DÂN SỐ KÝ 5
NIÊN HIỆU SÁCH DÂN SỐ KÝ
******************************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho hôm nay chúng ta cùng nhau học về Niên Hiệu sách Dân số ký. Điều phải nói ngay là những sự kiện quan trọng xảy ra được ghi thuật trong sách Dân số ký là bằng cớ chứng mình những việc xảy ra được ghi trong Kinh thánh – nói chung, và được ghi trong sách Dân số ký, là những sự việc có thật, chính xác thời gian và địa điểm.
Bác sĩ Luca cũng là một nhà Sử học Kinh thánh đã nói những câu chuyện mà ông ghi thuật trong Lịch sử Hội thánh của Chúa Jêsus Christ trong 30 năm đầu tiên trên đất, đồng thời cũng xác chứng sách Tin Lành Luca của ông mà Luca viết gởi một người thuộc Hoàng tộc đương thời, như sau: “Hỡi Thê-ô-phi-lơ quí nhơn, vì có nhiều kẻ dốc lòng chép sử về những sự đã làm nên trong chúng ta, - theo như các người chứng kiến từ lúc ban đầu và trở nên người giảng đạo đã truyền lại cho chúng ta, - vậy, sau khi đã xét kỹ càng từ đầu mọi sụ ấy, tôi cũng tưởng nên theo thứ tự viết mà tỏ ra cho ông, để ông biết những điều mình đã học là chắc chắn” (Luca 1:1-4)
Dĩ nhiên, không phải tất cả những sử gia đều đáng tin, dù vậy, thế giới cũng có những sử gia nổi tiếng, như ở Đông phương có sử gia Tư Mã Thiên, dù bị chặt chân, xử hoạn, vẫn cương quyết viết đúng lịch sử; ở Tây phương có sử gia Josephus, sử gia Herodotus rất được ngưỡng mộ về sự trung thực đáng tin.
Đó là lý do người học Kinh thánh phải biết Kinh thánh không phải chỉ là sự mặc khải của Đức Chúa Trời, nhưng Kinh thánh cũng là một sách ghi những sự kiện lịch sử, cụ thể là sách Dân số ký với những ghi chép ngày, tháng, năm chính xác của Môi-se khi nói đến Niên Hiệu của sách Dân số ký.
Sách Xuất Ê-díp-tô ký kết thúc với việc dựng xong Đền Tạm và có một Lễ Cung hiến Đền Tạm đầy vinh quang của Đức Chúa Trời. sách Xuất Ê-díp-tô đoạn 40 ghi thuật:
- 40:17, Đến ngày mồng một tháng giêng về năm thứ hai, thì đền tạm đã dựng,
Như vậy, ngày mồng một tháng giêng năm thứ hai chấm dứt sách Xuất Ê-díp-tô ký đúng một năm sau khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập.
SÁCH DÂN SỐ KÝ – SÁCH CỦA 40 NĂM
Đến sách Dân số ký 1:1 ghi: Ngày mồng một tháng hai, năm thứ hai sau khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, tức là sách Dân số ký bắt đầu sau một tháng khi đền tạm dựng xong.
Như vậy, giữa hai sách Xuất Ê-díp-tô ký và sách Dân số ký có thời gian là một tháng, trong thời gian đó, Môi-se đã viết sách Lê-vi ký. Đến sách Phục truyền luật lệ ký 1:3, Môi-se ghi: Nhắm năm bốn mươi, ngày mồng một tháng mười một,… nghĩa là sách Dân số ký ghi lại hành trình 38 năm, nói cho dễ nhớ là hành trình 40 năm từ Ai Cập đến biên giới phía Đông Nam sông Giô-đanh của Đất Hứa, cho nên có thể gọi sách Lê-vi ký là sách của một tháng, còn sách Dân số ký là sách của 40 năm.
