LÊ-VI KÝ (3)
****************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta đã cùng nghiên cứu hai bài về sách Lê-vi ký. Hôm nay chúng ta sẽ đi vào phần thứ ba là nội dung của sách, với việc nghiên cứu về ĐỀ TÀI của sách Lê-vi ký, đề tài đó chỉ một từ ngữ: THÁNH, có đến 80 lần sách Lê-vi ký nói đến.
“Thánh” là gì? Từ điển tiếng Việt định nghĩa từ ngữ ‘Thánh’ có nhiều nghĩa:
- ‘Thánh’ có nghĩa là sạch sẽ, đôi khi Kinh thánh dịch là tinh sạch. Hình ảnh được dùng mô tả từ ngữ ‘tinh sạch’ là như một viên kim cương vừa sạch vừa trong.
- ‘Thánh’ có nghĩa là đạo đức, hiền lành. Người Việt Nam gọi các vị như Khổng Tử là Thánh nhân, cũng gọi ông Gandhi của Ấn độ là ‘thánh’.
Nhưng có một định nghĩa theo Kinh thánh thì ‘thánh’ có nghĩa là biệt riêng ra, hàm ý biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời, thuộc Đức Chúa Trời. Ví dụ: Kinh thánh là quyển sách được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời, hoặc biệt riêng thuộc về Đức Chúa Trời.
Theo những định nghĩa trên, chúng ta biết được nội dung của sách Lê-vi ký là:
- Sách Lê-vi ký dạy người tin Đức Chúa Trời cách sống hoặc cách ăn ở sạch sẽ đối với Đức Chúa Trời và đối với nhau, cả phần thể xác lẫn phần thuộc linh.
Một người tự nhận mình tin và thờ phượng Đức Chúa Trời thì chắc chắn phải ăn ở sạch sẽ. Năm 1967, một vị Tỉnh trưởng tại Bảo Lộc nói với Mục sư Phan văn Xuyến là mục sư truyền giáo cho người sắc tộc K’Ho rằng: khi ông [vị tỉnh tưởng] vào nhà nào, làng nào, buôn nào, ông biết nhà đó, làng đó, buôn đó, là người Tin Lành. Mục sư Xuyến hỏi: Tại sao biết? Có phải vì nơi đó có hình cây thập tự không? Vị Tỉnh trưởng trả lời: ‘Không phải, vì có nhiều nhà, nhiêu buôn làng có hình cây thập tự nhưng không phải Tin Lành, Nhưng nhà nào, buôn làng nào thứ tự, sạch sẽ thì chắn chắn nhà đó, buôn làng đó theo đạo Tin Lành’. Thánh là sach sẽ!
- Sách Lê-vi ký dạy người tin Đức Chúa Trời cách sống đạo đức, đúng chuẩn luân lý giữa đời thường tối thiểu mà một người cần có, từ cách ăn uống, ăn mặc, ăn ở, không chỉ cá nhân mà còn giữa cộng đồng, giữa mọi người, không phải để mình được vinh hiển mà để người chung quanh dù không tin Đức Chúa Trời cũng có thể thấy Đức Chúa Trời là thánh.
- Điều quan trọng là sách Lê-vi ký dạy một người tin Đức Chúa Trời sống giữa đời thường như mọi người nhưng lại là người biệt riêng mình thuộc Đức Chúa Trời, người của Đức Chúa Trời, hầu cho qua đời sống của người tin Đức Chúa Trời, người chung quanh biết Đức Chúa Trời thực hữu.
Nhiều người cứ sống theo cách cuốn theo chiều gió; ai sao tôi vậy, ai làm bậy tôi làm theo; gió chiều nào theo chiều đó. Nhưng người nào cũng biết ở Việt Nam có loài hoa được cùng làm biểu tượng nước Việt Nam là ‘Hoa Sen’, với ca dao:
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhụy vàng.
Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Đó là đời sống của đoàn người Y-sơ-ra-ên vừa thoát lốt nô lệ bằng huyết chiên con, được Lời Chúa dạy sống đời sống người tự do trong Chúa, đời sống ‘người thánh’ giữa đời thường, giữa một thế giới mà Chúa Jêsus phán: “tội ác thêm nhiều”, nhưng người tin Chúa Jêsus phải làm muối của đất, làm sự sáng của thế gian, ở giữa dòng dõi gian ác ngang nghịch đó chiếu sáng như đuốc trong thế gian (Phi-líp 2:15-16).
NHỮNG TỪ NGỮ ‘THÁNH’ CHẠY SUỐT SÁCH LÊ-VI KÝ.
DANH CHÚA.
