DÂN SỐ KÝ 4
Dân số ký đoạn 26 đến đoạn 36
DÒNG DÕI MỚI (tiếp)
******************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta đã cùng nhau học sách Dân số ký phần 3, với chủ đề là Dòng Dõi Mới phần thứ nhất, từ đoạn 21 đến đoạn 25. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau học tiếp chủ đề Dòng Dõi Mới phần thứ hai từ đoạn 26 đến đoạn 36.
Như chúng ta đã học qua, sách Dân số ký từ đoạn 1 đến đoạn 20 là câu chuyện Kinh thánh ghi lại về Dòng Dõi Cũ, dòng dõi những người Y-sơ-ra-ên từng được Chúa dùng Môi-se giải cứu ra khỏi Ai Cập sau 430 năm làm nô lệ. Khi đến bán đảo Si-nai, dân Y-sơ-ra-ên đã được Chúa cho dừng lại độ hai năm để chuẩn bị Luật pháp với 10 Điều Răn, dựng lên một Đền Tạm với những nghi thức do Chúa dạy A-rôn thực hiện. Kế tiếp Đức Chúa Trời ra lịnh cho Môi-se và A-rôn tu bộ dân số các chi phái.
Đến Dân số ký 10:11, 13, “Xảy trong ngày hai mươi tháng hai, năm thứ hai, thì trụ mây cất lên khỏi đền tạm chứng cớ… dân Y-sơ-ra-ên vâng mạnh của Đức Giê-hô-va cậy Môi-se truyền cho, mà ra đi lần thứ nhất” – chính thức ra đi về Đất Hứa, sau khi đã được Đức Chúa Trời chuẩn bị mọi sự, từ cái ăn, uống, thờ phượng, cách sống khỏe mạnh, lập đạo quân đối phó những cuộc tấn công của các dân tộc trong vùng, Chúa lại còn ban cho Trụ Mây và Trụ Lửa để dẫn dắt lúc nào đi lúc nào nghỉ, ngoài ra Trụ Mấy còn để che mát ban ngày, Trụ Lửa ban đêm để sưởi ấm cùng chiếu sáng giữa đồng hoang.
Chuyến đi với tất cả điều đã thấy, đã nghe, đã hưởng được, dân Y-sơ-ra-ên đã vô tín họ tin Chúa cho mọi sự rõ ràng, nhưng không tin Chúa ban cho Đất Hứa. Và tất cả dòng dõi vô tín đó ngã chết hết trong đồng vắng sau 40 năm – đó là câu chuyện của Dân số ký đoạn 1 đến đoạn 21.
Bây giờ từ đoạn 21 đến đoạn 25, Đức Chúa Trời yêu thương dù giận con năm sáu chứ chin mười thương, vẫn nuôi dưỡng, truyền dạy cho dòng dõi mới đã được sanh ra và lớn lên trong đồng vắng, những điều cần để vào hưởng lấy Đất Hứa, mà chúng ta đã học trong Dân số ký bài thứ 3. Bắt đầu từ đoạn 26 đến đoạn 36, là những việc cần có để tiến vào Đất Hứa:
ĐOẠN 26 – TU BỘ DÒNG DÕI MỚI.
Trước tiên, chúng ta có ba con số để so sánh:
- Xuất Ê-díp-tô ký 12:37-38, khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, họ có độ 600.000 người nam có thể ra trận được, nghĩa là từ 20 đến 45 tuổi, chưa kể dân tạp đi theo. Nếu tính mỗi người có một vợ và hai con [không tính ông bà, cha mẹ], thì đã có gần 4 triệu người trong đoàn di cư.
- Dân số ký 2:12, sau hai năm, dân Y-sơ-ra-ên có 603.550 người ra trận được.
- Dân số ký 26:51, sau khi dòng dõi cũ qua đi, kèm theo các biến cố từ đoạn 11 đến đoạn 25, làm chết rất nhiều người, cuộc tu bộ lần hai cho biết dân Y-sơ-ra-ên dòng dõi mới có 601.730 người – giảm chứ không tăng, do tội lỗi vô tín của họ.
Đọc đến đây, người tin Chúa Jêsus là dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh phải học được bài học sách Dân số ký nầy: Dân số tỉ lệ nghịch với tội lỗi – tội lỗi gia tăng thì dân số sẽ giảm, và ngược lại, khi Hội thánh kính Chúa, hiệp một yêu thương nhau, thì dân số gia tăng. Hãy đọc lại Lịch sử Hội thánh Đầu tiên trong sách Công vụ để thấy Hội thánh đã khởi sự với sự lòng kính sợ Chúa và hiệp một lòng một ý cùng nhau, tức thì gia tăng người tin Chúa Jêsus và mọi người một lòng một ý cùng nhau (2:42-47). Đến cuối sách Công vụ, dù biết bao khó khăn, thế mà sau 30 năm, Hội thánh đã có biết mấy vạn người Giu-đa tin Chúa Jêsus (21:20) chưa kể dân ngoại.