Chúng ta đã ngạc nhiên đầy cảm phục sức làm việc của Môi-se viết xong sách Lê-vi ký với thời gian tối đa một tháng mà trong tay không có điều kiện dành cho một người viết sách, giữa bao bộn bề công việc lo cho một đoàn người trên dưới 4 triệu, không có bàn viết, không có sách tham khảo, không có bất cứ phương tiện nào, trừ ra vốn học vấn đã có 40 năm tại Ai Cập, cộng với tấm lòng vì Chúa vì dân Chúa, với quyết tâm xây dựng một dân tộc thánh sạch thuộc thể lẫn thuộc linh cho Đức Chúa Trời. Vấn đề không phải chỉ viết hoàn thành nhanh một tác phẩm, mà tác phẩm đó còn trường tồn bất biết theo thời gian 3.500 năm qua, đến ngay thế kỷ 21 sách Lê-vi ký vẫn còn hiệu lực. Chắc chắn qua đó, chúng ta không thể không nhìn thấy sự hiện diện của Thánh Linh Đức Chúa Trời ở với Môi-se, dùng Môi-se, mặc khải cho Môi-se (II Phi. 1:20-21).
Bây giờ, với sách Dân số ký, chúng ta lại phải cảm phục Môi-se không phải viết nhanh như đã viết Lê-vi ký, nhưng Môi-se đã tóm lược đầy đủ câu chuyện 38 năm trong 36 đoạn sách Dân số ký, không bỏ qua chi tiết cần thiết nào, kể cả sự yếu đuối, tội lỗi của hàng lãnh đạo dân Chúa, như tập đoàn đảng Cô-rê, sự yếu đuối ngay trong gia đình của Môi-se như Mi-ri-am, A-rôn, và án Chúa phạt trên chính Môi-se nữa. Ngoài ra chúng ta còn học được nguyên tắc lãnh đạo là lãnh đạo là phải tiên liệu và chuẩn bị kế thừa. Câu chuyện 38 năm trong 36 đoạn, người đọc sẽ thấy dòng chảy liên tục, không đứt đoạn, không gãy thời gian. Một lần nữa, chúng ta nhận ra sự hài hòa giữa con người Môi-se với Đức Thánh Linh trong việc sách Dân số ký được viết ra.
NHỮNG SỰ VIỆC TRONG 40 NĂM
Hai năm đầu, từ khi ra khỏi nhà nô lệ Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên đã dừng chân hai năm tại bán đảo Si-nai để Đức Chúa Trời ban Luật pháp, và dựng một đền tạm cho Chúa, cùng dạy dân Chúa những nghi lễ đối với Chúa và những sinh hoạt đời thường đối với nhau.
Sau hai năm, dân Y-sơ-ra-ên được Chúa ra lịnh tiếp tục hành trình về Đất Hứa, đó là câu chuyện ghi trong sách Dân số ký.
ĐOẠN 1 ĐẾN ĐOẠN 10:10. Ngày mồng một tháng hai năm thứ hai đến ngày hai mươi tháng hai năm thứ hai (10:11)
Có những việc được thực hiện trong thời gian nầy:
- Kiểm tra dân số để lập một đội quân.
- Mỗi chi phái có tộc trưởng của chi phái góp phần với Môi-se cai quản dân Chúa (1:4).
- Phân định vị trí đóng trại cho 12 chi phái:
Lời Chúa khẳng định “Đức Chúa Trời chẳng phải là Chúa sự lọan lạc, bèn là Chúa sự hòa bình… mọi sự đều nên làm cho phải phép và theo thứ tự” (I Cô. 14:32, 40). Chúng ta cảm tạ Chúa vì 12 chi phái đã tuân giữ thứ tự Chúa đã dạy.
Đoạn 6, Chúa đã dành đoạn dài dạy về người Na-xi-rê. Na-xi-rê nghĩa là biệt riêng ra.
