Dân Số Ký

DÂN SỐ KÝ 9
Niềm vui trong sách Dân số ký

ĐOẠN 35 và 36
***********************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta cùng nhau học sách Dân số ký, phải nói rằng sách Dân số ký là câu chuyện đau buồn kéo dài. Ngay cả Bác sĩ Tống Thượng Tiết vốn được xem là Sứ giả phục hưng vào thập niên 20-30 của thế kỷ 20, khi đặt tên các con của ông theo các sách Ngũ Kinh Môi-se, đến đứa mang tên Dân số ký, Bác sĩ Tiết đã có thành kiến không thích đứa con nầy vì nó mang tên của sách nổi loạn – theo lời Bác sĩ Tiết nói khi được hỏi tại sao có vẻ Bác sĩ ít yêu thương đứa con thứ tư.
Cảm ơn Chúa, sách Dân số ký không kết thúc trong nỗi buồn, đoạn 35 và 36 hai đoạn rất thiêng liêng với người Lê-vi và bình an qua 6 thành Ẩn Náu, cuối cùng với sản nghiệp được bảo tồn. Tôi phải đọc qua hai đoạn nầy nhiều lần với cảm xúc: Ôi thiêng liêng quá! An bình quá!
35:1-5 – NGƯỜI LÊ-VI
Qua những phần Kinh thánh đã học từ sách Xuất Ê-díp-tô ký, chúng ta đã thấy từ trong chi phái Lê-vi đã lập nhiều công trạng cho Chúa  công việc, đặc biệt là 03 nhân vật chính được Chúa dùng giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, đưa đoàn dân Y-sơ-ra-ên đến Đất Hứa, chính là 3 người thuộc chi phái Lê-vi: Mi-ri-am, A-rôn và Môi-se.
Đến Dân số ký đoạn 26:62 thì Chúa phán: “… vì người Lê-vi không được kể vào số tu bộ của dân Y-sơ-ra-ên, bởi người Lê-vi không được phần sản nghiệp giữa dân Y-sơ-ra-ên”.
Đến 35:1-5 thì Chúa đã dành cho người Lê-vi hoặc người phục vụ trực tiếp công việc Chúa phần sản nghiệp cao quý. Chúa phán dạy: “Hãy biểu dân Y-sơ-ra-ên do trong phần sản nghiệp mình đã có, nhường những thành cho người Lê-vi đặng ở; cho luôn một miềng đất ở chung quanh các thành đó. Người Lê-vi sẽ có những thành đặng ở; còn đất chung quanh các thành nầy sẽ dùng cho súc vật, cho sản vật, và cho hết thảy thú vật của họ. Đất chung quanh thành mà các ngươi nhường cho người Lê-vi sẽ là một ngàn thước châu vi, kể từ vách thành và ở ngoài. Vậy, các ngươi phải đo, phía ngoài thành về hướng đông hai ngàn thước, về hướng nam hai ngàn thước, về hướng tây hai ngàn thước, và về hướng bắc hai ngàn thước; các thành sẽ ở chính giữa. Đó sẽ là đất của những thành người Lê-vi”.
Đọc xong những qui định Chúa dành cho người Lê-vi mà toàn dân Y-sơ-ra-ên phải thực hiện, chúng ta còn nói gì hơn. Thánh Phao-lô đã áp dụng những qui định nầy ghi trong thư I Cô-rinh-tô đoạn 9 với những lời như sau:

  • C.4, chúng tôi há không có phép ăn uống sao? Há không phép dắt một người chị em làm vợ đi khắp nơi với chúng tôi như các sứ đồ khác cùng anh em Chúa và Sê-pha đã làm, hay sao?... Vậy thì có ai ăn lương nhà mà đi đánh giặc? Có ai trồng vườn nho mà không ăn trái? Hay là có ai chăn bầy vật mà không dùng sữa nó để nuôi mình? Tôi nói vậy, nào phải chỉ theo thói người ta quen nói đâu? Luật pháp há chẳng nói như vậy sao? Vì chưng có chép trong luật pháp Môi-se rằng: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Há phải Đức Chúa Trời lo cho bò sao? Quả thật Ngài nói câu đó về chúng ta phải không? Phải, ấy là về chúng ta mà có chép rằng ai cày ruộng phải trông cậy mà cày, ai đạp lúa phải trông cậy mình sẽ có phần mà đạp lúa”

