Lê-Vi Ký

LÊ-VI KÝ 12
NHỮNG NGÀY LỄ THÁNH
Lê-vi ký 23
*********************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho Quý vị đã đồng hành cùng tôi suốt qua loạt 11 bài học về sách Lê-vi ký. Hi vọng Chúa cho Quý vị Thính giả tìm được sự tươi mát trong Lời Chúa như tác giả Thi thiên 119:24, “Các chứng cớ Chúa là sự hỉ lạc tôi, tức là những mưu sĩ tôi”.
Hôm nay, chúng ta học bài thứ 12 về những Ngày Lễ Thánh của Chúa ban cho dân Chúa được ghi trong sách Lê-vi ký đoạn 23.
I/. 23:1-3, NHỮNG NGÀY LỄ THÁNH TRONG TUẦN.
Ngay c.1 và 2, ghi rõ:“Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Nầy là những ngày lễ của Đức Giê-hô-va các ngươi hãy rao truyền ra là các hội thánh”.
Chúng ta có những điều cần xác định:

  • Chính Chúa ban những ngày lễ nầy, không phải do Môi-se đặt ra. Giống như Phao-lô xác định về Lễ Tiệc Thánh: “Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em, ấy là Đức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra… (I Cô. 11:23).
  • Những ngày Lễ Chúa ban là những ngày lễ của Đức Giê-hô-va. Chúng ta đã học trong 19:2, Đức Giê-hô-va vốn là thánh, vì vậy những ngày lễ của Chúa đương nhiên là Lễ Thánh.
  • Chúa ban cho dân Y-sơ-ra-ên là các hội thánh, những người đã được chuộc tội và được dạy những qui định thánh về ăn, uống, ở, mặc, sinh hoạt thường ngày.

