Giô-suê

GIÔ-SUÊ 9
Giô-suê 4:1-24
Câu gốc: Giô-suê 4:7
KỶ NIỆM (ƠN PHƯỚC)

************************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta có cơ hội cùng nhau học lời Đức Chúa Trời là Kinh thánh qua Chương Trình Phát Thanh của Hội thánh Tin Lành VN tại Virginia. Chặng đường chúng ta cùng học Kinh thánh đã qua để lại trong mỗi người nhiều kỷ niệm. Dĩ nhiên có những kỷ niệm không đáng nhớ, nhưng có những kỷ niệm thật đáng nhớ và phải nhớ, như lời Chúa trong Giô-suê 4:6-7 nầy: “hầu cho điều đó làm một dấu ở giữa các ngươi. Về sau, khi con cháu các ngươi hỏi rằng: Những hòn đá nầy có nghĩa chi? thì hãy đáp rằng: Ấy là nước sông Giô-đanh đã rẽ ra trước hòm giao ước của Đức Giê-hô-va; khi hòm đi ngang qua sông Giô-đanh; thì nước sông bèn rẽ ra; các hòn đá nầy dùng cho dân Y-sơ-ra-ên làm kỷ niệm đời đời”.
I/. NỘI DUNG KỶ NIỆM – 4:1-7
Câu gốc của chúng ta nói rằng: “… các hòn đá nầy dùng cho dân Y-sơ-ra-ên làm KỶ NIỆM đời đời”.
KỶ NIỆM về việc gì? 4:1, Kinh thánh cho chúng ta biết rằng: Khi cả dân đã qua khỏi Giô-đanh rồi. Sự kiện qua sông Giô-đanh nầy được ghi từng chi tiết trong 3:14-17:

  • Dân Y-sơ-ra-ên qua sông Giô-đanh mà không cần bất cứ phương tiện nào của con người như: ghe, thuyền, bè, đặc biệt là qua sông vào mùa Xuân, lúc nước sông Giô-đanh tràn bờ.
  • Dân Y-sơ-ra-ên qua sông với một số người kỷ lục: gần 4 triệu người đủ mọi thành phần tuổi tác.
  • Nước sông Giô-đanh đã rẽ ra khi bàn chân của các thầy tế lễ đụng đến mé nước, Dân Y-sơ-ra-ên đi bộ ngang qua sông Giô-đanh như đi trên đất khô.

