Lê-Vi Ký

LÊ-VI KÝ 8
THỰC NGHIỆM NÊN THÁNH (Phạm vi cá nhân)
Đoạn 11 đến đoạn 15
****************************


Kính chào Quý Vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Quan niệm thông thường của đa số người Việt Nam chúng ta mỗi lần nghe đến Đạo hay tôn giáo, thì nghĩ ngay đến chuyện siêu hình, chuyện tâm linh, chuyện thần tiên, chuyện linh hồn, nếu không muốn nói là truyện thần thoại.
Có một lần, có người nói với tôi: ‘Nói không phải thù nghịch, nhưng mấy anh làm tôn giáo thì thuộc về duy tâm; còn chúng tôi (là những người như người đối thoại với tôi) thì thuộc về duy vật. Duy tâm, duy linh, với duy vật không thể hòa nhau’. Tôi đáp lại: ‘Đúng như anh nói, tôn giáo là duy tâm, còn mấy anh là duy vật. Nhưng Tin Lành của Chúa Jêsus Christ không phải duy tâm, hay duy vật gì cả. Người đó hỏi tôi: Thế mấy anh Tin Lành thì duy gì? Tôi đáp: “Duy Chúa!” Duy Chúa là sao? Tôi giải thích: ‘Kinh thánh cho chúng ta biết khi Đức Chúa Trời dựng nên con người thì Chúa lấy bụi đất, một thỏi đất sét – đó là khối vật chất và Đức Chúa Trời nắn nên hình người, không phải nắn nên con người, mà chỉ là cái tượng người. Kế đó, Đức Chúa Trời còn hà sanh khí hay thổi sự sống vào cái tượng người bằng đất đó, thì nó mới trở thành một con người, một loài sanh linh có sự sống. Chúa Jêsus phán: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng nhờ mọi lời phán từ miệng Đức Chúa Trời”. Không ai điên dại mà nói chỉ cần ăn là sống; cũng không ai cho rằng không cần ăn vẫn sống. Khi nào cái tâm và cái vật hợp lại, thì đó là Tin Lành của Chúa Jêsus Christ.
Qua Kinh thánh và ngay sách Lê-vi ký, Chúa đã bày tỏ chẳng những Chúa quan tâm đến vấn đề tội lỗi, linh hồn, sự thánh khiết, những lễ ngày lễ thánh, Chúa còn quan tâm đến việc ăn uống của người tin Chúa, sinh hoạt thường ngày tắm, giặt, rửa… nói chung là cách sống của người tin Chúa.
Đọc qua phần Kinh thánh sách Lê-vi ký đoạn 11 đến đoạn 15 nầy, lòng tôi thật cảm động trước tình yêu thương của Đức Chúa Trời, Chúa không phải như một vị thần nào đó – dù chỉ là thần tưởng tượng, cứu giúp khi được kêu cầu, cũng không phải tượng bụt trên bàn thờ bất tri bất giác, bất động, nhưng Đức Chúa Trời là Vị Cha nhân từ quan tâm từ vấn đề tội lỗi của người, cũng quan tâm đến cách ăn nết ở công bình thánh sạch của tin Chúa nữa.
ĐOẠN 11 – ĐCT MUỐN NGƯỜI TIN NGÀI THỰC HIỆN NÊN THÁNH QUA VIỆC ĂN UỐNG HẰNG NGÀY.
Trong 11:1-2 ghi rõ ràng: “Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se và A-rôn rằng: Hãy nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng: Trong các loài vật trên đất, nầy là những con các ngươi được phép ăn”.
Trước khi nói đến các con vật Đức Chúa Trời cho phép loài người được ăn, Kinh thánh đã ghi lại khi Đức Chúa Trời dựng nên loài người thì ban đầu Chúa cho con người được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn [Ê-đen] (Sáng. 2:16). Mãi đến sau thời nước lụt đời Nô-ê, Kinh thánh ghi Đức Chúa Trời phán rằng: Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ cỏ xanh” (Sáng. 9:3), và Chúa cũng ban lịnh hạn chế việc ăn thú vật theo những qui định:

  • con vật phải còn sống, không được ăn thú vật chết ngột, chết không rõ lý do.
  • Song không được ăn thịt còn hồn sống, nghĩa là có máu.

