GIÔ-SUÊ 1a
NGƯỜI VIẾT SÁCH GIÔ-SUÊ
Giô-suê 1:1-9
Câu gốc: Giô-suê 1:1
******************************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho lần trước chúng ta đã học biết về người viết sách Giô-suê với cá nhân con người của Giô-suê, với những chiến tích và những công việc mà Giô-suê đã góp phần phụ giúp Môi-se trong hành trình đưa dân Y-sơ-ra-ên về Đất Hứa. Chẳng những cá nhân Giô-suê mà cũng có sự góp phần của Bà Giô-suê, có lẽ cũng có các con của Giô-suê, và ngay cả cái nhà của Giô-suê, dù đó chỉ cái lều trại dựng lên trong đồng hoang. Với những góp phần và tư cách của Giô-suê mà Kinh thánh đã ghi lại, Giô-suê thật xứng đáng với sự tin cậy của Đức Chúa Trời, sự tin cậy của Môi-se và sự tin cậy của gia đình, sự tin cậy của dân Chúa dành cho ông. Chính vì vậy, Giô-suê đã được Đức Chúa Trời dùng viết sách Giô-suê.
Hôm nay, chúng ta tiếp tục học thêm những phương diện khác nữa của Giô-suê, đó là phương diện đức tin và đức tánh khiêm nhường của Giô-suê.
I/. Dân số ký 14:6 – ĐỨC TIN CỦA GIÔ-SUÊ –
Trước hết, chúng ta cần có một định nghĩa đầy đủ về ‘đức tin’. Khi được hỏi: ‘Đức tin là gì?’, đa số người đã tin Chúa Jêsus thường dùng lời Chúa trong thư Hê-bơ-rơ 11:1, “Vả, đức tin là sự biết chắc vũng vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng [chưa] xem thấy”. Không có gì sai, nhưng phải nói là không đầy đủ, chúng ta cần cộng với lời Chúa trong sách Tin Lành Giăng 3:36, “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó”. Động từ “tin” cũng có nghĩa là vâng phục, phó thác. Kết hợp hai câu Kinh thánh Hê-bơ-rơ 11:1 và Giăng 3:36, chúng ta có một định nghĩa đầy đủ về đức tin như sau: ‘Đức tin là sự biết chắc, biết vững vàng một đối tượng, và mình bằng lòng vâng phục, phó thác cho đối tượng đó’; ngược lại, ‘Đức tin là mình bằng lòng vâng phục, phó thác cho một đối tượng mà mình đã biết chắc, biết rõ’. Phao-lô đã nói về đức tin của ông: “Nhưng ta chẳng hề hổ thẹn, vì biết ta đã tin Đấng nào, chăc rằng Đấng ấy có quyền phép giữ sự ta đã phó thác cho đến ngày đó” (II Tim. 1:12).
Từ định nghĩa đức tin đầy đủ như vậy, có hai trường hợp:
- Trường hợp thứ nhất: những người không biết rõ, không biết chắc một đối tượng, nhưng lại bằng lòng vâng phục, phó thác đời mình cho đối tượng mình không biết rõ, không biết chắc, đó là người ‘Mê Tín,, Cuồng Tín’
- Trường hợp thứ hai: Những người biết rõ, biết chắc một đối tượng, nhưng không vâng phục, không phó thác mình cho đối tượng mà mình đã biết rõ, biết chắc, đó là người vô tín.
Dân số ký 14:6-9 ghi lại một sự kiện rất quan trọng vào một thời điểm rất quan trọng liên quan đến đức tin, Môi-se cử 12 thám tử đi do thám xứ Ca-na-an, Giô-suê và Ca-lép cũng nhìn thấy như 10 thám tử kia: “Chúng tôi đi đến xứ mà người đã sai chúng tôi đi; ấy quả thật một xứ đượm sữa và mật, nầy hoa quả xứ đó đây. Mà, dân sự ở trong xứ nầy vốn mạnh dạn, thành trì thật vững vàng và rất lớn; chúng tôi cũng có thấy con cái của A-nác ở đó” (Dân. 13:27-28). Tuy nhiên, 10 thám tử nói: “Chúng ta không đi lên cự dân nầy được, vì chúng nó mạnh hơn chúng ta… Xứ mà chúng tôi đã đi khắp đặng do thám, là một xứ nuốt dân sự mình; hết thảy những người chúng tôi đã thấy tại đó, đều là kẻ hình vóc cao lớn. Chúng tôi có thấy kẻ cao lớn, tức là con cháu của A-nác, thuộc về giống giềnh giàng; chúng tôi thấy mình khác nào con cào cào, và họ thấy chúng tôi cũng như vậy” (Dân. 13:31-33). 10 thám tử có cặp mắt chỉ thấy một xứ nuốt mất dân sự minh, chúng tôi thấy kẻ cao lớn, chúng tôi thấy mình khác nào con cào cào. Không có một lời nào 10 thám tử thấy Chúa.