Có nhiều từ ngữ liên quan sự Thánh Khiết chạy suốt sách, những từ ngữ nầy thường được nhắc lại nhiều lần trong sách Lê-vi ký, đặc biệt nhóm từ “TA LÀ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA” nhắc lại hơn 50 lần từ đoạn 18: - 27:
Trong 19:1-2, Chúa phán với Môi-se rằng: “Hãy truyền cả hội chúng Y-sơ-ra-ên rằng: Hãy nên thánh, vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các người, vốn là thánh”. Chính Chúa khẳng định Ngài là Thánh, nên người của Chúa “Hãy Nên Thánh”. Chính sự thánh khiết của Chúa là động cơ thúc giục người tin theo Chúa phải sống thánh.
Thế giới con người phong cho nhau là ‘’thánh’, chưa ai dám tự nhận họ là thánh. Cảm ơn Chúa, một người thuộc về Đức Chúa Trời, một người ăn năn tội và tin nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa và Chúa của mình tức thì được chính Đức Chúa Trời công nhận người đó là Thánh (I Cô. 1:2; Ê-phê-sô 1:1). Do đó, sách Lê-vi ký cần thiết cho người tin Chúa Jêsus Christ học và làm theo để loài người biết “Danh Ngài là thánh, đáng kính sợ” (Thi. 111;9).
CHỨC VỤ ‘THẦY TÊ LỄ’
Theo Kinh thánh thì các tôn giáo ngoại bang đều có chức thầy tế lễ, nhưng sách Lê-vi ký nói về chức vụ thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Thánh, nên từ ngữ thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là từ ngữ thánh.
Ba người Lê-vi đầu tiên được Đức Chúa Trời dùng xây dựng đất nước Y-sơ-ra-ên là Môi-se, A-rôn, và Mi-ri-am, mỗi người được Đức Chúa Trời giao cho công việc khác nhau, có khi đan xen nhau nhưng không sáp nhập.
- Môi-se giữ quyền lãnh đạo tổng thể.
- A-rôn giữ quyền tế lễ.
- Mi-ri-am giữ quyền tiên tri.
Ba quyền nầy có cần nhau và đan xen nhau, nhưng không lẫn lộn nhau. Ví dụ, Sa-mu-ên là tiên tri nhưng đôi khi Sa-mu-ên cũng được Chúa giao chức dâng tế lễ. Còn vua Ô-xia vào đền thờ dâng hương cho Chúa thì bị Chúa phạt bị bịnh phung suốt đời. phải đợi đến Chúa Jêsus Christ đến thế gian chịu chết đền tội cho nhân loại hoàn thành sự cứu rỗi, chính một mình Chúa Jêsus Christ giữ cả ba chức Tiên tri [Chúa Jêsus nói tiên tri], thầy tế lễ thượng phẩm dâng tế lễ là chính Ngài (Hê. 4:14-16), tương lai khi Chúa Jêsus Christ tái lâm sẽ làm Vua.
Chi phái Lê-vi là chi phái được Đức Chúa Trời biệt riêng thay cho con đầu lòng tất cả các chi phái (Dân. 3:11-13). Trong chi phái Lê-vi có nhiều gia tộc khác nhau là: gia tộc A-rôn, gia tộc Ghẹt-sôn, gia tộc Mê-ra-ri, gia tộc Kê-hát (Dân. 3:10, 17), nhưng chỉ gia tộc A-rôn được làm thầy tế lễ, trong các thầy tế lễ riêng gia đình họ A-rôn mới được làm Thầy tế lễ thượng phẩm, dĩ nhiên các thầy tế lễ có chức năng của thầy tế lễ (Dân. 4:15-16), các gia tộc khác được chia công việc nơi thánh (Dân. 4)
Chỉ có Thầy Tế lễ Thượng phẩm mới được vào Nơi Chí Thánh mỗi năm một lần trong Ngày Đại Lễ Chuộc Tội để rải huyết trên nắp thi ân chuộc tội toàn dân. Chính chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng phẩm làm hình bóng về Chúa Jêsus Christ là Thầy Tế Lễ đời đời (Hê. 4:14-16), vì thế Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm là hình ảnh trọng tâm của sách Lê-vi ký.
CỦA LỄ.
Những người tin theo các tôn giáo ngoại bang đều có sự dâng tế cho các thần của họ, nhưng sách Lê-vi ký nói đến những qui định dâng các tế lễ từ điều kiện về sinh tế và cách dâng sinh tế cho Đức Chúa Trời, do đó, các của lễ được sách Lê-vi ký nói đến là những từ ngữ thánh vì liên quan Đức Chúa Trời Thánh.
Mở đầu sách Lê-vi ký là 5 loại của lễ mà Đức Chúa Trời đòi hỏi dân Chúa phải dâng cho Chúa. Trong năm của Lễ nầy, các sinh tế phải bằng bò, chiên, dê, chim bồ câu, bột mì lọc mịn. Đây là những của lễ dâng cho Đức Chúa Trời nên được gọi là những Của Lễ thánh, biệt riêng cho Chúa. Các của lễ nầy hoàn toàn khác với những của lễ các dân tộc chung quanh dân Chúa dâng cho các thần của họ. Các dân ngoại đạo thường dâng những của lễ bất kỳ, kể cả dâng con người cho các thần, hoặc máu người (I Vua 18:28).
