Chịu Thương Khó Với Chúa
Kinh Thánh: I Phi-e-rơ 4:12-19.
Câu Gốc: “Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong xác thịt, thì anh em cũng phải lấy sự đó làm
giáp trụ, vì người nào đã chịu khổ trong xác thịt, thì đã dứt khỏi tội lỗi,”
(I Phi-e-rơ 4:1).
Cầu Nguyện:
Giới Thiệu:
Nếu tôi và quý vị muốn biết Chúa Jêsus chịu thương khó như thế nào thì mình nên chịu thương khó với Chúa để kinh nghiệm sự khổ nạn mà Chúa Jêsus đã chịu. Dĩ nhiên, tôi và quý vị không làm sao kinh nghiệm được hết những gì Chúa Jêsus đã cam chịu đâu, nhưng ít ra chúng ta cũng cảm thông với Chúa một phần trong sự thương khó của Ngài.
Bây giờ xin quý vị cùng tôi suy gẫm 4 chữ “C” như sau:
Chữ “C” đầu tiên là:
I. Chớ lấy làm lạ.
Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên “Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường.” (Câu 12). Đã là con cái Chúa thì chớ lấy làm lạ khi ở trong lò lửa thử thách, vì khi chúng ta đương đầu với thử thách, thì lúc đó chúng ta mới có thể thấy sự thương khó mà Chúa Jêsus đã cam chịu vì tội lỗi của mỗi chúng ta.
Dầu vậy, các tín hữu ban đầu vẫn lấy làm lạ tại sao Chúa vẫn tiếp tục để họ chịu bị hoạn nạn và thử thách, trong khi đó Chúa lại để cho những kẻ ác tự do bách hại con dân Ngài. Họ tin Chúa Jêsus là Đấng sống lại từ cõi chết, là Vua trên muôn vua, là Chúa muôn Chúa thì không có lý do gì mà Chúa lại không bảo vệ họ từ tay những kẻ làm ác này.
Tôi và quý vị có lấy làm lạ khi mình hết lòng tin cậy Chúa và thờ phượng Ngài, nhưng cũng phải đương đầu với bao nhiêu thử thách không? Chúng ta có lấy làm lạ tại sao Chúa để cho những người không tin Chúa và không thờ phượng Ngài lại được thạnh vượng trong cuộc sống ở đời này không?
Vua Đa-vít đã hết lòng tin cậy Chúa, cũng đã lấy làm lạ khi Chúa để cho kẻ dữ ức hiếp tôi con dân Ngài. Chúa trả lời vua Đa-vít như sau: “Chớ phiền lòng vì cớ kẻ làm dữ, Cũng đừng ghen tị kẻ tập tành sự gian ác. 2 Vì chẳng bao lâu chúng nó sẽ bị phát như cỏ, Và phải héo như cỏ tươi xanh. 3 Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành; Khá ở trong xứ, và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài.” (Thi-thiên 37:1-3).
Chúa khuyên vua Đa-vít đừng phiền lòng và ghen tị, vì những kẻ gian ác chỉ thạnh vượng trong cuộc sống tạm thời ở trần gian này mà thôi. Còn cuộc đời của những người tin Chúa, tuy gặp khó khăn và thử thách, nhưng hãy tin cậy Chúa và làm điều lành thì sẽ nhận phần thưởng đời đời như lời Ngài đã hứa ban cho những người chịu đựng được lò lửa thử thách.
Cuộc đời của Áp-ra-ham cũng đã chịu bao nhiêu hoạn nạn, thử thách, nhưng sau mỗi thử thách đó Chúa đều có lời hứa cho Áp-ra-ham. Chúng ta cũng chớ lấy làm lạ khi phải đương đầu với thử thách, vì thử thách sẽ giúp cho mỗi chúng ta kinh nghiệm sự khổ nạn mà Chúa Jêsus đã cam chịu, để rồi chúng ta có thể dự phần trong sự chịu thương khó với Chúa.
