DÂN SỐ KÝ 3
Dân số ký đoạn 21 đến đoạn 25
DÒNG DÕI MỚI
Câu gốc: Dân số ký 33:53
******************************
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Chúng ta đã đi qua 20 đoạn buồn nhất của sách Dân số ký. Câu chuyện buồn nầy sau 40 năm kết thúc được đánh dấu bằng cái chết của Nữ Tiên Tri Mi-ri-am và Thầy Tế lễ Thượng phẩm A-rôn, cùng lời Chúa báo trước cho Môi-se được nhìn thấy Đất Hứa mà không được vào vì sự yếu đuối của ông (20:12).
Phần thứ 3 của sách Dân số ký từ đoạn 21 đến đoạn 36 ghi lại một Dòng Dõi Mới được sanh ra và lớn lên trong đồng vắng với lời Chúa phán đầy vui mừng: “Các ngươi sẽ lãnh xứ làm sản nghiệp và ở tại đó; vì ta đã ban xứ cho các ngươi làm sản nghiệp” (33:53).
I/. ĐOẠN 21 ĐẾN ĐOẠN 25 – ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG DÕI MỚI.
Đến đoạn 21 thì dòng dõi cũ chỉ còn là 3 người:
- Môi-se là người lãnh đạo, còn sống sau 40 năm lưu lạc, nhưng được báo trước sẽ không được vào hưởng Đất Hứa, chỉ còn được sống để hoàn thành công cuộc đưa dân Y-sơ-ra-ên đến bờ Đất Hứa.
- Ca-lép và Giô-suê là hai thám tử có đức tin quyết chiếm Đất Hứa (14:28-30) còn sống lúc nầy tuổi trên 80 (Giô-suê 14:7-10).
Qua các đoạn nầy, Kinh thánh cho chúng ta biết những đặc điểm của Dòng Dõi Mới.
ĐOẠN 21 - Bản Tánh Dòng Dõi Mới
Đoạn 21 giới thiệu bản tánh dòng dõi mới cũng giống bản tánh dòng dõi cũ, nói như Thi. 103:14, “Vì Ngài biết chúng tôi được nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất”.
- 21:1-3, họ xin Chúa cho họ thắng trận, Chúa nhậm lời cho họ thắng. Vừa thắng trận, họ lại ngã lòng nói nghịch cùng Chúa và Môi-se.
- 21:5-6, thế là họ bị Chúa phạt sai con rắn lửa đến cắn họ. Từ ngữ ‘Lửa’ chỉ về loài rắn độc trong đồng vắng có màu đỏ như lửa, hoặc cũng chỉ khi bị rắn lửa cắn thì người bị rắn cắn sẽ phát sốt như bị lửa đốt. Hình phạt rắn lửa cắn khiến dân Y-sơ-ra-ên bị chết rất nhiều (21:6).
- 21:7-9, dân Y-sơ-ra-ên bị Chúa phạt, họ ăn năn, kêu cầu và Chúa tha thứ, sai Môi-se làm một con rắn bằng đồng treo trên cây sào, ai bị rắn cắn mà nhìn con rắn bằng đồng sẽ được chữa lành.
- 21:10-35, cảm ơn Chúa chẳng giữ lòng giận đến đời đời, Chúa lại yêu thương cung cấp nhu cần cho họ, cho họ thắng quân thù.
Có gì khác nhau giữa hai dòng dõi cũ và mới? Không có gì khác nhau. Điệp khúc: thắng thì vui, thiếu thốn một chút thì ngã lòng than van; bị phạt thì ăn năn, và vẫn được Chúa yêu thương nuôi dưỡng.
21:3 xác nhận sau 38 năm dài, đây là lần đầu tiên Chúa lại nhậm lời, cũng là lần đầu tiên sau 40 năm, dân Y-sơ-ra-ên mới có một bài ngợi khen Chúa vui vẻ. Với bài hát ngợi khen Chúa đầu tiên sau khi ra khỏi Ai Cập (Xuất. 15), phải đợi đến 430 năm dòng dõi cũ mới hát được, bây giờ phải đợi 40 năm nữa dân Y-sơ-ra-ên mới hát ngợi khen Chúa được với dòng dõi mới.
