PHỤC TRUYỀN 10
MÔI-SE VỚI GIA ĐÌNH
Hê-bơ-rơ 11:23-27
*******************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta học được nhiều bài học từ đời sống của Môi-se. Có một lần nhiều năm trước, tôi được mời giảng cho một Ban Thanh Niên của một Hội thánh. Trong các tiết mục chương trình có mục Đố Kinh thánh, thanh niên phụ trách đố ra đề: Ai là người xấu trai nhất trong Kinh thánh? Thật bất ngờ cho tôi khi nghe câu hỏi, dù là mục sư, tôi không được trả lời, nhưng lòng tự hỏi: Ai? Nếu nói người hát dở nhất, thì tôi biết là Ca-lép; nếu hỏi ai là người có nhiều thẹo, tôi biết đó là Đa-vít, vì đa là nhiều, vít là thẹo; nếu hỏi ai là người bơi lội dở nhất, tôi biết là Phao-lô, vì Phao-lô là người dùng cái ‘phao’ lại là đồ ‘lô’. Bây giờ nghe hỏi ai xấu trai nhất, cuộc đời trải qua tuổi thanh niên của tôi trong việc học Kinh thánh đố vui đành chịu thua. Đến khi nghe câu giải đáp, tôi thật ngỡ ngàng, vì người xấu trai nhất là Môi-se - ‘người có cái môi bị se lại’. Dĩ nhiên, đây chỉ là các bạn thanh niên đố vui thôi, nhưng cũng làm cho tôi một ý tưởng: sao mình không học mặt trái đời sống Môi-se? Mặt trái không phải là cái xấu mà là mặt ít người nói đến
Vì vậy, tôi nghĩ phải dành phần thứ 10 về sách Phục truyền luật lệ ký để học về cái ít được nói đến của Môi-se, trong khi Kinh thánh đã nói đến, đó là:
HÊ-BƠ-RƠ 11:23-27 – MÔI-SE, CON NGƯỜI ĐẦY TÌNH CẢM.
Nói đến Môi-se, chúng ta đã học được tài lãnh đạo xuất chúng của Môi-se, ông là một người đầy tài năng. Kinh thánh nói về Môi-se, “Môi-se được học cả sự khôn ngoan của người Ê-díp-tô; lời nói và việc làm đều có tài năng” (Công vụ 7:22), cộng với đức tin luôn nhờ cậy nơi Đức Chúa Trời, thì Môi-se là nhà lãnh đạo có một không hai, chính Đức Chúa Trời phán về Môi-se: “Về sau, trong Y-sơ-ra-ên không còn dấy lên tiên tri nào giống như Môi-se, mà Đức Giê-hô-va biết giáp mặt. Không có ai bằng người, hoặc về các dấu kỳ, phép lạ mà Đức Giê-hô-va sai người làm ra trong xứ Ê-díp-tô, trước mặt Pha-ra-ôn, các quần thần, và cả xứ của người; hoặc hết thảy công việc lớn lao và đáng sợ mà Môi-se cậy tay quyền năng mình làm tại trước mặt cả Y-sơ-ra-ên” (Phục. 34:10-12).
Với những lời như vậy, người học Kinh thánh hình dung trong trí mình một Môi-se khô khan, chỉ chăm vào công việc, nhưng tác giả thư Hê-bơ-rơ lại có một cái nhìn vào Môi-se đầy tình cảm, Hê-bơ-rơ 11:23-27 diễn đạt tâm tình của Môi-se nhiều đắn đo cảm xúc:
- 11:23, tác giả thư Hê-bơ-rơ nhắc đến thời gian đầu đời của Môi-se chịu ảnh hưởng rất nhiều từ người mẹ, người chị lúc còn trong nhà cha mẹ, rồi thời gian người mẹ ruột làm vú nuôi theo lịnh của công chúa Ai Cập đến khôn lớn; cũng như bên cạnh từ người mẹ nuôi là chính công chúa Ai Cập. Chắn chắc Môi-se nặng về tình người mẹ hơn lý của người cha.
