Giô-suê

GIÔ-SUÊ 4
THẮNG BỞI ĐỨC TIN (tiếp)
Giô-suê 6: - 12:

*********************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho đến bài học Giô-suê đoạn 5, chúng ta đã thấy dân Chúa đã đặt chân chính thức vào Đất Hứa, đã ngủ giấc đầu tiên trên Đất Hứa, đã cùng nhau đoạn tuyệt đời sống cũ qua biểu tượng Lễ Cắt Bì, và đã cùng nhau chung dự Lễ Vượt Qua đầu tiên trên Đất Hứa, để nhắc nhau về ơn cứu chuộc của Đức Chúa Trời trên tổ phụ họ, trên chính họ. Bắt đầu hôm nay, qua những đoạn Kinh thánh tiếp theo của sách Giô-suê, chúng ta sẽ nhìn thấy Hành Động Đức Tin với những trận đánh chiếm Đất Hứa cho đến khi chiềm xong hoàn toàn. Thật thích thú đối với những người có ý muốn học Kinh thánh với phương pháp nghiên cứu những trận đánh trong Kinh thánh, thay vì chỉ biết Binh Pháp Thái Công, Binh Pháp Tôn Ngô, hoặc Binh thư của Nhạc Phi, Binh thư của Bismark.
ĐOẠN 6:1-5, Công hiệu của đức tin -  Giê-ri-cô sụp đổ.
Đọc qua đoạn 6 chúng ta thấy cuộc chiến nầy hoàn toàn bởi đức tin như thư Hê-bơ-rơ 11:30 đã làm chứng, “Bởi đức tin, các tường thành Giê-ri-cô đổ xuống, sau khi người ta đi vòng quanh bảy ngày”. Dân Chúa dùng BA (3) thứ khí giới đặc biệt của đức tin:

  • 6:4-20, Khí giới thứ 1 – Thầy Tế lễ thổi kèn, “… bảy thầy tế lễ cầm bảy cây kèn tiếng vang ở trước mặt Đức Giê-hô-va, vừa đi vừa thổi kèn, còn hòm của Đức Giê-hô-va theo sau… Nhưng ngày thứ bảy các người đó dậy sớm, vừa tưng sáng, và y như cách trước, đi chung quanh thành bảy lần; chỉ nội ngày đó họ đi chung quanh thành bảy lần. Lần thứ bảy, những thầy tế lễ thổi kèn, thì Giô-suê nói cùng dân sự rằng: Hãy la lên; vì Đức Giê-hô-va đã phó thành cho các ngươi…Vậy, dân sự la lên, và những thầy tế lễ thổi kèn. Vừa khi dân sự nghe tiếng kèn, bèn la lớn lên, và vách thành liền ngã sập…”
  • 6:10a, loại khí giới thứ 2 - tất cả dân Chúa phải im lặng - đòi hỏi sự vâng lời. “Vả, Giô-suê có truyền lịnh cho dân sự rằng: Các ngươi chớ la, chớ có nghe tiếng nói mình; chớ có một lời chi ra khỏi miệng các ngươi cho đến ngày nào ta biểu rằng: Hãy la lên! Bấy giờ các ngươi sẽ la”. Đọc qua thì thấy quá dễ dàng, nhưng ai trong chúng ta thử im lặng một ngày thì sẽ biết dễ hoặc khó; ấy là chưa kể toàn bộ dân sự già trẻ lớn bé im lặng, và im lặng một lần khi đang đi vòng một ngày. Rồi ngày thứ bảy đi những bảy vòng, đến vòng thư bảy mới la lên. Quý vị hãy thử áp dụng im lặng rồi sẽ hiểu được đức tin là gì và tại sao đức tin có công hiệu phá sập Giê-ri-cô.
  • 6:10b, 20, Loại khí giới thứ 3 - đến ngày thứ bảy khi được lịnh thì toàn thể la lên - bày tỏ sự hiệp một. Toàn thể cùng nhau im lặng, và bây giờ cho đến ngày nào ta bảo các ngươi rằng: Hãy la lên! Bấy giờ các ngươi sẽ la… Vừa khi dân sự nghe tiếng kèn, bèn la lớn lên, và vách thành liền ngã sập”.