Một biến động thật kỳ diệu đã xảy ra, chỉ có dân Chúa mới có thể nếm trải phép lạ kỳ diệu nầy, không phải một lần mà đã xảy ra cho dân Chúa hai lần. Lần thứ nhất xảy ra khi thế hệ cha ông của họ đã đi ngang qua Biển Đỏ. Hollywood đã dùng những kỹ xảo phim ảnh để tái tạo trong phim trường cảnh trạng Biển Đỏ rẽ ra để dân Y-sơ-ra-ên đi ngang qua giữa hai vách nước khổng lồ ì ầm sôi động. Nhìn những hình ảnh trong phim, người xem phải thốt lên: ‘Thật Vĩ Đại!’. Tuy nhiên, đó chỉ là kỹ xảo phim ảnh, nếu nhìn thấy hình ảnh thật trong phép lạ Biển Đỏ rẽ ra thì chắc chắn còn hùng vĩ triệu triệu lần.
Bây giờ chính thế hệ Y-sơ-ra-ên thứ hai được từng trải sự kỳ diệu vượt qua sông Giô-đanh. Với hơn hai triệu người gồm nam phụ lão ấu, chưa kể súc vật, gia cầm, vật dụng linh tinh, đi theo sau Hòm Giáo ước bước đi hướng về dòng sông Giô-đanh mùa nước nổi đang chảy xiết. Không còn có thể đặt câu hỏi nào để nói lên cảm nghĩ của người tham gia vượt sông! Tất cả không một phương tiện vượt sông như ghe, thuyền, bè, phao. Mà làm sao có những phương tiện đó và bao nhiêu cho đủ? Và dân Y-sơ-ra-ên đã vượt qua Giô-đanh như đi trên đất khô. Chúng ta phải cảm phục đoàn người Y-sơ-ra-ên nầy, làm sao mà họ từ trẻ đến già bình tỉnh đi ngang qua sông, thế mà còn dừng lại giữa sông để vác 12 hòn đá to chất lên, rồi vác 12 hòn đá to khác đem lên bờ? Quý vị muốn nói gì không, tôi thì không dám nói, chỉ thốt lên một câu rất VN là: ‘Chuyện chỉ Trời làm!”.
Nhưng lần qua Biển Đỏ vào 40 năm trước chỉ là để vào đồng vắng; còn lần nầy càng được phước hơn, vì dân Y-sơ-ra-ên vượt qua sông Giô-đanh để vào Đất Hứa.
Một sự kiện đặc biệt vô tiền khoáng hậu như vậy há chẳng đáng được kỷ niệm sao, nghĩa là không đáng nhắc đi nhắc lại nhiều lần sao? Trong cơn tuyệt vọng của dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời đã mở đường ngoài sự suy tưởng của họ. Vì vậy Chúa bảo dân Y-sơ-ra-ên phải ghi nhớ ơn phước kỳ diệu nầy.
Dân Y-sơ-ra-ên kỷ niệm bằng cách nào? 4:2-3, Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Giô-suê rằng: Hãy chọn trong dân sự mười hai người, mỗi chi phái một người, Đức Chúa Trời bảo đại diện mỗi chi phái sẽ lấy một hòn đá giữa sông, ngay nơi các thầy tế lễ đang đứng đem lên bờ làm kỷ niệm.
Điều đáng chú ý là việc dựng các hòn đá Kỷ Niệm không phải để Kỷ niệm chiến công của Giô-suê hoặc của cá nhân nào, hoặc tập thể Y-sơ-ra-ên, mà như Giô-suê đã nói: 4:6-7, “hầu cho điều đó làm một dấu giữa các ngươi”.
Dĩ nhiên, như tôi đã nói, đây là một phép lạ vô tiền khoáng hậu mà Đức Chúa Trời đã thi thố cho dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng mỗi chúng ta là người đã được cứu bởi đức tin nơi Chúa Jêsus Christ, chắc chắn không thiếu những ơn phước đáng phải Kỷ Niệm, phải nhớ, để tỏ lòng biết ơn Chúa.
Thi thiên 116:12, tác giả đã dùng nhóm từ: Về các ơn lành mà Ngài đã làm cho tôi, nghĩa là ơn phước Chúa ban cho tác giả nhiều, nhiều lắm, nhiều đến nỗi không thể nào đếm hết, và cũng không thể báo đáp được. Thật, Thi thiên 116 là một bài ca Kỷ niệm về những ơn phước của Chúa đối với tác giả như:

  • C.1, Chúa đã nghe tiếng của ông và lời nài xin của ông.
  • C.6, Chúa bảo hộ ông; Chúa cứu ông trong cảnh khốn khổ
  • C.7, Chúa hậu đãi ông
  • C.8, Chúa cứu linh hồn ông khỏi chết, Chúa làm cho mắt ông khỏi giọt lệ, Chúa làm cho chơn ông không còn vấp ngã.

