Bài Giảng

Sự Bình An Thật


Kinh Thánh: Giăng 14:25-31.
Câu gốc: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; Ta ban sự bình an Ta cho các ngươi; Ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.” (Giăng 14:27).

Giới Thiệu:
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất an. Chúng ta thường nghe những tin tức xấu đang xảy ra khắp mọi nơi. Chúng ta đã nghe Nikolas Cruz 19 tuổi bị trường Trung Học Marjory Stoneman Douglas ở Florida đuổi đã cầm súng đến trường bắn chết 17 người lớn và nhỏ.

      Thiên tai bão lụt và còn nhiều điều khác nữa đang xảy ra, làm cho con người bối rối và sợ hãi, vì không biết tương lai của mình sẽ ra sao? Ai cũng mong ước được bình an, nhưng sự bình an thật không đến từ những con người ở thế gian này, vì “Chúng nó rịt vít thương cho con gái dân Ta cách sơ sài, nói rằng: Bình an, bình an! Mà không bình an chi hết” (Giê-rê-mi 8:11).

      Đó là lý do mà quý vị và tôi không thể tìm thấy được sự bình an thật ở thế gian này. Sự bình thật là một trong 9 bông trái của Đức Thánh Linh, mà Chúa Jêsus đã để lại và ban cho môn đệ Ngài cũng như ban cho chúng ta. Chúng ta phải nhận sự bình an thật này, thì lúc đó chúng ta mới có thể chia sẻ lại cho những người chung quanh.

Chúng ta cùng nhau suy gẫm những điểm chính trong phân đoạn Kinh Thánh này như sau:

I. Chúa Jêsus là Sự bình an.

      Trước khi Chúa Jêsus về trời thì Ngài để lại cho môn đệ sự bình an. Vì Ngài là sự bình an và ai ở trong Ngài sẽ kinh nghiệm được sự bình an thật. Chúa Jêsus đã chết thế cho tội lỗi của tất cả nhân loại trên thập tự giá, nhưng cũng sẽ có người bất an, ngã lòng khi đương đầu với thử thách, bắt bớ, hoạn nạn ở thế gian này.

       Không ai hiểu nỗi có những người thành công về địa vị danh vọng, giàu sang ở đời này lại kết liễu cuộc đời mình. Nếu họ có sự bình an thật thì tại sao họ phải làm như vậy? Sự bình an là gia tài của Chúa Jêsus để lại cho môn đệ Ngài, không phải để họ làm của hồi môn nuôi sống bản thân trong khi hầu việc Ngài, nhưng để trấn an họ khi đương đầu với thử thách hoạn nạn.  

      Chúa Jêsus đã biết trước là những người theo Ngài sẽ gặp bắt bớ và khó khăn rồi cũng sẽ bối rối ngã lòng. Cho nên, Chúa không những để sự bình an lại cho họ, nhưng ban cho họ sự bình an để vượt qua được những hoạn nạn, khó khăn mà không sợ hãi. Chúa Jêsus đã cho họ biết rằng Ngài sẽ về với Đức Chúa Cha y như Ngài đã phán với họ, Ta đã nói những điều đó với các ngươi đang khi ta còn ở cùng các ngươi.” (Câu 25).

      Chúa Jêsus hứa với môn đệ rằng: Ngài đi để sắm sẵn một chỗ cho những kẻ yêu mến Chúa và vâng giữ điều răn của Ngài. Chúa Jêsus đi về cùng Cha “Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi.” (Câu 26).
Ở một thời điểm khác Chúa Jêsus cũng đã phán với họ: “Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu ta không đi, Đấng Yên ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu; song nếu ta đi, thì ta sẽ sai Ngài đến.” (Giăng 16:7). Có Chúa Jêsus là có sự bình an vì chính Ngài là sự bình an. Hơn nữa có Đức Thánh Linh ở cùng và dạy dỗ mọi sự thì không có điều gì làm cho chúng ta phải sợ hãi.

      Sự bình an thật là gia tài của Chúa Jêsus để lại cho môn đệ và cho mỗi chúng ta. Cho dù, chúng ta có lấy hết các vật quý giá nhất ở thế gian này, cũng không mua được sự bình an thật. Chúa  đã để sự bình an lại cho chúng ta, và Ngài cũng ban cho chúng ta sự bình an bởi ân điển của Ngài. Khi chúng ta bằng lòng nhận lấy sự bình an của Chúa thì tôi và quý vị sẽ bình an khi đương đầu với nghịch cảnh.

     Sở dĩ chúng ta còn bối rối và sợ hãi khi đương đầu với hoạn nạn, vì chúng ta chưa thật sự kinh nghiệm được tình yêu của Chúa Jêsus. Chúa Jêsus không chỉ để lại sự bình an cho chúng ta, mà Ngài còn cầu nguyện với Chúa Cha, Con không ở thế gian nữa, nhưng họ còn ở thế gian, và Con về cùng Cha. Lạy Cha thánh, xin gìn giữ họ trong danh Cha, là danh Cha đã ban cho Con, để họ cũng hiệp làm một như chúng ta vậy” (Giăng 17:11).

