LÊ-VI KÝ
Đoạn 4 – 6:7
***************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Hôm nay chúng ta tiếp tục học sách Lê-vi ký phần thứ 5, qua đoạn thứ 4 và đoạn thứ 5 với hai loại của lễ còn lại: Của Lễ Chuộc Tội và Của Lễ Chuộc Sự Mắc Lỗi.
Qua đoạn đoạn 1 đến đoạn 3 với 3 loại của lễ có đặc điểm được nhấn mạnh là Của Lễ Có Mùi Thơm dâng lên cho Đức Giê-hô-va, bây giờ hai loại của lễ chúng ta sắp nói đến mang tội và lỗi, đã mang tội và lỗi thì tội lỗi không có mùi thơm mà chỉ đem đến hôi thối, hư hoại.
Kinh thánh đã chứng minh tội lỗi đã đem đến những hậu quả kinh khiếp cho loài người và cho muôn vật:
- Tội lỗi đã làm cho tổ phụ loài người hổ thẹn, phải tìm cách che giấu ngay sau khi không vâng lời Chúa mà nghe lời ma quỉ cám dỗ ăn trái cây Chúa đã dặn không được ăn – “Đoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lỏa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân (Sáng. 3:7), trái với đời sống ở trong sự thánh khiết Chúa ban là đời sống “Vả, A-đam và vợ, cả hai đều trần truồng, mà chẳng hổ thẹn” (Sáng. 2:25).
- Tội lỗi đã làm cho con người không dám gặp Chúa nữa, tội lỗi như mây đậm che khuất con người với Đấng Tạo Hóa, chẳng lời cầu nguyện nào thấu đến qua được (Cath. 3:44). Kinh thánh ghi lại lời tổ phụ loài người là A-đam nói với Đức Chúa Trời khi Chúa đến tìm ông trong Vườn Ê-đen: “Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ (Sáng. 3:9). Chính tội lỗi làm cho loài người hay nói rõ hơn là làm cho người VN chúng ta sợ nghe Lời Chúa, sợ hãi khi nghe danh Đức Chúa Trời.
- Tội lỗi đã làm cho trái đất bị rủa sả, đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê (Sáng. 3:17-18).
- Và tội lỗi đã khiến cho A-đam và Ê-va bị Chúa đuổi khỏi vườn Ê-đen (Sáng. 3:23).
- Sau chiến thắng thần kỳ tại thành Giê-ri-cô, thì tội lỗi của A-can đã khiến dân Chúa bị bại trận thê thảm tại A-hi, khiến 36 người ngã chết (Giô-suê 7:1-10).
- Sách Truyền đạo 10:1 xác nhận: “con ruồi chết làm cho thúi dầu thơm của thợ hòa hương”
Vì vậy, cả hai của lễ Chuộc Tội và Chuộc Sự Mắc Lỗi đều là những Của Lễ không có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va bởi có liên quan đến tội lỗi.
CỦA LỄ CHUỘC TỘI. ĐOẠN 4
Từ ngữ chuộc tôi đã nói lên mục đích của Của Lễ nầy. Mục đích đó là để người dâng là người có tôi (4:2) được chuộc tôi. Của Lễ Chuộc Tội được dâng khi một người lầm lỡ mà phạm một trong các điều răn của Đức Giê-hô-va và làm điều chẳng nên làm, rõ ràng đây là những tội phạm liên quan đến chính Chúa, vi phạm điều liên quan với Đức Chúa Trời mà Chúa đã khởi sự qui định trong Bốn Điều Răn đầu bổn phận đối với Chúa. Bốn Điều răn đó là gì? Sách Xuất. 20:1-11 ghi rõ:
- Bấy giờ Đức Chúa Trời phán mọi lời nầy rằng: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ. Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.
- Người chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta. Rất tiếc, như Thánh Phao-lô nói: “vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. Họ tự xưng mình là khôn ngoan mà trở nên điên dại; họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng (Rô. 1:21-23)
- Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Đức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi.
- Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ; vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.
Đó là bốn điều trong 10 Điều răn của Đức Chúa Trời, và Chúa đã qui định ai vi phạm thì phải dâng của lễ chuộc tội lên cho Chúa. Chúng ta phải thành thật nhận rằng người tin Chúa Jêsus ngày nay đáng phải dâng của lễ chuộc tội hằng ngày.