Những của lễ dâng cho Đức Chúa Trời bao giờ cũng là sạch, không tì, không vít, bột mì thì phải là bột lọc mịn. Có một thời dân Y-sơ-ra-ên dâng những con vật đui, què, và họ bị chính Chúa quở trách năng nề (Mal. 1:8). Tại sao Đức Chúa Trời đòi của lễ có phẩm chất trọn vẹn như vậy? Vì tất cả của lễ dâng là biểu tượng về Chúa Jêsus là tế lễ toàn vẹn được chính Chúa Jêsus tự dâng chính Ngài cho Đức Chúa Trời để hòa giải giữa Trời và người (Côl. 1:19-20) và hòa giải giữa người với người (Ê-phê-sô 2:14-16). Thư Hê-bơ-rơ giải thích: “Nhưng Đấng Christ đã hiện đến, làm thây tế lễ thượng phẩm của những sự tốt lành sau nầy; Ngài đã vượt qua đền tạm lớn hơn và trọn vẹn hơn, không phải tay người dựng ra, nghĩa là không thuộc về đời nầy; Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời. Vì nếu huyết của dê đực bò đực cùng tro bò cái tơ mà người ta rưới trên kẻ ô uế còn làm sạch được phần xác thịt họ và nên thánh thay, huống chi huyết của Đấng Christ, là Đấng nhờ Đứa Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì tích cho Đức Chúa Trời, thì sẽ làm sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống, là dường nào! (Hê. 9:11-14).
HUYẾT DÂNG
Nói đến huyết là nói đến một điều đáng sợ vì huyết liên quan đến sự sống. nhưng huyết trong sách Lê-vi ký được nói đến là huyết được đổ ra để chuộc tội thay cho tội nhân, hoặc chuộc tội cho dân Chúa trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội mỗi năm một lần, cho nên Đức Chúa Trời kể huyết nầy là từ ngữ thánh vì được đổ ra để dâng lên cho Đức Chúa Trời, làm hình bóng sự đổ huyết đền tội của Chúa Jêsus trong Tân Ước. Lời Chúa phán: “Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ” (Hê. 9:22), Môi-se gọi huyết nầy là giao ước được lập giữa Chúa với dân Chúa (Xuất. 24:8). Vì vậy, từ ngữ huyết dùng trong sách Lê-vi ký là huyết thánh vì là giao ước giữa Chúa với dân Chúa, quyết chắc không bên nào vi phạm.
Tuy nhiên phải nói rõ, Lời Chúa ghi rõ Đức Chúa Trời đã đẹp lòng dùng huyết của sinh tế trọn vẹn, không tì vít, để đền tội thay cho những tội nhân đã bằng lòng ăn năn tội với Chúa, Chúa không bao giờ đòi con người dùng huyết của con người dâng cho Chúa.
Có một điều Đức Chúa Trời cấm Ăn mỡ và huyết. Cảm ơn Chúa, sách Lê-vi ký ghi rõ: “Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Chẳng nên ăn một thứ mỡ nào của bò, chiên hay là dê. Mỡ của con thú nào chết hay là bị xé sẽ được dùng về mọi việc, nhưng các ngươi không nên ăn; vì ai ăn mỡ của những thú người ta dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va, sẽ bị truất khỏi dân sự mình. Trong nơi nào các ngươi ở chẳng được ăn huyết, hoặc của loài chim hay là của loài súc vật. Phàm ai ăn một thứ huyết nào sẽ bị truất khỏi dân sự mình” (Lê-vi 7:23-27).
Về phương diện đức tin, Chúa thật yêu thương dân Chúa, Chúa bảo vệ dân Chúa không cho họ ăn hai món mà đến ngày nay Y học sức khỏe vẫn luôn khuyến cáo mọi người không nên ăn, đó là mỡ động vật và huyết. Về phương diện làm dân thánh của Đức Chúa Trời Thánh, Chúa phân biệt dân Chúa với các dân ngoại bang. Thường khi các dân không kính sợ Chúa lúc bấy giờ có tục uống huyết ăn thề, hoặc để làm hăng tính khí giết người, họ thường ăn gan uống huyết, nhất là khi bắt được địch thủ. Cảm ơn Chúa, Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, nhơn từ, đã dạy dân Chúa giữ mình qua việc ăn uống.
Hãy đọc sách Lê-vi ký để Quý vị có sức khỏe và tánh tình giống như Đức Chúa Trời Tạo hóa chúng ta là công bình và thánh sạch của lẽ thật (Ê-phê-sô 4:24), xứng đáng với địa vị Chúa ban cho người tin Chúa Jêsus Christ là: “…là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:9-10).
|