Chữ “C” thứ hai chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm là:
II. Có phần.
“Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót.” (Câu 13). Chúng ta sẽ vui mừng nhảy nhót nhiều hay ít là tùy thuộc vào mình có phần bao nhiêu trong sự thương khó của Chúa. Tại sao, chúng ta vui mừng nhảy nhót trong ngày vinh hiển của Chúa Jêsus hiện ra, vì chúng ta sẽ không còn chịu bất cứ sự khổ nạn nào nữa.
Chúa cho mỗi chúng ta quyền tự do chọn không có phần gì trong sự thương khó của Ngài, nhưng chúng ta sẽ nhận lãnh tùy vào sự chọn lựa của mình. Chọn không chịu thương khó với Chúa thì chúng ta không cần phải lo lắng sống làm sao để được đẹp lòng Chúa, nhưng đây có phải là sự lựa chọn khôn ngoan cho cuộc đời của chúng ta không?
Chúa Jêsus dùng hình ảnh gốc nho và nhánh nho để cho chúng ta thấy mối liên hệ giữa Chúa và chúng ta. Nếu chúng ta quyết định không có phần gì với Chúa thì chúng ta sẽ không hấp thụ được sự sống thật từ nơi Ngài. Chúa Jêsus phán rằng: “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được. 6 Nếu ai chẳng cứ trong ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy.” (Giăng 15:5-6).
Thật sự mà nói, không ai thích chọn chịu thương khó với Chúa Jêsus đâu, nhưng nếu chúng ta chấp nhận có phần trong sự thương khó của Đấng Christ, thì chắc chắn chúng ta sẽ sống đời đời với Ngài trong nước thiên đàng. Tại sao con cái của Chúa thật mới chịu thương khó, vì “người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi.” (Giăng 15:18). Vậy nếu chúng ta muốn biết Chúa yêu mình đến mức độ nào, thì hãy chọn có phần trong sự thương khó của Đấng Christ, để thấy rõ tình yêu mà Chúa dành cho tôi và quý vị qua sự thương khó của Ngài, .
Chữ “C” thứ ba chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm là:
“Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em.” (Câu 14). Phước trần gian hoàn toàn khác hẳn với phước từ Chúa, cho nên, tôi và quý vị muốn có phước từ Chúa, thì mình phải chấp nhận chiụ sỉ nhục vì cớ danh Đấng Christ.
Nếu chúng ta không chịu sỉ nhục vì cớ danh Chúa, thì cũng nên xưng Chúa ra trước thiên hạ, mà Chúa Jêsus đã phán:“Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời;”(Ma-thi-ơ 10:32). Không có phước hạnh nào cho bằng khi mình chấp nhận chịu sỉ nhục vì cớ danh Chúa.
Ngày nay, có nhiều người xưng mình là tôi tớ Chúa, nhưng hầu việc Chúa như một công việc, chứ không phải vì danh Chúa mà làm. Hầu hết người hầu việc Chúa nào cũng thích chọn một Hội Thánh lớn để quản nhiệm. Nhưng Chúa Jêsus phán rằng: “Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy” (Ma-thi-ơ 5:12). Vậy thì người có phước là người chịu bị bắt bớ vì cớ danh Chúa, chứ không phải vì lợi ích của mình.
Hầu việc Chúa mà không chấp nhận chịu khổ vì cớ danh Chúa thì chẳng nhận một phần thưởng nào ở trên trời. “Vậy, khi ngươi bố thí, đừng thổi kèn trước mặt mình, như bọn giả hình làm trong nhà hội và ngoài đường, để được người ta tôn kính. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi.” (Ma-thi-ơ 6:2).
Nhiều người ngoại đạo cho rằng họ có phước hơn con dân Chúa. Vì họ không thờ phượng Chúa nhưng vẫn có công việc làm tốt, có nhà cao cửa rộng, giàu có thịnh vượng v.v.. Nhưng họ không biết rằng phước họ có chỉ là tạm thời như lời: “Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?” (Lu-ca 12:20).
Chữ “C” cuối cùng là:
III. Chịu khổ.
“Trong anh em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm cướp, như kẻ hung ác, như kẻ thày lay việc người khác.” (Câu 15). Chúng ta chịu khổ vì cớ danh Chúa, chứ không chịu như những kẻ đã kể trên.
Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết “Nhưng nếu có ai vì làm tín đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn; thà hãy vì danh ấy ngợi khen Đức Chúa Trời là hơn.” (Câu 16). Tại sao chúng ta phải hổ thẹn “Vì thời kỳ đã đến, là khi sự phán xét sẽ khởi từ nhà Đức Chúa Trời; vả, nếu khởi từ chúng ta, thì sự cuối cùng của những kẻ chẳng vâng theo Tin Lành Đức Chúa Trời sẽ ra thế nào? 18 Lại nếu người công bình còn khó được rỗi, thì những kẻ nghịch đạo và có tội sẽ trở nên thế nào?” (Câu 17-18).
Chịu thương khó với Chúa là sẳn sàng chấp nhận chịu khổ vì Chúa để được cứu rỗi bởi sự hy sinh của Chúa Jêsus trên thập tự giá vì tội của mỗi chúng ta. “Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo hóa thành tín.” (Câu 19). Chịu khổ với Chúa về thân xác hay hư nát này dẻ đổi lấy linh hồn đời đời trên nước thiên đàng là điều phước hạnh vô cùng mà mỗi chúng ta cần suy nghĩ đến.
Thân xác của chúng ta dù tốt đẹp đến đâu đi nữa thì cũng sẽ trở về với bụi đất sau khi lìa cõi tạm ở trần gian này. Nhưng linh hồn của mỗi chúng ta là sinh linh của Đức Chúa Trời ban cho, cho nên, linh hồn sẽ không bao giờ chết. Linh hồn sẽ ở với Chúa đời đời trên thiên đàng hay ở địa ngục với ma quỉ đời đời. Ngày nào chúng ta còn sống, là chúng ta còn cơ hội chọn cho số phận của linh hồn mình. Chứ sau khi qua đời, thì chúng ta có muốn chịu thương khó với Chúa cũng chẳng còn cơ hội nữa.
Những tôi con dân Chúa nào chấp nhận chịu thương khó với Chúa, sẽ nhận mão triền thiên của sự sống trong ngày phán xét của Chúa, và sẽ ở với Đức Chúa Trời trên thiên đàng. Cho nên, tôi và vị đừng ngại khi phải chịu khổ về thân xác này vì cớ danh Chúa, vì linh hồn của chúng ta quý trọng hơn cả thế gian này.
Kết Luận:
Khi Chúa Jêsus sai các môn đệ ra đi thì Ngài đã cảnh báo rằng họ sẽ như chiên đi giữa bầy muôn sói. Chiên đi giữa muôn sói thì dữ nhiều hơn lành. Cho nên, chúng ta ở trong lò lửa thử thách thì chớ lấy làm lạ. Dù chúng ta ở trong lò lửa thử thách, cũng đừng nản lòng, nhưng hãy tìm cách có phần trong sự thương khó của Đấng Christ. Nếu tôi và quý vị muốn có phước tạm thời ở trần gian này thì mình không cần chịu thương khó với Chúa. Nhưng nếu chúng ta muốn có phước từ nơi Chúa ban cho thì chúng ta phải chấp nhận chịu khổ với Chúa Jêsus cho đến khi Ngài trở lại trần gian này.
Chúa Jêsus đã bằng lòng từ bỏ ngôi cao sang trên trời, giáng thế làm người và thậm chí chết thế cho tội lỗi của nhân loại trên thập tự giá. Chúa Jêsus đã chịu thương khó để chúng ta được sống. Chúng ta chỉ cần tin và chịu thương khó với Chúa thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận được sự sống đời đời và ở với Ngài trên nước thiên đàng.
Tôi xin hỏi quý vị nào sáng hôm nay muốn tiếp nhận Chúa Jêsus làm cứu Chúa của mình để được cứu và ở với Đức Chúa Trời trên trời.
Tôi xin hỏi quý vị nào đã tin Chúa nhưng chưa chấp nhận chịu thương khó với Ngài. Nay hứa chịu thương khó với Chúa để chớ lấy làm lạ và có phước và nhận phần thưởng khi Chúa Jêsus tái lâm về những gì mình chịu khổ với Ngài.
Muốn thật hết lòng.
Mục sư Võ Lộc
|