Luật dâng Của Lễ Chuộc Tội lại qui định tùy theo địa vị người có tội mà dâng sinh tế khác nhau:
- Nếu là thầy tế lễ chịu xức dầu rồi mà phạm tội, người phải dâng cho Đức Giê-hô-va một con bò tơ không tì vít chi (4:3)
- Nếu cả hội chúng Y-sơ-ra-ên phạm tội mà không tự biết, tôi mới lộ ra, thì phải dâng một con bò tơ (4:13)
- Nếu một quan trưởng lầm lỡ phạm tội, thì phải dâng một con dê đực không tì vít (4:22.)
- Nếu một người trong dân chúng lầm lỡ phạm tội, thì dâng một con dê cái không tì vít chi (4:28). Nếu của lễ chuộc tội bằng chiên con, thì phải dâng con cái không tì vít
Xét như thế thì một người có chức vụ thầy tế lễ hoặc quan trưởng phạm tội cũng không được miễn trừ, cũng phải dâng của lễ chuộc tội. Nếu so sánh một thầy tế lễ phạm tội cũng bằng cả dân sự phạm tội, vì cả hai đều phải dâng một con bò tơ không tì vít.
Hiểu như vậy, chúng ta thấy Đức Chúa Trời rất quan tâm đến những người có chức vụ, như Chúa Jêsus đã phán: “Vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn” (Luca 12:48).
Đó cũng là lý do khi vua Đa-vít phạm tội với Chúa, Chúa đã phạt cả dân sự (II Sam. 24:15). Nhiều người thắc mắc tại sao Chúa không phạt một mình Đa-vít vì chỉ Đa-vít phạm tội, mà phạt cả dân Y-sơ-ra-ên? Đa-vít như người cầm lái chiếc xe phạm lỗi khiến những người trong xe đều chịu chung tai nạn. Của Lễ nầy là lời cảnh cáo cho những người làm chức vụ lớn hoặc nhỏ trong Hội thánh của Chúa.
Và Thánh Gia-cơ khẳng định: “Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy… Vậy, nếu ngươi không phạm tội tà dâm, nhưng phạm tội giết người, thì ngươi là kẻ phạm luật pháp” (Gia-cơ 2:10-11).
CỦA LỄ CHUỘC SỰ MẮC LỖI. ĐOẠN 5 – 6:7
Của Lễ Chuộc Sự Mắc Lỗi được dâng khi có sự lầm lỗi – hai chữ lầm lỗi hàm ý người phạm tội không có ý phạm tội. Những sự vô ý đó được liệt kê như sau:
- C.1, Khi người nào làm chứng bị bắt thề rồi, và phạm tội vì không tỏ ra điều mình đã thấy hay là đã biết
- C.2, khi ai đụng đến một vật ô uế, hoặc thây một thú nhà, thây một thú rừng, thây một loài côn trùng, không tinh sạch mà không tự biết.
- C.3, khi ai hoặc tự biết hay không tự biết, đụng đến sự ô uế nào của loài người
- C.4, khi ai nói sơ ý thề thốt làm ác hay là làm thiện
- C.14-15, khi nào ai ở bất trung, lầm lỡ phạm đến vật thánh của Đức Giê-hô-va
- C.17, khi nào ai phạm một trong các điều răn của Đức Giê-hô-va mà không tự biết
- 6:1-7, khi ai mắc tội đến Đức Giê-hô-va hoặc nói dối cùng người lân cận về đồ vật gởi hay là tin mà giao cho, hoặc một vật trộm cắp, hoặc giựt lấy của người lân cận, hoặc xí được của mất mà nói dối về của đó, hoặc thề dối.
Nói chung, Của Lễ Chuộc Sự Mắc Lỗi dành cho những người vô ý phạm tội hoặc tiếp xúc thây những con vật không tinh sạch. Xét như thế, chúng ta nhìn biết Đức Chúa Trời lập Của Lễ Chuộc Sự Mắc Lỗi là để dân Chúa – một dân được biệt thánh cho Chúa, phải sống chú ý đến những sinh hoạt hằng ngày như:
- Phải hiếu kính cha mẹ.
- Chớ giết người.
