Giô-suê

GIÔ-SUÊ 6
TIẾN VÀO ĐẤT HỨA
Giô-suê 1:1-5: (đọc 1:1-9)
Câu gốc: Giô-suê 1:3

***********************************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta đã học được nhiều bài học quý báu từ sách Giô-suê, hôm nay, qua bài học nầy, ngay phần đầu chúng ta được nhìn thấy người được Đức Chúa Trời sử dụng vào công việc lớn, không phải những siêu nhân, mà là những con người bình thường, nếu không muốn nói như Thánh Gia-cơ nói về Tiên tri Ê-li: “Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta” (Gia-cơ 5:17), hoặc phải nói các thánh đồ đó còn yếu đuối hơn chúng ta, thế mà Đức Chúa Trời vẫn dùng được và dùng vào những việc lớn và khó của Chúa. Đức Chúa Trời không dùng thánh nhân, vì không có một người công bình, dẫu một người cũng không, nhưng Đức Chúa Trời dùng một tội nhân biết ăn năn và biết dâng mình cho Chúa.
I/. ĐOẠN 1: GIÔ SUÊ ĐƯỢC ỦY THÁC:
Sách Giô-suê bắt đầu với bối cảnh có vẻ đầy bi quan đáng lo lắng,

  • thứ 1 là sự qua đời của Môi-se,
  • thứ 2, dân Y-sơ-ra-ên đã ở ngay sát biên giới phía Đông của Đất Hứa, việc lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên tiếp tục hành trình vào Đất Hứa là một vấn đề phải giải quyết.

Trong bối cảnh bi quan đó, Chúa đã chọn Giô-suê thay thế cho Môi-se trong nhiệm vụ quan trọng nầy. Đoạn 1 nhiều lần nhắc lại nhóm từ:

  • 1:6, Hãy vững lòng bền chí.
  • 1:7, Chỉ hãy vững lòng bền chí.
  • 1:9, hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng
  • 1:18, chỉ ông hãy vững lòng bền chí.

BA lần Chúa khuyến giục Giô-suê HÃY VỮNG LÒNG BỀN CHÍ và dân Chúa cũng khuyên ông: HÃY VỮNG LÒNG BỀN CHÍ, tỏ ra cho thấy tâm trạng của Giô-suê đang rất lo sợ, hoang mang.
Tại sao Giô-suê lại lo sợ như vậy? Vì Giô-suê đang đứng trước nhiệm vụ quá lớn lao, một nhiệm vụ mà thầy của ông là Môi-se cũng đã nhiều phen lao đao, đến nỗi bị Chúa phạt không được vào Đất Hứa. Nhiệm vụ đó được ghi rõ: lời Chúa phán: “Sau khi Môi-se, tôi tớ của Đức Giê-hô-va qua đời, Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-suê, con trai của Nun, tôi tớ của Môi-se, mà rằng: Môi-se, tôi tớ ta, đã chết; bây giờ ngươi và cả dân sự nầy hãy đứng dậy đi qua sông Giô-đanh, đặng vào xứ mà ta ban cho dân Y-sơ-ra-ên” (1:1-2), ấy là Chúa ủy thác trách nhiệm dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên vào chiếm Đất Hứa.
Anh chị em phải nhớ Giáo lý quan trọng của sách Giô-suê là THẮNG BỞI ĐỨC TIN, mà đức tin của người tin Chúa Jêsus không phải là mê tín, cuồng tín, vì đức tin của chúng ta có đối tượng đáng tin không phải con người dù người đó là Môi-se, nhưng là chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời và có lý do rõ ràng để tin. Do đó, qua 1:9, Chúa phán với Giô-suê lý do mà Chúa bảo ông đừng sợ:

  • Lý do thứ nhất: Ta há không có phán dặn ngươi sao?