Và chúng ta không được quên ý nghĩa của từ ngữ Thánh là phải sạch sẽ, trong khuôn khổ đạo đức và nhất là ý nghĩa thánh thuộc về Đức Chúa Trời Chí Thánh, thánh là biệt riêng cho Đức Chúa Trời Chí Thánh.
NGÀY LỄ THÁNH ĐẦU TIÊN là Ngày Sa-bát, lời Chúa qui định: “Người ta làm việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là ngày sa-bát, một ngày nghỉ, tức một sự nhóm hiệp thánh…”
Từ ngữ Sa-bát là một từ theo tiếng Hi-bá-lai, danh từ có nghĩa là Ngày Nghỉ, do động từ sa-bát là Nghỉ, ngưng làm việc.
Ngày Nghỉ nầy nhắc chúng ta nhớ lại 7 ngày sáng tạo của Đức Chúa Trời dựng nên vũ trụ và muôn vật, được ghi trong sách Sáng-thế ký đoạn 1 và đoạn 2. Sau khi dựng xong trời đất và muôn vật, trong đoạn 2:2-3 ghi: “và ngày thứ bảy, Ngài NGHỈ các công việc Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh, vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi”.
Tuy nhiên Ngày Sa-bát trở thành Luật bắt buộc nghỉ khi Đức Chúa Trời ban Mười Điều Răn cho dân Y-sơ-ra-ên, được Môi-se ghi lại trong sách Xuất Ê-díp-tô ký 20:1-17, và Ngày Nghỉ là Điều răn thứ tư.
Tại sao Đức Chúa Trời dựng nên Ngày Nghỉ? Đây là điều cần giải thích rõ. Như chúng ta đã nói về những cấm kỵ mà Đức Chúa Trời qui định  trong sinh hoạt như: ăn, uống, mặc, tắm giặt, rửa, trong sách Lê-vi ký, hoàn toàn vì lợi ích cho dân Chúa, ích lợi về thể xác lẫn thuộc linh. Rất tiếc một số người vô tình hoặc cố ý đã biến điều răn thứ tư Ngày Nghỉ thành một xiềng xích trói buộc con người thay vì là một phước hạnh cho con người.
Hãy nghĩ đến dân Y-sơ-ra-ên trong 430 nô lệ tại Ai Cập. Nô lệ thì làm gì được nghỉ ngơi. Có mấy người dân tộc thiểu số tin Chúa Jêsus sáng Chúa nhật ăn mặc sạch sẽ, ngồi với nhau dù tiếng kẻng tập hợp đi làm đã đánh lên. Người có thẩm quyền hỏi họ: ‘Tại sao kẻng đánh rồi không đi làm? Lại còn ăn mặc nghiêm túc nữa’. Anh em người dân tộc tin Chúa Jêsus đáp: ‘Khi chúng tôi chưa tin Chúa, chúng tôi như con bò con trâu đi làm không được nghỉ; bây giờ chúng tôi tin Chúa Jêsus nên biết mình là con người phải nghỉ ngơi’.
Chúa Jêsus dạy: “Vì loài người mà lập ngày sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày sa-bát mà dựng nên loài người. Vậy thì Con người cũng là chủ ngày sa-bát” (Mác 2:27-28). Chúa Jêsus phán những lời đó vì những người Pha-ri-si sống lệ thuộc ngày sa-bát mà không biết quý trọng con người.
Rồi Chúa Jêsus đã chữa lành cho người bị teo tay trong ngày sa-bát, trong khi người Pha-ri-si không cho phép chữa bịnh ngày sa-bát. Chúa Jêsus đã giận và hỏi họ rằng; “Trong ngày sa-bát nên làm điều thiện hay điều dữ, cứu người hay giết người? Ai trong vòng các ngươi có một con chiên, nếu ngày sa-bát, bị té xuống hầm, thì há chẳng kéo nó lên sao? Huống chi người ta trọng hơn con chiên là dường nào” (Math. 12:11-12; Mác 3:4).
Có người còn cứng lòng hỏi Mục sư Billy Graham, nếu ngày nghỉ nào con chiên cứ té xuống hầm thì sao? Mục sư đáp: Bạn hãy giết con chiên để ăn thịt nó đi, hoặc lấp miệng hầm lại.
Một lần khác, Chúa Jêsus quở trách những người chủ trương tuân giữ ngày sa-bát không phải vì ích lợi cho con người. Chúa Jêsus gọi những kẻ đó là giả hình, vì họ sẵn sàng cỡi trói cho con bò, con lừa, của họ trong ngày sa-bát, mà không quan tâm việc cỡi trói cho một người đàn bà đã chịu Sa-tan trói buộc 18 năm.
Chúng ta phải nhơn danh Chúa Jêsus Christ mà quở trách những người tự nhận đã tin Chúa Jêsus nhưng cứ làm việc riêng trong ngày yên nghỉ, dù ngay cả người chưa tin Chúa cũng đã làm quyển lịch qui định làm việc 6 ngày và nghỉ một ngày.
Người tin Chúa Jêsus không nghỉ để được cứu như tà giáo mà Phao-lô đã quở trách nặng trong thư Ga-la-ti (Gal. 3:1-3), nhưng người tin Chúa Jêsus đã được cứu nên dùng ngày nghỉ làm nên ngày thánh thờ phượng Chúa và thông công với anh em. Cái dỡ của người tin Chúa Jêsus ngày nay là nhóm lại nhưng không khuyên bảo nhau, nhắc nhau cùng nhóm lại (Hê. 10:25).
II/. NHỮNG NGÀY LỄ TRONG THÁNG. 23:4-36
Trong phần Kinh thánh nầy, lời Chúa dạy 5 Lễ trong các tháng của dân Y-sơ-ra-ên, chia ra làm hai mùa.