Đó là lời Chúa dạy bổn phận của người tin Chúa trong Hội thánh đối với người phục vụ Chúa, là bổn phận bầy chiên đối với người chăn. Tuy nhiên, Phao-lô cũng dạy người chăn bầy, người phục vụ Chúa: “Phần tôi thì chẳng từng dùng quyền ấy chút nào, và viết thư nầy chẳng phải để đòi quyền ấy lại; vì tôi đành thà chết còn hơn ai cất lấy cớ khoe mình nầy đi. Ví bằng tôi rao truyền Tin Lành, tôi chẳng có cớ khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao truyền Tin Lành, thì khốn khó cho tôi thay. Nếu tôi vui lòng làm việc đó thì được thưởng; lại nếu tôi không vui lòng mà làm, thì cái chức vụ cũng vẫn phó thác cho tôi. Thế thì phần thưởng của tôi là gì? Ấy là khi giảng Tin Lành, thì giảng nhưng không, chẳng dùng quyền tôi có như người giảng Tin Lành” (I Cô-rinh-tô 9:15-18)
Điều mà tôi phải thốt lên thiêng liêng tuyệt vời là những người Lê-vi im lặng nhận lãnh, Chúa đẹp lòng nên Ngài đã tái xác nhận: “Những thầy tế lễ về dòng Lê-vi, và cả chi phái Lê-vi không có phần, cũng không có sản nghiệp chung với Y-sơ-ra-ên. Chúng sẽ hưởng những của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va, và cơ nghiệp Ngài, mà nuôi lấy mình. Vậy, chúng không có phần sản nghiệp giữa anh em mình: Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp của họ, y như Ngài đã phán” (Phục truyền 18:1-2). Tôi không nghe các chi phái khác phàn nàn vì gánh nặng của họ. Người làm việc Chúa thì hi sinh, còn người dâng hiến thì vui lòng – một hình ảnh thập tự giá tuyệt đẹp!
ĐOẠN 35:6-34
Một hình ảnh tuyệt vời nữa cũng là biểu tượng về Chúa Cứu Thế là Thành Ẩn Náu (Hê-bơ-rơ 6:18b). Cả thế giới chỉ có dân Y-sơ-ra-ên được dạy biệt riêng 6 thành ẩn náu nầy, mỗi bên sông Giô-đanh có 3 thành. Mục đích của 6 thành ẩn náu là để người vô ý giết người có thể chạy ẩn náu trong thành ẩn náu chờ xét xử (c.12)
6 thành ẩn náu nầy được chọn từ trong phần sản nghiệp của người Lê-vi cộng với 42 thành khác mà toàn thể 12 chi phái khác nhường cho người Lê-vi.
Luật lệ đối với người vô ý giết người được qui định rõ ràng:

  • C.15, sáu thành nầy sẽ dùng làm chỗ ẩn náu cho dân Y-sơ-ra-ên, luôn cho khách ngoại bang và kẻ nào kiều ngụ. Ai vì vô ý đánh chết một người có thế chãy ẩn mình tại đó.
  • C.16, kẻ đánh người bằng đồ sắt, và người bị đánh chết đi, ấy là một kẻ sát nhơn; kẻ sát nhơn phải bị xử tử.
  • C.17, Kẻ đánh người bằng một cục đá cầm nơi tay có thể làm chết, và người bị đánh chết đi, ấy là một kẻ sát nhơn; kẻ sát nhơn phải bị xử tử.
  • C.18, Nếu người đánh bằng đồ cây cầm nơi có thế làm chết, và người bị đánh chết đi, ấy là kẻ sát nhơn; kẻ sát nhơn hẳn phải bị xứ tử.
  • C.20, nếu một người nào vì lòng ganh ghét xô lấn một người khác, hay là cố ý liệng vật chi trên mình nó, và vì cớ đó nó bị chết; hoặc vì sự thù đánh bằng bàn tay, vì cớ đó nó bị chết, thì người nào đánh đó hẳn phải bị xử tử.
  • C.22-28, nếu vì tình cờ, vẫn hòa thuận nhau, mà người có lấn xô, hoặc liệng vật chi trên mình người kia, hoặc nếu không phải thù nghịch chẳng có ý làm hại, lại không thấy mà làm rớt một cục đá trên mình người kia, có thế làm chết được, và nếu người chết đi, thì cứ theo luật lệ nầy, hội chúng phải xử đoán cho kẻ đã đánh và kẻ báo thù huyết: hội chúng sẽ giải cứu kẻ sát nhơn khỏi tay kẻ báo thù huyết, và biểu người trở về thành ẩn náu, là nơi người đã chạy ẩn mình; và người phải ở đó cho đến chừng nào thầy tế lễ thượng phẩm qua đời. Nhưng nếu kẻ sát nhơn đi ra ngoài giới hạn của thành ẩn náu, là nơi người đã chạy ẩn mình, và nếu kẻ báo thù huyết gặp, giết người ở ngoài giới hạn thành ẩn náu, thỉ kẻ báo thù huyết sẽ không mắc tội sát nhơn”.

Như vậy, kẻ giết người chạy ẩn trong thành ẩn náu phải chờ được giải quyết theo theo điều kiện:

  • Chờ các trưởng lão trong thành xét xử người đó cố ý hoặc vô tình giết người. Nếu cố ý thì bị xử tử, nếu vô tình thì phải ở trong thành đến khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời – (c.12)
  • Chờ Thầy Tế lễ Thượng Phẩm qua đời thì kẻ giết người được trở về nhà mình – (c.25).
  • Việc định tội phải có chứng cớ của nhiều người, độc chứng thì vô chứng (c.30). Không được vì của hối lộ mà che giấu (c.32).