Đến đây, chúng ta phải nhìn nhận Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương đầy lòng nhịn nhục, sau 430 năm nô lệ, dân Y-sơ-ra-ên mới kêu cầu xin Chúa cứu và Chúa đã dùng chính tay Ngài cứu họ, lòng họ vui mừng hát bài ca đắc thắng. Nhưng rồi họ cứ phạm tội chỉ vì lòng vô tín, nói như Thi. 78:17-19, “Dầu vậy, họ cứ phạm tội cùng Ngài, phản nghịch cùng Đấng Chí Cao trong đồng vắng. Trong lòng họ thử Đức Chúa Trời, mà cầu xin đồ ăn theo tình dục mình. Họ nói nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà rằng: Đức Chúa Trời há có thế dọn bàn trong đồng vắng sao?” Chúa đã phạt và phạt rất nặng, rồi họ lại ăn năn và Chúa đã tha thứ để họ hát được bài ca mới ngợi khen Chúa.
Tôi đã nghe ca sĩ Elvis Phương hát ca khúc Chúa không lầm đầy thống thiết với những lời: Nhưng tình Chúa quá bao la, dù cho bao phen con yếu đuối, thành tâm ăn năn thống hối, thì Ngài lại thứ tha. Tôi không biết khi hát những lời đó, những người như như ca sĩ có cảm xúc gì đối với tình yêu thương của Chúa, khi ngĩ đến chính mình, tôi phải nhận rằng mình chưa hát với cả lòng thống thiết như vậy. Xin Chúa tha thứ!
Tại sao dân Y-sơ-ra-ên cứ phạm tội với Chúa như vậy, dù mắt họ đã thấy, lỗ tai họ đã nghe, lòng đã biết, thân xác họ đã nhận bao ơn lành của Đấng Tạo hóa ban cho? Phải chăng vì họ không cảm nhận tội lỗi của mình lớn đến bậc nào. Đáng lẽ họ phải nói như Giô-sép: “Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao? (Sáng. 39:9).
ĐOẠN 22 ĐẾN ĐOẠN 25 - Kẻ Thù Của Dòng Dõi Mới.
Bốn đoạn nầy liên hệ đến một nhân vật tên Ba-la-am khiến Tân Ước cũng nhắc lại, dù Ba-la-am không phải là dân Y-sơ-ra-ên của Chúa, Ba-la-am thuộc dân Mô-áp (Dân. 22:5; Khải. 2:14). Có vài điều ghi nhận về Ba-la-am.
- Dân số ký 22:32, con đường của Ba-la-am:
Ba-la-am là người Mô-áp, nhưng rõ ràng Ba-la-am biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên là Đấng Quyền năng. Ba-la-am là một dạng thầy tế lễ ngoại bang như Mên-chi-xê-đéc (Sáng. 14:18-20), hoặc Giê-trô là nhạc gia của Môi-se (Xuất. 2:16).
Bấy giờ, đoàn dân Y-sơ-ra-ên dưới sự lãnh đạo của Môi-se đang trên đường tiến về Đất Hứa phải đi ngang qua xứ Mô-áp thuộc dòng dõi của Lót (Sáng. 19:36-38), phía Đông sông giô-đanh, do Ba-lác là vua Mô-áp cai trị. Vua Ba-lác của Mô-áp “thấy hết mọi điều Y-sơ-ra-ên đã làm cho dân A-mô-rít (Dân. 21:21-25). Mô-áp lấy làm sợ sệt lắm và kinh khủng trước mặt dân Y-sơ-ra-ên” (Dân. 22:1-3), nên Ba-lác “sai sứ giả đến cùng Ba-la-am và nói: “ta xin ngươi hãy đến bây giờ, rủa sả dân nầy [tức dân Y-sơ-ra-ên] cho ta, vì nó mạnh hơn ta. Có lẽ ta sẽ đánh bại dân nầy và đuổi nó khỏi xứ được; vì ta biết rằng kẻ nào ngươi chúc phước cho, thì được phước; còn kẻ nào ngươi rủa sả, thì bị rủa sả”. Nếu xét về phần nầy của câu chuyện, Ba-la-am được ma quỉ ban một vài quyền lực nào đó mê hoặc dân Mô-áp (Công vụ 8:9-10; 16:16; Math. 24:24; Khải. 13:11-13).
