Lê-Vi Ký


LÊ-VI KÝ (4)
CỦA LỄ. 1: - 7:
*******************************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Hôm nay Chúa cho chúng ta cùng nhau học phần thứ tư sách Lê-vi ký. Tôi tin rằng qua ba phần 1, 2, 3, mà chúng ta đã nghiên cứu đã giúp chúng ta có cái nhìn mới, vừa hấp dẫn với sách Lê-vi ký, thay vì chỉ nhìn thấy những việc dường như không liên quan đến chúng ta. Bây giờ, đến phần thứ tư của loạt bài về sách Lê-vi ký, với Chủ đề của sách là SỰ NÊN THÁNH, chúng ta sẽ học về Điều kiện để được Nên Thánh qua CÁC CỦA LỄ DÂNG CHO ĐỨC CHÚA TRỜI từ đoạn 1 đến đoạn 6:7.
Trong các đoạn mở đầu sách Lê-vi ký đã ghi lại 5 của lễ phải dâng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời với những quy định nghiêm ngặt, để được Nên Thánh trước mặt Chúa.

  • Đoạn 1 – Của Lễ Thiêu: “Đức Giê-hô-va từ trong hội mạc gọi Môi-se mà phán rằng: Hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Khi người nào trong vòng các ngươi dâng của lễ cho Đức Giê-hô-va, thì phải dâng súc vật, hoặc bò, hoặc chiên… ấy là của lễ thiêu, tức một của lễ dùng lửa dâng lên, có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va” (Lê-vi ký 1:1, 9b).

Của Lễ Thiêu còn được gọi là Của Lễ Toàn Thiêu, nghĩa là Của Lễ nầy phải được thiêu hóa hoàn toàn. Con sinh là bò, chiên hoặc dê phải là con đực, và xông hết mọi phần trên bàn thờ (1:13), và đây là của lễ nếu người dâng không đủ điều kiện thì dâng bằng cu đất hoặc bồ câu con.

  • 1:3, của lễ nầy có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va, đẹp lòng Chúa, để thờ phượng Chúa.
  • 1:5, của lễ nầy bằng sinh vật sống (1:3, 10, 14) như: Bò đực ý nghĩa tinh thần hầu việc (Châm ngôn 14:4), hoặc bằng Chiên con ý nghĩa là thuận phục (Ê-sai 53:7); hoặc bằng chim bồ câu hay cu đất có ý nghĩa là trong sạch (Math. 10:16).
  • 1:9, của lễ phải được toàn thiêu trên bàn thờ khác với của lễ chuộc tội và chuộc sứ mắc lỗi chỉ thiêu môt phần ngoài trại quân.

Của lễ thiêu hoặc toàn thiêu không phải để chuộc tội như nhiều người hiểu lầm, thật sự những của lễ có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va – Nhóm từ ‘có mùi thơm cho Chúa’ nầy khẳng định không liên quan tội lỗi.
Của lễ thiêu làm hình bóng hai phương diện:

  • Phương diện Chúa Jêsus Christ là Con Đức Chúa Trời dâng mình trọn vẹn cho Đức Chúa Trời, nghĩa là Chúa Jêsus Christ trong vị trí Đức Chúa Con vâng phục mạng lịnh Đức Chúa Cha trọn vẹn. Bởi đó sau khi Chúa Jêsus chịu báp têm, Đức Chúa Cha phán: Nầy là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng (Math. 3:16-17). Kinh thánh làm chứng Chúa Jêsus Christ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời cách trọn vẹn, “… Đấng Christ đã yêu thương anh em, và vì chúng ta phó chính mình Ngài cho Đức Chúa Trời làm của dâng và của tế lễ như một thức hương có mùi thơm… Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng của mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài tự bỏ mình đi…” (Êph. 5:2; Phi-líp 2:6-7).
  • Phương diện người tin Chúa Jêsus: Đứng trước tình yêu thương quá lớn của Chúa Jêsus, người tin Chúa Jêsus cũng tình nguyện dâng mình trọn vẹn cho Chúa, như Thánh Phao-lô đã nói: “Nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi” (Gal. 2:20). Và thật vậy, Phao-lô đã dâng mình trọn vẹn để Chúa Jêsus Christ sử dụng ông rao giảng Tin Lành. Sứ đồ Giăng cũng đồng lòng hiệp ý với Phao-lô nói rằng: “Bởi đó chúng ta nhận biết  lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy”. Rõ ràng, cảm cái ơn của Chúa vì mình, Phao-lô, Giăng, bất cứ người tin Chúa Jêsus nào cũng đều sẵn lòng dâng mình trọn vẹn cho Chúa, họ không dâng mình để rút mình tu hành, ẩn dật, nhưng tất cả đã trao mình vào tay Chúa, Ngài sử dụng tùy ý Chúa muốn đem sự sống ích lợi cho mọi người.
  • Của Lễ Thứ 2 là Của Lễ Chay: “Khi nào ai dâng cho Đức Giê-hô-va một của lễ chay, thì lễ vật người phải bằng bột lọc có chế dầu và nhũ hương lên trên” (Lê-vi ký 2:1)

