Lê-Vi Ký

LÊ-VI KÝ 11
(Tiếp phần 10 – Chữ Thánh trong sách Lê-vi ký)
**************************************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Trong bài trước, chúng ta đã học về từ ngữ “Thánh” trong sách Lê-vi ký, một từ ngữ rất quan trọng trong Kinh thánh, mà cũng rất quan trọng đối với sách Lê-vi ký. Bằng cớ chứng minh sự rất quan trọng của từ ngữ “Thánh” nầy là lời Đức Chúa Trời phán: “Hãy truyền cho cả hội chúng Y-sơ-ra-ên rằng:“Hãy nên thánh, vì ta Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi vốn là thánh”. Chúa không phán riêng cho một người, mà Chúa truyền lịnh cho cả dân Y-sơ-ra-ên, toàn thể dân Chúa; dân Chúa không phải làm một điều gì để Chúa trở nên thánh, nhưng CHÚA VỐN LÀ THÁNH, dân Chúa phải sống thánh.
Hôm nay chúng ta tiếp tục cùng nhau học về từ ngữ Thánh trong sách Lê-vi ký với hai phương diện:
I/. Phương diện thứ 1: NHỮNG NGƯỜI THÁNH.
Đúng ra phải nói là Những người mang chức vụ thánh. Từ đoạn 8 đến đoạn 10, sách Lê-vi ký nói đến chức vụ thánh là chức tế lễ cho Chúa, chức vụ liên quan đến Đền Thánh của Chúa. Chức vụ nầy gồm ba thành phần:

  • Thành phần thứ 1: Người Lê-vi.

Nói đến “Người Lê-vi” là nói đến chi phái Lê-vi, hay nói đến dòng dõi của Lê-vi, một trong 12 con trai của Gia-cốp, cũng là một trong 12 tổ phụ của 12 chi phái của dân Y-sơ-ra-ên.
Kinh thánh cho chúng ta biết Gia-cốp có 12 con trai, nhưng khi Giô-sép vào Ai Cập thì sanh hai con trai là Ma-na-se và Ép-ra-im (Sáng. 41:50-52). Và vì công trạng của Giô-sép quá lớn đối với dân tộc, nên lời chúc phước của Gia-cốp lúc cuối đời đã cho hai con trai Giô-sép trở thành hai chi phái thay vì một chi phái Giô-sép (Sáng. 48:5). Trong ý chỉ đời đời của Chúa có 12 chi phái, cho nên để có 12 chi phái, Chúa đã biệt riêng Lê-vi là một chi phái thuộc về Chúa nhơn vì chi phái Lê-vi đã có lòng trung tín trong biến cố con bò con bằng vàng tại đồng vắng (Xuất. 32:25-29).
Công việc của người Lê-vi là lo chăm sóc Đền Tạm, đền thờ, phụ giúp các thầy tế lễ trong việc dâng của lễ cho Đức Chúa Trời (Dân. 1:47-54).

  • Thành phần thứ 2: Thầy Tế Lễ.

Sách Lê-vi ký đoạn 8 tường thuật lại lời Chúa ra lịnh cho Môi-se lập A-rôn, và các con của A-rôn làm chức vụ Thầy Tế Lễ.
Điều quan trọng là chức vụ Thầy Tế Lễ không phải là chức vụ tự phong, như Lời Chúa phán: “Hỡi anh em, trong vòng anh em chớ có nhiều người tự lập làm thầy, vì biết như vậy, mình sẽ phải chịu xét đoán càng nghiêm hơn” (Gia-cơ 3:1). Chính A-rôn và các con trai của A-rôn đã được Môi-se vâng theo mạnh lịnh của Đức Chúa Trời xức dầu biệt riêng ra thánh để A-rôn và các con trai của A-rôn đảm nhận chức vụ nầy.
Trong Lê-vi ký đoạn 8, chúng ta được tham dự một Lễ Phong Chức Thầy Tế Lễ cho A-rôn và các con trai của ông theo những nghi thức chính Chúa dạy Môi-se cử hành.
Thầy Tế Lễ phụ trách những chức năng dâng tế lễ hằng ngày do dân Chúa đem đến. Họ chăm lo những phần việc trong nơi thánh, như:

  • Thay 12 ổ bánh trần thiết trong Nơi Thánh.
  • Chăm sóc Đèn Bảy Ngọn Nơi Thánh hầu Đèn cháy luôn trước mặt Chúa.
  • Thầy Tế Lễ phụ trách dâng hương nơi Bàn thờ Xông Hương đặt giữa trong Nơi Thánh trước bức màn ngăn Nơi Thánh và Nơi Chí Thánh.