Câu hỏi đặt ra trong giờ nầy: trong Hội thánh anh em đang sinh hoạt, cái gì tăng? Cái gì giảm. Bài học: tội lỗi tăng thì dân số giảm; lòng yêu Chúa và yêu nhau tăng thì dân số tăng. Xin Chúa Thánh Linh cảm động lòng anh em nhìn rõ cái gì tăng, cái gì giảm, để mau mau sửa lại mà tiến vào chiếm Đất Hứa.
ĐOẠN 26:52-53, nói rõ lần tu bộ nầy có mục đích khác với lần tu bộ thứ 1 của dòng dõi cũ:
- Lần tu bộ thứ 1 trong đoạn 1 và đoạn 2, là để thành lập đội quân trong dân Chúa.
Chúa thật là Đấng yêu thương, Chúa đã dùng Môi-se lãnh đạo một đám nô lệ gần 4 triệu người không có quê hương, không có giáo dục, không có luật lệ ngoài luật vâng lời chủ tuyệt đối. Sau 40 năm, đám nô lệ ô hợp đó trở thành một dân tộc có luật pháp, có giáo dục, có đời sống sạch sẽ trong việc ăn uống, biết tắm giặt, biết sạch sẽ đối với chồng vợ, biết phòng bịnh hơn trị bịnh, và bây giờ để có một tổ quốc thì Chúa lại cho họ chính thức có một đội quân 600 ngàn quân khỏe mạnh bảo vệ tổ quốc đó.
Người học Kinh thánh chắc chắn nhớ trận đánh đầu tiên của người Y-sơ-ra-ên sau khi ra khỏi Ai Cập, họ phải chống lại đạo quân A-ma-léc (Xuất. 17:8-13) và Chúa đã cho họ thắng bởi quyền năng của Đức Chúa Trời. Chúa biết họ không thể đối địch với đạo quân của Đế quốc Ai Cập văn minh thời đó, cũng không thể đối địch với đạo quân thiện chiến của người Phi-li-tin, nên không dẫn họ đi con đường cặp bờ biển Địa Trung Hải ngang qua xứ Phi-li-tin. Tại sao? Vì Chúa không muốn dân Chúa là một đám trẻ con sống dựa vào cha mẹ, nhưng Chúa muốn dân Chúa trưởng thành tự đứng trên chân mình (Êxê. 37:10; Ê-phê-sô 4:16; 6:10), dĩ nhiên, họ sống bằng đức tin nơi Đức Chúa Trời Toàn năng.
- Lần tu bộ thứ 2 (Dân số ký đoạn 26) được chính Đức Chúa Trời xác định mục đích là để chia đất khi vào Đất Chúa hứa.
Qua việc tu bộ dân số, Chúa đã dạy chúng ta một nghệ thuật lãnh đạo: Lãnh Đạo là phải tiên liệu! Chúa dạy Môi-se tiên liệu trước khi khởii hành đi về Đất Hứa, chuẩn bị đối phó những khó khăn, đối phó với những kẻ thù nghịch. Bây giờ Chúa dạy Môi-se tiên liệu trước khi vào Đất Hứa đối diện với việc chia đất.
Điều làm tôi cảm phục Môi-se là dù ông là người học học cả sự khôn ngoan của người Ai Cập trong thời đại hoàng kim, lời nói và việc làm đều có tài năng (Công vụ 7:22), vậy mà Môi-se đầy khiêm nhường học nơi Chúa từng chi tiết nhu cần của dân sự, học đóng bàn ghế, xây dựng đền tạm; học nơi Giê-trô biết phân quyền lãnh đạo; bây giờ Môi-se sẵn sàng học tiên liệu lãnh đạo. Bài học và bài học lớn quá, quý quá!
II/. ĐOẠN 27 ĐẾN ĐOẠN 36 – MÔI-SE VỚI DÒNG DÕI MỚI
Phần Kinh thánh nầy ghi lại những việc Môi-se phải làm cho Dòng Dõi Mới trước khi về với Chúa.
- Việc thứ 1 Môi-se phải làm – ĐOẠN 27 – Tìm người kế vị.
Đến đoạn nầy, Môi-se đang giải quyết những tồn đọng trước khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, cũng là thời gian trước khi Môi-se lìa xa họ.
