DÂN SỐ KÝ 7
Biểu Tượng về Chúa Jêsus Christ (1)
**************************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Có một điều quan trọng về Kinh thánh mà người học Kinh thánh phải nhớ mục đích chính của Kinh thánh chỉ là bày tỏ Chương Trình Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời qua Chúa Jêsus Christ để loài người ai tin thì được tha tội và được hưởng Vĩnh Phước của Đức Chúa Trời ban cho ngay trong đời nầy lẫn đời sau (Giăng 20:31). Cả 66 sách của Kinh thánh như một xâu chuổi có 66 hạt được kết nối với nhau bởi dòng Huyết của Chúa Jêsus Christ đổ ra trên cây thập tự, chạm đến câu nào trong Kinh thánh cũng thấy thấm đẫm dấu vết Huyết của Chúa Jêsus.
Sách Dân số ký cũng không ngoại lệ, qua sách Dân số ký, chúng ta nhìn thấy rõ ràng hình ảnh của Chúa Jêsus Christ qua ít nhất ba (03) Biểu Tượng về Chúa Jêsus Christ.
- Hòn Đá bị đập – 20:7-11 so với thư I Cô-rinh-tô 10:4
- Con Rắn bằng đồng – 21:4-9, so với Giăng 3:14
- Thành Ẩn Náu – Đoạn 35, so với Hê-bơ-rơ 6:18.
Hôm nay từ phần thứ 7 học về sách Dân số ký, chúng ta sẽ học biểu tượng về Chúa Jêsus Christ qua:
20:7-11 – HÒN ĐÁ BỊ ĐẬP.
Trong hành trình 40 năm của dân Y-sơ-ra-ên được ghi, có hai lần về Hòn Đá bị đập. Lần thứ nhất là khi dân Y-sơ-ra-ên vừa ra khỏi Ai Cập, trên đường đi đến bán đảo Si-nai, vì nhu cần nước uống của dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời đã dạy Môi-se: “Nầy, ta sẽ đứng đằng trước ngươi, ở trên hòn đá tại Hô-rếp kia, ngươi hãy đập hòn đá, thì nước từ đó chảy ra, dân sự sẽ uống lấy. Môi-se bèn làm như vậy trước mặt các trưởng lão Y-sơ-ra-ên” (Xuất Ê-díp-tô ký 17:6).
Lần thứ hai, khi dân Y-sơ-ra-ên lại nổi loạn vì không có nước uống, Môi-se được Chúa dạy:”Hãy cầm lấy cây gậy ngươi, rồi với A-rôn anh ngươi, hãy truyền nhóm hội chúng, và hai ngươi phải nói cùng hòn đá trước mặt hội chúng, thì hòn đá sẽ chảy nước ra; ngươi sẽ khiến nước từ hòn đá chảy ra cho hội chúng và súc vật của họ uống” (Dân số ký 20:8). Tuy nhiên, lần thứ hai nầy do Môi-se giận sự vô tín của dân Y-sơ-ra-ên vì Chúa đã nuôi họ gần 40 năm có bánh ma-na để ăn và nước đề uống, nhưng lòng họ vẫn không trọn tin nơi Đức Chúa Trời. Sự tức giận nầy khiến “Môi se và A-rôn truyền nhóm hội chúng đến trước hòn đá mà nói rằng: Hỡi dân phản nghịch! Hãy nghe, chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đáo nầy ra cho các ngươi sao? Môi-se giơ tay lên, đập hòn đá hai lần bằng cây gậy mình. Nước bèn chảy tràn ra nhiều, hội chúng uống, và súc vật họ uống nữa” (Dân số ký 20:10-11)
Do hành động nóng giận nầy của Môi-se, thay vì Chúa phán chỉ cần nói với hòn đá thì Môi-se lại đập hòn đá hai lần, Môi-se đã phá vỡ biểu tượng mà Đức Chúa Trời muốn mặc khải cho loài người về một Đấng Cứu Thế sẽ đến thế gian chịu chết đền tội cho nhân loại một lần đủ cả, Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết (Hê-bơ-rơ 9:12). Buồn thay, Môi-se không kềm chế cơn giận nên đã phá vỡ Biểu Tượng Chịu Thương Khó của Chúa Jêsus Christ nên đã bị Đức Chúa Trời phạt Môi-se chỉ được nhìn thấy mà không được vào Đất Hứa (Dân số ký 20:12).