Tôi tin rằng mỗi anh chị em đều đã từng nếm trải ơn phước của Chúa ban cho đời sống của mình. Cá nhân tôi, thật không thể nào nói cho hết những điều kỳ diệu Chúa đã làm cho tôi. Có một lần tôi đọc quyển ‘Dám sống bên bờ vực’, tôi chợt nghĩ chỉ chừng ấy ơn phước mà tác giả còn viết một quyển sách để Kỷ Niệm ơn Chúa, còn chúng ta thì sao? Trước bao nhiêu ơn phước của Chúa lại không có gì để tỏ ra Kỷ niệm nhớ sao? Tôi mong ước có thì giờ nào đó, có thể trong ngày hôm nay, chúng ta mỗi người có thể nhắc lại các ơn lành của Chúa để Kỷ niệm.
II/. NGƯỜI CÓ KỶ NIỆM – 4:8-18
Trong phân đoạn nầy, chúng ta thấy có hai hạng người có hai loại Kỷ niệm:

  • Từ 4:8-13, Toàn thể dân sự của Đức Chúa Trời – c.8, mười hai chi phái - họ đã nếm trải ơn phước vượt qua sông Giô-đanh.

Tại ngày nay chúng ta chỉ đọc lại câu chuyện kỳ diệu nầy trên văn tự, mà có lẽ cũng đọc với giọng đọc không hay lắm, nên hầu như không có cảm giác gì, nhất là chúng ta đang sống trong thời phương tiện vận chuyển đường thủy hiện đại. Khi người ta hoàn thành đường hầm nối liền xuyên Biển Manche giữa nước Pháp và Nước Anh, người ta xem đó là một kỳ tích, dù trong tay con người có đủ phương tiện, phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng. Ngày đầu tiên đi qua được đường hầm đó thật là một hãnh diện. Nói gần hơn, ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền nối hai bờ Tiền giang và Vĩnh long, vô số người từ mọi nơi quyết lòng tìm mọi cách đi ngang qua cầu một lần và lấy làm hãnh diện, mấy tháng sau người ta vẫn còn đến để đi ngang qua, để rồi trở về thuật lại nhiều điều đáng phải nhớ.
Hơn thế nữa, đối với người Y-sơ-ra-ên lúc ấy, chẳng phải chỉ chứng kiến phép lạ, mà họ còn một lý do đáng phải nhớ, phải Kỷ niệm nữa. Ấy là họ không còn bị hình phạt lưu đày chết trong đồng vắng nữa, mà được cứu, được vào Đất Hứa. Tôi nghĩ đến tâm trạng của những người vượt biên trước đây, sau những ngày linh đinh trên biển cả, chịu đói chịu khát, chỉ thấy con đường chết, thình lình thấy được đất liền. Giờ phút đó không đáng nhớ, đáng Kỷ niệm sao?

  • 4:14-18, đối với Giô-suê và các thầy tế lễ là những người lãnh đạo thì  sao?

4:14, Kinh thánh chép: “Đức Giê-hô-va khiến Giô-suê được tôn trọng…”
Có một điều đáng chú ý là Kinh thánh không nói nhà lãnh đạo Giô-suê đi trước hoặc đi sau dân sự, chỉ có những câu như thế nầy:

  • 4:8, Vậy, dân Y-sơ-ra-ên làm theo điều Giô-suê dặn biểu… Trong giờ phút đặc biệt nầy, giữa lúc đoàn người hơn hai triệu người đang di chuyển, chưa kể súc vật họ nuôi, đồ đạc họ chở, chắc chắn Giô-suê phải là người vất vả nhất xuôi ngược để chỉ huy, chắc chắn ông không phải là người lên bờ trước.
  • 4:9, Giô-suê cũng dựng mười hai hòn đá giữa sông Giô-đanh… Chúng ta có thể hình dung, lúc mọi người đi ngang qua sông, thì Giô-suê còn đang ở giữa sông dựng một Kỷ niệm. Tôi tin rằng cá nhân Giô-suê, một người từng vượt Biển Đỏ cách 40 năm trước, nay lại được vượt qua sông Giô-đanh, có lẽ lòng ông không thể nín lặng trước ơn phước kỳ diệu quá, nên lần nầy chính ông dựng Kỷ niệm cho Chúa.
  • 4:15-18, còn các thầy tế lễ thì thế nào?