Đó là những phần việc Nơi Thánh chỉ Thầy Tế Lễ mới được giao phó thi hành. Kinh thánh đã ghi lại câu chuyện vua Ô-xia vào trong Nơi Thánh Đền thờ giành lấy công việc của Thầy Tế Lễ để xông hương, là công việc vua không được làm, chỉ Thầy Tế lễ mới được làm. Kinh thánh ghi lại như sau: “Song khi người [tức vua Ô-xia] được trở nên cường thịnh, lòng bèn kiêu ngạo đến nỗi làm điều ác, phạm tội cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người; vì người vào trong đền thờ Đức Giê-hô-va, xông hương trên bàn thờ xông hương. Thầy tế lễ A-xa-ria vào sau người, có tám mươi thầy tế lễ, đều là người mạnh dạn, đồng đi theo. Chúng cản cự vua Ô-xia mà rằng: Hỡi vua Ô-xia, chẳng phải phần vua xông hương cho Đức Giê-hô-va đâu, bèn là phần của những thầy tế lễ, con cháu A-rôn, đã được biệt riêng ra thánh đặng xông hương vậy. Hãy đi ra khỏi đền thánh, vì vua có phạm tội; lại vì việc nầy Đức Giê-hô-va sẽ chẳng làm cho vua được vinh hiển đâu. Ô-xia bèn nổi giận; người cầm nơi tay một cái bình hương toan xông hương; và đang khi người nổi giận cùng những thầy tế lễ, phung bèn nổi lên nơi trán người trước mặt những thầy tế lễ, tại trong đền của Đức Giê-hô-va ở gần bên bàn thờ xông hương. A-xa-ria, thầy tế lễ thượng phẩm, và hết thảy thầy tế lễ khác ngó xem người, thấy người bị bịnh phung ở nơi trán, bèn đuổi người ra khỏi đó; và chính người cũng lật đật ra, vì Đức Giê-hô-va đã hành hại người. Ô-xia bị bịnh phung cho đến ngày băng hà; và vì bị phung phải ở riêng ra trong một nhà khác, chẳng còn được vào đền thờ Đức Giê-hô-va nữa…” (II Sử. 26:16-20). Đáng sợ thay!
Cảm ơn Chúa, trong Chúa Jêsus Christ, như sứ đồ Phi-e-rơ đã công bố địa vị người tin Chúa Jêsus: “anh em là thầy tế lễ nhà vua”, nghĩa là sau khi ăn năn tội và tin Chúa Jêsus làm Cứu Chúa và Chúa của mình, người tin Chúa Jêsus được Đức Chúa Trời tha tội, được trở nên Thầy Tế Lễ của Đức Chúa Trời, được trực tiếp dâng lời cầu nguyện lên Đức Chúa Trời. Mỗi khi người tin Chúa Jêsus cầu nguyện, cầu thay, là đã làm công việc của một Thầy Tế lễ. Khải huyền 8:1-5 cho chúng ta biết đối với Đức Chúa Trời thì lời cầu nguyện, cầu thay của người tin Chúa Jêsus quý báu biết bao, dù trên trời luôn đầy tiếng ngợi khen Chúa Ba Ngôi, nhưng Đức Chúa Trời phải ra lịnh cho trên trời yên lặng nửa giờ để Chúa nghe tiếng cầu nguyện, cầu thay của người tin Chúa Jêsus dâng lên.

  • Thành phần thứ 3: Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm.

Danh xưng nầy cũng được dịch là Thầy Thượng Tế. Sách Lê-vi ký ghi lại thứ tự chức tế lễ như sau:

  • Trong 12 chi phái của dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời đã chọn chi phái Lê-vi để phụ trách những phần việc liên quan chức tế lễ.
  • Trong chi phái Lê-vi, Đức Chúa Trời chọn họ A-rôn làm thầy tế lễ.
  • Trong họ A-rôn, Đức Chúa Trời chọn dòng dõi từ gia đình của A-rôn làm chức Thầy Tế Lễ Thương Phẩm, người duy nhất mỗi năm một lần được vào Nơi Chí Thánh dâng tế lễ chuộc tội cho toàn dân (Luca 1:8-9).

Thật là kỳ diệu, chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm làm hình bóng về Chúa Jêsus Christ là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đời đời. Thư Hê-bơ-rơ 4:14 xác nhận: “Ấy vậy, chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Chúa Jêsus Christ còn cao hơn chức vụ của A-rôn, vì Ngài là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm không phải là Thầy Tế Lễ theo ban A-rôn nhưng theo ban Mên-chi-xê-đéc (Hê. 1:1-3; 7:11-17) hằng cảm thông mọi sự yếu đuối của chúng ta… Vì Ngài đã bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội”.
Lẽ đạo nầy an ủi người tin Chúa Jêsus biết bao trong mọi hoàn cảnh thuận hoặc nghịch. Đó là lý do thư Hê-bơ-rơ 4:16 khuyến giục chúng ta: “Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng”.
Ai trong chúng ta là người đã tin Chúa Jêsus đang bị hoạn nạn thử thách, hãy đọc sách Lê-vi ký, chắc chắn sẽ tìm thấy nguồn an ủi vô biên qua hình ảnh Một Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đời đời, là Chúa Jêsus Christ đang ngự bên hữu của Đức Chúa Trời cầu thay cho người tin Ngài.
II/. Phương diện thứ 2: NHỮNG VẬT THÁNH TRONG SÁCH LÊ-VI KÝ
Trong sách Lê-vi ký cũng nói đến những vật thánh rất đặc biệt vì liên quan đến Đức Chúa Trời Chí Thánh.