Tại sao Đức Chúa Trời phạt Môi-se nặng như thế? Kinh thánh phán: “Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường” (Hê-bơ-rơ 6:4-6).
Nói đến điều nầy, tôi nhớ trong lúc ngồi ăn với một số người, tình cờ nghe được những người ấy nói với nhau việc li dị của người nầy kẻ kia với nhiều lí do: vợ chồng sống chung nhau một thời gian lại li dị vì người chồng muốn có con, còn người vợ không muốn. Cũng có vợ chồng cho rằng không hợp nhau sau vài năm sống chung, li dị rồi lại cưới người khác, vợ có chồng khác. Tôi ngạc nhiên vì những người tự nhận mình tin Chúa Jêsus nhưng không biết rằng họ li dị là đã phá vỡ Biểu Tượng Tình Yêu của Đức Chúa Trời với dân Chúa. Sách tiên tri Ô-sê ghi lại câu chuyện gia đình của Tiên tri Ô-sê, ông đã có một người vợ vì ham tiền, ham vật chất mà ngoại tình, gia đình rối loạn đến nỗi Tiên tri Ô-sê tức giận nói với các con: ‘Hãy kiện mẹ các ngươi đi, hãy kiện đi’ (Ô-sê 2:2). Giải pháp của Tiên tri Ô-sê là đưa ra Tòa xin li dị, đúng luật.
Và ngày nay những lời dạy hôn nhân rút ra từ những trường hợp gia đình li dị trở thành những tiêu chuẩn gia đình, giải quyết đến khi bế tắc thế là vợ chồng đưa nhau ra Tòa xin li dị. Không ai nhớ đến trong Kinh thánh Chúa đã dạy thế nào, ai cũng nghĩ Kinh thánh dạy chuyện trên mây, còn chuyện gia đình là chuyện riêng của con người.
Cảm ơn Chúa, Đức Chúa Trời muốn dạy Tiên tri Ô-sê rằng bao nhiêu ngày qua ông đã rao giảng một Đức Chúa Trời yêu thương thế gian dù thế gian đó đầy tội lỗi (Ô-sê 2:4-15), thế mà ông không yêu thương gia đình của ông. Đức Chúa Trời đã nhắc lại với Tiên tri Ô-sê dân Y-sơ-ra-ên trong đó có cá nhân Ô-sê: Đức Giê-hô-va phán rằng: Trong ngày đó ngươi sẽ gọi ta là: Chồng tôi, và sẽ không gọi ta là: Chủ tôi nữa…. Ta sẽ cưới ngươi cho ta đời đời; ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự công bình và chánh trực, nhơn từ và thương xót. Phải, ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự thành tín, và ngươi sẽ biết Đức Giê-hô-va” (Ô-sê 2:16, 19-20). Rồi Tiên tri Ô-sê làm chứng: “Đức Giê-hô-va bảo ta rằng: Hãy đi, lại yêu một người đờn bà tà dâm đã có bạn yêu mình, theo như Đức Giê-hô-va vẫn yêu con cái Y-sơ-ra-ên, dầu chúng nó xây về các thần khác, và ưa bánh ngọt bằng trái nho” (Ô-sê 3:1). Cảm ơn Chúa, Tiên tri Ô-sê đã vâng lời Chúa dạy để cứ yêu thương người vợ không xứng đáng cho ông yêu thương, và dùng tình yêu đó chinh phục người vợ của ông và làm gương cho dân Chúa thấy Đức Chúa Trời yêu thương qua biểu tượng gia đình của ông. Đức Chúa Trời đã đẹp lòng dùng Ô-sê làm người hầu việc Chúa, làm một tiên tri cho thời đại đầy tội lỗi của nước Y-sơ-ra-ên (Ô-sê 4:1-4).