Sau nhiều lần biết rõ ý của Chúa không cho đi rủa sả dân Chúa, nhưng vì những quà tặng của vua Mô-áp là Ba-lác ban cho quá lớn, nên Ba-la-am đã rất muốn đi, Đức Chúa Trời đã không ngăn trở nữa như Thi thiên 106:15, Ngài ban cho chúng nó điều chúng nó cầu xin; nhưng sai bịnh tổn hại linh hồn chúng nó”. Trên đường đi, thiên sứ của Chúa đã cản đường bằng cách mở miệng con lừa nói được tiếng người để dạy Ba-la-am. Thiên sứ phán: “Nầy, ta đi ra đặng cản ngươi, vì ta thấy ngươi đi theo một con đường dẫn mình đến nơi hư nát”. Rất tiếc, Ba-la-am vẫn tiếp tục đi theo lễ vật của vua Mô-áp, thay vì vâng lời Chúa (Math. 16:26; II Tim. 4:10).
Ít nhất bốn lần Chúa đã cảnh cáo Ba-la-am:
- 22:12, lần thứ 1: “Đức Chúa Trời phán cùng Ba-la-am rằng: Ngươi chớ đi với chúng nó, chớ rủa sả dân nầy, vì dân nầy được ban phước”.
- 22:22, lần thứ 2: “Nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời nổi phừng lên, vì người ra đi; thiên sứ của Đức Giê-hô-va đứng trên đường đặng cản người”.
- 23:11-12, lần thứ 3, Đức Chúa Trời đã đặt lời Ngài vào miệng của Ba-la-am, khiến ông chúc phước cho dân Chúa thay vì rủa sả như yêu cầu của Ba-lác. Chúa khiến Ba-la-am không điều khiển được miệng của ông – Kinh thánh ghi thuật: Bấy giờ Ba-lác nói cùng Ba-la-am rằng: Ngươi đã làm chi với ta? Ta thỉnh ngươi để rủa sả những thù nghịch ta, kìa ngươi lại chúc phước cho! Người [Ba-la-am] đáp rằng: Tôi há không nên cẩn thận nói điều Đức Giê-hô-va đặt vào miệng tôi sao?”
- 22:28-30, lần thứ 4, Đức Chúa Trời đàng con lừa để dạy một tiên tri. Đối với người VN chúng ta, ‘con lừa’ hàm ý chỉ người ngu – ngu như lừa hoặc ngu như bò (Thi. 32:8-9), thế mà con lừa được Chúa dùng để dạy Ba-la-am.
II Phi 2:15-16 nhắc lại con đường hư nát nầy của Ba-la-am là con đường của kẻ tham tiền công của tội ác, con đường của một tiên tri biết ý Đức Chúa Trời nhưng thích tiền bạc và thích sự tôn trọng của loài người hơn là vâng phục Chúa.
Điều đáng nói là Chúa đã khiến Ba-la-am thay vì rủa sả dân Y-sơ-ra-ên như Ba-lác yêu cầu, thì Ba-la-am lại nói lời chúc phước cho dân Chúa, khiến Ba-lác nổi giận: “Bây giờ, Ba-lác nói cùng Ba-la-am rằng: Ngươi đã làm chi với ta? Ta thỉnh ngươi để rủa sả những thù nghịch ta, kìa ngươi lại chúc phước cho!, không phải một lần mà là đến 3 lần thay vì Ba-la-am rủa sả dân của Chúa trở thànhchúc phước cho dân Chúa, kết cục, Ba-la-am bị Ba-lác đuổi về.
- ĐOẠN 25:1-3; 31:16 – Đạo Ba-la-am.
