Dân Số Ký

DÂN SỐ KÝ 10
ĐẶC ĐIỂM CỦA SÁCH

*********************************


Kính chào Quý vị Thính giả, tôi là Mục sư SƠN. Cảm ơn Chúa cho chúng ta đã cùng học với nhau sách Dân số ký qua 9 phần, hôm nay, trong phần thứ 10, để ôn kết lại những điều đã học, tôi muốn đưa ra một nhận xét thú vị về cách viết sách Dân số ký của Môi-se với từng nhóm bộ ba (triple).
TOÀN SÁCH VỚI BỘ BA HAI DÒNG DÕI.
Tính theo Hành Trình về Đất Hứa, sách đã chia chặng đường làm ba chặng:

  1. Từ đoạn 1 đến đoạn 13, chặng đường từ bán đảo Si-nai đến đồng vắng Ca-đe, phía nam Đất Hứa.
  2. Từ đoạn 14 đến đoạn 20, chặng đường lang thang 38 năm vì lòng vô tín đi vòng vòng khu vực đồng vắng Ca-đe.
  3. Từ đoạn 21 đến đoạn 36, Từ Ca-đe đến đồng vắng Mô-áp, ranh giới đông nam Đất Hứa.

Hoặc cũng với đề tài Hành Trình về Đất Hứa, sách cũng chia chặng đường làm ba chặng:

  1. Từ đoạn 1:1 đến đoạn 10:10, là sự chuẩn bị cho hành trình về Đất Hứa
  2. Từ đoạn 10:11 đến đoạn 19, chặng đường dài 38 năm của hành trình về Đất Hứa
  3. Từ đoạn 20 đến đoạn 36, kết thúc hành trình về Đất Hứa.

Sách cũng ghi lại câu chuyện của hai dòng dõi với 3 thời kỳ như sau:

  1. Từ đoạn 1 đến đoạn 14, Dòng Dõi Cũ từ khi tu bộ dân số lần thứ 1 đến khi bị Chúa rao án phạt vì lòng vô tín không chịu vào Đất Hứa.
  2. Từ đoạn 15 đến đoạn 20, thời kỳ chuyển tiếp – 38 năm – giữa hai Dòng Dõi Cũ và Mới.
  3. Từ đoạn 21 đến đoạn 36, Dòng Dõi Mới đến biên giới phía Đông Nam Đất Hứa, chuẩn bị để tiến vào Đất Hứa.

TỪ ĐOẠN 1 ĐẾN ĐOẠN 4 – BỔN PHẬN CỦA NGƯỜI TIN CHÚA.
Trong 4 đoạn đầu, Đức Chúa Trời đã cho tu bộ dân số với 3 mục đích:

  1. Mục đích thứ 1, “Hãy dựng sổ cả hội dân Y-sơ-ra-ên, theo họ hàng và tông tộc của họ, cứ đếm từng tên của hết thảy nam đinh, từ hai mươi tuổi sắp lên, tức là mọi người trong Y-sơ-ra-ên đi ra trận được” (1:2-3) – mục đích thiết lập một đội quân cho dân Y-sơ-ra-ên.
  2. Mục đích thứ 2, Đức Chúa Trời biệt riêng chi phái Lê-vi để phụ trách công việc thuộc đền tạm. Chúa phán với Môi-se, “nhưng hãy cắt phần người Lê-vi coi sóc đền tạm chứng cớ, hết thảy đồ đạc và các món thuộc về đền tạm…” (1:50). Chúa chọn người Lê-vi để họ thế thay cho hết thảy con đầu lòng của dân Y-sơ-ra-ên… Vì hết thảy con đầu lòng đều thuộc về ta; ngày xưa khi ta hành hại xứ Ê-díp-tô, ta đã biệt riêng ra thánh cho ta hết thảy con đầu lòng trong Y-sơ-ra-ên, bất luận loài người hay thú vật; chúng nó đều thuộc về ta. Ta là Đức Giê-hô-va” (3:12-13).
  3. Mục đích thứ ba là Đức Chúa Trời biệt riêng chức vụ Thầy Tế Lễ, Chúa phán với Môi-se: “Vậy, ngươi sẽ lập A-rôn và các con trai người, để làm chức tế lễ; người ngoại đến gần sẽ bị xử tử” (3:10).

Như vậy, ba chức vụ nầy chỉ về ba bổn phận của người tin Chúa Jêsus ngày nay:

  1. Đối với ma quỉ là kẻ thù của người tin Chúa Jêsus, thì người tin Chúa Jêsus là một chiến sĩ, sẵn sàng chiến đấu chống lại (Ê-phê-sô 6:10-18; II Tim. 2:3).
  2. Đối với công việc Chúa trong Hội thánh thì người tin Chúa Jêsus phải là một công nhân như người Lê-vi sẵn sàng phục vụ xây dựng nhà Chúa. Tất cả người tin Chúa Jêsus đều là Bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời, chính Đức Chúa Trời là Chủ và Công Trình Sư, kết quả là của Chúa, nên phần thưởng của chúng ta đều như nhau (I Cô-rinh-tô 3:5-9).
  3. Đối với Chúa, người tin Chúa Jêsus là một thầy tế lễ làm mối thông công với Đức Chúa Trời và anh em trong Chúa (I Phi-e-rơ 2:9-10)

Từ ĐOẠN 5 ĐẾN 8
Một bộ ba xuất hiện trong các đoạn nầy:
ĐOẠN 5
Trong 4 đoạn đầu, Đức Chúa Trời đã thiết lập Trại quân cho Chúa, vì vậy, để được ở trong Trại quân của Đức Chúa Trời Chí Thánh, bắt buộc phải là những người thánh, tiêu biểu là có 3 thứ không được ở trong Trại của Đức Chúa Trời.