Từ ngữ “chay” có nghĩa là không liên quan đến xương thịt, sinh tế là bằng bột lọc, bánh không men, dâng chung với dầu và nhũ hương. Có mấy điều cần nói rõ về Của Lễ Chay:

  • Bằng BỘT LỌC: Bột mà người Y-sơ-ra-ên dùng làm bánh mì ăn hằng ngày làm bằng lúa mì, nên bột dùng trong của lễ Chay là bột mì. Bột lọc là bột được ngâm rồi lọc lượt kỷ, giống như người VN chúng ta cũng có bột lọc nhưng bột lọc VN làm bằng bột gạo hoặc bột củ mì, người ta chắt lọc lấy ra tinh bột nhuyễn, mịn. Người VN chúng ta có món ăn rất ngon là bánh canh bột lọc, hoặc mì căn làm từ bột mì, vừa mịn, vừa dai, chế biến thức ăn tốt. Nói chung, bột lọc là tinh bột ròng.
  • Làm thành BÁNH KHÔNG MEN hấp, hoặc làm bánh tráng, hoặc chiên trong dầu: Trong chế biến các loại bánh, nhất là bánh mì, người ta dùng men để làm cho bột dậy lên. Chúa Jêsus phán về công dụng của men: “… như men mà người đờn bà kia lấy trộn vào trong ba đấu bột, cho đến chừng nào bột dậy cả lên” (Math. 13:33). Kinh thánh dùng nói đến men là chỉ về tội lỗi, Phao-lô nói: “… Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao? Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt qua của chúng ta, đã bị giết rồi. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ,chớ dùng men gian ác độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật” (I Cô. 5:6-8.

Bột làm từ lúa gạo từ đất ra (Ê-sai 28:28), làm hình bóng Chúa Jêsus Christ ngoài Thần tánh là Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus cũng mang Nhân tánh là một con người trọn vẹn – là bột không men, một con người hoàn toàn là người nhưng là người trọn vẹn chịu thương khó, Ngài làm giống như anh em mình trong mọi sự… Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy (Hê. 2:17-18). Chúa Jêsus giáng sanh bởi quyền năng Đức Thánh Linh khiến nữ đồng trinh Ma-ri hoài thai. Kinh thánh ghi rõ, khi thiên sứ của Đức Chúa Trời đến báo tin cho Ma-ri tại làng Na-xa-rét rằng Ma-ri sẽ thọ thai sanh một trai, thì Ma-ri là một nữ đồng trinh mới được hứa gả cho Giô-sép. Chính Ma-ri đã thưa với thiên sứ: “Ma-ri bèn thưa rằng: Tôi chẳng hề nhận biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó? Thiên sứ truyền rằng: Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời” (Luca 1:30-35).
Trước thế kỷ 21, người không tin Chúa Jêsus cứ cho rằng làm sao nữ đồng trinh lại có thể thọ thai được, họ cho rằng chuyện Chúa Jêsus giáng sanh là thần thoại. Nhưng đến cuối thế kỷ 20, khi khoa học tìm ra môn di truyền học, từ sinh con trong ống nghiệm, rồi với phương pháp sinh sản vô tính [clonic], những người chống đối Kinh thánh đã ngậm miệng lại. Chúa Jêsus được sanh ra không nhiễm nguyên tội tổ phụ truyền lại, và suốt đời sống hơn 33 năm trên đất, Chúa Jêsus đã công khai hỏi kẻ thù của Ngài: Trong các ngươi có ai bắt tội ta được chăng (Giăng 8:46). Còn sứ đồ Phi-e-rơ cũng khẳng định: Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá; Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa (I Phi. 2:22-23). Chúa Jêsus thật là Con Người Vô Tội mới đủ điều kiện chết đền tội cho chúng ta là kẻ đầy tội lỗi. Đó là lý do ngoài Chúa Jêsus không có người nào thần nào làm Đấng Cứu Thế chuộc tội chúng ta.

  • Phải chế dầu trên của lễ:

Có hai loại dầu được dùng trong Đền thờ: dầu thắp đèn (Xuất.27:20-21) và dầu thánh (Xuất. 30:22-33). Dầu được dùng trong của lễ chay là dầu thánh, dầu nầy ý nghĩa sự đổ đầy Thánh Linh, nói cách khác, của lễ chay dâng cho Đức Chúa Trời là đời sống một người để Thánh Linh chiếm hữu hoàn toàn.

