Giô-suê

GIÔ-SUÊ 3
GIÁO LÝ QUAN TRỌNG
Giô-suê 1:9
***********************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho hôm nay chúng ta được cùng nhau tiếp tục học sách Giô-suê. Trong phần thứ 3 nầy, chúng ta sẽ học một Giáo lý nổi bật trong sách, đó là giáo lý Thắng Bởi Đức Tin, một giáo lý chạy xuyên suốt sách.
Theo như chúng ta đã nói đến trong phần trước đây về định nghĩa Đức Tin. Qua thư Hê-bơ-rơ 11:1 và sách Tin Lành Giăng 3:36, một định nghĩa đầy đủ Đức Tin là sự biết chắc, biết rõ một đối tượng; khi đã biết chắc, biết rõ đối tượng, chúng ta bằng lòng vâng phục, phó thác đời sống mình cho đồi tượng đó. Hoặc nói ngược lại, ‘chúng ta bằng lòng vâng phục, phó thác đời sống mình cho một đồi tượng mà mình đã biết rõ, biết chắc. Chúng ta cũng đã nói đến sứ đồ Phao-lô xác định đức tin của ông trong thư II Ti-mô-thê 1:12,“Nhưng ta chẳng hề hổ thẹn -  khi Phao-lô tin Chúa Jêsus Christ và dâng mình phục vụ Đấng Christ thì dường như Phao-lô mất hết vinh  hoa phú quý, quyền lực đời nầy dành cho ông, những người không tin Chúa Jêsus Christ cho rằng Phao-lô dại dột (Phi-líp 3:4-11), Phao-lô nói rõ lý do ông không hổ thẹn: “Vì ta biết ta đã tin Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy có quyền phép giữ sự ta đã phó thác cho đến ngày đó”.
Giáo lý quan trọng trong sách Giô-suê là THẮNG BỞI ĐỨC TIN (I Giăng 5:4). Sự đắc thắng nầy do Chúa ban cho người tin cậy Chúa (1:9; 24:12-13).
I/. Từ đoạn 1 đến đoạn 5 là MỤC TIÊU CỦA ĐỨC TIN – mục đích đó là TIẾN VÀO ĐẤT HỨA.
ĐOẠN 1: Nền tảng Đức tin - Ủy thác cho Giô-suê
Như chúng ta đã định nghĩa, ‘đức tin’ gồm hai điều kiện:

  • Đức tin đặt vào đối tượng như thế nào, người tin phải tìm biết cho rõ, cho chắc chắn về đối tượng đó.
  • Điều kiện thứ hai người tin có bằng lòng vâng phục, có dám phó thác mình cho đối tượng không.

Nhiều người thì nghĩ rằng mình có Đức tin, nhưng rất tiếc là họ không có nền tảng vững chắc để đặt Đức tin của mình vào. Họ có thể đặt vào con người - mà con người thì không vững chắc, lời Chúa phán về con người: “Loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày, bị đầy dẫy sự khốn khổ. Người sanh ra như cỏ hoa, rồi bị phát; người chạy qua như bóng, không ở lâu dài… Chớ cậy ở loài người, là loài có hơi thở trong lỗ mũi; vì họ nào có đáng kể gì đâu” (Gióp 14:1-2; Êsai 2:22), hoặc họ đặt vào một thần tưởng tượng nào đó mà chính họ không biết rõ, không biết chắc (Ê-sai 44:9-20).
Cảm ơn Chúa, sách Giô-suê khởi đầu cho thấy Đức Tin của Giô-suê không đặt vào một con người, dù con người đó tài năng, học giỏi, làm được nhiều phép lạ như Môi-se là một nhân vật đến nỗi Thiên sứ trưởng Mi-chen được lịnh của Đức Chúa Trời chiến đấu với ma quỉ không cho ma quỉ cám dỗ dân Y-sơ-ra-ên đặt niềm tin vào Môi-se, vì Môi-se cũng là người, cũng chết. Đức tin của Giô-suê đặt vào nền tảng là chính Đức Chúa Trời, không phải thiên sứ.
Và Giô-suê bày tỏ đức tin của ông qua thái dộ vâng lời Chúa dạy. Chúng ta phải nhớ Giáo lý quan trọng của sách Giô-suê là “Thắng Bởi Đức Tin”, vì vậy, trong 1:9 thì nền tảng Đức tin của Giô-suê đặt trên lời phán dạy của Đức Chúa Trời: “Ta há không có phán dặn ngươi sao?”
Tại sao Đức Chúa Trời lại khích lệ Giô-suê chớ run sợ, chớ kinh khủng? Rõ ràng tâm trạng của Giô-suê khi nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo Dân Y-sơ-ra-ên là đầy lo sợ, kinh khủng (3 lần trong đoạn 1 nầy Giô-suê được Chúa khích lệ: “Hãy vững lòng bền chí” - 1:6, 7, 9; và một lần dân Chúa khích lệ ông - 1:18).
Chúa phán hứa với Giô-suê điều gì?