1929-1936, các nhà Khảo Cổ học đã tìm ra thành Giê-ri-cô. Thành có hai vách cách nhau 5 m, vách ngoài dầy 2 m, vách trong dầy 4 m, cao 10 m. Giữa hai vách là nhà (2:15). Sau khi hạ được thành, Giô-suê đã rủa sả thành, “Bấy giờ, Giô-suê phát thề rằng: Phàm ai chổi lên xây lại thành Giê-ri-cô nầy sẽ bị rủa sả trước mặt Đức Giê-hô-va! Đặt nền nó lại, tất con trưởng nam mình phải chết; dựng cửa nó lại, tất con út mình phải chết”. Lời thề của Giô-suê đã ứng nghiệm trong đời A-háp, Hi-ên ở Bê-tên, xây lại thành Giê-ri-cô. Khi người đặt cái nền thì mất A-bi-ram, con trưởng nam mình, lúc dựng các cửa thì mất Sê-gúp, con út mình, theo như lời của Đức Giê-hô-va đã cậy Giô-suê, con trai của Nun, mà phán ra” (6:26; I Vua. 16:34).
Điều đặc biệt là kỵ nữ Ra-háp – cư dân thành Giê-ri-cô, bởi đức tin đã nhận được sự giải cứu (6:22-23; Hêb. 11:31; Gia-cơ 2:25), vì bà tin cậy nơi Đức Chúa Trời mà bà chỉ mới nghe (Giô-suê 2:10-11). Chẳng những Ra-háp được giải cứu mà còn được làm vợ của Sanh-môn, có lẽ là con của Ca-lép, trở nên Tổ phụ của vua Đa-vít - I Sử. 2:51; Mathiơ 1:5), bà trở nên vị anh thư của đức tin.
Có nhiều người thích nói đến dấu hiệu để Ra-háp được cứu là nhờ Sợi Chỉ Điều - sợi chỉ màu đỏ, cột nơi cửa sổ (2:17-21). Một lần nữa chúng ta thấy hình ảnh của Lễ Vượt Qua với ngôi nhà có màu đỏ của huyết để được cứu, Kinh thánh ghi lại: “Vả hai người nói cùng nàng – tức là kỵ nữ Ra-háp, rằng:… khi nào chúng ta vào xứ, nàng phải cột sợi chỉ điều nầy nơi cửa sổ mà nàng dòng chúng ta xuống, rồi nhóm hiệp cha mẹ, anh em, và hết thảy bà con của nàng lại trong nhà mình…  Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp không chết chung với kẻ chẳng tin, vì nàng đã lấy ý tốt tiếp rước các kẻ do thám” (Giô-suê 2:17-21; Hê-bơ-rơ 11:31).
ĐOẠN 7: Vô hiệu hóa Đức tin - Tội của A-can.
7:4-5, bài học ở đây không phải là dân Y-sơ-ra-ên mất đức tin, nhưng đức tin của họ bị vô hiệu hóa. Dân Y-sơ-ra-ên đã quay mặt lại với kẻ thù và 36 người ngã chết. Trong suốt cuộc chiến chinh phục Đất Hứa Ca-na-an, đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất mà dân Chúa bị thất bại.
Cái gì đã vô hiệu hóa đức tin, cắt đứt sợi dây liên lạc giữa Đức Chúa Trời với dân Chúa? Ấy là Sự Dối Trá, “bấy giờ, Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-suê rằng:… Y-sơ-ra-ên có phạm tội; chúng nó bội nghịch giao ước ta đã truyền cho, đến nỗi dám lấy vật đáng diệt, ăn cắp vật đó, làm dối trá, và để trong bao mình. Bởi cớ đó, dân Y-sơ-ra-ên không thể chống cự nổi trước mặt kẻ thù nghịch mình, phải xây lưng trước mặt chúng nó, vì Y-sơ-ra-ên đã trở nên kẻ bị rủa sả. Nếu các ngươi không cất khỏi giữa mình vật đáng diệt ấy, thì ta không còn ở cùng các ngươi nữa” (7:11-12; Công vụ 5:1-11; I Timôthê 1:18-20)
