GIÔ-SUÊ 7
NHỮNG ẤN CHỨNG
Giô-suê 4 – 5.
*********************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta được học Lời Chúa là Kinh thánh, đặc biệt hôm nay học sách Giô-suê với đề tài Những Ấn Chứng. Sứ đồ Giăng đã viết: “Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời sự sống; - vì sự sống đã bày tỏ ra, chúng tôi có thấy, và đang làm chứng cho, chúng tôi rao truyền cho anh em sự sống đời đời vốn ở cùng Đức Chúa Cha và đả bày tỏ ra cho chúng tôi rồi; - chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em…” (I Giăng 1:1). Đạo của Đức Chúa Trời bởi Chúa Jêsus Christ bày tỏ cho chúng ta không phải là mớ giáo thuyết nhưng là những điều có chứng cớ rờ chạm được. Sứ đồ Giăng cũng giải thích: “Ngôi Lời [là trừu tượng] đã trở nên xác thịt [cụ thể, có thật], ở giữa chúng ta [chứng cớ rõ ràng]” (Giăng 1:14).
Câu chuyện dân Y-sơ-ra-ên vượt sông Giô-đanh vào mùa Xuân nước tràn bờ, không bằng những phương tiện thông thường như thuyền bè, là một câu chuyện vượt ngoài khả năng suy tưởng của con người. Nếu kể thuật lại, chắc chắn sẽ có bao nhiêu nghi ngờ từ trí óc hữu hạn của con người, ngay cả đến thế kỷ hai mươi, khi Hollywood dựng thành phim cảnh Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên vượt Biển Đỏ với kỹ xảo điện ảnh, người xem sững sờ buột miệng: ‘làm sao có được?’. Do đó, Đức Chúa Trời đã ra lịnh cho Giô-suê truyền cho dân Y-sơ-ra-ên lập những chứng cớ để đời sau không phải nghi ngờ.
IV/. ĐOẠN 4: MƯỜI HAI HÒN ĐÁ CHỨNG CỚ - 4:4-7.
Qua những câu Kinh thánh của 4:4-7, đã ghi lại sự kiện đặc biệt trong đoạn 4 nầy:
- c. 4-5, “Vậy, Giô-suê gọi mười hai người mà mình đã chọn trong dân Y-sơ-ra-ên, mỗi chi phái một người, mà truyền rằng : Hãy đi qua trước hòm của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi tại giữa sông Giô-đanh, rồi mỗi người theo số chi phái Y-sơ-ra-ên, phải vác một hòn đá trên vai mình, hầu cho điều đó làm một dấu ở giữa các ngươi. Về sau, khi con cháu các ngươi hỏi rằng: Những hòn đà nầy có nghĩa chi? thì hãy đáp rằng: Ấy là nước sông Giô-đanh đã rẽ ra trước hòm giao ước của Đức Giê-hô-va; khi hòm đi ngang qua sông Giô-đanh; thì nước sông bèn rẽ ra; các hòn đá nầy dùng cho dân Y-sơ-ra-ên làm kỷ niệm đời đời”.Giô-suê theo lịnh truyền của Chúa, bảo 12 người đại diện 12 chi phái vác 12 hòn đá từ giữa sông Giô-đanh đem theo lên bờ làm chứng cớ cho đời sau.
- c. 6, mục đích của 12 hòn đá là làm một dấu hiệu chứng cớ - chỉ MỘT dấu hiệu thôi, không phải 12 dấu hiệu.
- c. 7, để làm chứng cho con cháu, dòng dõi các thời đại và cho cả thế gian (4:24) biết điều kỳ diệu mà Đức Giê-hô-va đã làm cho dân Chúa.
Anh chị em hãy chú ý điểm đặc biệt: 12 hòn đá làm chứng cớ được làm hai lần, một lần được dựng ở giữa dòng sông (4:9) và một lần được dựng ở tại Ghinh ganh là nơi đóng trại đầu tiên của người Y-sơ-ra-ên trên Đất Hứa.
Việc lặp lại hai lần trong Kinh thánh, không phải là thừa, mà có mục đích nhấn mạnh sự việc, bắt buộc không thể quên. Theo Luật pháp của Đức Chúa Trời thì độc chứng là vô chứng, một người làm chứng thì không đáng tin, nên luôn phải có ít nhất hai chứng cớ trở lên (Dân. 35:30b; Phục. 17:6).
Mục đích của hai đài lưu niệm bằng 12 hòn đá nầy là để làm chứng về quyền năng của Đức Chúa Trời đã đem dân Chúa VÀO sự chết dưới lòng sông - CHÔN họ giữa lòng sông – rồi đem họ RA nơi sự sống.
Bài học ở đây thật rõ ràng không cần tranh cãi. Đức Chúa Trời muốn mỗi người tin Chúa Jêsus chúng ta - qua tiêu biểu toàn bộ 12 chi phái, không phải chỉ vài chi phái, phải làm chứng về ĐỨC TIN nơi quyền năng của Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta, làm cho chúng ta chết đời sống cũ nơi thập tự giá với Đấng Christ, chôn nó nơi phần mộ với Đấng Christ và làm cho chúng ta được sống lại với Đấng Christ trong đời sống mới (Rô-ma 6:3-4).