Không một quốc gia nào được Chúa dạy sống nhơn từ như dân Y-sơ-ra-ên.
ĐOẠN 36
Nhìn vào toàn bộ vùng Đất mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho 12 chi phái dân Y-sơ-ra-ên thì  rõ ràng rất hẹp so với số người. Thiên nhiên của Israel hết sức khắc nghiệt. Là quốc gia chỉ có diện tích trên 20.000 km2, chưa bằng 1/10 diện tích nước VN, mà Israel có tới 60% là sa mạc, lượng mưa trong năm vào khoảng 50mm, tức bằng 1/30 của Việt Nam. Dân số Israel lúc bấy giờ vào khoảng trên 3 triệu người.
Điều đặc biệt là theo lời Chúa dạy, người Y-sơ-ra-ên còn phải chia cho người của 12 chi phái với tiêu chuẩn: “Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Phải tùy theo số các dân mà chia xứ ra cho những người nầy làm sản nghiệp; chi phái nào số dân đông thì ngươi phải cho một sản nghiệp lớn hơn, chi phái nào số dân ít, thì phải cho một sản nghiệp nhỏ hơn… ngươi phải bắt thăm mà chia xứ ra…” (Dân số ký 26:52-56).
Một trường hợp xảy ra là người chết không có con trai để đứng tên sản nghiệp (27:1-11), thì Chúa cho phép giao sản nghiệp cho con gái; trường hợp không có con gái thì giao cho anh em người; trường hợp không có anh em thì giao chú bác, nếu không có chú bác thì giao cho người bà con gần hơn hết, và người ấy sẽ được lấy làm của. Đến đoạn 36 thì một qui định đặc biệt nữa được thêm vào: người con gái giữ sản nghiệp chỉ được kết hôn với người trong chi phái mình, nếu kết hôn với người nam ngoài chi phái thì sẽ mất quyền thừa kế, “Phàm người con gái nào được một phần sản nghiệp trong một của các chi phái Y-sơ-ra-ên, thì phải kết thân cùng một người của một nhà nào về chi phái tổ phụ mình, hầu cho mỗi người trong dân Y-sơ-ra-ên hưởng phần sản nghiệp của tổ phụ mình. Vậy, một phần sản nghiệp nào chẳng được từ chi phái nầy đem qua chi phái kia; nhưng mỗi chi phái Y-sơ-ra-ên sẽ giữ sản nghiệp mình vậy” (36:8-9).
Học những qui định nầy, người học Kinh thánh mới hiểu được câu chuyện của Ru-tơ được Bô-ô chuộc lại sản nghiệp người chồng trước. Bô-ô đã nói với Ru-tơ khi được yêu cầu chuộc lại sản nghiệp cho bên chồng Ru-tơ: “Bây giờ, điều đó quả thật, ta có quyền chuộc sản nghiệp nàng lại; song có một người khác lại là bà con gần hơn ta” (Ru-tơ 3:12). Và Bô-ô nói với có quyền chuộc sản nghiệp bên chồng Ru-tơ: “…Vì trước anh chẳng  ai có quyền chuộc lại, và sau anh quyền nầy trở về tôi” và Bô-ô nói tiếp: “Khi mua ruộng bởi tay Na-ô-mi, anh cũng phải mua luôn bởi Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của kẻ chết, để nối danh của kẻ chết cho sản nghiệp người” (Ru-tơ 3:4-5). Khi người có quyền ưu tiên từ chối chuộc, thì Bô-ô đã chuộc và kết hôn với Ru-tơ sanh người con trai đầu tiên nối danh cho Mạc-lôn (Ru-tơ 4:10).
Cũng qua qui định nầy người học Kinh thánh hiểu được tại sao Na-bốt thà chết không bán sản nghiệp của tổ phụ là vườn nho cho A-háp. Na-bốt đã cương quyết khi vua A-háp đòi mua sản nghiệp do tổ phụ đê lại, Na-bốt nói với vua A-háp: “Nguyện Đức Giê-hô-va giữ lấy tôi, chớ để tôi nhường cho vua cơ nghiệp của tổ phụ tôi” (I Vua 21:3).
Với những qui định đặc biệt nầy, sản nghiệp phần đất của các chi phái đều không thay đổ, không được đoạn mãi, nếu đem cầm cố thì đến năm Hân Hỉ, sản nghiệp đất sẽ tự trở về với chủ (Lê-vi ký 25:10b, 13).
Để kết luận bài học sách Dân số ký phần 9 nầy, tôi hòa lòng với tác giả Thi thiên 118:18, “Đức Giê-hô-va sửa phạt tôi cách nghiêm trang, nhưng không phó tôi vào sự chết”. Tôi cũng hòa lòng với Ê-sai 42:3, Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn, cho đến chừng nào người khiến sự công bình được thắng” (Math. 12:20). Sách Dân số ký được Đức Chúa Trời dùng mặc khải đời sống của người tin Chúa, giống như hình ảnh mà người ta đã vẽ: phía dưới là thập tự giá, còn bên trên là một vương miện chói sáng.
Người ta phân biệt những vần thơ, bài hát, câu chuyện của người Tin Lành khác với những vần thơ, bài hát, câu chuyện đời nầy, ở đặc điểm người Tin Lành là cây gậy trổ hoa của A-rôn, còn đời nầy cây gậy cũng chỉ là cây gậy. Tin Lành ở chỗ bị Chúa phạt cách công bình, nghiêm trang, nhưng cuối cùng là sự ban cho tuyệt vời như Đức Chúa Trời ban cho chi phái Lê-vi, đời sống người Tin Lành an bình như trong Thành Ẩn Náu, sản nghiệp Chúa hứa ban không hề thay đổi.
Cảm tạ Chúa vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!