Dân Số Ký

DÂN SỐ KÝ 11
LƯU LẠC TRONG ĐỒNG VẮNG

Dân số ký 14:26-35
***************************


Kính chào Quý vi Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta được cùng học sách Dân số ký, một sách ghi lại hành trình 40 năm buồn thảm trong đồng vắng của dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta đã nói rất nhiều sự buồn thảm 40 năm, nhưng hôm nay chúng ta hãy nghe sách Dân số ký tả lại chi tiết cảnh dân Y-sơ-ra-ên lưu lạc 40 năm lang thang trong đồng vắng đáng kinh sợ nầy để tự cảnh tỉnh mình đừng chọc giận Giê-hô-va Đức Chúa Trời, “vì Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt” (Hê-bơ-rơ 12:29).
I/. Sách Dân số ký 14:26-27 – LÝ DO LƯU LẠC ĐỒNG VẮNG:
Ba câu nầy ghi lại lời của chính Chúa phán về Lý do dân Y-sơ-ra-ên phải lưu lạc trong đồng vắng, họ không lưu lạc trong đồng vắng vì không biết đường đi, vì ngoài Môi-se là người đã sống trong đồng vắng 40 năm, dân Y-sơ-ra-ên còn có sự dẫn đường bằng trụ mây và trụ lửa của Chúa.
Chúa phán: lý do dân Y-sơ-ra-ên phải lưu lạc trong đồng vắng là vì họ LẰM BẰM, “Ta đã nghe lời lằm bằm của dân Y-sơ-ra-ên oán trách ta”.
LẰM BẰM LÀ GÌ?
Từ điển Việt Nam giải thích lằm bằm là nói trong miệng tỏ ý bực tức. Dân Y-sơ-ra-ên đã nói cái gì trong miệng tỏ ý bực tức? Chúng ta phải xem lại phần thượng văn để biết dân Y-sơ-ra-ên lằm bằm điều gì, bực tức Chúa điều gì?
13:27-29, 10 thám tử trong số 12 thám tử trừ ra Ca-lép và Giô-suê, báo cáo lại những điều tai nghe mắt thấy của họ trong 40 ngày do thám xứ Ca-na-an. Họ xác nhận xứ Ca-na-an là xứ tốt tươi, đượm sữa và mật. Đồng thời họ cũng báo cáo về dân trong xứ là cao lớn, mạnh khỏe, thành thì cao và chắc chắn.
Đến câu 32-33, mười thám tử đã làm bùng nổ sự lằm bằm bằng một so sánh: “những người chúng tôi đã thấy tại đó, đều là kẻ hình vóc cao lớn, chúng tôi thấy mình khác nào con cào cào”.
14:1-4, đến đây thì sự lằm bằm đã bùng nổ thật sự,

  • c. 1, bắt đầu bằng những tiếng la khóc suốt đêm
  • c. 2, tất cả dân Y-sơ-ra-ên lằm bằm oán trách Môi-se
  • c. 3, dân Y-sơ-ra-ên chuyển sự lằm bằm vào chính Đức Giê-hô-va: “Tại sao Chúa dẫn chúng tôi vào một xứ để họ ngã chết? Vợ và con nhỏ chúng tôi sẽ bị làm một miếng mồi”

Tại hại hơn nữa là họ đòi quay về Ai Cập với một lãnh đạo mới.
14:10, tuyệt điểm của sự lằm bằm nầy trở thành một cuộc bạo động, nổi loạn, họ ném đá Giô-suê và Ca-lép, vì hai người nầy đã can họ, khuyên họ chỉ cần tin cậy Đức Giê-hô-va.
Rõ ràng Chúa đã hiện diện vô hình để can thiệp cuộc bạo loạn nầy, trong 14:27, Chúa phán: Ta sẽ chịu hội chúng hung dữ nầy hay lằm bằm cùng ta cho đến chừng nào? Qua lời phán nầy, Chúa muốn nói đến mấy việc:
Ta sẽ chịu” cho đến chừng nào? Chúa muốn nói là Ngài đã nhịn nhục đối với dân Y-sơ-ra-ên nầy nhiều lần lắm.

  • Thật vậy, ngay khi Chúa đang dùng Môi-se đến gặp Pha-ra-ôn để can thiệp cho họ ra khỏi xứ Ai Cập, là nhà nô lệ, thế mà họ đã lằm bằm với Chúa và tôi tớ Ngài (Xuất. 5:20-21).
  • Vừa ra khỏi Ai Cập, mắt vừa thấy sự giải cứu kỳ diệu của Chúa, bây giờ họ bị đạo quân Ai Cập rượt theo đến Biển Đỏ, dân Y-sơ-ra-ên lại lằm bằm, oán trách Môi-se (Xuất. 14:10-12)
  • Vượt qua Biển Đỏ bởi quyền năng lạ lùng của Đức Chúa Trời, dư âm bài ca đắc thắng vẫn còn bên tai, thì dân Y-sơ-ra-ên lại oán trách lằm bằm vì nước uống, vì bánh ăn (Xuất. 15:24; 16:2-3). Họ thấy rõ Chúa Quyền năng giải cứu họ bằng cách rẽ Biển Đỏ, nhưng họ không tin rằng Chúa có thể dọn bàn cho họ trong đồng vắng (Thi thiên 78:12-19)