  • 1:3, Chúa hứa ban cho Giô-suê phần đất nào Giô-suê đạp đến, y như Chúa đã phán cùng Môi-se.
  • 1:5, Chúa hứa ban cho Giô-suê sức mạnh đắc thắng trọn vẹn, “Trót đời ngươi sống, thì chẳng sẽ ai được chống cự trước mặt ngươi, lý do vì: “Ta sẽ ở cùng ngươi như ta đã ở cùng Môi-se; ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu”.
  • 1:8, Chúa ban cho Giô-suê sự may mắn và phước hạnh qua hành động tuân giữ cẩn thận Luật pháp của Chúa. Chính nhờ đọc Lời Chúa, học Lời Chúa là Kinh Thánh mà chúng ta có đức tin khi cẩn thận làm theo (Rôma 10:17).

Bởi Đức tin, Giô-suê nhận lời ủy thác của Đức Chúa Trời đưa dân Y-sơ-ra-ên vào Ca-na-an. Giáo lý Đức tin là chìa khóa mở các phước hạnh và quyền năng của Đức Chúa Trời - như thư Hêb. 11: và 13:5b-6, “Vì chính Đức Chúa Trời có phán… như vậy, chúng ta được lấy lòng TIN CHẮC”.
ĐOẠN 2: Sự Thận trọng của Đức tin - Do thám Giê-ri-cô.
Đức tin không phải là mê tín hay cuồng tín, vì đức tin là sự biết chắc, biết rõ một đối tượng và bởi đó mình bằng lòng vâng phục, phó thác đời sống mình cho đối tượng đó (Hê. 11:1; Giăng 3:36)
Trong đoạn 2:1, “Giô-suê, con trai của Nun, từ Si-tim mật sai hai người do thám mà rằng: Hãy đi do thám xứ, nhứt là Giê-ri-cô” và 2:23-24, sau khi do thám xứ, hai thám tử báo cáo: “Hai người do thám bèn đi xuống núi trở về; kkhi đã qua sông Giô-đanh rồi, thì đến gần Giô-suê, con trai của Nun, thuật cho người mọi điều đã xảy ra. Hai người nói cùng Giô-suê rằng: Quả thật, Đức Giê-hô-va đã phó cả xứ vào tay chúng ta; và lại, hết thảy dân của xứ đều sờn lòng trước mặt chúng ta”.
Chúng ta có một bài học về sự thận trọng của đức tin, phân biệt đức tin với liều mạng hay cuồng tín, mê tín:

  • nếu chỉ suy xét mà không tin, thì thành duy lý, vô tín, mà hậu quả của vô tín là hình phạt nơi Hồ Lửa đời đời (Khải. 21:8). Suy xét cẩn thận là ý tốt, nhưng phải nhớ mình đang suy xét điều gì? Và cũng phải nhớ giới hạn suy xét của mình, trong đó có giới hạn thời gian mình có, giới hạn khả năng hiểu biết của mình đối với vấn đề suy xét.
  • nếu nói “tin” mà không suy xét thì thành ra mê tín, cuồng tín.