Tuy nhiên, sau khi bị Đức Chúa Trời ngăn trở và thay đổi môi miệng, Ba-la-am vẫn không từ bỏ lòng tham tiền, dù ông biết rõ, biết chắc Chúa chỉ muốn ban phước cho dân Chúa (24:1), Ba-la-am đã làm một việc mà Khải huyền 2:14 gọi Đạo Ba-la-am. “Đạo” ở đây chỉ về mưu kế của Ba-la-am, Ba-la-am đã bày mưu cho dân Mô-áp tìm cách dụ dỗ người nam Y-sơ-ra-ên làm điều dâm loạn với con gái người Mô-áp, chúng nó dụ dỗ dân Y-sơ-ra-ên thờ hình tượng Ba-anh Phê-ô, chọc giận Đức Chúa Trời. Vì theo cách thờ cúng của các dân không tin Chúa, những lễ hội tôn giáo của họ luôn là cơ hội uống rượu say sưa, làm điều dâm loạn. Tiến sĩ William Barclay trong phần giải nghĩa thư I Cô-rinh-tô đã cho chúng ta biết thời Phao-lô, ngay giữa thành Cô-rinh-tô có một đền thờ Nữ thần Mặt trăng tọa lạc trên một ngọn đồi với 1.000 nữ tư tế. Mỗi khi có dịp cúng thờ, họ tổ chức uống rượu say sưa và dâm loạn với 1.000 nữ tư tế đó, đến nỗi từ ngữ người Cô-rinh-tô đồng nghĩa với người say sưa và dâm loạn.
Mưu kế của Ba-la-am thành công, khiến Chúa nổi giận giết 24 ngàn người chết (25:9). Tôi xin nhắc lại 24 ngàn người chết vì chủ trương kết hôn giữa con cái Đức Chúa Trời với con cái kẻ thờ hình tượng.
Tôi nhớ ngày 9 tháng 11 năm 2001, vụ khủng bố làm sập hai Tòa Tháp Đôi của Trung Tâm Thương Mại (WTC) với khoảng 6.000 người chết, đã làm rúng động nước Mỹ và thế giới. Với một số người chết chừng đó đã làm rúng động nước Mỹ và thế giới, thế thì hãy nghĩ đến con số 24 ngàn người chết trong hình phạt mà Đức Chúa Trời giáng trên những kẻ đùa giỡn tình dục nam nữ khủng khiếp dường nào, đáng để các phụ huynh và các thanh niên của Chúa Jêsus Christ quan tâm.
Điều kinh khiếp là số phận cuối cùng của một kẻ biết Đức Chúa Trời mà không kính sợ Chúa, lại tham tiền là Ba-la-am đã bị giết chết bằng gươm (31:8b). Đáng sợ thay, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt lại cũng theo Chúa mà lại tham tiền để rồi chết cách sỉ nhục (Công. 1:16-20), cũng lây lan sang đời của Phao-lô (II Tim. 4:10), với bao nhiêu lời Chúa cảnh cáo (II Phi 2:15-16; Giu-đe 11; Khải. 2:14).
Bài học hôm nay để lại cho chúng ta nhiều sự dạy dỗ không được quên:
Không phải chỉ dân Chúa mới biết Chúa, nhưng nói như sứ đồ Phao-lô: “Vì điều chi có thể biết về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi”. Thật vậy, nhìn trời đất, muôn vật cùng loài người thì biết có Đức Chúa Trời, lại thêm bằng cớ Kinh thánh làm chứng Đức Chúa Trời thực hữu, và chính Chúa Jêsus Christ chứng mình có Đức Chúa Trời, “Cho nên, họ không thể chữa mình được”, ngay cả con lừa cũng biết kính sợ Đức Chúa Trời, huống chi một Tiên tri như Ba-la-am. Tiếc thay, Ba-la-am đã để tiền bạc, sự vui sướng đời nầy khiến ông đặt Chúa hàng thứ yếu thay vì đặt Đức Chúa Trời ở vị trí trước hết (Math. 6:33).
Chúa Jêsus Christ đã phán về người nhà giàu đã vì sự ăn sung mặc sướng đời nầy tạm đời nầy mà không tìm kiếm Chúa, khi bị quăng vào Âm phủ, chịu hình phạt đau đớn, lúc ấy tỉnh ra thì không còn cơ hội (Luca 16:22-31). Lời Chúa phán: “Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi, trước khi những ngày gian nan chưa đến, trước khi những năm tới mà ngươi nói rằng: Ta không lấy làm vui lòng… Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa hiện nay là ngày cứu rỗi” (Truyền. 12:1; II Cô-rinh-tô 6:2).
|