Và sự lằm bằm cứ tiếp tục theo từng chặng đường. Đến Sách Dân số ký đoạn 14, mắt họ đã thấy Đất Hứa và những bông trái của Đất Hứa, thế mà họ vẫn lằm bằm. Do đó Chúa phán, “Ta sẽ chịu” cho đến chừng nào? Sự nhịn nhục của Chúa đã đến đỉnh điểm không còn có thể nhịn nhục được nữa, vì Chúa là Đấng chẳng kể kẻ có tội là vô tội và Ngài là Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ đâu (Xuất. 34:7; Gal. 6:7)
Đây thật sự là bài học cho người tin Chúa Jêsus ngày nay. Chúng ta thường giới hạn quyền năng của Chúa, nhất là quyền năng chu cấp của Chúa đối với đời sống của cá nhân mình, gia đình mình, ngay cả trong Hội thánh chung nữa. Nếu ai hỏi chúng ta có quyết chắc rằng chúng ta đã tin Chúa Jêsus Christ và đã được cứu chưa? Tôi quả quyết rằng tất cả đều tin chắc đã được cứu rồi, Chúa đã tha thứ tội lỗi của chúng ta rồi. Nhưng nếu đứng trước những nhu cần sống thường ngày của chính mình, của gia đình mình, hoặc những nhu cần trong công việc Nhà Chúa chung, chúng ta không dám tin rằng Chúa có thể chu cấp cho chúng ta.
Thi thiên 121:1, “Tôi ngước mắt lên trên núi, sự tiếp trợ tôi đến từ đâu? Sự tiếp trợ tôi đến từ Đức Giê-hô-va”. Nhưng thực tế phải nói: Sự tiếp trợ tôi đến từ USA, Canada, Australia, Korea… Mọi công việc trong Hội thánh, khi đụng đến vấn đề tài chánh, cuộc bàn luận thường nghĩ đến những địa điểm A.. A ..A đó hơn là Đức Giê-hô-va. Bài học vô tín nầy phải thuộc trong lòng chúng ta.
II/. Sách Dân số ký 14:28-33 – CẢNH TRẠNG LƯU LẠC TRONG ĐỒNG VẮNG:
Đọc qua phân đoạn nầy, anh chị em có thấy lòng xót xa và run sợ không?  Với những từ ngữ đượm màu tang tóc:

  • câu 29, Chúa phán: những thây các ngươi sẽ ngã nằm trong đồng vắng nầy
  • câu 30, Chúa phán: chẳng hề được vào xứ mà ta đã thề
  • câu 32, Chúa phán: còn những thây các ngươi sẽ ngã nằm trong đồng vắng nầy.
  • câu 33, Chúa phán: cho đến chừng nào thây của các ngươi đã ngã rạp hết trong đồng vắng.

Trước mắt chúng ta là những thây người ngã chết đầy dẫy. Chúa đã tả ra một cảnh trạng mà dân Y-sơ-ra-ên sẽ lưu lạc trong đồng vắng những ngày sắp tới. Họ sẽ tiếp tục đi - ĐI ĐỂ CHẾT, không phải đi để về Đất Hứa.
Chúng ta hãy xem cảnh trạng thê thảm dành cho những người đã được cứu mà còn vô tín:

  • 14:45, ngay sau khi Chúa tuyên án với dân sự vô tín, không tin rằng Chúa yêu thương dẫn họ vào Đất Hứa, họ cứ cho rằng Chúa muốn họ chết, dân Y-sơ-ra-ên lại tự ý đi vào xứ, nên kết quả: Dân A-ma-léc và dân Ca-na-an… phân thây dân Y-sơ-ra-ên cho đến Họt-ma.
  • 15:36, người phạm luật sa-bát, đã lượm củi ngày sa-bát, vô tín không tuân giữ luật pháp của Chúa, cả hội chúng ném đá, và người ấy chết.
  • 16:33, bè đảng của Cô-rê vô tín không tin nơi sự chọn lựa của Đức Chúa Trời: Các người đó còn đương sống và mọi vật chi thuộc về họ đều xuống âm-phủ, và những người vô tín hùa theo Cô-rê cũng bị phạt: Rồi một ngọn lửa thiêu hóa hai trăm năm mươi người, có mười bốn ngàn bảy trăm người chết… (16:49).
  • 20:12, ngay cả Môi-se và A-rôn, là những người được Chúa chọn, chỉ vì một phút nóng giận trước sự vô tín của dân Y-sơ-ra-ên, họ đã đập hòn đá để lấy nước uống cho dân sự, thay vì chỉ cần phán, Chúa cũng tuyên án họ phải chết trong đồng vắng.
  • 21:6, vì sự vô tín lằm bằm không có bánh và nước uống, Chúa đã phạt dân Y-sơ-ra-ên chết rất nhiều.