Ngay trong sách Nhã Ca, lời Chúa dạy về cách bảo vệ gia đình hạnh phúc, đoạn 8:13: “Hỡi kẻ ở trong vườn, các bạn đều lắng tai nghe tiếng nàng! Xin hãy cho ta nghe tiếng nàng!
Với câu đượm Kinh thánh đầy gia đình hạnh phúc, chỉ cần người chồng biết lắng nghe người vợ nói –Nhưng người vợ phải biết làm sao người chồng lắng nghe? Nếu người vợ nói lớn, la lối thì người chồng không cần lắng nghe; ngược lại, người vợ nói nhỏ nhẹ, êm dịu, thì chắc chắn người chồng sẽ lắng nghe.
8:14, Hỡi lương nhơn tôi, hãy vội đến, khá giống như con hoàng dương hay là như con nai con ở trên các núi thuốc thơm”. Hay vô cùng! Gia đình hạnh phúc chỉ cần người chồng tánh tình vui vẻ như con hoàng dương [là con dê núi], hoặc như con nai con vui nhảy chung quanh nai mẹ, người chồng đừng làm mặt hình sự, hoặc gương mặt giám đốc. Tuy nhiên, người vợ muốn người chồng vui vẻ thì người vợ phải nhớ con hoàng dương hoặc con nai con chỉ ở trên núi thuốc thơm, không thể ở trong núi gai gốc, chà chuôm.
Đến Tân Ước, người tin Chúa Jêsus sẽ nghe lời Chúa dạy cách hành xử vợ chồng:
- I Cô-rinh-tô 7:3-4, “chồng phải làm hết bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng cậy. Vợ không quyền tự chủ về thân mình, bèn là chồng; chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thân mình bèn là vợ”, một sự hài hòa tương kính như tân, không ai áp chế ai, chỉ có yêu thương và kính trọng.
- I Cô-rinh-tô 7:27, 28b. Lời Chúa không dạy hạnh phúc ảo, lời Chúa xác nhận gia đình cũng có vấn vương, có khó khăn về xác thịt. Kinh thánh nói đến vấn vương, ràng buộc, không phải là trói buộc. Và Kinh thánh dạy dùng những ràng buộc, vấn vương làm gia tăng hạnh phúc, 7:33-34, “Ai cưới vợ rồi thì tìm cách cho vợ mình thỏa dạ; ai có chồng thì tìm cách cho chồng đẹp lòng”. Tại chúng ta cứ làm ngược lại Lời Chúa dạy, người chồng đòi vợ làm cho mình thỏa dạ; người vợ đòi chồng làm đẹp lòng mình, nên sanh ra mất hạnh phúc.
- Một phân đoạn Kinh thánh thường được đọc, được dạy trong giờ Hội thánh cử hành hôn lễ cho Đôi Bạn Nam Nữ trong Hội thánh là thư Ê-phê-sô 5:21-33. Trong phân đoạn nầy, sứ đồ Phao-lô sau khi giải thích bổn phận vợ phải vâng phục chồng như Hội thánh vâng phục Đấng Christ; còn chồng thì phải yêu vợ mình như Đấng Christ yêu Hội thánh, và Phao-lô kết luận: ‘Sự mầu nhiệm ấy là lớn, tôi nói về Đấng Christ và Hội thánh vậy’ (Ê-phê-sô 5:32). Lời Chúa nhấn mạnh Tình Vợ Chồng là Biểu Tượng Đấng Christ yêu Hội thánh.
Phao-lô đã bắt đầu phân đoạn dạy về tình chồng nghĩa vợ với Ê-phê-sô 5:21, “Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau”, vì kính sợ Chúa, đã nói kính sợ Chúa, nghĩa là những người đã ăn năn tội mình, đã quyết định tin nhận công lao Huyết báu của Chúa Jêsus đền tội cho mình, đã để Chúa làm Chủ đời sống của mình, thì phải vâng phục nhau, để Chúa được sáng danh.