27:1-11, Môi-se được dạy lập một ngoại lệ cho phép người nữ thừa kế sản nghiệp trong dòng họ không còn người nam.
27:12-23, Môi-se được Chúa dạy lập Giô-suê làm người thay thế Môi-se lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên tiến vào Đất Hứa.
Tôi muốn nhấn mạnh nhóm từ Môi-se được Chúa dạy là vì cho đến những giờ phút cuối cuộc đời trên đất với số tuổi lên đến 120, với vốn học thức từ một nền giáo dục cao cấp của Hoàng gia một Đế quốc văn minh nhất thế giới thời đó mà thời nay nhìn nhận, tiếp thu học thức với địa vị con trai công chúa Pha-ra-ôn, kèm theo đó là kinh nghiệm lãnh đạo đoàn dân trên dưới 4 triệu người lúc nào cũng sẵn sàng nổi loạn chống lại qua 40 năm trong đồng vắng, bao nhiêu là thành công không thể chối cãi. Tuy nhiên, đối với Đức Chúa Trời, lúc nào Môi-se cũng là một đầy tớ trung tín, trung thành, mọi việc lớn nhỏ đều dâng trình cho Chúa, chờ Chúa chỉ dạy.
- 27:5, Môi-se bèn đem cớ sự của các con gái ấy đến trước mặt Đức Giê-hô-va.
- 27:22, Vậy, Môi-se làm y như lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn mình.
Chúng ta không còn có thể nói gì về một người lãnh đạo như Môi-se, xin Chúa cho mọi người trong chúng ta không chỉ học cho biết Kinh thánh nhưng học được cho chính mình và bắt chước gương của Môi-se.
- Việc thứ 2 Môi-se cần làm – ĐOẠN 28-36
Có thể xem đây là lời trăn trối của Môi-se, ông căn dặn dân Chúa những điều quan trọng – dĩ nhiên lời của người sắp ra đi bao giờ cũng quan trọng.
ĐOẠN 28 ĐẾN ĐOẠN 30.
Môi-se đã căn dặn dân Chúa những bổn phận đối với Chúa. Chúng ta cần chú ý là mỗi lần nhắc lại điều gì, Môi-se cũng đều nhắc lại bổn phận đối với Chúa, giữ gìn những lễ nghi, dâng hiến, hứa nguyện với Chúa, tất cả đều phải cẩn thận giữ gìn.
ĐOẠN 31.
Chữ chìa khóa của đoạn 31 nầy là Báo thù (câu 2): báo thù dân Ma-đi-an. Câu 15-16, chính dân Ma-đi-an đã dự phần với dân Mô-áp theo mưu kế của Ba-la-am dụ dỗ dân Y-sơ-ra-ên phạm tội đến nỗi 24 ngàn người Y-sơ-ra-ên chết.
ĐOẠN 32 ĐẾN ĐOẠN 36.
Môi-se căn dặn hai chi phái rưởi gồm chi phái Ru-bên, Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se trách nhiệm mà họ đã hứa khi họ xin được phần đất phía Đông sông Giô-đanh, ấy là họ sẽ tiếp tục cầm binh khí cùng các chi phái khác hoàn thành cuộc chinh phục Đất Hứa mà họ không có phần sau nầy.
Chẳng những Môi-se yêu mến Chúa, mà Môi-se cũng thể hiện lòng yêu Chúa qua sự yêu mến dân Chúa, lo cho họ từng việc lớn nhỏ.
“Chúng ta phải cúi đầu cảm tạ Chúa một gương mẫu làm đầy tớ Chúa như Môi-se:
- Tận tụy đến chết
- Tận tụy với Chúa và cũng tận tụy với dân Chúa.
Tân Ước đã ghi lại một người học gương Môi-se là sứ đồ Phao-lô, từ khi tin Chúa Jêsus Christ làm Đấng Cứu Thế của mình đến ngày ra pháp trường của Đế quốc La Mã, Phao-lô nói: “Về phần ta, ta đang bị đổ ra làm lễ quán, kỳ qua đời của ta gần rồi. Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự sống đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài” (II Tim. 4:6-8)
Vị sứ đồ cuối cùng là Giăng đang chịu lao tù khổ sai trên đảo Bát-mô đã chuyển lại cho người tin Chúa Jêsus lời của chính Chúa Jêsus Christ kêu gọi: Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều thiên của sự sống”.
Xin Chúa cho mỗi người trong chúng ta là những người học bài học hôm nay nhớ được những lời căn dặn từ Lời Chúa qua Môi-se, vì gần đến Đất Hứa rồi, Đất Hứa đang cận kề trước mắt!
|