Họ cũng thuộc hàng lãnh đạo dân sự. Nếu anh chị em là một trong những thầy tế lễ đó, anh chị em có run sợ không? Tôi phải thành thật thú nhận rằng cá nhân tôi khó mà xung phong việc khiêng hòm giao ước lúc ấy. Anh chị em hãy tưởng tượng một sự căng thẳng tinh thần như thế nào khi từng bước từng bước, đặc biệt là phải đợi đến khi chân họ bị ướt nơi mé nước, thì nước mới rẽ ra; Chúa không rẽ nước trước.
Cảm tạ Chúa, Kinh thánh nói các thầy tế lễ đi trước mở đường, rồi đứng giữa sông chờ dân sự đi qua trước, và họ là những người lên sau cùng. Thật là một hình ảnh lãnh đạo dấn thân, hi sinh cho bầy chiên. Nhưng cũng chính hành động can đảm đầy đức tin đó, tôi quyết chắc rằng Giô-suê và các thầy tế lễ kinh nghiệm ơn phước Chúa nhiều hơn, vì họ chẳng phải chỉ được đi ngang qua, mà còn được kinh nghiệm Chúa tôn trọng họ, Chúa không cho phép nước sông Giô-đanh chuyển động cho đến chừng họ hoàn thành sứ mạng. Chúa phán: “Nếu ai hầu việc Ta, thì Cha ta ắt tôn quí người” (12:26).
Tôi tin rằng suốt đời của Giô-suê và các thầy tế lễ đó sẽ cứ nhắc mãi điều Chúa đã làm cho họ và dùng họ. Một Kỷ Niệm không thể quên cho người hầu việc Chúa.
III/. CÔNG DỤNG CỦA KỶ NIỆM: 4:19-24
Rõ ràng phân đoạn nầy đã nêu ra hai công dụng của Kỷ niệm ơn phước Chúa:

  • 4:19-23, về mặt nội bộ dân Chúa, ấy là để con cháu sau nầy nhìn biết quyền năng của Chúa đã làm cho tổ phụ họ, không phải một lần, mà nhiều lần.
  • Vượt qua Biển Đỏ, một sự giải cứu khỏi nhà nô lệ Ai Cập
  • Vượt qua sông Giô-đanh, được cứu để vào Đất Hứa.

Chúng ta có thể nói rõ hơn, đây là một tiến trình cứu rỗi trong Đấng Christ:

  • Được cứu khỏi nhà Ai cập: được cứu khỏi nhà nô lệ tội lỗi, nô lệ ma quỉ.

Vượt qua Biển Đỏ hình bóng được tái sanh, dứt khỏi bản tánh cũ. 40 năm trong đồng vắng: một tiến trình thực nghiệm sự thánh hóa với những lúc thăng trầm, có thưởng, có phạt, có yếu đuối có đắc thắng. Nhưng mỗi ngày càng gần Đất Hứa hơn, nghĩa là mỗi ngày càng giống Chúa hơn.

  • Qua sông Giô-đanh hình bóng đời sống được nên thánh trọn vẹn.

Anh chị em có hiểu được điều mà Lời Chúa muốn dạy chúng ta không? Sự cứu rỗi kỳ diệu Chúa cho đã ban cho chúng ta phải được truyền dạy cho con cái chúng ta. Nói ngược lại, con cái chúng ta phải được truyền dạy về sự cứu rỗi từ chính chúng ta (Phục 6:6-7).
4:24, còn một công dụng Kỹ Niệm nữa mà Kinh thánh đã ghi lại: “Hầu cho các dân tộc thế gian biết”. Chúa cũng muốn các dân tộc thế gian biết đến quyền năng của Chúa, biết những ơn phước kỳ diệu mà Chúa đã làm cho chúng ta. Đó là gì? Há không phải là công tác truyền giảng Tin Lành sao? Sự cứu rỗi trong chúng ta phải truyền đến con cái chúng ta, truyền đến những người chưa biết Chúa.