Quan xét 6:17-18, 36-40, Ghê-đê-ôn được Đức Chúa Trời kêu gọi ông giải cứu dân Chúa khỏi tay người Ma-đi-an, Ghê-đê-ôn đã nhận biết khả năng giới hạn của ông, Ghê-đê-ôn thưa với Chúa: “Than ôi! Hỡi Chúa, tôi sẽ lấy chi giải cứu Y-sơ-ra-ên? Kìa, trong chi phái Ma-na-se, họ tôi vốn nghèo hơn hết; còn tôi là nhỏ hơn hết trong nhà cha tôi”. Ghê-đê-ôn đãthử cho biết ý muốn của Chúa có sai ông đi lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên đánh quân Ma-đi-an không. Ghê-đê-ôn đã dùng những dấu hiệu như: xin Chúa nhận thức ăn mà ông dâng cho Chúa, Ghê-đê-ôn dùng lốt chiên ướt còn chung quanh khô; lần thứ hai Ghê-đê-ôn xin cho lốt chiên khô còn chung quanh ướt bởi sương.
Đây là lời Phao-lô khuyên người tin Chúa thử cho biết ý muốn tốt lành trọn vẹn của Đức Chúa Trời đối với mình thể nào, không phải như dân Y-sơ-ra-ên thử Chúa vì vô tín, thách thức Chúa (Thi. 78:17-19).
Giê-ri-cô là “thành phố chìa khóa”, là ải địa đầu của Ca-na-an, Giô-suê tin cậy Đức Chúa Trời, nhưng ông cũng chứng tỏ sự thận trọng bằng cách sai người do thám Giê-ri-cô trước.
Chúa Jêsus Christ tin cậy Đức Chúa Trời, những lời trích từ Kinh thánh mà ma quỉ đem ra cám dỗ Chúa Jêsus thì Chúa Jêsus đã biết nhưng Ngài không liều mạng nhảy từ nóc Đền thờ xuống (Mathiơ 4:5-7). Đây chính là sự khác biệt Đức tin trong Chúa với cái gọi là ‘đức tin’ của người ngoài Chúa.
ĐOẠN 3 (14-17): Hành động của Đức tin - Vượt qua Giô-đanh.
Sông Giô-đanh. Từ ngữ ‘Giô-đanh’ có nghĩa là chảy xuống. Đây là con sông nổi tiếng ở xứ Palestine, từ núi Hẹt-môn phía Bắc ở cao độ 750 m chảy một chiều xuống Biển Chết ở phía Nam. Sông Giô-đanh thấp hơn mặt biển Địa Trung Hải 430 m, dài 300 Km (200 dặm). Lòng sông Giô-đanh có nhiều đá ngầm, nước chảy xoáy ngoằn ngoèo, nên thủy lộ rất khó khăn. Mùa Xuân, nước sông Giô-đanh chảy mạnh dâng cao tràn hai bên bờ (Thi thiên 114:3; Giê. 12:5).
Việc vượt qua sông Giô-đanh là hành động của Đức tin. Thư Gia-cơ 2:14-17 dạy đức tin phải được chứng minh bằng việc làm. Áp-ra-ham đã có một hành động của đức tin tại núi Mô-ri-a khi vâng lời Chúa đem dâng con mình là Y-sác cho Chúa (Sáng. 22:1-3).Nhưng phải nhớ “đức tin” không phải là việc làm, và việc làm chưa hẳn là đức tin. Việc làm chỉ là bông trái của đức tin, cho nên phải phân biệt rõ giữa đức tin với việc làm.
Khi Giô-suê dẫn dân Y-sơ-ra-ên đi ngang qua sông Giô-đanh là Mùa Xuân, sau Lễ Vượt Qua (3:15), nước sông chảy tràn bờ đồng nghĩa với chảy xiết chảy mạnh, Giô-suê không có bất cứ phương tiện nào vượt sông, như thuyền, ghe, phao, chỉ bởi đức tin, giống như lãnh tụ Môi-se dẫn dân Y-sơ-ra-ên vượt Biển Đỏ, Kinh thánh làm chứng: “Bởi đức tin, dân Y-sơ-ra-ên vượt qua Biển đỏ như đi trên đất khô, còn người Ê-díp-tô thử đi qua – nghĩa là không bởi đức tin, thì bị nuốt mất tại đó” (Hê-bơ-rơ 11:29). Phép lạ tái diễn bởi đức tin tại sông Giô-đanh.
ĐOẠN 4: (4:8-9) Chứng cớ của Đức tin - Đài lưu niệm.
Có hai Đài lưu niệm làm chứng về sự thành tín của Đức Chúa Trời đem dân Y-sơ-ra-ên xuyên qua (xuyên qua – through) có hai ý: đi vào sông Giô-đanh và đi ra khỏi sông Giô-đanh – (in and out) đưa dân Chúa vào Đất Hứa, như lời Chúa đã hứa với Tổ phụ của họ là Áp-ra-ham:

  • Một Đài lưu niệm làm chứng cớ cho Đức tin tại phía Tây sông Giô-đanh, nơi đầu tiên dân Y-sơ-ra-ên được ngủ trên Đất Hứa (câu 8).
  • Một Đài lưu niệm làm chứng cớ cho Đức tin tại giữa sông Giô-đanh, nơi chân các Thầy tế lễ đứng dừng lại chờ đoàn dân đi qua (câu 9).

Đài lưu niệm làm từ 12 hòn đá lấy từ giữa lòng sông Giô-đanh làm chứng cớ về Đức tin dân Chúa đặt vào Lời Chúa. 12 hòn đá thay cho 12 chi phái.
Sự kiện dân Y-sơ-ra-ên (Thế hệ mới) qua sông Giô-đanh hình bóng về người tin Chúa Jêsus bởi đức tin chịu Báp-têm đi vào sự chết - chôn - và đi ra với sự sống mới. Giống như những người được cứu khỏi Ai Cập (thế hệ cũ) đi ngang qua Biển Đỏ (I Côr. 10:1-2).
Nếu kết hiệp việc dân Y-sơ-ra-ên vượt qua Biển Đỏ với việc qua sông Giô-đanh, chúng ta có hình bóng của sự tái sanh và sự nên thánh.
ĐOẠN 5: (5:9-10) Ấn Chứng hoặc sự Bảo Đảm của Đức tin - Chiếm đóng Ghinh ganh.
Trong đoạn 5 nầy chúng ta thấy BA sự ấn chứng (sự bảo đảm) của đức tin:

  • Ấn chứng thứ 1 của đức tin là Phép cắt bì - 5:2-8

Điều khác là trước đây dân Y-sơ-ra-ên dùng thanh gươm để chống lại kẻ thù, nhưng ở đoạn 5 nầy Đức Chúa Trời đặt con dao trên chính thân thể họ. Cuối cùng dân Y-sơ-ra-ên đã vượt qua sự phân rẽ, đi vào con đường mới trong mục đích của Đức Chúa Trời đối với họ.
Sáng thế ký 17:5-10, 14, phép cắt bì đã được lập như sự ấn chứng giao ước giữa Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên, dấu hiệu dân Y-sơ-ra-ên phân rẽ với các dân thế gian. Số người Y-sơ-ra-ên nầy là thế hệ được sanh ra trong thời gian 40 năm đồng vắng, chưa chịu cắt bì (5:4-5).
Phép cắt bì là một dấu hiệu chỉ về người tin Chúa Jêsus dứt bỏ đời sống xác thịt cũ, phân rẽ với thế gian (Côl. 2:11-13),

  • Ấn chứng thứ 2 của đức tin là LỄ VƯỢT QUA - 5:9-12.

Đây là Lễ Vượt Qua đầu tiên sau 40 năm lưu lạc trong đồng vắng (5:7). Sau 40 năm, thế hệ mới của Y-sơ-ra-ên được nhắc lại công lao cứu chuộc của Đức Chúa Trời dành cho họ, đánh dấu chấm dứt thời kỳ lưu lạc.

  • Ấn chứng thứ 3 của đức tin là Tướng Chỉ Huy  - 5:13-14

Giô-suê đã nhìn thấy một Vị Tướng Chỉ Huy lãnh đạo ông và đoàn dân của Chúa. Thư Hê-bơ-rơ 12:2-3 kêu gọi người tin Chúa Jêsus nhìn vào Vị Tướng Lãnh Đạo của mình là chính Chúa Jêsus Christ… hầu cho khỏi bị mỏi mệt sờn lòng.