  • Vậ thánh thứ nhất: Của Lễ.

Như chúng ta đã học từ đoạn 1 đến đoạn 5 của sách Lê-vi, sách đã trình bày năm loại của lễ, gồm: của lễ thiêu, của lễ chay, của lễ thù ân, của lễ chuộc tội, và của lễ chuộc sự mắc lỗi. Điều cần chú ý là tất cả 5 loại của lễ đều qui về một hình bóng duy nhất là Chúa Jêsus Christ là của lễ trọn vẹn. Thư Hê. 9:11-14, Chúa Jêsus Christ làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm dâng chính Ngài làm sinh tế một lần đủ cả.
Vì vậy, điều quan trọng là người đọc và học về các của lễ trong sách Lê-vi ký nhờ ơn Chúa sẽ tìm thấy Đấng Christ trong các của lễ. Bởi đó, chúng ta mới có thể cảm ta Chúa về ân sũng của Chúa đã dành cho người tin Chúa qua sự dâng mình trọn vẹn của Chúa trên thập tự giá, không chỉ để chuộc tội cho người tin Ngài mà còn bao nhiêu là ân ban khác kèm theo. Trong Cựu Ước, người dâng của lễ tùy theo nhu cần của cá nhân, còn trong Chúa Jêsus Christ thì Ngài dâng một lần đủ tất cả các của lễ, ý nghĩa như sau:

  • Qua của lễ Thiêu, Đấng Christ là Con Đức Chúa Trời tình nguyện dâng mình trọn vẹn
  • Qua của lễ Chay, Đấng Christ là con người trọn vẹn cảm thông giữa Trời và người.
  • Qua của lễ Thú Ân, Đấng Christ ban bình an, hòa thuận giữa Trời và người, giữa người với người.
  • Qua của lễ chuộc tội, Đấng Christ gánh thay tội lỗi của người tin đối với Đức Chúa Trời Chí Thánh.
  • Qua của lễ chuộc sự mắc lỗi, Đấng Christ gánh thay lỗi lầm của con người với con người.
  • Vật thánh thứ hai: Của Dâng.

Từ ngữ được sách Lê-vi nói đến nhiều nhất là từ Dâng. Sách bắt đầu với từ Dâng (1:2); kết thúc với những qui định về sự dâng hiến cho Chúa.
Sách Lê-vi ký bắt đầu với việc dâng tế lễ giảng hòa, chuộc tội của chính mình, cho cả nước; sách kết thúc với sự dâng hiến một vật gì đó, kể cả chính mình để phục sự Chúa.
Luận về điều nầy, sứ đồ Giăng đã nói trong thứ I Giăng đoạn 3, Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống, chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy.
Thật vậy, nếu đọc qua đoạn 27 là đoạn cuối của sách Lê-vi ký, sách đề cập đến sự dâng hiến cho Chúa:

  • 27:1-8, lời Chúa dạy dâng mình cho Chúa.  Chúa phán: Khi nào có ai dùng loài người mà khấn nguyện.
  • 27:9-13, lời dạy việc dâng thú nuôi cho Chúa: Nếu khấn nguyện về thú vật dùng làm của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va, thì hễ con thú nào dâng cho Đức Giê-hô-va sẽ là vật thánh.
  • 27:14-15, lời Chúa dạy việc dâng nhà cho Chúa.
  • 27:16-25, lời Chúa dạy về việc dâng ruộng đất cho Chúa.
  • 27:26-27, lời Chúa dạy việc dâng con đầu lòng cho Chúa.
  • 27:30-33, lời Chúa dạy việc dâng một phần mười cho Chúa.

Chúng ta phải hổ thẹn là chúng ta chưa làm được, chưa làm trọn những qui định dâng hiến theo luật pháp qui định cho Chúa, huống chi theo luật ân điển trong Chúa Jêsus Christ. Thế mà có người ngụy biện rằng dâng 1/10 là theo Luật pháp; còn theo ân điển thì khỏi dâng gì cả. Đáng lẽ họ phải làm theo Lời Chúa dạy là Luật pháp qui định ít nhất 1/10, còn luật ân điển mà Chúa qui định trong thư Rô-ma 12:1, Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng THÂN THỂ MÌNH làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Kết thúc sách Lê-vi ký là những lời dạy về sự dâng hiến cho Đức Chúa Trời; còn kết thúc bài học hôm nay về sách Lê-vi ký, Quý vị có quyết định dâng gì cho Chúa?