  1. Hạng người thứ 1 không được ở trong Trại của Đức Chúa Trời, đó người ô uế bởi mắc ba thứ bịnh: bịnh phung, bịnh bạch trược [một bịnh tình dục mưng mủ dễ lây nhiễm], và người đụng đến xác chết đã bị ô uế. Nhìn thì có vẻ tôn giáo, nhưng xét rõ thì Chúa hoàn toàn bảo vể công đồng dân Chúa, một tập thể quá đông đang ở chung nhau, nếu không cẩn thận chắc chắn gây nên những đại dịch.
  2. Hạng thứ hai không được ở trong Trại của Đức Chúa Trời là hạng người dối trá (5:5-10. Đối với người chưa tin Chúa thì sự dối trá là chuyện bình thường, đôi khi được chấp nhận là việc nên làm. Nhưng đối với Đức Chúa Trời thì nói dối là một tội nặng như thờ hình tượng. Chúa Jêsus phán với người Giu-đa khi Ngài còn trên đất: “Các ngươi bởi cha mình, là ma quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa muốn của cha mình. Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44). Và Kinh thánh ghi lại hình phạt nặng dành cho kẻ nói dối như Chúa phạt A-na-nia và Sa-phi-ra (Công vụ 5:5, 10). Kinh thánh chỉ ghi A-na-nia và Sa-phi-ra ngã xuống và tắt hơi, nhưng chắc chắn cái chết của vợ chồng họ phải ghê gớm khủng khiếp lắm, vì từ đó trong Hội thánh không ai dám dâng hiến giả dối như họ, đến nỗi người nào nghe tin cũng vậy. Và Khải. 21:8 đã ghi tội nói dối chung với các tội đáng ở Hồ Lửa là sự chết thứ hai.
  3. Hạng thứ ba không được ở trong Trại của Đức Chúa Trời là hạng nghi ngờ nhau. Ở giữa một cộng đồng mà không tin nhau thì làm sống được (5:11-31), cho nên phải kiểm tra những nghi ngờ đạo đức.

ĐOẠN 6.
Đặc biệt trong Cộng Đồng dân Chúa phải là những người giống như người Na-xi-rê, dù họ không phải giữ những vị trí chức sắc tôn giáo, nhưng người thuộc Chúa phải có đời sống thánh, nghĩa là đời sống biết riêng mình cho Đức Giê-hô-va: phải kiêng rượu và vật uống say... nói như Phao-lô: “Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ,… tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục… Người Na-xi-rê tình nguyện dâng mình cho Chúa để phục vụ Chúa, không phải để tìm chỗ đứng.
ĐOẠN 7 VÀ ĐOẠN 8.
Với đoạn 7 dài ghi từng quan trưởng các chi phải dâng hiến cho Chúa. Họ tình nguyện dâng, số dâng ghi rõ, sự dâng hiến là bổn phận như nhau không kể giàu nghèo, do lòng yêu mến Chúa mà dâng. Tôi thích hình ảnh gương mẫu nầy của các quan trưởng, họ làm gương cho dân Chúa, như lời Chúa qui định (I Tim. 3:1-13; 4:12).
Đoạn 8 được kế tiếp đoạn 7 với lời Chúa dạy các thầy tế lễ về Đèn trong Đền Tạm. Đèn bằng vàng đánh giát – Quý và sạch (II Tim. 2:20-21). Người sống trong Trại là vàng đánh giát – sáng bóng, sạch, nhất là các quan trưởng, nghĩa là phải làm gương, làm gương ngay sự dâng hiến (Math. 5:13-16; Phi-líp 2:14-16). Kỳ diệu thay tất cả phải như một người Lê-vi (I Phi. 2:9-10).
ĐOẠN 9 ĐẾN ĐOẠN 10:10
Bộ ba lần nầy liên quan đến sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên, từ việc cứu chuộc họ ra khỏi nhà nô lệ Ai Cập với Lễ Vượt Qua, rồi Chúa lại tiếp tục dẫn dắt dân Chúa trong hành trình về Đất Chúa đã hứa, với Trụ Mây và Trụ Lửa, cũng như qua Hai Ống Loa, sự dẫn dắt vửa thấy được vừa nghe được, ngoài sinh sống hằng ngày.
Bộ ba nầy mặc khải sự cứu rỗi mà Chúa Jêsus Christ dành cho người tin Ngài. Rất tiếc là người tin Chúa Jêsus ngày nay chỉ biết có 1/3, nghĩa là tin Chúa để được tha tội, được thoát khỏi làm nô lệ cho ma quỉ, nhưng rất ít người biết và hưởng được hai sự dẫn dắt của Chúa.
ĐOẠN 11 ĐẾN ĐOẠN 14
Bộ ba nầy đáng buồn nhất, Bộ Ba Lằm Bằm. Bắt đầu với đoạn 11, vì cớ bọn dân tạp – hình bóng về bản tánh cũ, sự cám dỗ của xác thịt (11:4) khiến dân Chúa lằm bằm khi vừa mới bắt đầu hành trình mới. Đoạn 12, sự lằm bằm nổi lên từ trong gia đình với sự ganh tị của chị chồng em dâu, của Mi-ri-am với vợ Môi-se.
ĐOẠN 13 ĐẾN ĐOẠN 14
Sự lằm bằm lần nầy thật khủng khiếp phát xuất từ lòng vô tín, dù ma-na Chúa cho vẫn có hằng ngày, nước uống, thịt ăn, Đất Hứa thật đượm sữa và mật, nhưng dân Y-sơ-ra-ên không tin Chúa có thể cho họ chiếm được Đất Hứa. Hậu quả là bị phạt 40 ngày do thám thành 40 năm lang thang để chết.
ĐOẠN 20
Đoạn 20 là đoạn buồn vì Bộ Ba Lãnh Đạo dân Y-sơ-ra-ên sau 40 năm lang thang, góp công rất lớn, có thể có công lớn nhất, trong đó Nữ Tiên tri Mi-ri-am qua đời (20:1), người thứ hai là Môi-se bị phạt sẽ qua đời trước khi vào Đất Hứa (20:12), và người thứ ba là A-rôn qua đời (20:28-29).
ĐOẠN 22 ĐẾN ĐOẠN 24
Ba đoạn nầy ghi lại Bộ Ba Hiểm Họa từ một Tiên tri tham tiền tên Ba-la-am. Kinh thánh dùng ba từ để nói về hiểm họa từ Ba-la-am:

  1. Hiểm họa thứ 1 - Dân số ký 22:32, thiên sứ của Đức Giê-hô-va phán với Ba-la-am: “… Nầy, ta đi ra đặng cản ngươi, vì ta thấy ngươi đi theo một con đường dẫn mình nơi hư nát”, con đường của một tiên tri biết Đức Chúa Trời nhưng thích tiền bạc và sự tôn trọng của loài người (22:15-19). Thư IIPhi-e-rơ 2:15 nhắc lại, “Chúng nó [tức những kẻ cả gan, tự đắc, nói hỗn các bậc tôn trọng mà không sợ… cũng như con vật không biết chi… hay chê bai điều mình không biết…, dường ấy chúng nó lãnh lấy tiền công về tội ác mình. Chúng nó lầy sự chơi bời giữa ban ngày làm sung sướng… I Phi. 2:10b-14] đã bỏ đường thẳng mà đi sai lạc theo đường Ba-la-am, con trai Bô-sô, là kẻ tham tiền công của tội ác”.
  2. Hiểm họa thứ 2 –  Thư Giu-đe câu 11 đã phán: “Khốn nạn thay cho chúng nó [tức những kẻ hễ điều gì không biết thì khinh dể hết; và mọi điều chúng nó tự nhiên mà biết cũng như con thú vật vô tri, thì dùng mà làm hư mình] vì đã theo đường của Ca-in, lấy lòng tham lợi mà gieo mình vào sự sai lạc của Ba-la-am; và bị hư mất về sự phản nghịch của Cô-rê”. Sự sai lạc của Ba-la-am cũng như của Ca-in, Cô-rê, là biết mình làm sai, nhưng không chịu ăn năn, dù Chúa đã cảnh cáo nhiều lần (Dân số ký 22:12, 22; 23:12, 26, và chính Ba-la-am cũng thấy rõ – 24:1).
  3. Khải huyền 2:14 gọi một điều liên quan với Ba-la-am là “Đạo Ba-la-am”. Đạo Ba-la-am là ‘Đạo’ gì? Chúa phán: “Nhưng điều ta quở trách ngươi: vì tại đó, ngươi có kẻ theo đạo Ba-la-am, người ấy dạy Ba-lác đặt hòn đá ngăn trở trước mặt con cái Y-sơ-ra-ên, đặng dỗ dành chúng nó ăn thịt cúng thần tượng và rủ ren làm điều dâm loạn”. Một Ba-la-am biết Đức Chúa Trời nhưng đời sống vì tiền bạc và danh vọng từ loài người ban cho làm gương xấu ngăn trở người ta tin Chúa (Math. 23:13, 15).

Con đường Ba-la-am quá dài, kéo đến Tân Ướcvà kéo đến Hội thánh thời cuối cùng trước khi Chúa Jêsus Christ tái lâm, con đường của những người thích tiền bạc và danh vọng từ loài người ban cho. Một cảnh cáo quan trọng biết bao!