5-6 ghi lại sau khi Môi-se chết: “Môi-se, tôi tớ của Đức Giê-hô-va qua đời tại đó, trong đồng bằng Mô-áp, theo như lịnh của Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời bèn chôn người trong trũng tại xứ Mô-áp, đối ngang Bết-Phê-o; cho đến ngày nay không có ai biết được mộ của người”. Phải đợi đến cuối đời các Sứ đồ, người tin Chúa Jêsus mới được Thánh Giu-đe cho biết lý do Đức Chúa Trời trực tiếp cử hành Lễ An táng cho Môi-se. Cái chết của Môi-se không phải là cái chết thường lệ, nhưng đã xảy ra một cuộc chiến đấu khi chính mình thiên sứ trưởng Mi-chen chống với ma quỉ giành xác Môi-se…”. Tại sao Đức Chúa Trời phải sai thiên sứ trưởng Mi-chen chiến đấu với ma quỉ giành xác Môi-se? Vì ma quỉ muốn lợi dụng công trạng to lớn của Môi-se để cám dỗ dân Y-sơ-ra-ên tôn Môi-se làm một thần.
Trong một tiểu phẩm tôi viết tựa đề: Mục sư, Ông là Ai?, tôi đã chỉ cách nào để giết một mục sư, đó là hãy khen mục sư khi ông ấy thánh công, hãy đưa ông ấy lên làm ‘thần’, mục sư đó sẽ chết vì kiêu ngạo, Đức Chúa Trời đã dùng Môi-se, nhưng Chúa không cho cử hành tang lễ của Môi-se linh đình, vì Chúa không muốn tôi tớ mà Chúa yêu thương bị cám dỗ làm ‘thần’. Đó là lý do sứ đồ Phao-lô tự khuyên mình: “Tôi hầu việc Chúa cách khiêm nhường, phải nhiều nước mắt…” (Công vụ 20:19). Sách Phục truyền luật lệ ký đã khép lại do người kế vị Môi-se là Giô-suê viết cũng để người kế vị bước vào chức vụ với tâm tình: Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ”.
|