7:16, 22-25, cảm ơn Chúa, dân Y-sơ-ra-ên đã giải quyết dứt khoát và mau lẹ, Vậy, Giô-suê dậy sớm, biểu dân Y-sơ-ra-ên  đến gần từng chi phái; và chi phái Giu-đa bị chỉ ra… Người biểu nhà Xáp-đi đến gần từng người; thì A-can, con trai của Cạt-mi, cháu của Xáp-đi, chắt của Xê-rách về chi phái Giu-đa, bị chỉ ra… Giô-suê bèn sai người chạy đến trại, thấy áo choàng giấu tại đó, và bạc thì ở dưới. Họ lấy các vật đó giữa trại, đem về cho Giô-suê và cho hết thảy dân Y-sơ-ra-ên, rồi để trước mặt Đức Giê-hô-va. Bấy giờ, Giô-suê và cả Y-sơ-ra-ên bắt A-can, con cháu Xê-rách, cùng lấy bạc, áo choàng, nén vàng, con trai, con gái của người, bò, lừa, chiên trại, và mọi vật chi thuộc về người, mà dẫn đến trong trũng A-cô. Giô-suê nói: Sao ngươi có khuấy rối chúng ta? Đức Giê-hô-va chắc sẽ khuấy rối ngươi ngày nay. Rồi cả Y-sơ-ra-ên ném đá người; họ thiêu các người ấy trong lửa, và lấy đá lấp chúng nó lại”.
Đức tin chỉ có thể sống trong bầu không khí thánh khiết, chỉ cần một chút không vâng lời cũng làm cho đức tin bị vô hiệu hóa - I Timôthê 1:19 nói rằng đức tin họ bị chìm đắm - Phaolô ví đức tin như một chiếc thuyền, sự dối trá như một lỗ hỏng - dù nhỏ, người thế gian nói: lỗ nhỏ thì làm đắm thuyền. Chính vì những lỗ nhỏ chúng ta không chịu lấp lại nên chiếc thuyền bị chìm, tòa nhà to lớn bị mục ruỗng do những con mọt nhỏ.
ĐOẠN 8: Phục Hồi Đức tin - Tiêu diệt A-hi
8:1 là câu trả lời của Chúa cho hành động sẵn sàng tiêu diệt tội lỗi của A-can, “Kế đó, Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-suê rằng: Ngươi chớ sợ, chớ ái ngại. Hãy đem theo mình hết thảy quân lính, chổi dậy đi lên hãm đánh thành A-hi… hãy phục binh sau thành”. Công việc đánh trận cho Chúa không phải chỉ vài ngàn người cỡi ngựa xem hoa, luôn luôn là sự hiệp lực của hết thảy với 30,000 quân (8:3), Giô-suê đã đắc thắng với quyết tâm (8:26).
Giô-suê dùng chiến thuật ‘điệu hổ ly sơn’ như Đức Chúa Trời dạy trong 8:2, Kinh thánh ghi lại cách đánh trận: “Vậy, Giô-suê đứng dậy cùng các quân lính đặng lên đánh A-hi. Người chọn ba muôn – tức là 30.000 người mạnh dạn, sai đi ban đêm, và truyền lịnh nầy rằng: Hãy coi, các ngươi sẽ phục binh sau thành; chớ dang ra xa thành quá, hãy dàn cho sẵn. Còn ta với cả dân sự theo ta, sẽ đi gần lại thành. Khi chúng nó ra đón đánh chúng ta như lần trước, thì chúng ta sẽ chạy trốn trước mặt chúng nó. Chúng nó sẽ rượt theo chúng ta cho đến chừng chúng ta dụ chúng nó ra cách xa khỏi thành; vì họ nói rằng: Chúng nó chạy trốn ta như lần trước. Trong lúc chúng ta chạy trốn trước mặt chúng nó, thì các ngươi sẽ ra khỏi nơi phục binh mà hãm lấy thành; Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi sẽ phó thành vào tay các ngươi” (8:3-8).
Đức Chúa Trời quyền năng, nhưng dân Chúa cũng cần được huấn luyện. Bài học cách phục hồi đức tin rất đơn giản: TRỪ BỎ TỘI LỖI! Thay vì than thở, phiền trách (Giô-suê (7:6-9).
Sau chiến thắng nầy, dân Y-sơ-ra-ên đã cắt ngang xứ Ca-na-an, chiếm được vùng thung lũng núi Ga-ri-xim và núi Ê-banh có vị trí chiến lược với thành Si-chem ở giữa.
Tại địa điểm nầy, có nhiều việc cần làm:

  • 8:32, Giô-suê chép lại luật pháp trên đá.
  • 8:34a, Giô-suê đọc lại luật pháp.
  • 8:34b, Giô-suê đọc lại lời chúc lành và lời rủa sả Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:15 đến đoạn 28:

ĐOẠN 9:  Hiểm họa cho đức tin (3-6, 14-15) - Lập ước với người Ga-ba-ôn hay bị Ga-ba-ôn lừa gạt.
9:3-6, nguồn gốc dân Ga-ba-ôn vốn là người Ca-na-an (9:7; 11:19) và họ đã lập mưu kế để lừa gạt Giô-suê với dân Y-sơ-ra-ên để hai bên lập hòa ước, thay vì dân Y-sơ-ra-ên phải tiêu diệt dân Ga-ba-ôn là dân Ca-na-an như lịnh của Chúa truyền.
9:14 ghi lý do Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên bị lừa gạt, “Người Y-sơ-ra-ên bèn nhậm lương thực chúng nó, không cầu hỏi Đức Giê-hô-va. Đây là mưu kế của quỉ Satan trải qua các thời đại:

  • Sáng. 3:1-5 quỉ Sa-tan đã hiện ra với hình dạng một con rắn tử tế.
  • II Côrintô 11:14, quỉ Sa-tan sẽ hiện ra với hình dạng một thiên sứ sáng láng.

Giao ước với người Ga-ba-ôn đã đem đến sự rắc rối cho Giô-suê (10:6; II Samuên 21:1-6), dân Y-sơ-ra-ên trở nên kẻ phục dịch người Ga-ba-ôn.
ĐOẠN 10: - 12: Đức tin toàn thắng - Đánh bại mọi kẻ thù
Kế hoạch của Giô-suê đến đây thật rõ ràng

  • Từ đoạn 6: đến đoạn 9: Giô-suê chiếm trung tâm xứ Palestine, cắt đứt hai miền Nam Bắc.
  • Đoạn 10: Giô-suê đánh xuống chiếm phía Nam (10:1)
  • Đoạn 11: Giô-suê đánh lên phía Bắc (11:23)
  • Đoạn 12, tổng kết có 31 vua (12:24) bị tiêu diệt

Đến đây chúng ta có một “Đức Tin Toàn Thắng”, dù phải trải qua những tranh chiến đầy gian khổ khó khăn, có những lúc thất bại (I Phierơ 1:5-9).
Mục sư A. B. Simpson trong quyển giải nghĩa sách Giô-suê của ông, đã có một ý rất hay khi ông nói người tin Chúa Jêsus chúng ta mỗi ngày phải tranh chiến với MỘT VUA, như vậy mỗi tháng chúng ta tranh chiến suốt 31 ngày, không có ngày nào ma quỉ ngưng tấn công chúng ta.
Nói như Mục sư A. B. Simpson, có những tháng 28 hoặc 29 ngày (tháng 2), có những tháng chỉ có 30 ngày, cho thấy ma quỉ luôn luôn tấn công dư ngày chứ không thiếu một ngày nào. Trong một tác phẩm văn chương của Bà Pearl Buck – nữ văn hào đoạt giải Văn Chương Nobel - có tựa đề ‘Quỷ Địa Ngục Vẫn Còn Sống’, đã nói lên sự tấn công của ma quỉ vào những người lãnh đạo một cách không thương tiếc, bất kể trẻ hoặc già.
Có người nói: ‘Ma quỉ không có nghỉ hè' là một lời nói đáng lưu tâm lắm thay!