DÂN SỐ KÝ 2
ĐOẠN 15 ĐẾN ĐOẠN 20.
*********************************
THỜI GIAN CHUYỂN TIẾP [HAI DÒNG DÕI CŨ VÀ MỚI]
Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Bài trước chúng ta đã nói đến ‘Dòng Dõi Cũ’, tức là dòng dõi ra khỏi nhà nô lệ Ai Cập, sau một năm dài dừng chân tại Bán Đảo Si-nai được Đức Chúa Trời huấn luyện mọi việc cần yếu, trong đó ngay từ đầu sách Dân số ký có việc tu bộ những người có thể ra trận, và sau đó Đức Chúa Trời ra lịnh cho dân Y-sơ-ra-ên khởi hành lên đường tiến về phía Nam Đất Hứa.
Đáng buồn thay, đến cuối đoạn 14, dân Y-sơ-ra-ên vì lòng vô tín đã từ chối không vào Đất Hứa dù Đất của Chúa hứa ban cho từ đời tổ phụ Áp-ra-ham của họ đã ở trước mắt, họ đồng ý công nhận Đất Chúa hứa là xứ đượm sữa và mật: “Vậy các người ấy thuật cho Môi-se rằng: Chúng tôi đi đến xứ mà người đã sai chúng tôi đi; ấy quả thật một xứ đượm sữa và mật…” (14:27), nhưng lòng vô tín của họ khiến họ từ chối tiến vào Đất Hứa nên bị Chúa phạt lang thang trong đồng vắng 40 năm hầu thế hệ vô tín đều ngã chết hết.
Tính từ ngày ra khỏi Ai Cập đến Dân số ký 10:11 thì đã qua 2 năm, thay vì đi thẳng từ vùng Gô-sen của Ai Cập đi dọc theo bờ biển Địa Trung Hải về Đất Hứa, thì Chúa đã dẫn dân Y-sơ-ra-ên đi trở xuống bán đảo Si-nai tránh trực tiếp gặp một đạo quân rất mạnh là người Phi-li-tin đang ở dọc bờ biển Ga-xa. Dừng lại đến ngày 20 tháng 2 năm thứ hai sau khi ra khỏi Ai Cập, mục đích chuẩn bị cho dân Chúa Luật pháp, dựng Đền Tạm, dạy các lễ nghi và các sinh hoạt, có quân đội từ 20 tuổi trở lên, vì bây giờ dân Y-sơ-ra-ên không còn là nô lệ mà làm một dân tộc độc lập, tự do. Như vậy khi vào Đất Hứa mọi sự đều được chuẩn bị.
Nhưng, dân Y-sơ-ra-ên bị Chúa phạt đi thêm 38 năm cho đủ 40 năm thay cho 40 ngày do thám xứ (14:34). Sách Dân số ký từ đoạn 15 đến đoạn 20 là thời gian chuyển tiếp từ Dòng dõi cũ sang Dòng dõi mới, bắt đầu với biến cố tại Ca-đe và kết thúc với cái chết của A-rôn.
I/. ĐOẠN 15 NHỮNG QUI ĐỊNH KHI VÀO ĐẤT HỨA.
Từ đoạn 1 đến đoạn 10:10, dân Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời sửa soạn cẩn thận, có sự xếp đặt trật tự, Chúa dạy những lễ nghi và những vật gì dâng Chúa, vật gì được chiếm hữu. Với 38 năm lưu lạc được tường thuật trong 6 đoạn khiến sách Dân số ký được gọi là sách của sự ngăn trở tiến bộ.
Dù sách Dân số ký không ghi từng chi tiết những việc xảy ra trong 38 năm, nhưng tham khảo các sách khác trong Kinh thánh, chúng ta có thể biết được một số sự kiện quan trọng trong thời gian lưu lạc nầy.
VỀ PHƯƠNG DIỆN CỦA CHÚA.
Dù Chúa đang phạt sự vô tín của dân Chúa, nhưng Chúa vẫn yêu thương không từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên, bằng cớ:
- Chúa vẫn tiếp tục phán dạy dân Chúa qua Môi-se (15:1, 17, 35…)
- Chúa vẫn ban ma-na, nước uống, cung cấp quần áo, giày dép cho dân Chúa (Phục. 8:2-5; 295-6)
PHƯƠNG DIỆN DÂN Y-SƠ-RA-ÊN.
Sách Ê-xê-chi-ên cho chúng ta biết suốt 38 năm, dân Y-sơ-ra-ên không vâng giữ Luật pháp, không giữ phép cắt bì, không giữ ngày Sa-bát, ghê tởm hơn nữa là họ còn bắt chước tập tục dân ngoại dâng con mình cho thần Mo-lóc (20:15-16, 26).