Luật thánh qui định những người thuộc chi phái Lê-vi mới được làm công việc thánh, nhưng Đức Chúa Trời biết trong các chi phái khác cũng có những người muốn góp phần công việc Chúa, do đó, Chúa đã dành cơ hội cho những người được gọi là Na-xi-rê, những người không thuộc chi phái Lê-vi nhưng hứa nguyện có hoặc không có hạn định thời gian. Hiểu người Na-xi-rê, thì mới giải thích những trường hợp của:
- Sam-sôn là người Na-xi-rê (Quan. 13:1-5)
- Phao-lô với những người Na-xi-rê trong Công vụ 21:23-26.
Đoạn 9 là lời Chúa dạy Môi-se tổ chức Lễ Vượt Qua, tức là ngày 14 tháng Giêng, năm thứ hai.
Mục đích Lễ Vượt Qua là để luôn nhắc dân Y-sơ-ra-ên không được quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã cứu họ khỏi nhà nô lệ Ai Cập. Điều kỳ diệu là Chúa vẫn ban Trụ Mây và Trụ Lửa dẫn đường khi đi hoặc dừng lại, cũng như che mát ban ngày, sưởi ấm dân Chúa ban đêm suốt 40 năm, đúng như Lời Chúa phán: “Mặt trời sẽ không dọi ngươi lúc ban ngày, mặt trăng cũng không hại ngươi trong ban đêm” (Thi. 121:6).
Đoạn 10:1-10, Đức Chúa Trời đã dùng hai Ống Loa để hướng dẫn dân Chúa cách trật tự theo cách như đánh Morse ngày nay, Loa giống như kèn thổi, nhưng to hơn và dài hơn, tiếng vang lớn hơn.
ĐOẠN 10:11 ĐẾN ĐOẠN 20.
Đây là câu chuyện 38 năm tính từ ngày dân Y-sơ-ra-ên khởi hành chặng thứ 2 (10:11) đến ngày A-rôn qua đời là ngày mồng một tháng năm, năm thứ bốn mươi sau khi dân Y-sơ-ra-ên đã ra khỏi xứ Ê-díp-tô (33:38-39).
Vừa khi bắt đầu ra đi cũng bắt đầu những yếu đuối, nổi loạn:
10:29-32, Môi-se yếu đuối tìm kiếm sự hướng dẫn của con người là anh vợ, thay vì đặt trọn niềm tin nơi sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời – Chúa nhớ lại rằng chúng tôi chỉ là bụi đất (Thi. 103:14).
11:1-6, dân Chúa bị dân tạp xúi giục lầm bầm đòi ăn thịt (c.1, 4), làm cho Môi-se cáu giận nói với Chúa; “và Môi-se lấy làm buồn bực về điều đó. Môi-se bèn thưa cùng Đức Giê-hô-va rằng: Sao Ngài làm cho tôi tớ Ngài buồn? Sao tôi chẳng được ơn trước mặt Ngài, và sao Ngài lại chất gánh nặng của hết thảy dân sự nầy trên mình tôi? Tôi há có thọ thai dân nầy sao? Há có sanh đẻ nó sao? Mà Ngài lại phán biểu tôi rằng: Hãy ẵm dân nầy trong lòng ngươi, như người cha nuôi bồng đứa trẻ bú, cho đến xứ mà Ngài có thề hứa ban cho tổ phụ của chúng nó” 11:11-12).
12:1-15, chuyện buồn phiền xảy ra từ trong gia đình của Môi-se với Mi-ri-am và A-rôn nói hành Môi-se, vì Môi-se có người vợ sau là người Ê-thi-ô-bi. Chúa đã phạt Mi-ri-am bị bịnh phung, chứng tỏ duyên cớ nói hành là từ Mi-ri-am, cảnh chị chồng em dâu.
