Lê-Vi Ký


LÊ-VI KÝ (2)
************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Ms. SƠN. Cảm ơn Chúa cho qua Chương trình Phát Thanh Tin Lành,  chúng ta đã cùng học phần thứ 1 của sách Lê-vi ký, nói về phần tên sách và được thấy ân điển của Đức Chúa Trời đối với chi phái Lê-vi.
Hôm nay chúng ta sẽ học về: NIÊN HIỆU SÁCH LÊ-VI KÝ.
Niên hiệu sách nầy ở giữa Xuất. 40:17 và Dân. 9:3; 10:11, với khoảng thời gian từ 15 ngày đến một tháng. Như vậy, Lê-vi ký là gạch nối cho hai sách Xuất Ê-díp-tô ký và Dân số ký.
Trước hết, chúng ta nói đến NHU CẦN PHẢI CÓ SÁCH LÊ-VI KÝ.
NHU CẦN ĐỐI VỚI QUÁ KHỨ.
Qua sách Xuất Ê-díp-tô ký, chúng ta biết dân Chúa là dân Y-sơ-ra-ên đã chịu 430 năm làm nô lệ tại xứ Ai Cập. Sự hiện diện của dân Y-sơ-ra-ên tại Ai Cập là do một trong các tổ phụ của họ tên Giô-sép đã cứu xứ Ai Cập cùng các dân thời đó, khỏi 7 năm đói khủng khiếp, lại còn quy tập người dân Ai Cập với tài sản của họ về cho vua Ai Cập. Để thưởng công trạng cực kỳ lớn của Giô-sép, vua Ai Cập đã thưởng xứ Gô-sen cho gia đình Gia-cốp gồm cha mẹ và các anh em của Giô-sép.
Lịch sử Ai Cập đã thay đổi triều đại. lịch sử thê giới ghi nhận là dòng Hyksos từ Châu Á đến đã chiếm lấy Ai Cập và cai trị Ai Cập. Trong thời các vua Hyksos, có Pha-ra-ôn tên Apepi II trong dụng Giô-sép (1805 TC.). Đến năm 1580 TC., dòng họ Ahmose đánh đuổi dòng họ Hyksos, lên cai trị Ai Cập, và đàn áp dân Y-sơ-ra-ên với hai lý do:

  1. Vua mới của Ai Cập không biết công ơn của Giô-sép đã cứu Ai Cập cùng các nước chung quanh qua 7 năm đói kém, nhất là quy tập tài sản cùng uy quyền về cho vua Ai Cập. Rất tiếc vua của triều đại mới đã không biết hoặc đã quên công ơn của Giô-sép, nên khiến nước Ai Cập quay lại hà hiếp dân Y-sơ-ra-ên của Giô-sép.
  2. Người Y-sơ-ra-ên tăng dân số quá nhanh. Khi người Y-sơ-ra-ên vào Ai Cập chỉ có 70 hoặc 75 người (theo sách Xuất. 1:3 ghi 70 có lẽ chưa tính gia đình của Giô-sép với vợ và hai con trai; còn sách Công vụ 7:14 thì tính gồm cả gia đình của Giô-sép là thêm 5 người). Sau 430 năm, lúc ra khỏi Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên đã đạt số dân không kể con nít, được chừng sáu mươi vạn người đờn ông đi bộ. Như vậy, chúng ta có thể tính 60 vạn người đờn ông cộng với  một người vợ và mỗi cặp vợ chồng có hai con, vị chi đã có 2 triệu 400 ngàn người, nếu tính cha mẹ của người chồng người vợ thì dân số Y-sơ-ra-ên lúc ra khỏi Ai Cập là 4 triệu 800 ngàn. Kinh thánh còn ghi rõ: “lại có vô số người ngoại bang – tức những người không phải dân Y-sơ-ra-ên– đi lên chung (Xuất. 12:37-38). Tính trung bình mỗi năm người Y-sơ-ra-ên gia tăng dân số là 100 ngàn người hơn. Với dân số thế giới thời Môi-se, tức cách đây hơn 3.500 năm, thì không đáng kể, nhưng với đồng bằng Gô-sen bên cạnh nước Ai Cập thì là một đe dọa cho xứ Ai Cập.