Đấng xưng “TA” là ai? Đối tượng đức tin mà Giô-suê phải tin cậy là ai? Có phải là Môi-se vĩ đại kia không? KHÔNG! Dù là một con người vĩ đại như Môi-se cũng chết. Cảm ơn Chúa, Chúa mới chính là Đối tượng để Giô-suê tin, hầu cho không sợ hãi.
Chúa là ai? Ngay trong đoạn 1 nầy, mười lần nhắc đến Danh “Giê-hô-va” của Chúa và chỉ dùng Danh xưng nầy mà thôi. Đây là Danh xưng Giao ước của Chúa, hàm ý Chúa nhắc lại giao ước của Ngài với dân Y-sơ-ra-ên qua các tổ phụ của họ, và Chúa sẽ làm trọn giao ước đó.

  • Lý do thứ hai để Giô suê không sợ, ấy là Chúa ĐÃ có phán dặn ông. Chúa đã phán dặn Giô-suê điều gì?
  • 1:2, Chúa ra lịnh: “… bây giờ ngươi và cả dân sự nầy hãy đứng dậy đi qua sông Giô-đanh, đặng vào xứ mà ta ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Việc tiến vào Đất Hứa là mạng lịnh của Chúa, không phải là việc của con người, không thể vui thì làm, buồn thì thôi (Rô. 12:7).
  • 1:4, chẳng những Chúa ra lịnh qua sông mà Chúa đã vạch sẵn một bản đồ Đất Hứa mà Chúa sẽ ban cho, “Địa phận các ngươi sẽ lan ra từ đồng vắng và Li-ban nầy cho đến sông cái, là sông Ơ-phơ-rát, tràn cả xứ dân Hê-tít cho đến biển cả về hướng mặt trời lặn”.
  • 1:5, và Chúa hứa: “Trót đời người sống thì chẳng sẽ ai được chống cự trước mặt ngươi. Ta sẽ ở cùng ngươi như ta đã ở cùng Môi-se; ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu”

Dĩ nhiên, những lời phán của Chúa sẽ thành với điều kiện Giô-suê phải đi theo đường lối, luật pháp của Chúa, Chúa phán với Giô-suê: “Chỉ hãy vững lòng bền chí, và cẩn thận làm theo hết thảy luật pháp mà Môi-se, tôi tớ ta, đã truyền cho ngươi… Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi sẽ được may mắn trong con đường mình, và mới được phước”. Cảm ơn Chúa, Giô-suê đã chấp nhận lời ủy thác của Chúa và của dân Chúa. Đó chính là nền tảng đức tin của người tin Chúa Jêsus cần có như thư Hê-bơ-rơ 13:5b-6 đã giải thích:

  • 13:5b, vì chính ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ PHÁN…
  • 13:6, Như vậy, chúng ta được lấy lòng TIN CHẮC…

Anh chị em có biết rõ đối tượng mình tin là ai không? Và có TIN CHẮC điều Chúa phán với anh chị em qua Lời Chúa là Kinh thánh không? Nếu tin, thì anh chị em có chấp nhận lời ủy thác của Chúa cho anh chị em không?
II/. ĐOẠN 2: DO THÁM THÀNH GIÊ-RI-CÔ:
Trong đoạn 1, chúng ta có nền tảng của đức tin là đặt vào chính Đức Chúa Trời và Lời Chúa phán. Trong đoạn 2, chúng ta có một bài học về sự thận trọng của đức tin.
2:1, 23-24. Nói đến thành Giê-ri-cô. Giê-ri-cô là thành phố chìa khóa, là ải địa đầu của xứ Ca-na-an, một thành phố kiên cố, đặc biệt Giê-ri-cô là thành đầu tiên mà dân Y-sơ-ra-ên phải chiếm lấy, và Quý vị đừng quên là dân trong xứ là những người giềnh giàng cao lớn (Dân. 13:32b-33). Do đó, quyết định do thám Giê-ri-cô của Giô-suê có tánh cách chiến lược về tâm lý đối với dân Y-sơ-ra-ên. Nếu thắng thì dân Chúa sẽ lên tinh thần; nếu thua trận chiến đầu tiên nầy, dân Chúa sẽ một lần nữa nản lòng như ông bà cha mẹ họ 40 năm trước.
Hiểu được tánh cách quan trọng dường ấy của Giê-ri-cô, nên Giô-suê đã sai 2 thám tử đi dọ thám trước khi tấn công. Chúng ta có thể giải thích việc sai người dọ thám của Giô-suê:

  • Có thể vì Giô-suê vừa nhận lãnh trọng trách dắt dân Chúa vào Đất Hứa với những nền tảng đức tin rõ ràng, nhưng đây là lần đầu tiên Giô-suê tự lãnh đạo cuộc chiến nên trong Giô-suê vẫn còn đọng lại một chút lo sợ gì đó trước một cuộc chiến sống còn sắp tới. Vả lại, địa hình Ca-na-an, dân tình Ca-na-an còn quá mới mẻ đối với Giô-suê. Do đó, với sự cẩn thận của một người cầm binh như Giô-suê đã cho người dọ thám Giê-ri-cô.
  • Có thể không phải Giô-suê không có đức tin để tin rằng Chúa sẽ cho ông thắng, nhưng ông biết dân Chúa chưa thể có đức tin như ông, cho nên ông đã cho thám tử dọ thám, để chính họ thấy sự bại hoại của Giê-ri-cô, chính họ nghe những tiếng nói đầy sợ hãi của dân Giê-ri-cô trước những tin tức về những chiến thắng của dân Y-sơ-ra-ên.

Rõ ràng với kinh nghiệm trước đây, Giô-suê không sai đông người đi dọ thám, Giô-suê chỉ sai 2 người, vì chỉ cần dọ thám phạm vi một thành phố; và ông đã chọn 2 người có đức tin, mà một trong hai người đó là Sanh-môn, người sau nầy được làm tổ phụ của vua Đa-vít và của Đấng Cứu thế (Math. 1:5).
Bài học nầy là để chúng ta phân biệt giữa đức tin và mê tín, liều mạng, cuồng tín, tức là phân biệt với những người tin mà không suy xét thì thành ra mê tín, cuồng tín; hoặc suy xét, hiểu biết mà không tin, thì thành ra vô tín.
Sách Ma-thi-ơ 4:5-7, ghi lại việc ma quỉ cám dỗ Chúa Jêsus, nó đem Chúa Jêsus lên nóc Đền thờ và thách thức Chúa Jêsus rằng: “Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, thì hãy gieo mình xuống đi, vì Chúa sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ ngươi, thì các đấng ấy sẽ nâng ngươi trong tay, kẻo chơn ngươi vấp nhằm đá chăng?”. Chúa Jêsus hoàn toàn tin cậy nơi Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha, nhưng Chúa Jêsus không liều mạng nhảy từ nóc Đền thờ xuống. Đức tin của người tin Chúa Jêsus khác với cái gọi là đức tin của các Tôn giáo ở điểm nầy - đức tin của người tin Chúa Jêsus có sự thận trọng, suy xét.
II/. ĐOẠN 3: VƯỢT QUA SÔNG GIÔ-ĐANH – 3:14-17
Xứ Ca-na-an hoặc là nước Y-sơ-ra-ên ngày nay có sông Giô-đanh rất nổi tiếng. Hai chữ GIÔ ĐANH đã mô tả đặc tánh của con sông nầy, nó có nghĩa là ‘chảy xuống’. Chiều dài của sông Giô-đanh là 300 km bằng chiều dài của nước Y-sơ-ra-ên, từ độ cao 750 m phía Bắc tại núi Hẹt-môn chảy xuống phía Nam với những uốn khúc ngoằn ngoèo để rồi đổ vào Biển Chết thấp hơn mặt biển 430 m. Lòng sông rất nhiều đá ngầm. Khi Giô-suê dẫn dân Y-sơ-ra-ên đến đây là vào Lễ Vượt Qua tức là nhằm Mùa Xuân, là mùa nước sông Giô-đanh chảy tràn bờ.
Cảm ơn Chúa, sau lần vượt Biển Đỏ bởi quyền năng rẽ biển của Chúa, một lần nữa Giô-suê được kinh nghiệm quyền năng của Chúa rẽ nước sông Giô-đanh cho dân Chúa đi ngang qua.
Hành động vượt sông Giô-đanh hoàn toàn là bởi đức tin. Đoạn 3:15-17, ghi lại diễn tiến hành động đức tin như sau:

  • c. 15b-16, khi các người khiêng hòm đến sông Giô-đanh, và chơn của những thầy tế lễ khiêng hòm mới bị ướt nơi mé nước, thì nước ở trên nguồn thường chảy xuống bèn dừng lại, dồn thành một đống, xa ra một khoảng đến thành A-đam… rồi dân sự đi qua đối ngang Giê-ri-cô.
  • c.17, Những thầy tế lễ khiêng hòm giao ước của Đức Giê-hô-va dừng chơn vững trên đất khô giữa sông Giô-đanh, trong khi cả Y-sơ-ra-ên đi qua trên đất khô, cho đến chừng cả dân đã qua khỏi sông Giô-đanh rồi.

Quý vị hãy chú ý những từ ngữ trong các câu Kinh thánh nầy mô tả hành động đức tin vượt sông Giô-đanh của dân Y-sơ-ra-ên: “khi bàn chơn người khiêng hòm MỚI BỊ ƯỚT”, vừa bị ướt. Chúa đợi hành động của đức tin đạt đến tuyệt điểm, thay vì bàn chơn đức tin đến mé sông, Chúa chờ phải đến chỗ vừa bị ướt, những người khiêng Hòm Giao ước dừng chơn vững trên đất khô - hãy chú ý chữ ĐẤT KHÔ được lặp lại hai lần để nhấn mạnh không phải đất ướt. Đi ngang qua sông đã khó, mà còn phải dừng lại giữa sông chờ dân Chúa đi qua hết, thật là hành động của đức tin.
Thánh Gia-cơ nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gia-cơ 2:17, 26). Dĩ nhiên đức tin không phải là việc làm, nhưng đức tin biểu lộ hay là được chứng minh bằng việc làm.
Gia-cơ đã đưa ra những thí dụ cụ thể trong thư Gia-cơ đoạn 2

  • 2:15-16, đức tin phải biểu lộ qua sự cứu giúp anh em thực tế không phải chỉ bằng lời nói.
  • 2:21, Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời và bày tỏ đức tin qua việc ông vâng lời Chúa dâng con trai một yêu dấu của ông cho Chúa
  • 2:25, Kỵ nữ Ra-háp ở Giê-ri-cô bày tỏ đức tin Đức Chúa Trời sẽ cho dân Y-sơ-ra-ên thắng và dân Giê-ri-cô sẽ đại bại, bằng hành động tiếp rước, che giấu hai thám tử.

Mỗi chúng ta ngày nay cũng vậy, chúng ta tin Chúa, có đức tin nơi Chúa, thì không phải chỉ làm bổn phận đi Nhà thờ, đọc Kinh thánh và hát thánh ca, lời Chúa phán: :Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỉ cũng tin như vậy và run sợ”(Gia-cơ 2:19). Nhưng qua Lời Chúa trong sách Giô-suê đoạn 3 và Gia-cơ đoạn 2, đức tin phải bày tỏ, biểu lộ qua việc làm ngoài những hành động có tánh cách nghi lễ, còn phải cứu giúp anh em, dâng điều quí nhất cho Chúa, phải góp phần vào cuộc chiến thuộc linh như Ra-háp góp phần giúp dân Chúa đắc thắng, qua công tác truyền giảng mở mang Vương quốc của Chúa trên đất.
Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta có một đức tin sống động, mọi người chung quanh đều thấy.