- 11:24-25, hai câu Kinh thánh nầy với từ ngữ bỏ danh hiệu mình là con trai công chúa, một lìa bỏ không dễ mà Môi-se đã mang suốt 40 năm; từ ngữ đành thật đượm màu tình cảm trả giá.
- 11:27, nhóm từ không sợ vua giận, rõ ràng có một sự tranh chiến lớn trong lòng Môi-se khi dứt áo ra đi. Nói như nhà thơ Nguyên Sa: Ai ra đi mà không từng bịn rịn, rời yêu thương hồ dễ mấy ai quên. Tôi mạnh bước mà nghe lòng như nhỏ lệ.
Bên lăng mộ của Giáo hoàng Julius II tại Rome có tượng của Môi-se được dựng năm 1515 bằng đá cẩm thạch cao 235 mét, nhìn thoáng qua thì thấy một Môi-se rắn rỏi, mạnh mẽ, nhưng gương mặt lại nhìn về bên trái, rồi cũng tay trái tượng choàng phía trước nổi bật. Theo triết lý Đông phương, bên trái là bên tình cảm, phải chăng nhà điêu khắc nhìn thấy một Môi-se nặng về tình hơn lý (?).
Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy Môi-se đã dẫn dắt dân Chúa không phải bằng kỹ thuật lãnh đạo, mà như Phao-lô nói với anh em trong Hội thánh tại Cô-rinh-tô: “Tôi viết những điều nầy chẳng phải để anh em hổ ngươi đâu; nhưng để khuyên bảo anh em, củng như con cái yêu dấu của tôi vậy… Nhưng chúng tôi đã ăn ở nhu mì giữa anh em, như một người vú săn sóc chính con mình cách dịu dàng vậy” (I Cô-rinh-tô 4:14; I Tê. 2:7). Và chúng ta thấy được hình ảnh đầy tình cảm như một người mẹ nơi Môi-se dẫn dắt dân Chúa, khi dân Chúa phạm tội, Môi-se nói với đầy xúc động: “Vậy, Môi-se nghe dân sự khóc… Môi-se lấy làm buồn bực về điều đó. Môi-se bèn thưa cùng Đức Giê-hô-va rằng: Sao Ngài làm cho tôi tớ Ngài buồn?... Tôi há có thọ thai dân nầy sao? Há có sanh đẻ nó sao? Mà Ngài lại phán biểu tôi rằng: Hãy ẵm dân nầy trong lòng ngươi, như người cha nuôi bồng đứa trẻ bú...” (Dân. 11:10-12).
Ôi, ước gì ngày nay người ta tìm được những nhà lãnh đạo dân Chúa như Môi-se, không chỉ lãnh đạo bằng tài năng mà còn đầy yêu thương như người cha người mẹ đối với con yêu dấu của mình!
XUẤT 2:1-22 – GIA ĐÌNH CHA MẸ CỦA MÔI-SE.
Nói đến gia đình của Môi-se, tôi muốn nói đến gia đình cha mẹ Môi-se,. Qua sách Xuất Ê-díp-tô ký đoạn 2 và chặng đường chức vụ lãnh đạo dân Chúa suốt 40 năm, Chúa thật dự bị cho Môi-se những người yêu thương trong gia đình:
- Xuất. đoạn 2 bắt đầu với những câu chan chứa yêu thương: “Vả, có một người trong họ Lê-vi đi cưới con gái Lê-vi làm vợ. Nàng thọ thai và sanh một con trai; thấy con ngộ, nên đem đi giấu trong ba tháng” (Xuất. 2:1-2). Còn chấp sự Ê-tiên thì nói về dáng vẻ của Môi-se: “Trong lúc đó, Môi-se sanh ra; người xinh tốt khác thường, được nuôi trong ba tháng tại nhà cha mình” (Công vụ 7:20). Qua những từ ngữ ngộ, xinh tốt khác thường, chắc chắn Môi-se có dáng vẻ đẹp đặc biệt, đến nỗi cha mẹ Môi-se và cả nhà dám trái lịnh Pha-ra-ôn đem giấu Môi-se để bảo vệ. Cái dáng vẻ của Môi-se đặc biệt đến nỗi công chúa của Pha-ra-ôn nhìn thấy Môi-se nằm trong chiếc rương mây đang khóc – có lẽ vì đói sữa, công chúa không quan tâm phân biệt chủng tộc người Hê-bơ-rơ với người Ai Cập, đã nhận nuôi và đặt tên Môi-se.