  • Lễ trong tháng đầu năm. 23:4-22

Đánh dấu đầu năm mới là Lễ Vượt Qua để kỷ niệm ngày dân Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời cứu ra khỏi nhà nô lệ Ai Cập, đồng thời cũng mở đầu Mùa Gặt.
50 ngày sau Lễ Vượt Qua, dân Y-sơ-ra-ên lại có Lễ Ngũ Tuần, là ngày Lễ đánh dấu hoàn tất Mùa Gặt, hoa lợi sản vật thu hoạch được đem vào kho, Lễ Ngũ Tuần là ngày vui mừng của gia đình dân Chúa (Phục truyền 16:11).
Rõ ràng cả hai Lễ nầy đã thành nền tảng giáo lý của Kinh Tân Ước. Lễ Vượt Qua ứng nghiệm trong sự chết chuộc tội của Chúa Jêsus, Ngài được xưng tụng là Chiên Con của Đức Chúa Trời (Giăng 1:29). Còn Lễ Ngũ Tuần đã ứng nghiệm trong ngày Hội thánh được chính thức thành lập trên đát mà sách Công vụ 2 đã ghi rõ, Đức Thánh Linh giáng lâm, Hội thánh đã thu hoạch độ 3.000 người thêm vào Hội thánh..
Không nghi ngờ gì nữa, Cựu Ước là cái Bóng, còn Tân Ước là hình thật.

  •  Lễ trong tháng 7 (Lịch Do-thái,khoảng tháng 10 dương lịch). 23:23-36

Tháng 7 của người Y-sơ-ra-ên được xem là tháng Lễ hội, đánh dấu mở đầu ngay ngày 1 của tháng với LỄ THỔI KÈN.
Trong ngày Lễ Thổi Kèn, người ta sẽ thổi kèn không dứt báo sự nhóm họp. Bác sĩ Scofield là một học giả Kinh thánh giải thích rằng Lễ Thổi Kèn hình bóng về dân Y-sơ-ra-ên bị tan lạc giữa các nước sẽ được gom nhóm lại. Thời gian giữa Lễ Ngũ Tuần và Lễ Thổi Kèn là thời gian về Hội thánh từ ngày được chính thức thành lập trên đất vào Lễ Ngũ Tuần đầu tiên sau khi Chúa Jêsus chịu chết và  sống lại, thăng thiên (Công vụ 2), đến ngày Chúa Jêsus Christ tái lâm.
LỄ CHUỘC TỘI. 23:26-32
Lễ Chuộc tội cử hành vào ngày 10 tháng 7 lịch Do-thái. Chúa phán: “Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Ngày mồng mười tháng bảy nầy là ngày lễ chuộc tội; các ngươi sẽ có sự nhóm hiệp thánh; hãy ép tâm hồn mình và dâng cho Đức Giê-hô-va các của lễ dùng lửa dâng lên…”.
Đây là Lễ đòi hỏi cả nước Y-sơ-ra-ên phải hạ mình ăn năn tội với Đức Chúa Trời, xưng tội một năm qua bằng sự kiêng ăn và dâng tế lễ chuộc tội. Đây cũng là ngày duy nhất mà Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm được phép vào Nơi Chí Thánh để xưng tội của cá nhân ông, của gia đình ông và tôi cả dân Chúa (16:17).
LỄ LỀU TẠM. 23:33-36
Lễ Lều Tạm là Lễ cuối cùng của năm, sau Đại Lễ Chuộc Tội, kéo dài một tuần. Mục đích Lễ Lều Tạm là để kỷ niệm những ngày dân Y-sơ-ra-ên đi trong đồng vắng ở dưới những lều trại. Nghi thức Lễ Lều Tạm là dân Y-sơ-ra-ên sẽ làm những mái nhà bằng lá cây trên sân thượng, ngoài sân, hoặc ngay trong sân Đền thờ, để tượng trưng lều trại. Dĩ nhiên, Lễ Lều Tạm là cơ hội dân Y-sơ-ra-ên sống vui vẻ trong lều tạm, giống như một cuộc dã ngoại.
Cả ba lễ: Lễ Thổi Kèn, Lễ Chuộc Tội, và Lễ Lều Tạm đều làm hình bóng về sự tái lâm của Chúa Jêsus Christ.
Đến đây chúng ta phải cảm ta Chúa vì tất cả những ngày Lễ mà Đức Chúa Trời đã lập ra cho dân Chúa, đều với mục đích Chúa muốn dân Chúa sống vui vẻ, niềm vui có ý nghĩa thay vì như dân ngoại chỉ là ăn chơi, làm những việc tội lỗi. Chúa muốn dân Chúa luôn nhớ quá khứ đã ở trong nô lệ được Chúa yêu thương giải cứu bằng huyết chiên con, để họ không tái phạm tội cùng Chúa, đồng thời mang ý nghĩa thuộc linh cao quý trong Đấng Cứu Thế là Chúa Jêsus Christ hầu đến.
III/. NGÀY LỄ CỦA NĂM. 25:1-7
Gọi đúng tên thì đây là Năm Lễ, không phải Ngày Lễ, gồm Năm Sa-bát và Năm Hân Hỉ.
Chìa khóa của Năm Sa-bát là NGHỈ (25:4) gồm:

  • Đất nghỉ, những sản vật tự sinh từ đất là thuộc về người nghèo và khách kiều ngụ.
  • Công việc nghỉ
  • Nơ nghỉ, không được đòi nợ, thúc nợ trong Năm Sa-bát.

Đây là một thách thức đức tin đối với dân Chúa. Làm việc 6 ngày thì nghỉ 1 ngày, đã là một thách thức đối với dân Chúa, nhưng còn khả thi. Bây giờ, làm việc 6 năm thì nghỉ 1 năm. Biết bao nhiêu người tin Chúa không dám nghỉ một ngày, do sợ thiếu ăn, thiếu mặc, kể cả sợ thiệt hại quyền lợi trong ngày dễ kiếm tiền nhất. Thế mà Chúa qui định làm 6 năm nghỉ 1 năm thì câu hỏi sẽ nổi lên: làm sao sống? sẽ càng lớn hơn.
Và người Y-sơ-ra-ên đã học bài học cay đắng sau 490 từ khi vua Sa-lô-môn yếu đuối và qua đời đến đời vua Sê-đê-kia, họ không giữ năm Sa-bát và Đức Chúa Trời đã dồn lại lưu đày họ qua Ba-by-lôn 70 năm, để đất nghỉ, người nghỉ.
Đặc biệt hơn nữa, Đức Chúa Trời qui định sau Năm Sa-bát thứ 49 là Năm Hân Hỉ 25:8-13). Chúa phán: “Các ngươi phải làm cho năm thứ năm mươi nên thánh, và rao truyền sự tự do cho hết thảy dân trong xứ. Ấy sẽ là năm hân hỉ cho các ngươi; ai nấy đều được nhận lại cơ nghiệp mình và ai nấy đều trở về gia quyến mình”
Chía khóa của Năm Hân Hỉ là TỰ DO:

  • Nô lệ được tự do
  • Vật cầm cố được tự do trở về chủ cũ, kể cả sản nghiệp.

Năm Sa-bát làm hình bóng về Thiên Hi Niên – Một Ngàn Năm Bình An, sau khi Anti-christ và Tiên Tri giả bị quăng vào Hồ Lửa đời đời, còn quỉ Sa-tan bị tạm giam 1.000 năm nơi vực sâu (Khải. 20:1-3). Còn Năm Hân Hỉ là Trời Mới Đất Mới được Chúa Jêsus Christ cai trị sau khi quỉ Sa-tan bị quăng vào hồ lửa đời đời cùng những kẻ theo nó, như Khải huyền đoạn 21 – 22 mô tả.
Điều cần kíp trước mắt là xin Chúa cho những người tin Chúa Jêsus biết quý trọng sự ban cho của Chúa về Ngày Nghỉ lấy đức tin đặng làm nên Ngày Thánh, như thư Hê-bơ-rơ 10:25 dạy: “Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày áy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy”. Mong lắm thay!