Làm chứng cho ai?
- câu 6b, làm chứng cho con cháu, những người thân của chúng ta, “hầu cho điều đó làm một dấu ở giữa các ngươi. Về sau, khi con cháu các ngươi hỏi rằng: Những hòn đà nầy có nghĩa chi? thì hãy đáp rằng: Ấy là nước sông Giô-đanh đã rẽ ra trước hòm giao ước của Đức Giê-hô-va; khi hòm đi ngang qua sông Giô-đanh; thì nước sông bèn rẽ ra; các hòn đá nầy dùng cho dân Y-sơ-ra-ên làm kỷ niệm đời đời
- câu 24, làm chứng cho cả thế giới đều biết quyền năng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời: “hầu cho các dân tộc thế gian biết rằng tay của Đức Giê-hô-va là rất mạnh, và cho các ngươi kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi luôn luôn”. Đó cũng là mạng lịnh cho người tin Chúa Jêsus làm chứng cớ về ơncứu người của Chúa Jêsus Christ như Phi-e-rơ nói: “Nhưng vì thấy người được chữa lành đứng bên hai người, nên chúng không có lời gì để bẻ bác được hết… Vì, về phần chúng tôi, không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công vụ 414, 20).
Đó không phải là mạng lịnh mà Chúa Jêsus Christ đã truyền phán cho mỗi chúng ta là người đã được Chúa cứu sao? (Mác 6:15; Công vụ 1:8). Tôi tin rằng không có người Y-sơ-ra-ên nào đời Giô-suê mà không muốn thuật lại từng trải được cứu qua sông Giô-đanh bỏi đức tin nơi quyền năng kỳ diệu như thế nầy, thì cũng không có người tin Chúa Jêsus nào từng kinh nghiệm được sự cứu rỗi bởi đức tin trong Chúa Jêsus Christ mà lại có thể nín lặng. Hãy cho mọi người, từ những người thân của anh chị em đến những người chung quanh anh chị em biết chứng cớ đức tin của anh chị em bởi đó mà Đức Chúa Trời yêu thương qua Chúa Jêsus Christ đã cứu anh em.
V/. ĐOẠN 5: CHIẾM ĐÓNG GHINH-GANH – 5:9.
Trong chương trình cứu rỗi của Chúa Jêsus Christ ban cho chúng ta, có một lẽ đạo mầu nhiệm là khi chúng ta tin nhận Chúa Jêsus Christ, thì chúng ta được ẤN CHỨNG CỦA ĐỨC THÁNH LINH BẰNG ĐỨC TIN, Lời Chúa phán: “Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chơn thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa. Đấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài” (Ê-phê-sô 1:13-14).
Sự cứu rỗi bởi Chúa Jêsus Christ ban cho chúng ta qua công lao cứu chuộc của Ngài chịu chết đền tội cho chúng ta và Chúa Jêsus Christ đã sống lại để hoàn thành lời hứa: Kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi (Giăng 11:25). Sự cứu rỗi của Chúa Jêsus Christ không phải chĩ là lời hứa, nhưng Kinh thánh khẳng định: Đức Thánh Linh được ban cho người tin như một của cầm, của đặt cọc, là ấn chứng bảo đảm cho người tin là chắc chắn.
Lẽ đạo nầy được thể hiện rõ ràng trong Giô-suê đoạn 5 qua 3 hành động
- Ấn chứng thứ nhất: Phép cắt bì:
Anh chị em biết rằng số người Y-sơ-ra-ên dưới sự lãnh đạo của Giô-suê nầy là những người được sanh ra và lớn lên trong đồng vắng trong hoàn cảnh cha mẹ của họ bị phạt lang thang đến chết, họ chưa hề chịu cắt bì theo nghi lễ (5:5).
Trong khi đó, phép cắt bì là ấn chứng cho giao ước giữa Đức Chúa Trời với tuyển dân như Đức Chúa Trời đã phán với tổ phụ người Y-sơ-ra-ên là Áp-ra-ham, “Đoạn, Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng: Phần ngươi cùng dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, sẽ giữ sự giao ước của ta. Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu phép cắt bì; ấy là giao ước mà các ngươi phải giữ, tức giao ước lập giữa ta và các ngươi, cùng dòng dõi sau ngươi. Các ngươi phải chịu cắt bì; phép cắt bì đó sẽ là dấu hiệu của sự giao ước giữa ta cùng các ngươi. Trải qua các đời, mỗi người nam trong vòng các ngươi, hoặc sanh đẻ tại nhà, hoặc đem tiền ta mua nơi người ngoại bang, chẳng thuộc về dòng giống các ngươi, hễ lên được tám ngày rồi, đều phải chịu phep cắt bì. .. Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị truất ra khỏi ngoài dân sự mình; người đó là kẻ bội lời giao ước ta” (Sáng. 17:9-14).