- Bên cạnh Môi-se còn người chị tên Mi-ri-am, người chị nầy đã rất can đảm và đầy khôn ngoan, dõi theo chiếc rương mây chứa em mình trôi trên sông, nơi có công chúa Ai Cập đến tắm, chắc chắn được canh gác nghiêm ngặt. Mi-ri-am bất chấp nguy hiểm tánh mạng đã xuất hiện kịp lúc để đưa ra đề nghị khôn ngoan được đem em mình cho mẹ ruột nuôi đến khôn lớn. Lòng yêu thương em trai mình của người phụ nữ nầy khiến bà mù quáng khi ganh tị với vợ sau của Môi-se, theo tâm lý chị chồng em dâu, một chuyện gia đình rất đời thường.
- Rồi anh ruột của Môi-se là A-rôn đã có mặt đúng lúc để được Đức Chúa Trời dùng khích lệ Môi-se dấn thân phục vụ Chúa. Thật ra, suốt 40 năm, chúng ta không thấy A-rôn tỏ ra là người nói giỏi, chỉ thấy A-rôn là người ít nói, thật thà, cụ thể giải thích cho Môi-se lý do A-rôn làm tượng con bò con vàng cách ngây ngô: “Tôi bèn nói cùng chúng rằng: Ai có vàng hãy lột ra! Họ bèn đưa cho tôi, tôi bỏ vào lửa, và bởi đó thành ra bò con nầy” (Xuất. 32:24). Quý vị có thấy câu giải thích đầy ngô nghê không.
- Chúng ta không thể quên vợ của Môi-se, bà Sê-phô-ra, một trong bảy con gái của thầy tế lễ xứ Ma-đi-an. Dĩ nhiên, Sê-phô-ra là người Ma-đi-an, nhưng chắc chắn biết Môi-se là người chồng gốc Y-sơ-ra-ên và cũng biết giao ước cắt bì của dân Y-sơ-ra-ên với Chúa, mà Môi-se đã bỏ qua. Cảm ơn Chúa, Sê-phô-ra đã giúp chồng thành công khi biết thay chồng làm lễ cắt bì cho con trai (Xuất. 4:24-26).
- Điều cảm ơn Chúa là Môi-se đã có một nhạc phụ như Giê-trô rất yêu thương đã dắt vợ và con của Môi-se đến cho Môi-se, tỏ ra Giê-trô vừa yêu thương vừa cảm thông Môi-se cần một người giúp đỡ (Sáng. 2:18-20). Và Nhạc phụ Giê-trô đã dạy cho Môi-se thuật lãnh đạo là phải phân công (Xuất. 18:13-23), “Hãy san bớt gánh cho nhẹ; đặng họ chia gánh cùng con”. Với trình độ văn minh cao của Ai Cập thời Môi-se, không thể thiếu một nghệ thuật lãnh đạo, nhưng Môi-se đã biết lắng nghe lời của Nhạc phụ mình và làm theo, không tị hiềm học vấn cao thấp, bởi đó Môi-se thành công. Lãnh đạo là biết lắng nghe và phân công!
Nói một lời, sự thành công của Môi-se là do những người thân chung quanh được Đức Chúa Trời dùng góp sức cho Môi-se, nhưng cũng phải nói Môi-se đã khiêm hòa lắng nghe (Dân. 12:3), dù ông hơn cả những tiến sĩ ngày nay.