Có người hỏi Kinh thánh ghi rõ khi dựng nên loài người, Đức Chúa Trời ban cho loài người ăn chay, tại sao người Tin Lành lại cho rằng ăn chay không tốt?
Trước hết phải nói hai tiếng ăn chay là ăn kiêng thịt cá, chỉ ăn rau quả. Tôi không biết ai đã nói ăn chay không tốt, ngay cả khoa dinh dưỡng thế kỷ 21 vẫn khuyên con người giảm ăn thịt cá, tăng rau quả để tốt cho sức khỏe, nhất là người cao tuổi và người có một số chứng bịnh cần kiêng giảm thịt, giảm protein. Tuy nhiên, tôi hơi lạm bàn về chuyện dinh dưỡng nầy, với một số người tập luyện thân thể như các vỏ sĩ, cũng cần ăn thêm thịt cá.
Tuy nhiên, cần phân biệt là ban đầu Đức Chúa Trời cho loài người ăn rau quả, về sau tội lỗi gia tăng, loài người gian ác hơn, nên Chúa đã cho phép ăn thịt trong những giới hạn, rõ ràng Chúa không khuyến khích. Qua câu chuyện của Đa-ni-ên và ba bạn của ông chứng tỏ rau quả cũng đủ dinh dưỡng hơn những kẻ ăn nhiều thịt cá mà không luyện tập (Đa. 1:14-21).
Sách Lê-vi ký 11:1-2, Đức Chúa Trời dạy tuyển dân của Chúa trong sự ăn uống biết phân biệt con thú nào sạch ăn được, con thú nào không sạch không được ăn. Từ ngữ sạch không sạch bao gồm sạch hoặc không sạch theo nghi lễ, cũng chỉ về sự sạch sẽ, có lợi cho cơ thể hay không.
Dù không hiểu hết toàn bộ các loài được Lê-vi đoạn 11 nói đến, chúng ta cũng có thể nêu ra vài loài cụ thể để thấy Đức Chúa Trời yêu thương dân Chúa biết bao ngay trong đời sống hằng ngày.

  • 11:7 – con heo. Thịt heo là thực phẩm được đa số con người ưa chuộng, nhất là người Châu Á. Tuy nhiên, heo là con vật có nhiều mỡ, nên dễ tạo ra cholesterol gây chứng đông máu có hại sức khỏe, nhất là về tim mạch.

Đặc biệt Đức Chúa Trời ban lệnh cấm dân Chúa ăn thịt heo trong sách Lê-vi ký nầy là lúc dân Y-sơ-ra-ên đang đi trong đồng vắng, chắc chắn nuôi heo là việc đầy khó khăn khi không có nước, không có chuồng trại, chuyện ô nhiễm môi trường do chất thải của heo. Thêm vào đó trong nắng nóng của hoang mạc phía nam Biển Chết, thịt heo dễ sinh trứng sán, dễ làm mệt mỏi, chậm tiêu.

  • 11:10, Chúa cấm ăn loài thủy hải sản không có vây, không có vảy. Thực tế cho thấy những loài không có vây không có vảy, là loài ăn thức ăn dơ, sống môi trường dơ. Ví dụ như con lươn là loài thích ăn thức ăn thối, ở trong sình bùn.
  • 11:15 – các thứ quạ. Quạ là loài cho đến ngay nay người ta cũng không ăn, vì là loài ăn dơ, luôn tượng trưng cho độc ác, bị cho là thịt quạ hôi.
  • 11:20-25, Chúa cấm ăn các loài côn trùng tùy theo loại, nghĩa là có những loài ăn được, cũng có loài không ăn được (Mác 1:6).