Tóm lại là cảnh trạng lưu lạc trong đồng vắng là cảnh trạng chết chóc, hầu như mỗi chương của sách Dân số ký đều có người ngã chết, cho đến khi đến biên giới Đất Hứa (25:9 - hai mươi bốn ngàn người chết). Điều mà chúng ta cần nhắc lại ở đây là Tại sao những người được xưng là dân Chúa lại bị ngã chết?
Câu trả lời là HỌ BỊ CHÚA PHẠT. Tại sao họ bị Chúa phạt? Hêb. 3:16-19 trả lời:

  • 3:16, Vì họ là KẺ NGHE TIẾNG NGÀI RỒI NỔI LOẠN… há chẳng phải những người nhờ Môi-se dẫn ra khỏi xứ Ê-díp-tô sao?
  • 3:17, Vì Chúa giận NHỮNG KẺ PHẠM TỘI, nên thây họ đã ngã chết trong đồng vắng sao?
  • 3:18, Ngài lại thề với ai rằng không được vào sự yên nghỉ của Ngài? Há chẳng phải với NHỮNG NGƯỜI KHÔNG VÂNG LỜI sao?
  • 3:19, những người ấy không thể vào đó được VÌ CỚ KHÔNG TIN.

Chúa giận ai? Chúa phạt ai?
Họ là những người đã nghe tiếng Chúa mà còn nổi loạn, phạm tội, không tin, không vâng lời. Xin Chúa mở lòng chúng ta để ai nấy không đi theo vết xe vô tín của dân Chúa ngày xưa, hầu cho ai nấy đều được vào Đất Hứa vinh hiển đời đời, không phải bị ngã chết trong đồng vắng thế gian nầy.
III/. Sách Dân số ký 14:33-35. – THỜI GIAN LƯU LẠC ĐỒNG VẮNG:
BỐN MƯƠI NĂM! Đó là hạn định mà Chúa đã công bố với dân Y-sơ-ra-ên, con cái các ngươi sẽ chăn chiên, nghĩa là phải sống du mục nơi đồng vắng trong bốn mươi năm.
Xuất. 13:18, Chúa dẫn dân Y-sơ-ra-ên con đường hướng đến Biển Đỏ ngang qua đồng vắng Si-nai để tiến vào Đất Hứa từ phía Nam xứ Ca-na-an. Con đường nầy mất hết một năm. Rất tiếc là khi đứng ngay biên giới phía Nam Đất Hứa Ca-na-an, dân Chúa đã không tin lời Chúa hứa, lòng vô tín đã đuổi họ trở lại, và cứ đi quanh quẩn trong đồng vắng Pharan suốt 38 năm (Phục. 2:14)
Tại sao phải đi 40 năm? Chính Chúa giải thích con số 40 năm nầy:

  • 14:33, bốn mươi năm để thế hệ đã từng sống ở Ai Cập, là thế hệ vô tín chết hết, thời gian đủ cho con cái họ sanh trong đồng vắng trưởng thành.
  • 14:34, Chúa phán: Các ngươi đi do thám xứ bao nhiêu ngày, nghĩa là bốn mươi ngày, thì các ngươi cũng sẽ mang hình phạt vì tội gian ác mình bấy nhiêu năm, nghĩa là bốn mươi năm, MỘT NĂM ĐỀN CHO MỘT NGÀY.

Đây là 40 năm hình phạt.
Hêb. 3:17 nói rằng: Đức Chúa Trời đã giận ai trong bốn mươi năm, nghĩa là 40 năm nầy là 40 năm CHÚA GIẬN dân Y-sơ-ra-ên. Cảm ơn Chúa, dù giận nhưng thương thì cũng thật thương, Chúa vẫn chu cấp cho dân Chúa mọi nhu cần, đến nỗi Môi-se cho biết về mục đích của 40 năm hình phạt nầy trong:

  • Phục 8:2, mục đích 40 năm hình phạt nầy là để hạ lòng kiêu ngạo, vô tín của dân Chúa xuống, và thử dân Chúa có yêu Chúa thật lòng không.
  • Phục 8:3, để dạy dân Chúa đời sống con người không phải chỉ cần có bánh (cơm), mà còn cần có Lời Chúa.
  • 8:4, Chúa giận bốn mươi năm, nhưng vẫn quan phòng họ từ chiếc áo, đôi giày, không mòn không rách. Kinh thánh xác nhận đây là cơn giận của một người Cha yêu thương, đúng như câu: Giận con năm sáu, chín mười thương.

Đức Chúa Trời là sự yêu thương, ngay trong sự hình phạt Chúa cũng bày tỏ tình yêu thương. Nguyện Chúa Thánh Linh nhắc chúng ta và khiến chúng ta mau lẹ ăn năn, đừng khinh lờn sự sửa phạt của Chúa. Hêb. 12:4-11 là lời kết luận tốt nhất cho chúng ta là người học sách Dân số ký., “Hỡi con, chớ dể ngươi sự sửa phạt của Chúa, và khi Chúa trách, chớ ngã lòng; Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt…”.