Trong khi đó, hai thám tử còn lại là Giô-suê và Ca-lép, cũng thấy như 10 thám tử kia, nhưng 2 người nầy còn thấy: “Chúng ta hãy đi lên và chiếm lấy xứ, vì chúng ta thắng hơn được… nếu Đức Giê-hô-va đẹp lòng cùng chúng ta, ắt sẽ đem chúng ta vào xứ nầy mà ban cho… dân đó sẽ là đồ nuôi chúng ta, bóng che chở họ đã rút đi khỏi họ rồi, và Đức Giê-hô-va ở cùng ta. Chớ sợ chi” (Dân. 13:30; 14:7-9).
Giô-suê và Ca-lép không chối bỏ sự giềnh giàng của dân Ca-na-an, không phủ nhận sự vững chắc của các thành trong xứ, nhưng trong khi toàn dân Y-sơ-ra-ên thối lui nản chí, nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời, còn Giô suê cùng Ca-lép ngoài những điều mọi người thấy, hai người còn thấy một điều không ai thấy: Đức Giê-hô-va ở cùng chúng ta.
Đức tin không chối bỏ khó khăn, không chối bỏ sức mạnh của kẻ thù; nhưng đức tin cũng nhìn thấy cơ nghiệp tốt đẹp của Chúa cho và đặc biệt đức tin Giô suê cùng Ca-lép nói, nhìn thấy Đức Giê-hô-va ở cùng chúng ta!
Thật ra ngày nay chúng ta nói những lời nầy thì cảm thấy dễ nói, nhưng khi đặt mình vào hoàn cảnh Giô-suê thời bấy giờ, bên cạnh chỉ có Môi-se, A-rôn, Ca-lép, trong khi những người vô tín thì quá đông, hơn hai triệu người, mà hai triệu người đó đang nổi giận, nổi loạn. Đứng vững trong đức tin lúc đó dường như là việc không thể có. Cảm ơn Chúa, Giô-suê đã đứng vững và Chúa đã thưởng cho kẻ đến gần Đức Chúa Trời tin rằng có Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:6). Chúa đã cho Giô-suê là một trong hai người của thế hệ đồng vắng được vào Đất Hứa; Chúa đã ban thưởng cho Giô-suê trở nên vị lãnh tụ sáng chói sau Môi-se.
Sách II Vua 6:15-17, tiên tri Ê-li-sê cũng đã bày tỏ đức tin trong hoàn cảnh thành Sa-ma-ri bị vây. Trong đoạn 6:15, đầy tớ của tiên tri Ê-li-sê chỉ nhìn thấy đạo binh của kẻ thù đang vây thành; trong khi đó, đoạn 6:16, Ê-li-sê cũng nhìn nhận số đông quân thù nghịch, nhưng ông cũng có đức tin nhìn thấy những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó.
Rõ ràng đức tin của tiên tri Ê-li-sê không phải là một thứ tự kỷ ám thị, một sự trấn an lương tâm, mà là một thực tế như trong câu 17, người đầy tớ được mở cặp mắt đức tin đã nhìn nhận: núi đầy những ngựa và xe bằng lửa chung quanh Ê-li-sê.
Lại một lần nữa, Giô-suê đã để lại cho chúng ta một bài học đức tin chân chính mà người tin Chúa Jêsus cần có, Đức tin không phải là liều mạng, không phải mê tín, cuồng tín, mà là biết rõ, biết chắc điều mắt xác thịt không thể thấy.
Chính đức tin nầy đã khiến Giô-suê viết lại sách Giô-suê, ghi chép những sự kiện khiến tất cả nhà giải kinh đều phải đồng ý đặt chủ đề cho sách là ĐỨC TIN.
II/. Giô-suê 19:49-50 - SỰ KHIÊM NHƯỜNG CỦA GIÔ-SUÊ:.
Giô-suê 19:49-50, làm tôi thật cảm động: câu 49a, bắt đầu với những lời: “Khi người ta đã chia xứ theo giới hạn xong rồi...” Quý vị hãy cảm thông với suy nghĩ thông thường, nếu có, trong con người của Giô-suê: Ông ngồi đó từ đoạn 13 đến đoạn 19, hướng dẫn chia phần cho người nầy, người khác XONG RỒI, khi ấy dân sự mới nhớ đến ông.
Tôi nói suy nghĩ thông thường là những người có quyền thường đòi hoặc được chia phần trước, rồi mới tới những người ở cấp thấp hơn, rồi mới đến dân thường. Còn trong phân đoạn Kinh thánh nầy ghi lại, Giô-suê chỉ đạo chia sản nghiệp cho mọi người, mọi chi phái XONG RỒI và Giô-suê không hề đòi hỏi phần của Giô-suê, mặc dù đã chia xong rồi. Tâm tình của người lãnh đạo đáng học biết bao!