Đoạn 15 bắt đầu với lời Chúa nhắc lại những qui định cho dân Y-sơ-ra-ên khi vào Đất Hứa, rõ ràng những lời nầy dạy dòng dõi mới được sanh ra trong đồng vắng, cũng hàm ý dân Chúa đã thiếu sót hoặc đã quên làm theo trong 38 năm, như:
- 15:1-31. Họ không được quên dâng của lễ cho Chúa như đã quên trong đồng vắng.
- 15:32-36, phải giữ ngày Sa-bát.
- 15:37-41, dân Y-sơ-ra-ên phải làm một tua áo để nhớ mạng lịnh của Chúa, nhớ sống thánh cho Chúa (c.40).
Đó là những qui định mà dân Chúa phải giữ khi vào Đất Hứa. Bài học nầy rất quan trọng cho người tin Chúa Jêsus ngày nay: Bài hát Đến Với Chúa Tay Trắng Thôi Sao? Thật cảm động khi biết Truyền đạo Nguyễn Hậu Lương năm 1951 đến truyền giáo tại Túc trưng đã dạy con cái Chúa tại đó biết dâng hiến 1/10 hoa màu cho Chúa; phải học thuộc Lời Hê-bơ-rơ 10:25, chẳng những chính mình đi thờ phượng Chúa mà còn phải khuyên bảo nhau; mỗi ngày học Kinh thánh là Lời Chúa dạy để sống thánh giữa đời thường (Rô-ma 12:2; I Phi. 4:1-6).
Chúa Jêsus phán: “ Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn” (Math. 5:17). Người tin Chúa Jêsus là người đã được vào Đất Hứa, chẳng những phải tuân giữ Luật pháp dạy mà còn phải làm gương nữa.
II/. ĐOẠN 16 ĐẾN ĐOẠN 18 – SỰ NỔI LOẠN CỦA ĐẢNG CÔ-RÊ.
Ba đoạn 16 đến 18 liên quan chức Thầy Tế Lễ, khởi sự với sự nổi loạn của Cô-rê và những kẻ theo hắn là người Lê-vi.
16:10-11, mục đích cuộc nổi loạn do ganh tị chức Thầy Tế Lễ theo ban A-rôn. Kết quả:
- 16:31-33, Đất há miệng nuốt lấy gia đình Cô-rê cùng tài sản của những kẻ nổi loạn.
- 16:35, có 250 người bị lửa của Chúa thiêu nuốt.
- 16:49, có 14.700 người chết vì binh vực cho Cô-rê chống Môi-se.
Nhơn cơ hội nổi loạn nầy Đức Chúa Trời đã tái xác nhận Chúa phong chức Thầy Tế lễ cho A-rôn qua phép lạ cây gậy trổ hoa của A-rôn, trong khi tất cả những cây gậy của các chi phải chỉ là cây gậy, sau một đêm đặt trong Nơi Chí Thánh.
Tất cả người tin Chúa Jêsus đều là những cây gậy, nhưng điều quan trọng là cây gậy của người được Đức Chúa Trời biệt riêng sẽ trổ hoa, kết trái cho Chúa. Lời Chúa phán: “Hỡi anh em, trong vòng anh em chớ có nhiều người tự lập làm thầy, vì biết như vậy, mình sẽ phải chịu xét đoán càng nghiêm hơn” (Gia-cơ 3:1). Người không tin Chúa còn dạy: ‘Lỗi lầm lớn nhất đời người là muốn làm thầy người khác’. Hãy khiêm nhường đến điều!
III/. ĐOẠN 19 – CON BÒ SẮC HOE.
‘Sắc hoe’ là màu đỏ hung sậm’. Nói đến con bò màu nầy, khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường nói không được ăn thịt bò ‘hóng’ tức là con bò màu đỏ hung vì sẽ bị ‘động phong’. Có phải từ xa xưa người VN chúng ta biết chuyện Con Bò Sắc Hoe của Kinh thánh không?
Đoạn 19 ghi lại việc Chúa ra lịnh giết con bò sắc hoe để dùng tro của nó làm nước tẩy uế. Một điểm quan trọng là tất cả vật hoặc người dính líu đến con bò sắc hoe đều bị ô uế:
- Thầy Tế Lễ giết con bò sắc hoe sẽ bị ô uế.
- Người thiêu con bò sắc hoe sẽ bị ô uế
- Người hốt tro con bò sắc hoe sẽ bị ô uế.
Đặc điểm là con bò sắc hoe được thiêu chung với 03 thứ:
- Thiêu chung với cây hương nam là loại cây cứng chắc, mọc trên vùng núi tuyết lạnh xứ Li-ban, làm hình bóng về sức riêng của con người.