Đoạn 13 và 14, cả hội chúng Y-sơ-ra-ên nổi loạn không chịu vào Đất Hứa dù 12 thám tử công nhận Đất Hứa đượm sữa và mật, nhưng chỉ có hai thám tử là Giô-suê và Ca-lép vững tin vào Giê-hô-va Đức Chúa Trời quyết định tiến chiếm xứ. Tuy nhiên, thiểu số Môi-se và A-rôn cùng Giô-suê và Ca-lép bị áp đảo bới đa số, để rồi đa số vô tín trả giá bị Chúa phạt bằng 40 ngày do thám xứ thành 40 năm lưu đày (14:34). Điều hết sức quan trọng không phải tiến lên chiếm xứ hoặc không đi, mà là vâng lời Chúa hay không, khi Đức Chúa Trời không cho tiến lên, dân Y-sơ-ra-ên lại tự ý tiến lên và họ nhận lấy hậu quả tai hại (14:40-45).
Đến đoạn 20, đoạn kết thúc dòng dõi cũ, Dân số ký ghi lại rất nhiều cái chết và chết liên tục vì tội lỗi, vì nổi loạn, vì tuổi già.
Đoạn 22 đến đoạn 36, dòng dõi mới của đoàn dân Y-sơ-ra-ên tiến đến xứ Mô-áp, tức phía Đông Nam của Đất Hứa. Tại xứ Mô-áp nầy dân Y-sơ-ra-ên sắp đối diện với một sức mạnh thù nghịch mới ẩn chứa quyền lực của ma quỉ, và một con vật biết nói tiếng người để dạy một tiên tri là con lừa. Tôi thích cách Đức Chúa Trời dùng con lừa là con vật ngu nhất để dạy những kẻ không vâng lời Chúa, giống như sự so sánh rất lý thú trong sách Ê-sai 1:3, “bò biết chủ mình, lừa biết máng của chủ, song Y-sơ-ra-ên chẳng hiểu biết, dân ta chẳng suy nghĩ”. Cũng tại đồng bằng Mô-áp, Môi-se đã chuẩn bị mọi việc cần cho dân Chúa tiến vào Đất Hứa dù cá nhân Môi-se không được vào.
Để kết lại bài học Dân số ký phần 5 nầy, tôi muốn nhắc lại những bài học:
- Bài học thứ 1 - Sách Dân số ký chứng minh lịch sử chính xác của dân Y-sơ-ra-ên vào thời gian khoảng 1450 TC., tất cả diễn biến trong thời gian nầy là 40 năm sau khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, từng thời điểm quan trọng đều được ghi rõ.
- Bài học thứ 2 - Tuy nhiên, Kinh thánh không phải chỉ là một sách lịch sử như các sách lịch sử thế giới, sách Dân số ký cũng là một sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Chúa đã mặc khải cho loài người về
- một Đức Chúa Trời Toàn Năng qua sách Sáng thế ký với công cuộc sáng tạo vũ trụ muôn loài vạn vật, trong đó có con người chúng ta.
- Đức Chúa Trời mặc khải cho chúng ta một Đức Chúa Trời yêu thương qua sách Xuất Ê-díp-tô ký, bằng cớ Chúa đã ngự xuống cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi nhà nô lệ Ai Cập.
- Đức Chúa Trời mặc khải cho chúng ta một Đức Chúa Trời công bình và thánh khiết, người vâng lời thì được thưởng, người vô tín thì bị phạt và phạt nặng không kể là tuyển dân.
- Bài học thứ 3 - Ngoài ra, Kinh thánh nói chung là một sách đem lại bao nhiêu là ích lợi trong đời sống hằng ngày, ngay sách Dân số ký nói riêng, Môi-se dạy chúng ta bài học lãnh đạo thì phải tiên liệu, phải huấn luyện người kế thừa (II Tim. 2:2).
Tôi ước mong được nghe Quý vị Thính giả chia sẻ bài học mà cá nhân mình học được qua sách Dân số ký hầu nhiều người cùng hưởng phước của Chúa ban. Muốn Thật Hết Lòng!
|