     Chúa đã để lại sự bình an và Ngài cũng ban sự bình an cho chúng ta. Ngài cũng nhấn mạnh đó là “sự bình an Ta,” Nói rõ hơn là s bình an thật là của Chúa.
       II. Sự bình an của Chúa.
     Bình an của Chúa dựa vào sư tin cậy, chứ không dựa trên thiên tai hay bão tố của cuộc đời. Cuộc đời của mỗi con người sẽ có lúc thăng và sẽ có lúc trầm lặng, cho nên, nó sẽ làm cho mình lo lắng bất an khi giống tố cuộc đời đến với mình.

      Kinh Thánh thuât lại câu chuyện sứ đồ Phao-lô và các tù nhân khác trên con đường đến Phê-nít là cảng của đảo Cơ-rết. Phao-lô đã khuyên thầy đội là không nên đi đường biển trong lúc này vì sẽ gặp bão tố, Nhưng thầy đội tin lời người lái tàu và chủ tàu hơn là lời Phao-lô nói.” (Công-vụ 27:11). Cuối cùng họ đã gặp bão dữ dội và chống lại gió chẳng nỗi, nên họ để mặc cho theo chiều gió.
     “vì bão cứ thổi cũng mạnh như vậy luôn, họ bèn quăng hàng hóa xuống biển. Ngày thứ ba, chúng ta dùng chính tay mình quăng đồ đạc trong tàu xuống biển. Trong mấy ngày mặt trời chẳng có, ngôi sao cũng không, mà bão thì vẫn thổi ào ào luôn, đến nỗi chúng ta chẳng còn trông cậy được cứu nữa.” (Công-vụ 27:18-20). 

       Tất cả những người trên tàu đều bối rối sợ hãi, chỉ có Phao-lô là bình an vì ông không dựa vào hoàn cảnh mà tin cậy vào Chúa, cho nên, ông khuyên họ, Vậy, hỡi các ông, hãy vững lòng, vì ta có lòng tin cậy Đức Chúa Trời rằng sẽ xảy ra như lời Ngài đã phán vậy;” (Công-vụ 27:25). Phao-lô tin cậy vào Chúa và không đòi hỏi Chúa cho thấy những sự việc sẽ xảy đến như thế nào rồi mới tin. Ông chỉ tin cậy rằng Chúa sẽ đưa họ đến nơi bình yên, và thật đúng như điều Phao-lô đã tin và cuối cùng Chúa đưa mọi người trên tàu vào nơi bình an.

     Bình an của Chúa cho phép những nan đề, hoạn nạn xảy ra. Gióp là nhân chứng cho điều này. Ông đã trãi qua biết bao nhiêu đau đớn tuyệt vọng. Không có tuyệt vọng nào cho bằng trong một ngày 7 người con yêu mến Chúa của ông đều chết. Tất cả tài vật ông có đều tiên tán. Gióp nói mọi sự là của Chúa. Chúa cho và Chúa có quyền lấy lại. Ông chỉ biết cầu xin Chúa đừng lìa bỏ ông.
Tôi và quý vị sẽ gặp những nan đề, hoạn nạn như Gióp. Cho nên, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần và cầu xin Chúa cho mình có sức chịu đựng khi đương đầu với bão tố đến với cuộc đời mình. Chúng ta có thể nói như sứ đồ Phi-e-rơ rằng Chúa biết con yêu Chúa, dù cho ai có bỏ Chúa chứ con thì không? Nhưng rồi Phi-e-rơ đã chối Chúa khi đối diện với những kẻ bắt bớ Chúa.

Tôi và quý vị muốn nói gì thì nói, nhưng khi đối diện với những kẻ chống Chúa thì mình sẽ xử lý như thế nào? Chúng ta có dám đương đầu, và bằng lòng vác thật tự gía đi với Chúa không? Chúng ta là con cái của Chúa, chúng ta phải hiểu rõ rằng sự bình an của Chúa không phải như sự bình an mà thế gian ban cho, cho nên, lòng của chúng ta chớ bối rối và đừng sợ hãi.

Tôi và quý vị phải hiểu rằng sự bình an của Chúa không giống như sự bình an của thế gian   
       III. Sự bình an của thế gian.
Sự bình an của thế gian tùy thuộc vào cảm xúc. Câu chào hỏi thông thường hằng ngày là anh chị có khoẻ không? Nếu họ trả lời là tôi khoẻ thì mình tạm cho là họ đang bình an. Nếu họ trả lời không khoẻ  rồi kể lể hết chuyện buồn này đến chuyện buồn khác thì mình biết ngay là người này đang bất an. Nói tóm lại sự bình an bởi cảm xúc thì chỉ bình an trong thuận cảnh, còn khi gặp hoạn nạn khó khăn thì sẽ lo lắng sợ hãi.