- Thiêu chung với Chùm Kinh Giới, có khi còn gọi là cây ngưu tất, một thứ cỏ mọc trên tường, không có giá trị. Hình bóng về sự yếu đuối của chúng ta.
- Thiêu với Vải Đỏ Sặm màu đỏ bằm. Hình bóng về tội lỗi của loài người.
Kỳ diệu thay, tất cả những cái ô uế đó được dùng làm nước tẩy uế cho dân Chúa. Đây làm hình bóng rõ ràng về Chúa Jêsus Christ. Lời Chúa phán: “Người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta,… người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh…. Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người” (Ê-sai 53:4-6). Chúa Jêsus Christ đã mang, gánh, chịu, tất cả ô uế của loài người trên thân thể Ngài để người tin Ngài được chia sẻ đau ốm, được an ủi khi buồn bực, được bình an, được chữa lành, tuyệt điểm là người tin Chúa Jêsus được Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi.
Con Bò Cái Tơ Sắc Hoe bị thiêu làm hình bóng về sự chết của Chúa Jêsus có công hiệu dẹp sự kiêu ngạo (ỷ sức riêng) của người tin Ngài, công hiệu trên sự yếu đuối của người tin Ngài. Một người tin Chúa Jêsus chẳng những được Chúa cứu khỏi tội lỗi, mà cũng được Chúa cứu khỏi quyền lực tội lỗi, người đó giao nộp cho Chúa lòng kiêu ngạo, mặc cảm tự ti yếu đuối (II Tim. 1:7).
IV/. ĐOẠN 20 – KẾT THÚC ĐỜI LƯU LẠC.
Đoạn 20 ghi lại 03 sự kiện quan trọng liên quan đến những người lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên trong suốt 40 năm lưu lạc trong đồng vắng:
Sự kiện thứ 1: Nữ Tiên Tri Mi-ri-am qua đời – 20:1
Sách Xuất Ê-díp-tô ký 2:4-8 ghi lại lần đầu tiên Mi-ri-am xuất hiện cho thấy Mi-ri-am là một người chị khôn ngoan và rất yêu thương em mình là Môi-se, đã đem Môi-se trở về với người mẹ ruột thịt cách hợp pháp.
Xuất Ê-díp-tô ký 15:20-21, Mi-ri-am đã hướng dẫn dân Chúa lần đầu tiên sau 430 năm cất tiếng hát ngợi khen Chúa, vì Chúa đã cho dân Y-sơ-ra-ên vượt qua Biển Đỏ như trên đất khô, còn đội quân Ai Cập thử vượt qua thì bị nước biển hủy diệt.
Dân số ký 12:1-15 ghi lại Mi-ri-am cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường với sự lằm bằm vì Môi-se cưới người vợ kế gốc Ê-thi-ô-bi. Tội lỗi của Mi-ri-am đã bị Chúa phạt mang bịnh phung 7 ngày. Một câu chuyện rất đời thường như người VN cảnh chị em chồng với chị em dâu.
Sự kiện thứ 2: Tội của Môi-se – 20:2-13.
Phân đoạn Kinh thánh ghi lại sự yếu đuối của Môi-se trong cơn nóng giận trước sự cứng lòng đến vô tín của dân Y-sơ-ra-ên khi không có nước uống. Vô tín vì suốt 40 năm trong đồng vắng, nhiều lần nhiều lúc Đức Chúa Trời đã dùng Môi-se cung cấp nước cho họ, nhưng mỗi khi không có nước thì họ cứ lại lằm bằm.
Sự yếu đuối là Môi-se đã đập – thay vì chỉ cần phán với hòn đá, cái đập lần thứ hai nầy (Xuất. 17:5) phá vỡ biểu tượng Chúa Jêsus Christ là Vầng Đá muôn đời (I Cô-rinh-tô 10:4) chỉ bị đập chịu chết một lần đủ cả. Hậu quả Chúa phạt Môi-se chỉ được nhìn thấy Đất Hứa mà không được vào Đất Hứa.
Sự kiện thứ 3: Sự chết của A-rôn
Đoạn 20 kết thúc với cái chết của A-rôn, cũng là thời điểm chấm dứt Dòng Dõi Cũ sau 40 lưu lạc trong đồng vắng. Đến đây, tôi nghĩ câu Kinh thánh thích hợp nhất được ghi trong thư II Cô-rinh-tô 5:17, “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ,…mọi sự cũ qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới”.
Cái chết của Nữ Tiên tri Mi-ri-am cho người tin Chúa Jêsus biết mình được cứu không phải bởi lời tiên tri (Giăng 5:39a); cũng không phải nhờ Luật pháp mà Môi-se đại diện (Ê-phê-sô 2:9); cũng không phải bởi các sinh tế dâng bởi các Thầy Tế lễ ra từ tổ chức loài người.
Nhưng, “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:8-10).
|