III/. CÁI NHÀ CỦA MÔI-SE – Thi. 90:1
Câu nói dân gian Việt Nam: sinh vô gia cư, tử vô địa táng – sống không có nhà, chết không có chỗ chôn, ứng vào Môi-se hoàn toàn chính xác, suốt đời Môi-se qua 120 năm trên đất, ông không có một mái nhà để trú ngụ.
Đối với người Việt Nam, cái nhà là cái tổ ấm, nơi đó có ông bà, cha mẹ, con cháu quây quần. Cái nhà cũng là nơi che chở, khi gặp nguy hiểm, người ta thường chạy vào nhà vì nơi đó được an toàn. Trong khi đó Môi-se được sanh ra không có nhà, vì cha mẹ và cả dân tộc là nô lệ ở Ai Cập – nô lệ thì làm gì có nhà. Giả như cha mẹ Môi-se có nhà để ở, thì với ba tháng tuổi, Môi-se làm gì biết được cái nhà.
Cung điện không phải là nhà, đó là nơi nghi lễ. Môi-se đã sống 40 năm trong cung điện, mà cung điện đó lại là cung điện của Pha-ra-ôn, không phải cung điện của Môi-se. Môi-se ở trong cung điện đó chỉ với danh nghĩa là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, chỉ có danh nghĩa thôi.
Bốn mươi năm kế tiếp, Môi-se ở trong đồng vắng Ma-đi-an, chăn chiên cho nhạc phụ của mình, nhà ở thì là nhà của cha vợ. Tâm tư vong quốc đã được Môi-se bộc lộ qua việc đặt tên cho con trai đầu lòng mình là Ghẹt-sôn vì Môi-se nói rằng: “Tôi kiều ngụ nơi ngoại bang” (Xuất. 2:22). Môi-se không có một cái nhà của riêng ông suốt 80 năm.
Rồi thêm 40 năm cùng dân Chúa lang thang trong đồng vắng, sống trong những căn lều trại để có thể dựng lên, xếp lại, di chuyển khi Chúa ra lịnh. Đến 120 tuổi, Môi-se từ đồng bằng Mô-áp lên trên núi Nê-bô, nơi đỉnh Phích-ga, đối ngang Giê-ri-cô; rồi Đức Giê-hô-va cho người xem toàn xứ… Đức Giê-hô-va phán cùng người rằng: Đó là xứ mà ta đã thề ban cho Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, mà rằng: Ta sẽ ban xứ ấy cho dòng giống ngươi. Ta cho tự mắt ngươi xem xứ ấy, NHƯNG NGƯƠI KHÔNG VÀO ĐÓ ĐƯỢC” (Phục. 34:1-4).
Có nỗi đau nào lớn như vậy không? Đời người 120 năm không một ngôi nhà để ở, giờ cuối cùng thấy được quê hương nhưng cũng không được cái nhà để ở. Thình lình Môi-se đã la lên, tung hô lên: “Lạy Chúa, [con biết rồi] từ đời nầy qua đời kia, Chúa là NƠI Ở của con – Môi-se khám phá: Chính Chúa là Cái Nhà của con, cho nên con đi đâu, con ở đâu, con cũng có cái nhà của con là chính Chúa! Khám phá kỳ diệu quá!
Vinh hiển biết bao cho một Tôi Tớ trung thành của Chúa như Môi-se là Kinh thánh ghi lại khi Chúa Jêsus Christ lên núi hóa hình, Ngài biến hóa trước mặt các người ấy, mặt sáng lòa như mặt trời, áo Ngài trắng như ánh sáng. Nầy, có Môi-se và Ê-li hiện đến, nói chuyện cùng Ngài” (Math. 17:2-3). Tôi nghe tiếng Môi-se hát trên Thiên đàng: Vinh thay cho tôi, vinh diệu vô đối! Vinh thay cho tôi, vinh hiển đời tôi! Lúc bởi ơn Ngài tôi sẽ thấy mặt Ngài đấy. Phút vinh diệu lạ bấy, phút vinh diệu mãi đây!
|