       Thế gian có sự bình an và cũng có sự bất an. Ngược lại ở trong Chúa Jêsus chúng ta có sư bình an, và không bao giờ cảm thấy bất an khi mình hết lòng tin cậy vào Chúa. Sự bình an của thế gian sẽ biến mất và bối rối sợ hãi, khi nghịch cảnh bủa vây.

        Sự bình an của thế gian đòi hỏi phải nhìn thấy. Thí dụ: Tôi phải thấy không có chiến tranh xảy ra thì tôi mới tin là hoà bình yên ổn. Tôi phải thấy con cái yêu thương hoà thuận với nhau, thì mới dám nói rằng gia đình chúng tôi rất bình an. Tôi phải thấy tất cả thành viên trong gia đình của tôi không lo lắng về của cải vật chất trong cuộc sống hằng ngày thì tôi mới dám khẳng định rằng gia đình chúng tôi được bình an.

      Sự bình an của thế gian không cho phép bị bắt bớ, hoạn nạn, đau buồn xảy ra trong cuộc đời của họ. Nếu họ luôn gặp những chuyện buồn phiền đến với họ, thì họ sẽ gọi là bất an chứ không thể gọi là bình an được. Sự bình an của thế gian là khi vợ chồng ăn ở hoà thuận với nhau. Vợ chồng mà thường gây gổ với nhau, thì sự bình an sẽ biến mất, thay vào đó toàn là những điều phiền muộn, rồi đâm ra bối rối lo lắng và sợ hãi.

      Thông thường thì khi người ta gặp những chuyện đau buồn đến với mình, thì điều trước tiên là họ tự mình cố gắng giải quyết những nan đề đó. Thật ra không phải lúc nào chúng ta cũng giải quyết được hết những nan đề đâu. Đó là lý do mà Chúa Jêsus khuyên, Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:28).

       Sự bình an của thế gian tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, nhưng sự bình an của Chúa tuỳ thuộc vào sự tin cậy vào lời Chúa phán: “Các ngươi từng nghe ta nói rằng: Ta đi, và ta trở lại cùng các ngươi. Nếu các ngươi yêu mến ta, thì sẽ vui mừng về điều ta đi đến cùng Cha, bởi vì Cha tôn trọng hơn ta.  Hiện nay ta đã nói những điều đó với các ngươi trước khi xảy đến, để khi những điều đó xảy đến thì các ngươi tin.” (Câu 28-29).  

      Sự bình an của thế gian không đem cho chúng ta sự vui thoả lâu dài. Đó là lý do mà Chúa Jêsus phán: Ta sẽ chẳng nói chi với các ngươi nữa, vì vua chúa thế gian nầy hầu đến; người chẳng có chi hết nơi ta. Nhưng thế gian phải biết rằng ta yêu mến Cha, và làm theo điều Cha đã phán dặn. Hãy đứng dậy, chúng ta phải đi khỏi đây.” (Câu 30-31).  Chúa sẽ không khuyên phải đi khỏi đó, nếu ở đó có sự bình thật.

Kết Luận:
Tạ ơn Chúa đã cho tôi học được bài học về sự bình an thật. Tôi đã gặp nhiều chuyện buồn phiền trong tuần vừa qua, nhưng tôi cương quyết không bối rối. Tôi tin rằng đây là điều Chúa cho phép xảy ra để dạy tôi một điều gì đó. Thứ Năm vừa qua tôi đã bị một tai nạn xảy ra ở sở làm, nhưng Chúa đã gìn giữ được mọi sự bình an. Ba giờ sáng thứ Sáu, tôi nghe điện thoại từ người mướn nhà báo rằng cây đã bị gió thổi ngã vào nhà. Cho nên, suốt cả ngày thứ Sáu, tôi như con lật đật, làm hết chuyện này đến chuyện khác không có thì giờ để nghỉ ngơi.

      Tạ ơn Chúa ban cho tôi sự bình an, vì tôi không nhìn vào những điều xấu đang xảy ra, nhưng  nhìn vào những điều tốt. Điều xấu là cây lớn ngã vào nhà, nhưng mọi người ở trong nhà đều bình yên vô sự. Nếu có người bị cây ngả đè chết ở trong nhà thì sự việc sẽ tệ hơn.

Chúa Jêsus là sự bình an và ai ở trong Ngài sẽ được sự bình an mà Chúa đã để lại và ban cho. Sự bình an của Chúa ban cho không giống như sự bình an thế gian cho. Sự bình an thật Chúa Jêsus ban cho không tuỳ thuộc vào hoàn cảnh.

      Chúa Jêsus đã chết thế cho tội lỗi của nhân loại thập tự giá, cho nên, sự bình an của Ngài ban cho môn đệ chính là sự an bình trong tâm hồn vì họ được thoát khỏi gánh nặng của tội lỗi. Dù bên ngoài họ phải đương đầu với bao nhiêu thử thách, hoạn nạn, nhưng trong lòng họ vẫn cảm thấy bình an thanh thản với Chúa. Đó chính là lý do mà Chúa căn dặn môn đệ: “Ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.”

Nguyện xin Lời Chúa ở cùng với tất cả quý vị.

Muốn thật hết lòng.

 

URL Counter