Tuy nhiên, phải nhớ Chúa cấm ăn là vì muốn bảo vệ dân thánh của Chúa ngăn ngừa bệnh tật, ngăn ngừa bị ô uế thuộc linh lẫn thuộc thể, không liên quan sự cứu rỗi. Công vụ 10:9-16 cho thấy khi Phi-e-rơ đói thì Chúa cũng không cấm Phi-e-rơ ăn những loài mà Phi-e-rơ cho rằng không sạch. Trong khi đó, trong thư I Tim. 4:1-5, cho người tin Chúa Jêsus biết rằng trong đời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỉ dữ, bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm chai lì, họ sẽ cấm cưới gả, và biểu kiêng các thức ăn Đức Chúa Trời đã dựng nên cho kẻ có lòng tin và biết lẽ thật, tạ ơn mà dùng lấy. Vả, mọi vật Đức Chúa Trời dựng nên đều là tốt lành cả, không một vật chi đáng bỏ, miễn là mình cảm ơn là ăn thì được; vì nhờ lời Đức Chúa Trời và lời cầu nguyện mà vật đó được nên thánh. Những kẻ tà đạo nầy dạy cấm ăn vì cho rằng liên quan sự cứu rỗi.
Chắc chắn còn nhiều lý do khác mà Đức Chúa Trời cho ăn hoặc cấm ăn, chúng ta không biết hết được, nhưng mục đích của Đức Chúa Trời yêu thương là vì ích lợi thực tế cho người tin Chúa, vì ích lợi sức khỏe, vì ích lợi khẩu vị, vì địa vị là dân thánh – người được Nên Thánh của Chúa.
Cảm ơn Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương chăm sóc đời sống người tin Chúa ngay cả việc ăn uống hằng ngày. Thật không ai như Chúa tôi!
ĐOẠN 12.
Đến đoạn 12, chúng ta không còn lời nào đủ để cảm tạ Chúa, vì Chúa cũng yêu thương chăm sóc đến những phương diện khác về sức khỏe của Dân Thánh cùa Chúa.
Đọc đoạn 12, người phụ nữ phải cảm tạ Chúa, vì Đức Chúa Trời thật yêu thương người phụ nữ. Đối với phụ nữ, việc sinh con là lúc khó khăn, nguy hiểm nhất, đến nỗi người Việt Nam so sánh với việc đi biển mồ côi một mình, vượt cạn. Cuộc sống ngày nay không còn thì giờ cho người phụ nữ được nghỉ ngơi đầy đủ nữa, dù luật Lao Động dành nhiều ưu đãi cho sản phụ.
Những từ ngữ ô uế trong câu 2, câu 4, rõ ràng để cho sản phụ được nghỉ ngơi sau khi sinh con, không làm việc ít nhất là 40 ngày đến 2 tháng. Đáng tiếc là vì điều kiện kinh tế gia đình, hoàn cảnh sống khó khăn, hoặc không tin cậy nói lòng yêu thương của Chúa dạy, kể cả nhiều phụ nữ dựa vào thuốc, hoặc sức riêng, hoặc ham vui quá sớm, bị những hậu quả nguy hiểm hậu sản.
Bà Bác sĩ Nguyễn thị Lợi đã viết trong sách Bịnh Đàn Bà của bà với Bác sĩ Lương Phán, bà thắc mắc tại sao những phụ nữ xưa buộc các sản phụ phải nằm trong phòng kín, nằm lửa, không được tắm, còn phải xoa rượu ngâm nghệ chung với nước tiểu trẻ con. Bác sĩ Lợi không tin rằng xoa cho cứng gân chắc thịt như gà để chọi. Nhưng sau khi hành nghề giúp sản phụ, Bác sĩ Lợi khám phá là các bà xưa muốn giữ gìn sản phụ tránh bớt sự ham muốn của chồng trước gái một con trông mòn con mắt bởi mùi tỏa ra từ người vợ mới sinh con, muốn sản phụ nghỉ ngơi tránh mang thai tiếp quá sớm.
Người phụ nữ phải cảm ơn Chúa yêu thương khi đọc sách Lê-vi ký đoạn 12 nầy.
ĐOẠN 13 đến ĐOẠN 14.
Hai đoạn nầy, Lời Chúa trong sách Lê-vi ký dạy rất kỹ về bịnh phung hay bịnh cùi. Chúng ta biết là dù năm 1873, Bác sĩ Hansen người Na-uy đã tìm ra nguyên nhân bịnh cùi, nhưng bịnh cùi vẫn là tứ chứng nan y, là nỗi khủng khiếp của loài người. Cảm ơn Chúa, cách đây 3.500 năm, Chúa đã cho Môi-se ghi lời Chúa dạy hết sức cẩn thận về bịnh phung cùi giúp tập thể Dân Thánh của Chúa trên 2 triệu người phòng chống bịnh trên người, trên quần áo, trong nhà.
Trong thời Chúa Jêsus còn trên đất, người Y-sơ-ra-ên biệt cư những người bị bịnh phung cùi nơi khu vực riêng, không cho tiếp xúc với người trong cộng đồng xã hội, đi đâu phải la lên ô uế, ô uế, để mọi người tránh xa. Và thật cảm động biết bao, Chúa Jêsus đã tiếp xúc những người phung cùi và cũng đã chữa lành cho một số người bằng quyền năng phán thì được lành của Ngài, chỉ tiếc là chỉ một người duy nhất trong 10 người được Chúa chữa lành biết quay lại cảm ơn Chúa, còn chín người được lành thì không còn nhớ ơn Chúa nữa (Luca 17:11-19), như Phao-lô nói: “Họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa (Rô. 1:21).
ĐOẠN 15.
Chúng ta sẽ bắt gặp những động từ liên quan đến vấn đề vệ sinh thân thể được nhắc lại nhiều lần trong đoạn nầy, như: tắm, giặt, rửa, khi đoạn 15 nầy dạy về sinh hoạt tình dục nam nữ, một việc mà đa số người nghĩ là không cần thiết, nhất là bị xem là ô uế phàm tục trong các tôn giáo. Cảm ơn Chúa, thế mà Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng yêu thương thế gian, một trong những bằng cớ yêu thương đó là Chúa chăm sóc người tin Chúa khác nào cha mẹ chăm sóc con cái, từ cái ăn, cái mặc, dạy con người tránh được những bịnh tật lây lan, bảo vệ sức khỏe cá nhân, dạy cách sống gia đình chồng vợ, bảo vệ hạnh phúc gia đình cho người tin Chúa. Cảm ơn Chúa! Tác giả Thi thiên 116:12 phải thốt lên: “Tôi sẽ lấy báo đáp Đức Giê-hô-va, về các ơn lành mà Chúa đã làm cho tôi?”