Sách Xuất Ê-díp-tô ký 4:24-26 ghi lại việc Đức Chúa Trời nổi giận với Môi-se đến nỗi Chúa muốn giết Môi-se, dù Chúa đã kêu gọi Môi-se trách nhiệm giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, lý do Môi-se đã không làm phép cắt bình cho các con của Môi-se. Có lẽ Môi-se nghĩ ông sống dưới sự mái nhà của ông gia mình là người ngoại bang, cưới vợ ngoại bang, nên Môi-se không áp dụng giao ước của dân Y-sơ-ra-ên cho con trai mình, tránh những đụng chạm giữa Môi-se với tôn giáo của nhà cha vợ, nơi Môi-se nương náu 40 năm. Chúng ta phải khen người vợ của Môi-se chịu mọi sự giúp chồng thành công; nhưng cũng là một cảnh cáo Môi-se: Đức Chúa Trời không chịu kkhinh dễ đâu (Gal. 6:7), và người được ban cho nhiều sẽ bị đòi lại nhiều hơn, một người phục vụ Đức Chúa Trời mà không làm đúng theo lời Chúa dạy thì càng đáng phạt nhiều hơn. Phao-lô dạy: “Người giám mục cần phải không chỗ trách được… phải khéo cai trị nhà riêng mình, giữ con cái mình cho vâng phục và ngay thật trọn vẹn… Các chấp sự… phải khéo cai trị con cái và nhà riêng mình” (I Tim. 3:1-13).
Phép cắt bình làm hình bóng về hành động lìa bỏ đời sống xác thịt (Côl. 2:11-13), “Anh em cũng chịu cắt bì trong Ngài, không phải phép cắt bì bởi tay người ta làm ra, nhưng là phép cắt bì của Đấng Christ, là lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta”.
Điều đáng chú ý ở đây, là bao nhiêu năm rồi, dân Y-sơ-ra-ên đã dùng thanh gươm để tranh chiến với kẻ thù, nhưng ở đây, họ phải dùng con dao để đặt trên chính họ, họ phải chết đi trước đã mới kết quả cho Chúa.
- Ấn chứng thứ hai: Lễ Vượt qua – 5:10
Sau 40 năm lang thang, lần đầu tiên dân Y-sơ-ra-ên mới cử hành Lễ Vượt qua trong Đất Hứa. Khi đã được vào Đất Hứa rồi Chúa cũng muốn họ không được quên công ơn cứu chuộc của Chúa đối với họ, qua Lễ Vượt qua.
Đó là mạng lịnh của Chúa Jêsus Christ khi ban Lễ Ăn Tiệc Thánh cho chúng ta ngày nay: Mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy ĐỂ NHỚ ĐẾN TA… THÌ PHẢI RAO SỰ CHẾT CỦA CHÚA CHO TỚI LÚC NGÀI ĐẾN.
- Ấn chứng thứ ba: Vị Tướng Chỉ huy – 5:13-15.
Phân đoạn Kinh thánh nầy ghi lại việc Giô-suê thấy vị Tướng Chỉ huy của Đạo binh thuộc Đức Giê-hô-va. Kinh thánh ghi lại cuộc gặp kỳ diệu nầy: “Xảy khi Giô-suê ở gần Giê-ri-cô, ngước mắt lên mà nhìn, bèn thấy một người đứng cầm gươm trần đối diện cùng mình. Giô-suê đi lại người và nói rằng: Ngươi là người của chúng ta hay là người của kẻ thù nghịch chúng ta? Người đáp: Không, bây giờ ta đến làm tướng đạo binh của Đức Giê-hô-va”. Nhân vật nầy không phải người của chúng ta hay của chúng nó, mà là Tướng của đạo binh Đức Giê-hô-va! Đấng chỉ huy chúng ta là chính Chúa Jêsus Christ, còn tất cả chúng ta là lính giỏi của Chúa Jêsus Christ” (II Tim. 2:3).
Qua sự hiện thấy, Chúa muốn dạy cho Giô-suê cũng như muốn dạy cho chúng ta bài học quí báu: Trong đời sống hằng ngày, ngay cả trong lúc khó khăn nhất như Giô-suê đang phải đối diện với một Giê-ri-cô kiên cố, Chúa bảo đảm rằng Ngài vẫn là Người Chăn, là Vị Tướng đi trước chúng ta (Giăng 10:4).
Rốt lại, ấn chứng của đức tin, hay là dấu hiệu Đức Thánh Linh làm chứng cho chúng ta rằng: chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, ấy là đời sống được đổi mới, mọi sự cũ qua đi, qua kinh nghiệm đồng chết, đồng chôn, và đồng sống với Chúa Jêsus Christ. Lúc nào cũng rao truyền công lao cứu chuộc của Chúa Jêsus Christ cho mọi người. Tin cậy nơi sự bảo hộ, dẫn dắt của Chúa, ngay cả trong những lúc gian nguy hơn hết. Cảm ơn Chúa!
|