Chính vua Ai Cập đã phán cùng dân mình rằng: “Nầy, dân Y-sơ-ra-ên đông và mạnh hơn chúng ta… một mai nếu có cơn chinh chiến xảy ra, họ sẽ hiệp cùng quân nghịch đánh lại chúng ta, và ra khỏi xứ chăng”.
Bây giờ số người đông trên 4 triệu người nầy ra khỏi Ai Cập chỉ là một đoàn người nô lệ, những người suốt 400 năm chỉ biết một thứ luật là vâng lời, vâng phục những ông chủ Ai Cập. Tại ngày nay chúng ta sống trong thời nô lệ không còn được chấp nhận trên thế giới, có chăng chỉ là những kẻ buôn lậu người hoặc ép buộc người làm nô lệ, nên khó cảm thông đoàn người Y-sơ-ra-ên nô lệ qua 400 năm nầy. Hãy đọc các tác phẩm văn học trên thế giới như quyển Tội lỗi, Khóc lên đi ôi quê hương yếu dấu, Nô tỳ Isaura mà khán giả Đài Truyền hình Việt Nam trong nước từng được xem năm 1976-1977 với bộ phim dài 100 tập. Hãy đọc, hãy xem để biết nô lệ như thế nào.
Đức Chúa Trời đã dùng Môi-se giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi kiếp nô lệ với mục đích đưa họ về Đất mà Chúa đã hứa cùng tổ phụ họ là Áp-ra-ham. Đoàn dân hơn 4 triệu người nầy cần biết luật lệ đối với Đức Chúa Trời, luật đạo đức với người, vì vậy sách được Chúa cho Môi-se viết ra để dạy người Y-sơ-ra-ên biết bổn phận đối với Chúa qua những của lễ, biết sống có làm việc có nghỉ ngơi, có những ngày Lễ hội vui vẻ, biết luật đạo đức và những qui định sống cộng đồng giữa người với người, biết cách sống, cách ăn, cách xử lý những bịnh tật lây nhiễm… Tất cả đều được ghi cụ thể  trong sách Lê-vi ký.
NHU CẦN CHO TƯƠNG LAI
Nói đến NHU CẦN TƯƠNG LAI, vì dân Y-sơ-ra-ên sắp trải qua một tương lai gần với hành trình dài 40 năm trong đồng vắng về Đất được Chúa hứa, chặng đường mà tổ phụ họ và chính họ chưa từng đi qua, dù một người có học vấn cao và kinh nghiệm 40 năm trong đồng vắng nầy trước đây là Môi-se, ông cũng đầy lo lắng (Dân. 10:29-32). Họ phải biết ăn uống, xử sự những tình huống mà không có được một bảo đảm kinh tế sinh sống tối thiểu là thức ăn, nước uống cho đoàn người hơn 4 triệu dân, không bảo đảm về quân sự nào trước bao nhiêu thù nghịch sẵn sàng tấn công cướp bóc họ, trừ sự bảo đảm của Đức Chúa Trời.
Tất cả hoàn toàn mới mẻ đối với dân Y-sơ-ra-ên trong nhu cần chuyển từ đoàn dân nô lệ sang một dân tộc tự trị độc lập trước các dân tộc thế giới, chẳng những vậy, dân Y-sơ-ra-ên còn phải làm một dân chuẩn của Đức Chúa Trời từ những bổn phận đối với Chúa và những bổn phận gương mẫu cho toàn thể các dân thiên hạ, tiêu chuẩn đó được sứ đồ Phi-e-rơ nhắc lại trong thư I Phi. 1:16-17, “Bởi có chép rằng; Hãy nên thánh, vì ta là thánh. Nếu anh em xưng Đấng không tây vị ai, xét đoán từng người theo việc họ làm, bằng Cha, thì hãy lấy lòng kính sợ mà ăn ở trong thời kỳ ở trọ đời nầy”.
Một điều tối quan trọng là Chúa chọn dân Y-sơ-ra-ên cho Chúa, chẳng những ban cho họ sự giải cứu, ban cho họ Đất hứa, Chúa còn chuẩn bị cho họ làm tuyển dân đời đời cho kế  hoạch cứu rỗi của Chúa Jêsus Christ. Do đó, sách Lê-vi ký ghi chép những của lễ, những ngày lễ, những luật lệ làm biểu tượng báo trước đời sống của Chúa Jêsus Christ từ khi Chúa giáng sanh đến khi Chúa Jêsus Christ tái lâm lập nước ngàn năm và trời mới đất mới. Một tương lai xa như vậy cần có một nhu cần khẩn cấp mà dân thánh của Đức Chúa Trời phải được dạy. Đó là lý do Chúa cho Môi-se viết ra sách Lê-vi ký.
THỜI GIAN VIẾT SÁCH LÊ-VI KÝ.
Sách Lê-vi ký được viết ra trong thời gian kỷ lục: từ 15 ngày đến tối đa một tháng. Căn cứ vào sách Xuất. 40:17, “Đến ngày mồng một tháng giêng [tức tháng 1] về năm thứ hai [kể năm ra khỏi Ai Cập là năm thứ nhất – Xuất. 12:1-2] thì đền tạm đã dựng”.
Sau sự kiện Đền Tạm được hoàn thành và cung hiến, dân Y-sơ-ra-ên đã có một thời gian nghỉ ngơi tại khu vực bán đảo Si-nai. Trong quãng thời gian nầy, tức là chỉ từ 15 ngày đến một tháng, Môi-se đã hoàn tất những luật lệ cho dân Chúa. Với quãng thời gian ngắn ngủi, thế mà sách Lê-vi ký giải quyết tất cả nhu cần về thánh luật, đạo đức luật, luật sinh hoạt giới tính lẫn ăn uống.
Nếu áp dụng vào đời sống người tin Chúa Jêsus thời Tân Ước thì không còn gì thích hợp hơn. Khi một người đã ăn năn tội, tin nhận Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa và Chúa của đời sống mình, thì Kinh thánh khẳng định: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (II Cô. 5:17). Đó là hình ảnh của dân Y-sơ-ra-ên được Chúa cứu ra khỏi kiếp nô lệ tại Ai Cập, đời sống mới trong Chúa cần phải có Luật Mới của Chúa, mới từ đời sống phải giống Đức Chúa Trời, trong sự công bình và thánh sạch của lẽ thật (Êph. 4:24), mới cách ăn nết ở (Êph. 4:22), nghĩa được sanh lại trong đời mới (Giăng 3:3).
Suy nghĩ đến thời gian viết sách Lê-vi ký, chúng ta không thể nào không cảm tạ Đức Chúa Trời, vì Chúa đã có Môi-se. Hãy nghĩ nơi bán đảo Si-nai, cái thời cách đây hơn 3.500 năm, địa điểm hoang sơ biết bao: phương tiện không có, việc viết sách chỉ là những mảnh da chiên, da dê, bút đặc biệt để viết trên da thú bằng loại mực tự chế; chiếc bàn Môi-se ngồi viết chắc chắn chỉ là một tảng đá nào đó nơi núi Si-nai; nhất là không có sự yên tĩnh để viết vì Môi-se còn phải quản lý hơn 4 triệu người nam, phụ, lão, ấu, phải lo cho họ ăn uống. Kinh thánh thuật lại thì giờ bận rộn của Môi-se như sau: “Qua ngày sau, Môi-se ra ngồi xét đoán dân sự; dân sự đứng chực trước mặt người từ sớm mai đến chiều” (Xuất. 18:13). Với những bất tiện như thế, thời gian như thế, Môi-se đã viết bộ luật Lê-vi ký, kỳ diệu thay!.
Tôi nghe rất nhiều người than phiền không có thì giờ đọc sách, chưa nói thì giờ viết sách. Tất cả đồng hồ đều có 12 số, không ai nhiều hoặc ít hơn. Chúa Jêsus đã phán dạy về cách sử dụng thì giờ qua một thí dụ về nén bạc trong Luca 18:11-27, các đầy tớ đều có một nén bạc như nhau, nghĩa là ai cũng có 24 tiếng đồng hồ, hơn nhau ở chỗ biết lợi dụng thì giờ (Êph. 5:16), nhưng kết quả hoàn toàn khác nhau do các đầy tớ có trung tín sử dụng hoặc biếng nhác không sử dụng.
Câu hỏi được đặt ra là trong thời gian ngắn, phải nói là quá ngắn, làm sao Môi-se viết được sách Lê-vi ký? Có hai câu trả lời:

  1. Thư II Phi. 1:20-21 xác nhận không có lời nào trong Kinh thánh bởi ý một người mà ra, nhưng là bởi Đức Thánh Linh mặc khải cho con người yêu mến Đức Chúa Trời viết ra (Công vụ 1:16). Do đó, chắc chắn Đức Thánh Linh đã mặc khải cho Môi-se viết sách Lê-vi ký, cũng như đã mặc khải cho Môi-se viết toàn Bộ Ngũ Kinh.
  2. Nhà Bác học Isaac Newton nói về thời gian phát minh định luật vĩ đại của ông: Rất đơn giản, tôi diễn đạt chúng nhanh chóng, nhưng trước đó tôi đã suy nghĩ rất lâu. Nói như thế, chắc chắn Môi-se đã ấp ủ những điều cần như trong sách Lê-vi ký rất lâu, có thể từ khi mang tâm trạng giải cứu dân Y-sơ-ra-ên của mình khỏi kiếp nô lệ tại Ai Cập, hoặc ấp ủ trên đường đưa dân Y-sơ-ra-ên qua Biển Đỏ đến bán đảo Si-nai cho đến khi xây dựng đền tạm, nhìn thấy những gì mà dân Y-sơ-ra-ên đã làm như nổi loạn, than phiền, bắt chước thờ hình tượng với sự nhảy múa như các dân chung quanh mà họ đã bị tiêm nhiễm… trong tâm trí Môi-se phải hình thành một bộ luật có cần như sách Lê-vi ký.

Nhìn vào nội dung sách Lê-vi ký với những luật lệ trải suốt hàng ngàn năm mãi cho đến hôm nay vẫn là nhu cần, chẳng riêng dân Y-sơ-ra-ên nghiêm cẩn áp dụng, mà các dân tộc không phải Y-sơ-ra-ên cũng cần yếu áp dụng, thì chúng ta không thể nào phủ nhận sách Lê-vi ký là chính lời của Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh Ngài mặc khải cho loài người; và phải một người tầm cỡ như Môi-se mới có khả năng viết ra, vừa thiêng liêng vừa thực tế, vừa tối cần thiết cho loài người.
Quý vị Thính giả hãy đọc sách Lê-vi ký và áp dụng cho đời sống sẽ thấy câu Kinh thánh mà Chúa hứa cho người đọc, học, làm theo Kinh thánh dạy trong sách Giô-suê 1:8 linh nghiệm, Quý vị sẽ được may mắn trong con đường mình và được phước. Mong Quý vị thử nghiệm nhé!.