Có người hỏi Triết gia Socrate: ‘Bí quyết của hạnh phúc là gì? Socrate đáp: ‘Bí quyết của hạnh phúc là người chồng phải điếc và người vợ phải đui. Người chồng điếc để khỏi nghe người vợ cằn nhằn; người vợ đui để khỏi thấy những việc người chồng làm’. Còn các môn đồ thưa với Chúa Jêsus: “Nếu phận người nam phải xử với vợ mình như vậy – nghĩa là không được li dị, thì thà không cưới vợ là hơn” (Math. 19:10). Trong trí nghĩ của con người thì đời sống gia đình khó quá, đến nỗi họ sợ hãi, họ còn thốt lên: ‘con là nợ, vợ là oan gia, chồng là tội báo’.
Cảm ơn Chúa, Lời Chúa dạy hạnh phúc gia đình không quá khốn khổ, phải điếc, phải đui, là nợ, là oan gia, là tội báo, chỉ cần thi hành hai mặt: Chồng phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5:33). Thật đơn giản!
- Vì ông là chồng, không phải là ông chủ - giả như ông là vua thì vợ ông là Hoàng hậu, không phải là quân sĩ – nên ông phải yêu thương vợ mình, nếu là ông chủ thì ông không cần yêu người giúp việc.
Vì đây là vợ, nên ông phải yêu thương, săn sóc, nuôi nấng, và ông chỉ được yêu thương người vợ của mình thôi, nếu ông chia bớt yêu thương cho một người khác, thì ông là thủ phạm phá vỡ biểu tượng yêu thương của Chúa Jêsus Christ yêu Hội thánh. Chúa phạt Môi-se thì cũng không tha thứ cho ông.
- Người vợ cũng phải nhớ ông ấy là chồng và chỉ được yêu thương vợ mình, ông không thể yêu thương bà chủ hoặc người chị, nên bà phải xứng đáng là người vợ của ông.
Vì là vợ, nên bà phải vâng phục, phải kính trọng chồng. Ông ấy không phải là người bạn, người giúp việc, nên bà là vợ phải kính chồng.
Vợ chồng ngoài cái Tình Yêu thuở ban đầu, còn cái Tình Nghĩa về già, nên người Việt Nam dùng hai món ăn rất VN để ví von: ‘Mắm với cà, cà với mắm, vợ chồng già thương lắm mình ơi’. Tình nghĩa vợ chồng cũng được ví như đôi tay với đôi mắt, khi tay đau thì mắt khóc; khi mắt đẫm lệ thì tay lau những dòng lệ. Đó là lý do Kinh thánh ghi lại rằng Đức Chúa Trời Tạo hóa đã thiết lập gia đình cho loài người, trong khi Chúa không hề ban gia đình cho muôn vật dù chúng nó cũng có giới tính đực cái, trống mái. Chỉ có con người mới có gia đình! Người VN chúng ta từ xa xưa đã ý thức được tình yêu - hôn nhân - gia đình từ Kinh thánh dạy, nên quyết chắc: Nhơn duyên do Trời định.
Như vậy, dù Đức Chúa Trời rất yêu thương Môi-se, đến nỗi Chúa phán: Về sau, trong Y-sơ-ra-ên không còn dấy lên tiên tri nào giống như Môi-se, mà Đức Giê-hô-va biết giáp mặt. Không có ai bằng người’ (Phục. 34:10-11). Tuy nhiên, khi Môi-se phá vỡ biểu tượng Đức Chúa Trời yêu thương dân Chúa, thì Đức Chúa Trời đã phạt Môi-se bằng việc không cho Môi-se vào Đất Hứa. Thế thì, nếu người tin Chúa Jêsus li dị, li hôn, phá vỡ biểu tượng Chúa Jêsus Christ yêu Hội thánh phó chính mình Ngài vì Hội thánh, thì Chúa có tha thứ không, có bỏ qua không? Tôi quả quyết là KHÔNG!
Vì Chúa đừng phá vỡ Biểu Tượng Đấng Christ Yêu Hội thánh bằng cách giữ gia đình trong yêu thương.
|