- Chớ phạm tội tà dâm
- Chớ trộm cướp
- Chớ nói chứng dối
- Chớ tham lam.
Và cũng giúp dân thánh tránh được những tiếp xúc môi trường nguy hiểm cho sức khỏe.
Của Lễ Chuộc Sự Mắc Lỗi nhắc chúng ta nhớ đến chiều ngang thập tự giá của Chúa Jêsus. Chiều đứng là Của Lễ Chuộc Tội, là mối liên hệ của con người với chính Đức Chúa Trời. Thư Cô-lô-se 1:19, “Vì chưng Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài (Chúa Jêsus Christ), và bởi huyết Ngài trên thập tự giá thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời”.
Nhưng một người tin Chúa Jêsus chẳng những được hòa thuận cùng Đức Chúa Trời, người đó cũng còn phải sống hòa thuận người nữa. Thư Ê-phê-sô 2:14, 16, “Vì, ấy chính Ngài [Chúa Jêsus Christ] là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức tường ngăn cách… và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời”.
Bài học về Xa-chê mà thánh Luca đã ghi lại (Luca 19:1-10) là một minh chứng cho đời sống một người tin Chúa Jêsus bày tỏ qua hai Của Lễ Chuộc Tội và Của Lễ Chuộc Sự Mắc Lỗi. Khi Xa-chê tiếp nhận Chúa Jêsus vào nhà và vào đời sống của ông, lập tức Xa-chê đã đứng lên công khai lòng giải hòa với mọi người với tuyên bố: “Lạy Chúa, nầy tôi lấy nửa gia tài mình mà phân phát cho kẻ nghèo, và nếu có thiệt hại ai, bất kỳ điều gì, tôi sẽ đền gấp tư” (Luca 19:8). Ngay khi Xa-chê dâng hai loại Của Lễ, lập tức Chúa Jêsus tuyên bố: “Hôm nay sự cứu đã vào nhà nầy, vì người nầy cũng là con cháu Áp-ra-ham” (Luca 19:10).
Nói cách khác, một người phạm lỗi với người thì cũng đã làm tội với Đức Chúa Trời. Người con trai hoang đàng sau khi tỉnh ngộ đã nhân biết tôi đã đặng tội với trời và với cha (Luca 15:18, 21), vì bất hiếu là tội với cha và vi phạm Điều răn của Đức Chúa Trời. Đối với Chúa, chẳng những dâng của lễ lên Chúa để được tha thứ mà còn phải trả lại và bồi thường một phần năm giá trị cho người bị hại.
Có hai quan niệm sai lầm cần nhờ ơn Chúa sửa lại:
- Một số người chỉ quan tâm tìm cách hòa thuận với Đức Chúa Trời, chỉ nghĩ đến những tội lỗi liên hệ với niềm tin như: việc thờ cúng hình tượng, việc giữ vừng niềm tin khi gặp bắt bớ, nhưng lại không quan tâm đến những cách sống làm phiền làm buồn người chung quanh. Đó là cách sống mà Chúa Jêsus đã quở trách người Pha-ri-si trongMath. 15:3-9. Đó là cách sống đóng cửa thiên đàng với người chung quanh. Dâng Của Lễ Chuộc Tội chưa đủ, còn phải dâng Của lễ Chuộc Sự Mắc Lỗi nữa.
- Một số người chỉ nghĩ đến làm sao cho vừa lòng người, mà không quan tâm có đẹp lòng Chúa không. Đó không phải là cách sống của người tin Chúa Jêsus. Hạng người nầy chỉ quan tâm đạo đức con người mà không quan tâm tội lỗi với Chúa. Phải nhớ rằng Của Lễ Chuộc Tội dâng trước rồi mới dâng Của Lễ Chuộc Sự Mắc Lỗi.
Nếu thiếu Của Lễ Chuộc Sự Mắc Lỗi thì đó là triết lý tôn giáo dạy một người xuất thế đi tu để cá nhân thành thần - dù biết không thành. Nếu thiếu Của Lễ Chuộc Tội thì đó triết lý tôn giáo nhập thế hành đạo bằng sức riêng khiến người theo giống mình cũng là tội nhân.
Lời Chúa Jêsus dạy: “Hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ” (Math. 5:24).
|