Cảm ơn Chúa, Chúa đã không để Giô-suê thiệt thòi, 19:50, Dân Y-sơ-ra-ên VÂNG MẠNG của Đức Giê-hô-va, cấp cho người cái thành mà người xin…
Điều tôi suy nghĩ là tại sao một người khiêm nhường như Giô-suê dám ghi những lời trong 19:49-50 để bày tỏ sự khiêm nhường trong chức vụ của mình? “Khi người ta đã chia xứ theo giới hạn xong rồi, thì dân Y-sơ-ra-ên lấy ở giữa mình một sản nghiệp mà cấp cho Giô-suê, con trai của Nun. Dân Y-sơ-ra-ên vâng mạng của Đức Giê-hô-va, cấp cho người cái thành mà người xin, tức là thành Thim-nát-Sê-rách trong núi Ép-ra-im. Người xây thành và ở tại đó”. Tôi quả quyết rằng không phải Giô-suê khoe khoang, mà chính là để những người lãnh đạo ngày nay học lấy và làm theo. Xin Chúa cho tất cả Quý vị đồng thanh nói lời A-MEN!
Với một con người như Giô-suê đảm bảo sách Giô-suê mà ông viết ra thật đáng tin.
III/. KINH THÁNH XÁC NHẬN GIÔ-SUÊ VIẾT SÁCH GIÔ-SUÊ.
Những lời cuối sách Giô-suê xác nhận“Giô-suê chép các lời nầy”.
- Không ai biết rõ mối thông công giữa Môi-se với Chúa bằng chính Giô-suê –
- 1:1, “Sau khi Môi-se, tôi tớ của Đức Giê-hô-va qua đời, Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-suê, con trai của Nun, tôi tở của Môi-se…
- 3:7, “Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-suê rằng: Ngày nay ta khởi tôn ngươi lên trước mặt cả Y-sơ-ra-ên, để chúng nó biết rằng ta sẽ ở cùng ngươi như đã ở cùng Môi-se vậy”.
- 24:26-27 ghi lại việc làm của Giô-suê khi từ giã dân sự, “Đoạn Giô-suê chép các lời nầy trong sách luật pháp của Đức Chúa Trời. Kế đó, người lấy một hòn đá lớn dựng tại đó ở dưới cây dẻ bôp gần nơi thánh của Đức Giê-hô-va. Rồi Giô-suê nói cùng cả dân sự rằng: Kìa, hòn đá nầy sẽ dùng làm chứng cho chúng ta; vì nó có nghe mọi lời Đức Giê-hô-va đã phán cùng chúng ta; nó dùng làm chứng cho các ngươi, e các ngươi bỏ Đức Chúa Trời mình chăng”, so với Phục truyền 30:1 ghi việc làm cuối cùng của Môi-se, “Khi các điều nầy đã xảy đến cho ngươi, hoặc phước lành, hoặc rủa sả, mà ta đặt trước mặt ngươi, nếu trong các nước, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đuổi ngươi đến, ngươi đem lòng nhắc lại những điều ấy…”, chứng tỏ người viết Giô-suê chịu ảnh hưởng của Môi-se, vì Giô-suê là phụ tá thân cận với Môi-se.
- 5:6 có chữ chúng ta; còn 6:25 có nhóm từ “Ra-háp ở giữa Y-sơ-ra-ên cho đến ngày nay” cho thấy tác giả là người đang nói những lời nầy và là người sống biết rõ thời kỳ trong đồng vắng lúc bị Chúa phạt lưu đày 40 năm đến lúc Ra-háp cùng cả nhà nàng được cứu khỏi hủy diệt chung với thành Giê-ri-cô cho đến lúc sách được viết ra. Người có đủ điều kiện nầy chỉ có thể là Giô-suê.
- Xuất. 17:8-16, người đầu tiên chỉ huy dân Y-sơ-ra-ên đánh trận đầu tiên sau khi ra khỏi Ai Cập, xác chứng Giô-suê là người được Môi-se và dân Chúa tin cậy, lập công đầu trong cuộc hành trình về Đất Hứa.
- Giô-suê là một Thám tử tin cậy Chúa: Dân 14:6-10
Nguyện Đức Chúa Trời dấy lên những Giô-suê Việt Nam cho Hội thánh của Đức Chúa Trời giữa người Việt Nam với đời sống đức tin, có gia đình cùng hiệp lòng phục sự Chúa, mặc lấy sự khiêm nhường và trong sạch như Giô-suê (I Sam. 12:3-5; I Tim. 2:8).
|