  • Phải đổ nhũ hương lên của lễ.

Nhũ hương là hương liệu quý tỏa mùi thơm thiên thượng. Chúa Jêsus tỏa mùi thơm là những mỹ đức của Đức Chúa Trời cho loài người là yêu thương, công bình, thánh khiết và thành tín (Côl. 1:15). Cũng như đời sống người tin Chúa Jêsus tỏa mùi thơm của Chúa Jêsus Christ cho mọi người chung quanh (II Cô. 5:14-15).

  • Không được có men và mật (2:11). Chúng ta đã biết men ý nghĩa về tội lỗi (I Cô. 5:6,-8); mật ong xông trên lửa sẽ cho mùi chua và dậy men, trái với nhũ hương đốt thì thơm.
  • Phải nêm Muối và Chúa giải thích: muối là dấu hiệu về sự giao ước của Đức Chúa Trời lập cùng ngươi; trên các lễ vật ngươi phải dâng muối. Đông từ nêm như chúng ta nêm thêm muối làm cho món ăn đậm đà, ngay cả nấu chè cũng cần nêm thêm muối.
  • Của lễ chay thì người dâng chỉ dâng một phần (2:2), phần còn lại thuộc A-rôn, thầy tế lễ. (2:3)

Nói chung, tất cả mục đích và ý nghĩa của lễ chay không thể tìm thấy ở đâu ngoài Chúa Jêsus Christ là người trọn vẹn và trong chính những người tin Ngài, dâng mình đẹp lòng Đức Chúa Trời.

  • Của Lễ Thứ 3: Của Lễ Thù Ân: “Phàm khi nào ai dâng của lễ thù ân bằng bò, hoặc đực hoặc cái, thì phải dâng lên trước mặt Đức Giê-hô-va, không tì vít chi… ấy là một của lễ dùng lửa dâng lên, có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va… Nếu người dâng cho Đức Giê-hô-va của lễ thù ân bằng chiên, hoặc đực hoặc cái, thì phải dâng lên không tì vít chi… (Lê-vi ký 3:1, 5, 6).

Từ ngữ thù nghĩa là báo, đền, vì vậy thù ân là báo ơn, đền ơn. Dĩ nhiên, Ơn Chúa không thể đáp đền (Thi. 116:12), sự dâng hiến – kể cả tiền của chỉ là tỏ lòng biết ơn Chúa. Của lễ Thù Ân bày tỏ sự cảm tạ Chúa (7:13), làm hình bóng sự hòa bình, hòa thuận với Đức Chúa Trời bởi sự dâng mình của Chúa Jêsus Christ là Con Đức Chúa Trời – qua Của Lễ Thiêu và là Con Người Trọn vẹn (qua Của Lễ Chay) như Thánh Phao-lô xác nhận: Bởi sự chết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời… bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời (Côl. 1:20; Êph. 2:16).
Đặc biệt là ba Của Lễ Thiêu, Của Lễ Chay và Của Lễ Thù Ân, đều được gọi là Của Lễ có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va (1:9; 2:2; 3:5), vì cả ba của lễ nầy không liên quan đến tội lỗi, chỉ là sự liên thông giữa một người vô tội với một Đức Chúa Trời Chí thánh, nhất là làm hình bóng rõ ràng về phương diện Chúa Jêsus Christ vừa là Con Đức Chúa Trời vừa là Con Người trọn vẹn dâng mình làm tế lễ trên thập tự giá, để làm hòa bình, hòa thuận giữa Đức Chúa Trời và con người tin nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của mình. Thánh Phao-lô khi luận đến sự hòa thuận nầy, ông nói rất mạnh: “Vì chỉ một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người” (I Tim. 2:5)
Đó là lý do người đã tin Chúa Jêsus Christ làm Đấng Cứu Thế của cá nhân mình, là người đã liên hiệp với Chúa Jêsus Christ không còn là thù nghịch với Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:1-3), được hòa thuận cùng Đức Chúa Trời, được trực tiếp cầu nguyện với Đức Chúa Trời, được xưng Đức Chúa Trời là Cha, được làm con của Đức Chúa Trời bởi Đấng Trung bảo duy nhất là Chúa Jêsus Christ, không cần qua bất cứ trung gian nào. Và trước bao nhiêu ơn Đức Chúa Trời ban cho trong sự cứu rỗi bởi Chúa Jêsus Christ, chúng ta hãy dâng một Của Lễ Thù Ân không phải để đền ơn mà để tỏ lòng biết ơn Chúa. A-men